Cùng Lead The Change điểm qua các tin tức chính trong ngày 12/5 trong chuyên mục Hotnews:
- Nhật Bản thử nghiệm tàu cao tốc nhanh nhất thế giới
- Trung Quốc và Mỹ nhất trí tiến hành thêm các cuộc đàm phán
- Forbes: Lượng tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới
- EU trả về 17 lô hàng nông, thủy sản của Việt Nam
Nhật Bản thử nghiệm tàu cao tốc nhanh nhất thế giới
Nhật Bản bắt đầu thử nghiệm tàu cao tốc nhanh nhất từ trước đến nay, có khả năng đạt gần 400km mỗi giờ.
Đài CNN cho biết, phiên bản ALFA-X của tàu Shinkansen đã tiêu tốn của Nhật Bản ba năm với rất nhiều cuộc kiểm tra trước khi chạy thử trong ngày 10/5. Hãng đường sắt JR East dự kiến sẽ vận hành loại tàu mới này vào năm 2030, thời điểm ALFA-X chính thức đi vào hoạt động.
Thiết kế của mẫu ALFA-X có 10 toa xe, mũi tàu làm nhọn gợi liên tưởng đến đầu đạn, dài 22m, có khả năng giảm áp suất tạo ra khi đi vào các đường hầm ở tốc độ cao. Theo thông tin ban đầu, tàu Shinkansen nhanh nhất lịch sử sẽ mang màu xanh bạc.
Trung Quốc và Mỹ nhất trí tiến hành thêm các cuộc đàm phán.
Kết thúc 2 ngày đàm phán tại Washington, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí tiến hành thêm các cuộc đàm phán tại Bắc Kinh.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, đại diện cho phái đoàn Trung Quốc khẳng định, các cuộc đàm phán mới sẽ tiếp tục nối lại tại Bắc Kinh, song ông cảnh báo rằng sẽ không có nhượng bộ về các nguyên tắc quan trọng.
Trên trang Twitter của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết, đàm phán thương mại Mỹ – Trung có thể sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới. Còn thuế Mỹ áp với hàng hoá Trung Quốc có thể được dỡ bỏ, có thể không, tuỳ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán trong tương lai.
Forbes: Lượng tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam tăng nhanh nhất thế giới
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí The Lancet đã chỉ ra rằng mức tiêu thụ rượu toàn cầu đang có xu hướng tăng, đặc biệt là tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc. Lượng tiêu thụ rượu tăng 34% ở Đông Nam Á trong 7 năm từ 2010 đến 2017.
Với trung bình 15 lít rượu nguyên chất được tiêu thụ trên mỗi người lớn hàng năm tính đến năm 2017, Moldova là quốc gia có mức độ cao nhất. Kuwait là quốc gia tiêu thụ ít rượu nhất, trung bình 0,005 lít mỗi năm.
Tổng lượng rượu tiêu thụ trên toàn cầu mỗi năm đã tăng 70% từ 21 tỷ lít năm 1990 lên 35,7 tỷ lít vào năm 2017.
Dự báo đến năm 2030, châu Âu sẽ không còn là khu vực có mức tiêu thụ rượu cao nhất nữa. Infographic sau đây chỉ rõ hơn xu hướng 2010 đến 2017, trong đó, lượng tiêu thụ tăng mạnh nhất ở Việt Nam, gần 90% kể từ năm 2010.
Ấn Độ cũng chứng kiến sự gia tăng đáng chú ý với lượng tiêu thụ trung bình hàng năm tăng 37,2% trong cùng kỳ. Nhiều quốc gia phát triển chỉ còn tăng nhẹ hoặc thậm chí là giảm, Hoa Kỳ sẽ tăng 5,4% kể từ năm 2010. Tiêu thụ rượu ở Nga đang có xu hướng giảm, cùng với Anh, Canada và Úc.
Nghiên cứu cũng đo lường tỷ lệ những người không uống rượu trên toàn thế giới. Tỷ lệ người kiêng rượu giảm từ 46% năm 1990 xuống còn 43% vào năm 2017.
EU trả về 17 lô hàng nông, thủy sản của Việt Nam
Hệ thống Cảnh báo nhanh của EU thông báo có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam đã bị từ chối hoặc tăng cường giám sát khi nhập khẩu vào thị trường này.
Theo cơ quan này, các lô hàng của Việt Nam bị giám sát do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó:
– Tây Ban Nha từ chối nhập khẩu 8 lô hạt hạnh nhân có xuất xứ từ Australia và được chế biến tại Việt Nam do chứa chất aflatoxin vượt mức cho phép.
– Bỉ từ chối một lô hàng cá da trơn đông lạnh của Việt Nam.
– Áo, Thụy Sĩ và Na Uy đưa sản phẩm cá tra philê, tôm và cá rô phi đông lạnh của Việt Nam vào diện giám sát với mức độ cảnh báo “chưa nghiêm trọng”.
– Pháp cảnh báo 1 lô hàng cá ngừ từ Việt Nam nhiễm chất cấm nghiêm trọng.
Chỉ riêng trong năm 2018, đã có khoảng 80 lô hàng thủy sản của Việt Nam vào EU bị cảnh báo không đảm bảo chất lượng và trả về.
Như vậy, Việt Nam nằm trong nhóm các nước có số trường hợp bị cảnh báo và trả hàng về từ châu Âu nhiều nhất. Nguyên nhân do những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU, chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm.