Một trong những cách hữu ích giúp ta hiểu về bản ngã của mình hơn là làm trắc nghiệm tính cách. Đây được coi là một công cụ nền tảng để khám phá những đặc điểm sơ khai nhất của con người, mở đường cho những bước tiến tiếp theo trong việc định hình nhân cách, lối sống và con đường phát triển. Lead The Change đã tổng hợp lại 5 công cụ trắc nghiệm tính cách phổ biến và chính xác nhất. Hãy cùng xem đó là những gì và cùng nhau khám phá bản thân nhé!
1. 16 Personalities
Nằm trong top đầu của danh sách này không gì khác chính là 16 Personalities. 16 personalities được đánh giá là một công cụ đáng tin cậy, đem lại kết quả rõ ràng. Người dùng sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi theo các mức độ từ ‘không đồng ý’ đến ‘rất đồng ý’. Dựa vào thuật toán mà 16 personalities sẽ đưa ra nhận xét về tính cách và định hướng nghề nghiệp nữa.
Những câu hỏi 16 Personalities đưa ra dựa trên hai nền tảng tâm lý học. Một là giả thuyết của nhà phân tâm học nổi tiếng Carl Gustav Jung. Tuy nhiên, 16 Personalities lại không đề cập nhiều đến những chức năng nhận thức. Thay vào đó là nghiên cứu và dung hòa các khía cạnh của mô hình Big Five personality traits – một mô hình có ảnh hưởng lớn trong nghiên cứu tâm lý học xã hội hiện đại. Các chữ cái trên đại diện cho 5 khía cạnh của tính cách ảnh hưởng đến thái độ, hành động, nhận thức và suy nghĩ của bạn, bao gồm:
Mind (tâm trí): Cách thức tương tác với môi trường xung quanh (gồm 2 chữ cái I – Introverted và E – Extraverted).
Energy (năng lượng): Cách chúng ta nhìn nhận thế giới và xử lý thông tin (gồm 2 chữ cái S – Sensing và N – Intuition).
Nature (bản chất): Phương pháp đưa ra quyết định và xử lý với cảm xúc (gồm 2 chữ cái T – Thinking và F – Feeling).
Tactics (chiến thuật): Cách tiếp cận công việc, lập kế hoạch và ra quyết định (gồm 2 chữ cái J – Judging và P – Prospecting ).
Identity (nhận dạng): Mức độ tự tin với năng lực và quyết định của bản thân (gồm A – Assertive và T –Turbulent).
Các đặc điểm tính cách được xếp vào 4 nhóm lớn gồm: Analysts (Nhà phân tích), Diplomats (Nhà ngoại giao), Sentinels (Lính canh), Explorers (Nhà thám hiểm).
Hơn nữa, với việc truyền tải thông qua hơn 30 ngôn ngữ, hoàn toàn miễn phí, cấu hình đơn giản, thân thiện và linh hoạt, 16 Personalities xứng đáng là một “địa chỉ” không thể bỏ lỡ nếu bạn đang tìm kiếm công cụ đánh giá xác thực về bản thân.
2. MBTI – Myers-Briggs Type Indicator
Tiếp theo trong danh sách là một cái tên quen thuộc không kém, Myers-Briggs Type Indicator, thường được biết đến nhiều hơn với tên viết tắt là MBTI. Nó đã trở thành một người bạn, một người cố vấn khá chi tiết và ‘nhiệt tình’ khi phân loại tính cách ra thành 16 bộ. Trong đó nó giải thích bài bản ý nghĩa của những ký tự. Đồng thời tổng hợp lại thành những kiểu tính cách và đưa ra những lời khuyên nghề nghiệp đáng cân nhắc.
Điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa 16 Personalities và MBTI là sự áp dụng học thuyết của Carl Jung. Như đã đề cập ở trên, MBTI coi học thuyết của Carl là trọng tâm nghiên cứu của mình. Vào những năm 1920, Katharine Cook Briggs đã biết đến học thuyết của Carl Jung, song bà đã có những giả định của riêng mình trước khi đọc về Carl Jung. Cùng với con gái của mình, bà đã phát minh một phương pháp thuận tiện để miêu tả thứ tự sở thích của mỗi người sử dụng mô hình này. Đó cũng là lý do vì sao tên các nhóm tính cách 4 chữ cái được tạo ra.
Dù cùng đưa ra 16 kiểu tính cách nhưng 16Personalities và MBTI lại đưa ra những câu hỏi khác nhau để đánh giá. Hơn nữa, kết quả của hai công cụ này có thể sẽ khác nhau. Chính vì thế mà ta nên sử dụng cả hai công cụ để có được kết quả khách quan nhất.
