Cùng Lead The Change điểm qua những tin tức thú vị hôm nay:
- Thành phố nào có nhiều tỷ phú USD nhất thế giới?
- 50% công ty tăng trưởng nhanh nhất thế giới nằm ở châu Á
- Cổ phiếu Uber rớt mạnh trong phiên chào sàn
- Phó Chủ tịch Vingroup: VinSmart đang khởi công nhà máy điện thoại 100 triệu máy/năm, hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G
Thành phố nào có nhiều tỷ phú USD nhất thế giới?
Theo báo cáo 2019 Billionaire Census mới được Wealth-X công bố, trong năm 2018, 30% tỷ phú thế giới tập trung tại 15 thành phố. Sự phát triển bùng nổ của ngành công nghệ đã giúp lượng tài sản tăng mạnh tại các thành phố, từ San Francisco cho tới Thâm Quyến, theo Business Insider.
Dưới đây là 15 thành phố có nhiều tỷ phú nhất thế giới, trong đó có tới 6 đại diện đến từ khu vực Đông Á.
15. Tokyo (Nhật Bản)
Số lượng tỷ phú: 29
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: -1
Tại Nhật Bản, 81% tỷ phú sống tại Tokyo.
14. Hàng Châu (Trung Quốc)
Số lượng tỷ phú: 31
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: -1
Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo đã giúp số lượng người giàu của thành phố Hàng Châu tăng thêm 25% trong vòng 5 năm qua, theo Wealth Report của Knight Frank. Có tới 26 startup “kỳ lân” (được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) đặt trụ sở tại thành phố này.
13. Istanbul (Thỗ Nhĩ Kỳ)
Số lượng tỷ phú: 32
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: -4
Số lượng tỷ phú tại Istanbul giảm do đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá so với đồng USD và thị trường chứng khoán đi xuống.
12. São Paulo (Brazil)
Số lượng tỷ phú: 33
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: 0
São Paulo là thành phố duy nhất trong danh sách này không có thay đổi về số lượng tỷ phú. Tại thành phố này, không ít tỷ phú sở hữu nhà tại thiên đường biển Santos. Họ cũng thường dùng bữa tại D.O.M. – một trong những nhà hàng đắt đỏ nhất tại São Paulo, theo tờ Independent.
11. Thâm Quyến (Trung Quốc)
Số lượng tỷ phú: 37
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: -2
Việc Thâm Quyến trở thành trung tâm công nghệ của Trung Quốc góp phần đã giúp tài sản của nhiều người giàu tại thành phố này tăng lên. Thâm Quyến hiện là một trong 5 thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất thế giới, theo Financial Times.
9. Mumbai (Ấn Độ) – Đồng hạng
Số lượng tỷ phú: 38
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: -1
Mumbai là thành phố có sự chênh lệch giàu nghèo lớn. Có tới 50% dân số thành phố này sống tại các khu ổ chuột.
9. Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) – Đồng hạng
Số lượng tỷ phú: 38
Tăng/giảm so với năm trước: -2
Số lượng người giàu tại Dubai được dự báo sẽ tăng 60% vào năm 2026, theo Wealth Report của Knight Frank.
7. Los Angeles (Mỹ) – Đồng hạng
Số lượng tỷ phú: 39
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: -2
Các tỷ phú Los Angeles xuất thân trong nhiều ngành, từ công nghệ đến giải trí.
7. Singapore – Đồng hạng
Số lượng tỷ phú: 39
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: -5
Singapore là một trong những thành phố có số lượng tỷ phú giảm mạnh nhất trong danh sách này do thị trường chứng khoán đi xuống. Tại Singapore, vì tài nguyên đất eo hẹp nên việc sở hữu một căn nhà trở thành biểu tượng của sự giàu có. Theo Business Insider, các tỷ phú tại Singapore chi hàng trăm triệu USD để mua nhà tại những khu vực như Orchard Road và Holland Village.
6. Bắc Kinh (Trung Quốc)
Số lượng tỷ phú: 55
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: -2
Thị trường chứng khoán lao dốc trong năm 2018 khiến tài sản của các tỷ phú Trung Quốc giảm đáng kể. Tuy nhiên, số lượng tỷ phú của thành phố này chỉ giảm 2 người.
5. London (Anh)
Số lượng tỷ phú: 65
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: +3
Đồng Bảng Anh tăng giá giúp London có thêm 3 tỷ phú. Tại thành phố này, nhiều tỷ phú sống tại khu vực Kensington Palace Gardens – còn được biết đến là con đường tỷ phú của London và cũng là con phố đắt đỏ nhất của Anh. Giá nhà trung bình tại đây là khoảng 53 triệu USD và có thể lên tới gần 260 triệu USD, theo Knight Frank.
