Cùng Lead The Change điểm qua 1 số tin tức của bản tin Hot news hôm nay nhé:
- Walmart đưa VR đến với khách hàng, hướng tới tương lai mới của ngành bán lẻ
- Facebook kiếm hơn 6,4 USD từ mỗi người dùng
- Tham vọng của Singapore trên thị trường ngoại hối hơn 5 nghìn tỷ USD
- Uber muốn định giá công ty ở mức 90 tỷ USD khi IPO
1. Walmart đưa VR đến với khách hàng, hướng tới tương lai mới của ngành bán lẻ
Dựa trên bộ phim “How to Train Your Dragon: The Hidden World”, Walmart đã sử dụng một chương trình thực tế ảo được thực hiện bởi Spatial & và DreamWorks.
Bộ phim kéo dài 10 phút đem đến sự tương tác giữa khách hàng với các nhân vật trong phim. Chuyến bay cùng những chú rồng đáng yêu nhằm kích thích khách hàng và tăng doanh thu cho cửa hàng.
Sau khi bắt đầu ở Burbank vào tháng trước, tour VR đã hoạt động trên 40 cửa hàng tại bảy thành phố.
Katie Finnegan, CEO của Spatial & cho biết, hoạt động này có thể sẽ tiếp tục được nhân rộng nếu như nó nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khách hàng.
Một báo cáo gần đây của công ty International Data Corp đã đưa ra dự đoán rằng ngành bán lẻ sẽ là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào công nghệ thực tế ảo. Mức độ đầu tư sẽ được tăng cường trong năm nay.
Với hơn 1,6 tỷ đô la sẽ được chi ra cho công nghệ. Các công ty về chăm sóc cá nhân và dịch vụ tiêu dùng dự kiến cũng sẽ đầu tư 1,6 tỷ đô la. CB Insights gần đây đã liệt kê bán lẻ là thị trường tuyệt vời cho VR và AR.
Macy’s đã thành công với việc áp dụng công nghệ VR vào khu bán đồ nội thất, và mới tháng trước Macy đã mở phòng trưng bày đồ nội thất VR thứ 100. Các chuyên gia cho biết rằng những khách hàng trải nghiệm VR thường có xu hướng trả lại các mặt hàng ít hơn và chi tiêu nhiều hơn những người chưa từng trải nghiệm.
Giám đốc điều hành của Macy, Jeff Gennette, nói “VR thực sự đã giải quyết một vấn đề mà khách hàng đang gặp phải trong khi mua sắm trong trung tâm thương mại”.
Finnegan cho rằng VR đã không được khai phá hết tiềm năng của nó chỉ bởi định kiến rằng công nghệ này chỉ dành cho game thủ và các ngành giải trí.
VR là dự án thứ hai chính thức xuất hiện từ Cửa hàng số 8 sau khi Walmart ra mắt JetBlack. Đây là dịch vụ thương mại điện tử trợ giúp bằng giọng nói cao cấp dành cho người dân trong các tòa nhà chung cư Manhattan, vào mùa xuân năm ngoái.
(Nguồn: BrandsVietnam)
2. Facebook kiếm hơn 6,4 USD từ mỗi người dùng
Doanh thu của mạng xã hội tiếp tục tăng trong quý I, bất chấp hàng loạt scandal gần đây về bảo mật thông tin.
Theo đó, doanh thu đạt 15 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Số người dùng hoạt động hàng ngày là 1,56 tỷ người. Doanh thu trên mỗi người dùng là 6,42 USD, tăng 16%.
Cổ phiếu Facebook cũng tăng 10% trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Facebook hôm qua cũng ước tính cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) có thể khiến họ bị phạt 3-5 tỷ USD. Công ty này đã dành ra 3 tỷ USD cho chi phí pháp lý liên quan đến vụ điều tra.
Facebook đang bị FTC điều tra với cáo buộc vi phạm thỏa thuận năm 2011 với cơ quan này. Thỏa thuận yêu cầu mạng xã hội lớn nhất thế giới có “chương trình riêng tư toàn diện” và phải có “sự đồng ý của người dùng” trước khi chia sẻ dữ liệu của họ.
Trước đó, FTC cũng từng phạt nhiều hãng công nghệ khác vì vi phạm thỏa thuận với cơ quan này. Tuy vậy, con số khá nhỏ. Năm 2012, FTC phạt Google 22,5 triệu USD. Năm đó, Google đạt doanh thu 50 tỷ USD.
(Nguồn: VnExpress)
3. Tham vọng của Singapore trên thị trường ngoại hối hơn 5 nghìn tỷ USD
Singapore đang nắm bắt một cơ hội được đo bằng phần nghìn giây đồng hồ để giành một thị phần lớn hơn trên thị trường giao dịch ngoại hối toàn cầu có quy mô 5,1 nghìn tỷ USD mỗi ngày, theo hãng tin Bloomberg.
