Chương trình Lead The Change Exchange Trip 2019 tại Thái Lan khép lại nhưng mở ra nhiều cơ hội kết nối giữa các bạn trẻ trong khu vực.
Với chủ đề Cross – Cultural Communication (Giao tiếp đa văn hoá), chương trình trao đổi văn hoá Lead The Change Exchange Trip 2019 quy tụ 17 lãnh đạo trẻ Việt Nam cùng 18 sinh viên ưu tú đến từ Campuchia và Thái Lan. Chương trình diễn ra trong 6 ngày với sự dẫn dắt và đào tạo từ các diễn giả và chuyên gia hàng đầu tại xứ sở chùa Vàng.
Học cách dung hoà trong sự đa dạng
Tham gia chương trình, người tham dự được chia làm 6 nhóm với các chủ đề liên quan mật thiết đến khối ASEAN. Đặc biệt, các thành viên trong 3 nước được chia đều vào mỗi nhóm để đảm bảo tính kết nối và thúc đẩy trao đổi văn hoá. 35 lãnh đạo trẻ bắt tay triển khai các dự án và cung cấp giải pháp cho các nhóm chủ đề sau: Youth Development (Phát triển giới trẻ), Social Media (Mạng xã hội), Education (Giáo dục), Technology (Công nghệ), Regional Partnership (Hợp tác trong khu vực), Inequality (Bất bình đẳng).
Xuyên suốt quá trình theo đuổi đề tài, các nhóm còn được tham gia các hội thảo và chuyên đề. Trong đó, các buổi trò chuyện được thiết kế nhằm bổ trợ kiến thức hướng đến các vấn đề đáng quan tâm tại các nước khu vực Đông Nam Á. Điển hình, hội thảo Cross-Cultural Communication, Cross-cultural Collaboration, Innovative mindset (Tư duy đổi mới, sáng tạo), Sustainable development (Phát triển bền vững), How to deal with agile transformation (Cách thức đối mặt với các biến đổi nhanh trong thời đại mới)…
Thông qua các bài học, mỗi nhóm cùng nhau phát triển ý tưởng và xây dựng thành mô hình kinh doanh cụ thể. Tuy nhiên, việc thống nhất ý tưởng trong sự đa dạng về bối cảnh văn hoá đã trở thành thử thách lớn nhất của các đội. Seila Huot, du học sinh Campuchia, theo học tại trường Đại học Dhurakij Pundit cho biết: “Để thống nhất các giải pháp cho vấn đề đặt ra, các thành viên buộc phải lắng nghe nhau và vạch ra những điểm mạnh từ các ý tưởng dồi dào trong thời gian ngắn”.
Bên cạnh áp lực thời gian, người tham dự còn phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ và văn hoá. Đại diện phía lãnh đạo trẻ Việt Nam, Tạ Thị Hồng Phúc, phóng viên báo Đầu tư chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của tôi khi làm việc với các bạn trong khu vực là việc diễn giải quan điểm của mình bằng tiếng Anh theo cách tối giản nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa nhất. Bởi sự khác biệt từ văn hoá, kiến thức chuyên môn,…do đó, cần kiên trì diễn giải và lắng nghe team members để mọi thành viên có thể thấu hiểu quan điểm của nhau”.
Hội nhập xu hướng và đương đầu thử thách
Bên cạnh các vấn đề nóng bỏng tại Đông Nam Á, 35 lãnh đạo ưu tú đến từ 3 nước còn có cơ hội tham quan các công ty hàng đầu ở Thái Lan. Tại Siam Commercial Bank, người tham dự Lead The Change 2019 có cơ hội học hỏi mô hình doanh nghiệp và cách vận hành của ngân hàng lớn nhất xứ chùa Vàng. Song, các lãnh đạo trẻ còn được tiếp cận với mobile banking (ngân hàng di động), xu hướng tiêu dùng đang chiếm ưu thế của thời đại.
Nằm trong khuôn khổ Lead The Change 2019 Exchange Trip tại Thái Lan, chương trình còn kết nối các bạn trẻ đến SCG, công ty xi măng lớn nhất Thái Lan, đây là một trong những tập đoàn đi đầu về việc phát triển công nghệ xanh và tái tạo nguồn năng lượng. Bên cạnh đó, Tập đoàn Bangchak, công ty năng lượng xanh hàng đầu của Thái Lan còn là địa điểm thú vị.
Lần đầu đến thăm Bangchak, Vũ Kim Hương, sinh viên Đại học HUFLIT hào hứng: “Bangchack Cooperation là nơi mình ấn tượng nhất vì là một trong những tập đoàn đi đầu về việc phát triển công nghệ xanh và tái tạo nguồn năng lượng. Tại đây, mình được tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của tập đoàn, cũng như những loại hình kinh doanh chủ yếu tại đây như : nhà máy lọc dầu, năng lượng xanh, sản phẩm sinh học,… Ngoài ra, Bangchak là nơi cho mình nhiều trải nghiệm về ý thức bảo vệ môi trường, từ những chiếc ly nhựa tái chế có vòng đời 120 ngày đến những chiếc khăn tái sử dụng”.
Điểm nhấn của hành trình chính là việc các nhóm đại diện trình bày sáng kiến và giải pháp trước hội đồng chuyên gia đa ngành. Các chuyên gia lần lượt đưa ra những góp ý, nhận xét về ý tưởng, cũng như tính khả thi của nhóm dự án. Sau quá trình thuyết phục và đối chất với phía ban giám khảo, chiến thắng thuộc về nhóm Inequality với ý tưởng cân bằng tỉ lệ lao động nữ giới trong ngành công nghệ.
Đại diện nhóm trình bày ý tưởng, Huỳnh Lê Thanh Thảo, giáo viên ngoại ngữ, cho biết: “Ý tưởng này được hình thành từ sự bất bình đẳng trong cách đối xử giữa nhân viên Việt Nam và nhân viên nước ngoài. Khối lượng công việc của người Việt bao giờ cũng gấp đôi nhưng mức lương và cách đối xử thì lại không xứng đáng. Tuy nhiên, khi bắt đầu thực hiện, các thành viên đa phần nhìn theo góc nhìn xã hội nhưng lại bỏ quên điểm mấu chốt của dự án chính là lợi nhuận.
Cách dễ nhất và lâu dài nhất để giải quyết vấn đề chính là thay đổi suy nghĩ, tư duy cho lớp thế hệ trẻ. Đào tạo ra một lớp trẻ mà ở đó hầu như các bạn đã có sẵn nền, tư duy nhạy bén trong thời đại 4.0. Ngoài ra, việc hiểu biết về thị trường và xu hướng phát triển liên quan đến công nghệ là điểm không thể thiếu với người trẻ. Giáo dục luôn là ngành không bao giờ lỗi thời, chỉ là cách truyền đạt giáo dục sẽ được thay đổi từ offline sang online, chi phí học thấp hơn, tận dụng mạng xã hội để PR dễ dàng,… là nút thắt cho mọi vấn đề giúp giải cơn khát nhân lực của các công ty công nghệ hiện tại”.
6 ngày trải nghiệm văn hoá tại Thái Lan không chỉ mở ra cơ hội kết nối giữa các sinh viên quốc tế, mà còn là cầu nối giữa các doanh nghiệp và người trẻ trong khu vực. Giới trẻ khối ASEAN hiện đại không chỉ dừng lại ở việc nâng cao bản thân mà sự dịch chuyển và học hỏi trong khu vực dần trở thành xu hướng phát triển chung trên nền tảng: One Vision, One Identity, One Community (Một tầm nhìn, Một bản sắc, Một Cộng đồng).