4. Moscow (Nga)
Số lượng tỷ phú: 70
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: +1
Tài sản của các tỷ phú tại Moscow tăng đáng kể nhờ vốn đầu tư và giá dầu tăng. Moscow cũng là ở của tỷ phú giàu nhất tại Nga – Leonid Mikhelson, CEO của tập đoàn Novatek, với tài sản 24 tỷ USD.
3. San Francisco (Mỹ)
Số lượng tỷ phú: 75
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: +1
San Francisco là nơi có tỷ lệ tỷ phú trên đầu người cao nhất thế giới. Một số startup công nghệ đóng trụ sở ở San Francisco dự kiến sẽ lên sàn trong năm nay, được dự báo sẽ giúp gia tăng tổng tài sản cá nhân tại thành phố này.
2. Hồng Kông (Trung Quốc)
Số lượng tỷ phú: 87
Tăng/giảm so với năm trước: -6
Số lượng tỷ phú tại Hồng Kông giảm sau một năm chao đảo của chứng khoán châu Á và chiến tranh thương mại. Các tỷ phú tại thành phố này thường sống tại các dinh thự xa hoa ở những khu dân cư giàu có như The Peak.
1. New York (Mỹ)
Số lượng tỷ phú: 105
Số lượng tăng/giảm so với năm trước: +2
New York là thành phố duy nhất trên thế giới có hơn 100 tỷ phú. Số lượng tỷ phú của thành phố này nhiều hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc và Đức.
50% công ty tăng trưởng nhanh nhất thế giới nằm ở châu Á
10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, châu Á đang phát triển bùng nổ. Được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng giàu có hơn, các công ty tại khu vực này đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng bùng nổ.
Theo dữ liệu của Nikkei, có tới 1.679 công ty tại châu Á tăng trưởng gấp hơn 10 lần về vốn hóa trong thập kỷ qua, chiếm hơn một nửa tổng số trên toàn cầu. Số liệu này không bao gồm các công ty ở Trung Đông, Trung Á và Nhật Bản.
Doanh nghiệp châu Á đang tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế trong khu vực. Trong 10 năm qua, GDP của các nền kinh tế mới nổi châu Á đã tăng trưởng 160%, trong khi tốc độ tăng trưởng toàn cầu là khoảng 30%, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Châu Á cũng là nam châm hút vốn lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài – những người đặt cược vào tăng trưởng của khu vực này.
Tại châu Á (không tính Nhật Bản), Ấn Độ dẫn đầu với 494 đại diện, trong đó chủ yếu là các hãng công nghệ thông tin.
Nổi bật là công ty Tata Consultancy Services với vốn hóa tăng gấp 10 lần lên 108,3 tỷ USD trong thập kỷ qua. Công ty này cũng xây dựng được vị thế dẫn đầu trong các lĩnh vực như điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.
Theo sau Ấn Độ là Trung Quốc với 334 công ty. Trong đó, dẫn đầu là hãng công nghệ Tencent với vốn hóa tăng gấp 33 lần lên 437,8 tỷ USD – mức tăng lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau hãng thương mại điện tử Amazon của Mỹ.
Động lực chính cho sự tăng trưởng ngoạn mục này của Tencent là ứng dụng thanh toán di động và tin nhắn WeChat. Với 1,1 tỷ người dùng, WeChat phủ sóng cả những ngôi làng xa xôi của Trung Quốc. Thông qua ứng dụng này, Tencent đã mở rộng các dịch vụ tạo ra nhiều nguồn doanh thu như game di động, giao đồ ăn trực tuyến, âm nhạc trực tuyến, đặt dịch vụ du lịch.
Cổ phiếu Uber rớt mạnh trong phiên chào sàn
Dù đưa ra mức giá khiêm tốn trong vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hôm thứ Năm, cổ phiếu ứng dụng gọi xe Uber vẫn không tránh được một cú sụt mạnh trong phiên chào sàn ngày thứ Sáu.
Trong ngày đầu tiên là một công ty đại chúng, Uber chứng kiến giá cổ phiếu của công ty niêm yết trên sàn NYSE ở New York sụt 7,6%, đóng cửa ở mức 41,57 USD/cổ phiếu, cho dù chỉ số S&P 500 chốt phiên trong trạng thái tăng.
Theo hãng tin Reuters, diễn biến này một lần nữa làm dấy lên mối hoài nghi ở Phố Wall về giá trị thực sự của các startup “kỳ lân” (có giá trị vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên).
Thành lập 10 năm trước, Uber vốn là startup đắt giá nhất thế giới, có những thời điểm được giới phân tích cho là có thể đạt trị giá 120 tỷ USD, dù công ty này triền miên báo lỗ.
Uber đã cân nhắc tiến hành IPO trong ít nhất 4 năm, nhưng rồi cuối cùng lại chọn thời điểm đúng lúc thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh vì căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Sức ép đối với cổ phiếu Uber càng lớn khi giá cổ phiếu của Lyft – đối thủ của Uber tại Mỹ – lao dốc chóng mặt kể từ sau vụ IPO hồi cuối tháng 3. Cũng giống như Uber, Lyft hầu như chưa bao giờ có lãi.