Quốc gia Đông Nam Á này hiện đang khuyến khích các công ty giao dịch ngoại hối hàng đầu xây dựng những hệ thống có thể xóa bỏ độ trễ dưới 1 giây đồng hồ do giao dịch phải truyền qua Tokyo hoặc London.
Đây là một phần trong kế hoạch của Singapore nhằm mở rộng ngành công nghiệp giao dịch tiền tệ nói chung của đảo quốc – ông Benny Chey, một quan chức của Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), cho biết.
Hai ngân hàng thuộc hàng lớn nhất thế giới là UBS và Citigroup hiện đã lắp đặt nền tảng giao dịch ngoại hối của mình tại Singapore và MAS hy vọng sẽ có thêm 6-8 công ty giao dịch ngoại hối lớn nữa vào nước này.
Singapore hiện đang là trung tâm giao dịch ngoại hối lớn nhất châu Á, nhưng vẫn còn thua Anh và Mỹ, nơi giới đầu tư giao dịch tương ứng 2,41 nghìn ỷ và 1,27 nghìn tỷ mỗi ngày.
Thách thức lớn nhất đối với lĩnh vực giao dịch ngoại hối của Singapore là độ trễ khoảng 1/10 giây để một lệnh giao dịch được chuyển tới máy chủ ở Tokyo, London hay New York, ba thành phố mà hầu hết các ngân hàng lớn thường đặt bộ máy “đầu não” giao dịch ngoại hối của họ.
Để thu hút những khách hàng lớn như quỹ đầu cơ và các nhà giao dịch thường xuyên, Chính phủ Singapore cần phải thuyết phục các ngân hàng xây dựng những hệ thống đắt đỏ đó và trung tâm dữ liệu tại nước này.
Những ưu đãi và nỗ lực của Singapore nhằm xóa độ trễ về giao dịch ngoại hối đã khiến Citigroup, công ty giao dịch ngoại hối lớn nhất thế giới về thị phần, đi đến quyết định thiết lập một hệ thống giao dịch và thiết lập tỷ giá điện tử ở Singapore. Trước đó, khách hàng của Citigroup ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải kết nối qua Tokyo.
Một lợi thế của Singapore và vị trí trung tâm của nước này tại khu vực Đông Nam Á, nơi hoạt động thương mại gia tăng kéo theo nhu cầu đối với các công cụ và cơ sở cao cấp hơn về giao dịch ngoại hối.
Việc Singapore tăng thị phần trên thị trường giao dịch ngoại hối đã kéo theo sự suy giảm thị phần của các trung tâm khác ở châu Á.
Từng là trung tâm giao dịch ngoại hối lớn nhất khu vực, Nhật Bản đã tụt xuống vị trí thứ ba về giá trị giao dịch hàng ngày từ năm 2016, sau Singapore và Hồng Kông.
(Nguồn: VnEconomy)
4. Uber muốn định giá công ty ở mức 90 tỷ USD khi IPO
Công ty ứng dụng gọi xe Uber đặt mục tiêu đạt mức định giá 80-90 tỷ USD trong vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới.
Mức định giá này cao hơn so với mức giá mà các nhà đầu tư dành cho Uber trong vòng gọi vốn tư nhân gần đây nhất – nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg.
Nguồn tin nói rằng Uber dự định sẽ chào bán cổ phiếu với mức giá 44-50 USD/cổ phiếu, huy động 8-10 tỷ USD trong vụ phát hành này.
Trong vòng gọi vốn gần đây nhất của Uber, có sự tham gia rót vốn của hãng xe Nhật Bản Toyota, công ty được định giá ở mức khoảng 76 tỷ USD.
Theo nguồn tin, Uber đang tỏ ra thận trọng trong việc định giá IPO, và có thể nâng giá lên tùy theo nhu cầu của giới đầu tư. Năm ngoái, một số ngân hàng muốn cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành cho Uber nói rằng công ty này có thể được định giá lên tới 120 tỷ USD khi IPO.
Đến thời điểm hiện tại, vụ phát hành của Uber đã thu hút được một số nhà đầu tư lớn. Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin nói PayPal dự kiến rót 500 triệu USD để mua cổ phiếu Uber trong lần phát hành này.
Với quy mô phát hành 8 tỷ USD, vụ IPO của Uber sẽ là vụ IPO lớn thứ 9 từ trước đến nay ở Mỹ, và lớn nhất kể từ vụ IPO kỷ lục 25 tỷ USD của hãng thương mại điện tử Alibaba hồi năm 2014.
Uber là một trong số nhiều công ty công nghệ đã và có ý định lên sàn trong năm nay. Trong số đó phải kể đến những cái tên như Lyft, Pinterest, Zoom, Slack, Postmates, Plantir, Airbnb…
Trong hồ sơ IPO công bố mới đây, Uber cho biết đã lỗ 3 tỷ USD trong 2018, nâng tổng mức lỗ trong 3 năm qua lên hơn 10 tỷ USD.
(Nguồn: VnEconomy)