Cùng Lead The Change điểm qua các tin tức chính ngày 18/7/2019 trong chuyên mục Hot news:
- VinaCapital hoàn thành thương vụ mua Smartly, nền tảng tư vấn đầu tư bằng robot đầu tiên của Singapore
- Kinh doanh trà sữa đã hết thời?
- Ủy ban châu Âu có nữ chủ tịch đầu tiên
- 600.000 người Tokyo làm việc ở nhà để tránh giao thông bị quá tải
VinaCapital hoàn thành thương vụ mua Smartly, nền tảng tư vấn đầu tư bằng robot đầu tiên của Singapore
Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Statista, các dịch vụ cố vấn robo hiện quản lý hơn 980 tỷ USD tài sản trên toàn thế giới, với dự báo tăng trưởng khoảng 27%/năm từ năm 2019 đến 2023.
VinaCapital, công ty quản lý quỹ giá trị tài sản 1,8 tỷ USD tại Việt Nam thông báo đã mua lại mảng hoạt động kinh doanh của Smartly Pte Ltd, một trong những nền tảng đầu tư tư vấn robo đầu tiên ra mắt tại Singapore. Điều khoản của giao dịch không được tiết lộ.
Smartly được thành lập vào năm 2015 bởi các ba nhà sáng lập là Keir Veskivali, Artur Luhaaar và Kentwell Kwok, những người đã từng làm việc trong lĩnh vực tài chính nhưng cảm thấy thất vọng vì các loại phí và các giải pháp tư vấn tài chính khó hiểu. Smartly ra đời với mục tiêu cung cấp cho khách hàng, những người dân bình thường với hiểu biết căn bản về lĩnh vực tài chính các cơ hội đầu tư dễ dàng một cách cực kỳ minh bạch và phí thấp.
Thương vụ khởi nguồn từ năm 2016 khi Smartly đã thảo luận với công ty VCG partners, một chi nhánh Singapore của VinaCapital và một công ty quản lý quỹ được cấp phép theo quy định của Cơ quan tiền tệ Singapore về việc tham gia cùng nhau để ra mắt nền tảng tư vấn bằng robot. Sự hợp tác được hình thành và Smartly đã thành lập vào tháng 9/2017. Nền tảng này sử dụng thuật toán thông minh để đầu tư đơn giản và tiếp cận với nhiều người dùng hơn. Nhà đầu tư hoàn thành một bảng câu hỏi đơn giản đánh giá khả năng chịu rủi ro, tình hình tài chính và mục tiêu của họ. Cố vấn robot sau đó sẽ đề xuất một danh mục đầu tư được tạo thành từ một rổ các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF). Các thuật toán sau đó sẽ cân bằng lại danh mục đầu tư theo định kỳ và tính toán phù hợp với sự thay đổi của kinh tế thế giới.
Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Statista, các dịch vụ cố vấn robo hiện quản lý hơn 980 tỷ USD tài sản trên toàn thế giới, với dự báo tăng trưởng khoảng 27%/năm từ năm 2019 đến 2023.
Các thị trường như Singapore và các quốc gia khác ở Đông Nam Á, với dân số bản địa lớn, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao và sự giàu có ngày càng tăng đã sẵn sàng cho các nền tảng đầu tư có cố vấn robo.
Theo đại diện Smartly, sau khi hợp tác với VinaCapital, công ty này đã thực hiện một cách tiếp cận khác so với các gói còn lại để ra mắt nền tảng cố vấn robo. Theo đó, Smartly có thể phân bổ vốn cho những nơi cần thiết nhất, tập trung vào việc thực hiện và duy trì tài chính bằng việc tăng trưởng số liệu cho công ty.
Đối tác VCG thấy rõ tiềm năng của thị trường và nền tảng này chính vì vậy việc mua lại các hoạt động của Smartly và việc tăng vốn đầu tư sẽ cho phép Smartly mở rộng quy mô, phát triển sang các thị trường mới và trở thành nền tảng quản lý tài sản kỹ thuật số hàng đầu trong khu vực.
CEO của VCG Partners, ông Jason Ng cho biết: “Smartly là một bước đi tiên phong trong dịch vụ cố vấn robo ở Singapore và chúng tôi mong muốn của công ty tiếp tục phát triển để mở rộng sang các thị trường Đông Nam Á khác khi môi trường pháp lý của họ cho phép. Tại Việt Nam, luật pháp hiện hành chưa đề cập đến các dịch vụ tư vấn robo, tạo ra rủi ro cho các nhà đầu tư nếu lựa chọn đầu tư vào một số công ty mới khởi nghiệp tuyên bố cung cấp dịch vụ như vậy.”
Smartly hơi giống với nền tảng Finhay do Nghiêm Xuân Huy, một du học sinh tại Australia phát triển hiện nay, cũng là nền tảng tư vấn tài chính để phân bổ vào các công ty quản lý quỹ.
Về phía VinaCapital, quỹ này hiện nay đẩy mạnh việc đầu tư vào các startup. VinaCapital đã thành lập quỹ VinaCapital Ventures có quy mô 100 triệu USD vào năm 2018. chuyên đầu tư vào thế hệ tiếp theo của các công ty start-up Việt Nam và Đông Nam Á. Đến hiện tại, quỹ này đã công bố rót vốn cho 1 số doanh nghiệp khởi nghiệp với công nghệ trong nhiều lĩnh vực như Logivan, Urbox, Wee Digital, FastGo. Khoản đầu tư mới nhất của quỹ này là vào Rever – một startup trong lĩnh vực môi giới bất động sản tại Việt Nam với 4 triệu USD.