Sau hai vụ IPO của Lyft và Uber, nhiều startup khác ở Thung lũng Silicon cũng đang rục rịch trở thành công ty đại chúng sau nhiều năm chỉ dựa vào các vòng gọi vốn tư nhân với mức định giá công ty cao ngất ngưởng.
Trong số này phải kể đến ứng dụng nhắn tin công sở Slack, nền tảng giao hàng thực phẩm Postmates, công ty chia sẻ không gian làm việc WeWork và công ty bán lẻ đệm trực tuyến Casper Sleep.
Trái với tình trạng sụt giá cổ phiếu của Uber và Lyft sau IPO, cổ phiếu nhiều công ty khác lên sàn từ đầu năm đến nay đã tăng mạnh, như cổ phiếu của mạng xã hội Pinterest, công ty “thịt thực vật” Beyond Meat, hay công ty hội nghị truyền hình Zoom…
Tuy nhiên, đây đều là những startup nhỏ hơn nhiều so với Uber và không có nhiều vòng gọi vốn tư nhân quy mô “khủng” như Uber.
Phó Chủ tịch Vingroup: VinSmart đang khởi công nhà máy điện thoại 100 triệu máy/năm, hợp tác với đối tác Mỹ để sản xuất điện thoại 5G
Bà Lê Thị Thu Thủy cho biết, trong giai đoạn đầu, Vinsmart lắp đặt máy móc để sản xuất 30 triệu máy/năm, chuẩn bị sản xuất máy tính bảng và nghiên cứu sản xuất điều hoà tivi, tủ lạnh, camera.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Vingroup cho rằng vẫn còn nhiều rào cản khiến công nghệ chưa tạo đột phá như kỳ vọng, vì phát triển công nghệ không chỉ dựa vào ý chí và quyết tâm cao mà còn cần nguồn lực mạnh mẽ và cách triển khai hiệu quả từ Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tháng 8/2018 Vingroup đã chính thức chuyển đổi phát triển mô hình mới theo 3 trụ cột chính là công nghệ, công nghiệp và thương mại dịch vụ, tiến tới trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu trong khu vực trong 10 năm tới.
Sau 8 tháng công bố chuyển đổi, Vingroup đã có một số bước tiến đáng kể trong lĩnh vực công nghệ qua nhiều hướng khác nhau, thiết lập bộ phận nghiên cứu và đầu tư công nghệ mới, có tính ứng dụng cao áp dụng luôn vào các sản phẩm của Tập đoàn.
Vingroup đã thành lập khối công nghệ với nòng cốt là công ty Vintech, VinSmart và VinFast, các viện nghiên cứu. Ngoài ra Vingroup đầu tư vào các start up có tiềm năng để thúc đẩy nghiên cứu công nghệ. Theo bà Thuỷ, VinTech City tới đây sẽ là thung lung Silicon của Việt Nam, nơi ươm mầm công ty công nghệ.
Trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất điện thoại thông minh, Vingroup hợp tác với Google, Qualcomn, Mediatek, BQ đều là đối tác hàng đầu trong ngành mang tới cho Vingroup kinh nghiệm và công nghệ mới nhất.
Về nguồn nhân sự, Vingroup đã góp sức đào tạo nhân lực tinh hoa và thu hút nhân tài Việt thông qua việc kết hợp với 50 trường đại học trong nước, cung cấp học bổng, đào tạo nhân tài CNTT, đào tạo tinh hoa thông qua VinUni, thu hút chất xám Việt và thế giới.
Không chỉ đầu tư trong nước, Vingroup còn mở rộng mạng lưới tại các nước có công nghệ phát triển để dễ dàng tiếp cận và tận dụng lợi thế các quốc gia đi trước, như thành lập mạng lưới viện nghiên cứu VinTech toàn cầu tại Nhật Bản, Hàn Quốc,Israel, Mỹ.
Với cách tiếp cận từ nhiều hướng như trên VinFast đã làm chủ công nghệ phức tạp, năm 2018 VinFast ra mắt 3 mẫu ô tô, cuối 2020, VinFast sẽ đưa 10 mẫu ô tô, xe máy đều do đội ngũ tự thiết kế.
Vingroup cũng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế, chuẩn đoán hình ảnh. Ông Trương Quốc Hùng, giám đốc Công ty VinBrain (thuộc VinTech) nguyên là lãnh đạo cao cấp của Microsoft chủ trì ứng dụng AI kết hợp cùng công nghệ hình ảnh máy tính và công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên giúp giảm tiểu sai sót trong chuẩn đoán. Nếu thành công Vingroup sẽ tặng miễn phí ứng dụng này cho tất cả các bệnh viện trong toàn quốc để áp dụng rộng rãi vì mục đích nhân đạo.