Có lẽ không phải nói nhiều về MBTI bởi thực tế kiểm chứng những thuật toán của nó khá hữu dụng. Và nó còn được kết hợp với phương pháp sinh trắc vân tay nhằm có được kết quả chính xác hơn. Hãy cùng bắt tay vào kiểm tra ngay nhé! Nếu muốn tìm hiểu kĩ hơn nữa, bạn có thể đọc thêm ‘Gifts Differing: Understanding Personality Type’ của Isabel Briggs Myers
3. DISC
Cái tên thứ ba xuất hiện trong danh sách này là DISC, một công cụ trắc nghiệm tính cách được thiết kế bởi Walter Clark vào năm 1940, nhằm để đánh giá mức độ ảnh hưởng, sự vững vàng, sự tận tâm và ưu thế của người sử dụng. Những câu hỏi được thiết kế chủ yếu để đánh giá khả năng lãnh đạo, sự phát triển của phòng ban, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, giao tiếp, đào tạo và quản lí dịch vụ cũng như sự phối hợp giữa các đội, nhóm.
Chỉ với 28 câu hỏi nhưng DiSC được coi là công cụ hữu ích cho mọi người, đặc biệt là cho các nhà lãnh đạo đánh giá nhân viên của mình. Và ngược lại, các bạn trẻ có thể dựa vào đánh giá mà định hướng mình có phù hợp với công việc công sở hay trở thành sếp được không.
Khác với hai công cụ trên, người dùng có thể cần trả phí, tùy thuộc vào loạt trắc nghiệm, mức độ và số lượng người cùng tham gia. Nhưng với những lợi ích nó đem lại thì việc chi ra một khoản phí nho nhỏ vẫn có thể chấp nhận được, đúng không nào?
4. Process communication model
Được tạo ra bởi Dr Taibi Kahler, the Process Communication Model® (PCM) là một công cụ tối ưu và vận hành dựa trên hành vi con người. Nó giúp người dùng hiểu được cách mọi người giao tiếp và cung cấp một phương thức đáng tin cậy để thấu hiểu cấu trúc nhân cách con người.
Kể từ những năm 1970, PCM đã được sử dụng rộng rãi. Ngày nay, PCM được sử dụng bởi các công ty và các cơ quan chính phủ như một công cụ điều hành, chọn lọc, sắp xếp việc làm và hệ phương pháp tạo động lực. Không chỉ hữu ích với các nhà tuyển dụng, PCM cũng là một bước quan trọng với những người tìm việc làm trong việc thấu hiểu tâm lý tuyển dụng, nhờ đó mà bản thân chuẩn bị kỹ càng hơn khi xin việc.
5. Eysenck personality questionnaire
Cuối cùng, xuất hiện trong danh sách này là một cái tên ‘nghe tên đã biết nói về cái gì’ – Eysenck personality questionnaire. Đây là công cụ để đánh giá những đặc điểm tính cách con người. Tuy nhiên nó có sự khác biệt so với Eysenck personality inventory (EPI) – bản đời cũ của EQP dù được sáng lập bởi cùng một người.
Khác với những công cụ trước, phương pháp chủ yếu dựa vào mặt sinh lý học và gen di truyền. Dù là người coi trọng những thói quen học được trong quá trình sống, Hans Eysenck tin rằng sự khác biệt nhân cách phụ thuộc vào sự di truyền gen. Với quan điểm này, công cụ của ông cũng không ngoại trừ những khả năng rằng một vài tính cách được tôi tạo trong quá trình sống. Nhưng ông để những tính toán đó về phần các nhà khoa học khác.
Hai nhân tố sơ khai nhất của phương pháp này là E và N, sau đó mở rộng ra nhân tố thứ ba là P. Bộ phương pháp bao gồm E – Extraversion/Introversion, N – Neuroticism/Stability và P – Psychoticism/Socialisation, cuối cùng là L – Lie/Social Desirability.
Trên đây là những công cụ trắc nghiệm tính cách thông dụng và đáng tin cậy. Những ngày nghỉ ở nhà, bạn hãy tận dụng tối đa thời gian để ‘self-reflect’ – tự nhìn nhận bản thân một cách hiệu quả nhé. Quãng thời gian này cũng có thể được coi là bước ngoặt trong cuộc đời nếu bạn biết cách sống phù hợp đấy. Hãy bắt tay vào làm ngay đi nào!!