Kinh doanh trà sữa đã hết thời?
Một số báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) nhận định thị trường trà sữa tại Việt Nam sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới.
“Ngoạn mục” là từ mà các chuyên gia nhận định về sự hồi sinh của thị trường trà sữa cách đây 3 năm. Hàng loạt thương hiệu từ Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và cả Việt Nam đã tạo thành một “cơn lốc trà sữa”. Sôi động là thế nhưng phải đến cuối năm 2017, một số tên tuổi lớn trong ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam như The Coffee House hay Golden Gate mới chính thức nhập cuộc thông qua nhận nhượng quyền các thương hiệu ngoại danh tiếng như Ten Ren hay Yutang. Nhưng liệu có phải là “trâu chậm uống nước đục?”.
Thị trường trà sữa có thể ví như một cái chợ khá đông đúc với khoảng hơn 20 thương hiệu, có thể tạm chia thành 3 nhóm theo quy mô như thế này:
– Nhóm 1, những thương hiệu có thị phần lớn nhất, có quy mô lên tới 150 cửa hàng. Đáng nói, đây đều là những thương hiệu Việt, với những ông bà chủ am hiểu thị trường và có chính sách nhượng quyền khá là “linh hoạt”.
– Nhóm 2 là nhóm tập trung chủ yếu các thương hiệu trà sữa hiện nay, với quy mô bình quân khoảng 50 cửa hàng trên toàn quốc. Chủ yếu là các thương hiệu quốc tế đến từ Đài Loan, Trung Quốc. Và chi phí nhượng quyền ở nhóm này cũng cao hơn, điều kiện ngặt nghèo hơn.
– Nhóm thứ 3 quy mô khiêm tốn hơn, chỉ có khoảng 20 cửa hàng trong toàn hệ thống. Nhóm này tập trung cũng không ít thương hiệu trà sữa tên tuổi nhưng vẫn loay hoay mà không bứt phá được trong việc mở rộng chuỗi.
Lượng tiêu thụ cũng rất khác nhau, có thể từ vài ba trăm ly trà sữa tới cả nghìn ly trà sữa mỗi ngày, tùy thuộc và thương hiệu, địa điểm, thậm chí là chương trình khuyến mãi mà thương hiệu đang áp dụng.
Một số báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) nhận định thị trường trà sữa tại Việt Nam sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới và dự đoán sẽ chỉ duy trì ở mức tăng trưởng tự nhiên 5,7%/năm. Tức là tốc độ tăng trưởng chỉ còn 1/4 so với giai đoạn đỉnh điểm. Trong khi đó, vì có quá nhiều tên tuổi đang chia sẻ miếng bánh thị phần nên bài toán cạnh tranh để tồn tại trở nên không hề đơn giản chút nào.
Ủy ban châu Âu có nữ chủ tịch đầu tiên
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà Ursula von der Leyen đã chính thức được phê chuẩn vào vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Tại cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu, bà von der Leyen đã nhận được 383 phiếu ủng hộ và 327 phiếu chống.
Ở cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu, trong nhiệm kỳ 5 năm tới, bà von der Leyen sẽ phụ trách các cuộc đàm phán thương mại, chịu trách nhiệm triển khai các chính sách kinh tế và khí hậu cho 500 triệu công dân châu Âu.
Bà von der Leyen cho biết, trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức, bà sẽ đề xuất một thỏa thuận xanh cho châu Âu và giới thiệu thuế biên giới Carbon.
Bà cũng cam kết sẽ thúc đẩy dự luật đánh thuế các hãng công nghệ lớn tại châu Âu, cũng như giải quyết vấn đề người di cư.
Năm nay 60 tuổi, là mẹ của 7 người con, bà Ursula von der Leyen từng đảm nhận các vị trí Bộ trưởng Gia đình, Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Quốc phòng Đức.
Bà sẽ chính thức đảm nhận cương vị mới vào ngày 1/11 tới.
600.000 người Tokyo làm việc ở nhà để tránh giao thông bị quá tải
Chính phủ Nhật Bản vừa công bố chương trình mang tên “Telework”, theo đó người lao động được khuyến nghị làm việc tại nhà trong ít nhất hai tuần kể từ ngày 24/7/2020.
Chương trình này được thực hiện nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông trước Thế vận hội Olympic diễn ra vào mùa Hè năm 2020.
Ước tính có hơn 20 triệu người sử dụng phương tiện công cộng tại Tokyo mỗi ngày. Chính phủ Nhật Bản lo sợ, nếu có thêm 600.000 du khách tới Tokyo trong thời gian diễn ra Olympic và Paralympic Games, hệ thống giao thông công cộng vốn đã quá tải của Tokyo sẽ gặp khủng hoảng. Với chương trình “Telework” vừa được khởi động, Bộ Công nghiệp, Thương mại, Kinh tế Nhật Bản hy vọng, hơn 600.000 lao động từ hơn 3.000 công ty sẽ tham gia chương trình này.
Được biết, chương trình thử nghiệm vào năm 2017 từng thu hút 63.000 lao động Nhật Bản tham gia và tăng lên 300.000 lao động thuộc 1.682 tổ chức khi được triển khai vào năm 2018.