Cùng Lead The Change điểm qua một số tin của bản tin hot news ngày hôm nay nhé:
- Walmart và Target đang “qua mặt” ông trùm bán lẻ Amazon
- Công ty giày của tỷ phú Warren Buffett chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam
- Jakarta chìm nhanh nhất thế giới, TP HCM đứng thứ 3, biến đổi khí hậu đáng sợ hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng tượng
- Ở Amazon, robot có thể đuổi việc con người nếu thấy hợp lý
1. Walmart và Target vượt mặt “ông trùm” bán lẻ Amazon
Các nhà bán lẻ truyền thống Walmart và Target đang dẫn trước Amazon (AMZN) trong cuộc chiến giao hàng. Khi Amazon vẫn đang cung cấp dịch vụ giao hàng trong một ngày thì Walmart và Target đã chuyển sang giao hàng cùng ngày.
Theo chuyên gia phân tích ngành bán lẻ John Zolidis, việc Amazon đầu tư 800 triệu USD để chuyển đổi dịch vụ giao hàng trong hai ngày của chương trình Prime thành một ngày sẽ gia tăng áp lực đối với các hãng bán lẻ lớn.
“Ý tưởng này nghe rất hấp dẫn,” ông nói, “Tuy nhiên, không gây bất ngờ. Chúng tôi đã trò chuyện với CEO Doug McMillon của Walmart hồi tháng 10 năm ngoái, ông ấy cho rằng việc giao hàng trong cùng ngày, chứ không phải giao hàng trong một ngày, sẽ trở thành một trận chiến thực sự.”
McMillon đã dự đoán đúng. Trong những năm gần đây, đã có sự thay đổi trong ngành bán lẻ.
Thay vì dần biến mất trên thị trường, các cửa hàng bán lẻ truyền thống đang trở nên hữu ích trong vai trò bổ sung và hỗ trợ cho bán lẻ trực tuyến.
Người mua sắm sẽ đặt hàng trực tuyến và nhận hàng tại các cửa hàng để tiết kiệm thời gian và không mất phí vận chuyển.
Đặc biệt đối với những cửa hàng bán rau củ quả, vốn cần duy trì sự tươi mới thì tốc độ giao hàng là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Việc hợp nhất bán lẻ trực tuyến với truyền thống đã mang lại lợi thế cho các hãng bán lẻ có hệ thống cửa hàng trải rộng như Walmart và Target.
“Về mặt này, cả Walmart và Target đều có ưu thế rất lớn so với Amazon – vì cả hai đều có sẵn hàng hóa tại 1.000 cửa hàng mà đại đa số người dân Mỹ có thể lái xe đến rất nhanh,” Zolidis lưu ý thêm.
Ngoài ra, Walmart và Target không chỉ cung cấp dịch vụ giao hàng (Target đã có giao hàng trong cùng ngày qua dịch vụ Shipt) mà còn đưa ra nhiều tùy chọn cho những khách hàng chọn mua trực tuyến nhưng nhận tại cửa hàng (BOPIS).
(Nguồn: Forbes Vietnam)
2. Công ty giày của tỷ phú Warren Buffett chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam
Brooks Running – công ty chuyên sản xuất giày và trang phục thể thao trực thuộc tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett – sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ-Trung tiếp diễn và chưa đi đến một kết quả cuối cùng.
Quyết định chuyển sản xuất sang Việt Nam được Tổng giám đốc Jim Weber của Brooks tiết lộ trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters ngày 2/5.
Theo ông Weber, công ty đi đến quyết định này vào tháng 1 năm nay, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất áp thêm thuế quan 25% lên giày dép từ Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, ngoài mức thuế 20% đã duy trì từ nhiều năm nay.
Ông Weber – người điều hành Brooks từ năm 2001 – nói đề xuất trên của ông Trump đặt ra sức ép lớn đối với Brooks vì công ty không thể dễ dàng tăng giá bán sản phẩm từ mức 100-160 USD/đôi hiện nay.
Và dù căng thẳng thương mại đã lắng xuống, công ty không thể chờ đợi một giải pháp cuối cùng từ các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ rút hầu hết hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc”, ông Weber nói. “Tôi buộc phải đi đến một quyết định dài hạn… Đến cuối năm nay, phần lớn hoạt động sản xuất của chúng tôi sẽ diễn ra ở Việt Nam”.
Vị CEO cho biết thêm, khoảng 8.000 việc làm sẽ được chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam theo quyết định này.
Việt Nam hiện chiếm khoảng 55% hoạt động sản xuất giày chạy của Brooks, và Trung Quốc chiếm phần còn lại. Sản phẩm giày chạy của Brooks được tiêu thụ tại 56 quốc gia trên thế giới và chiếm phần lớn trong doanh thu hàng năm của công ty.
Việt Nam đang nổi lên thành một điểm đến được các công ty ưa chuộng khi chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc vì nỗi lo thuế quan.
Cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn đang diễn ra, với vòng đàm phán mới nhất vừa khép lại ở Bắc Kinh tuần này, và vòng tiếp theo – dự kiến là cuối cùng – sẽ diễn ra ở Washington vào tuần tới.
Giới quan sát đang kỳ vọng một thỏa thuận sẽ được hai bên công bố trong thời gian sớm. Tuy nhiên, giới chức Mỹ gần đây cảnh báo rằng sẵn sàng rút lui khỏi bàn đàm phán nếu không đạt một thỏa thuận như mong muốn.
(Nguồn: VnEconomy)
3. Jakarta chìm nhanh nhất thế giới, TP HCM đứng thứ 3, biến đổi khí hậu đáng sợ hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng tượng
Jakarta chìm nhanh nhất thế giới, TP HCM đứng thứ 3, biến đổi khí hậu đáng sợ hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng tượng
Đến năm 2050, 95% khu vực phía bắc Jakarta sẽ bị nhấm chìm. Đây là lý do khiến nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á phải rời đô.
Việc Indonesia tuyên bố rời đô khỏi Jakarta không có gì mới. Tổng thống đầu tiên của đất nước này đã nói về điều này năm 1957. Một phần của quyết định rời đô bắt nguồn từ những tắc nghẽn cực độ nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Ngày nay, nơi sống của hơn 10 triệu người đang phải đối mặt với những nguy cơ to lớn hơn như nước biển dâng và sự sụt lún, đe dọa nhấn chìm một phần thành phố.
Jakarta không phải thành phố duy nhất trên thế giới đang bị nhấn chìm. Biến đổi khí hậu khiến nhiều đô thị khác trở thành nạn nhân, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia và tổ chức, trong đó có Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), khoảng 4.000 đô thị lớn ven biển, với dân số trên 150.000 người trên khắp hành tinh đang bị đe dọa bởi nước biển dâng.
Jakarta đứng đầu danh sách bị đe dọa, Manila của Philippines đứng thứ 2 và Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam đứng thứ 3.
Tuy nhiên, việc rời đô chưa phải dấu chấm hết cho Jakarta. Cách đây hơn 1 thế kỷ, thủ đô Tokyo của Nhật Bản cũng lâm vào tình thế tương tự. Thời điểm đó, tốc độ chìm của Tokyo còn nhanh hơn Jakarta hiện nay. Sau Thế chiến 2, Chính quyền Tokyo cấm hoàn toàn việc khai thác nước ngầm và bơm thêm nước vào lòng đất. Họ đã ngăn được Tokyo sụt lún.
(Nguồn: Trí thức trẻ)
4. Ở Amazon, robot có thể đuổi việc con người nếu thấy hợp lý
Thế giới nơi con người bị theo dõi và giám sát bởi máy móc tưởng chừng như chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, nay đã tồn tại ở Amazon.
Trong vài năm trở lại đây, tần suất các báo cáo liên quan tới tình trạng làm việc tồi tệ ở các kho hàng của Amazon đã tăng mạnh.
Rất nhiều công nhân cho biết họ phải chịu áp lực đóng gói hàng trăm gói hàng mỗi giờ và luôn phải đối mặt với việc bị sa thải nếu không làm việc đủ nhanh.
Theo các tài liệu mới được The Verge công bố, khoảng 300 người đã bị sa thải tại một cơ sở của Amazon trong khoảng từ tháng 8/2017 tới tháng 9/2018 vì lý do trên.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các tài liệu cho thấy phần lớn quá trình sa thải được thực hiện một cách hoàn toàn tự động, không có sự can thiệp hay quản lý của con người.
Theo đó, hệ thống tự động hóa do Amazon xây dựng có khả năng theo dõi năng suất lao động của mỗi công nhân và tự động đưa ra các cảnh báo. Thậm chí là chấm dứt hợp động nếu thấy cần thiết.
Các nhà phê bình cho rằng hệ thống chỉ có thể đánh giá dựa trên những con số chứ không hề coi các nhân viên là con người. Trong mắt chúng, họ không khác gì những cỗ máy chỉ biết làm việc và sẽ bị thay thế nếu không hoạt động hiệu quả.
Theo báo cáo, hệ thống quản lý này đã đi xa đến mức theo dõi cả thời gian nghỉ giữa các nhiệm vụ được giao.
Ví dụ nếu một công nhân quét các gói hàng quá lâu, dù nguyên nhân là lỗi chủ quan hay khách quan, hệ thống vẫn tự động tạo cảnh báo và nhân viên này có thể bị sa thải.
Một số nhân viên cho biết họ phải tránh việc ở trong nhà vệ sinh quá lâu để giữ thời gian hiện diện trước camera phù hợp theo mong đợi của hệ thống.
Ngoài Amazon, một số công ty khác như Uber cũng sử dụng các thuật toán để đánh giá nhân viên. Rất nhiều tài xế Uber đã phàn nàn về hệ thống quản lý bằng thuật toán này, bởi các quy tắc cứng nhắc không tính người mà chúng áp dụng.
Rõ ràng khi tự động hóa ngày càng trở nên phổ biến, con người sẽ dễ dàng bị “tấn công” bởi máy tính và những câu chuyện như trên sẽ không còn xa lạ với mỗi người.
(Nguồn: The Verge/ CafeF)