Cùng Lead The Change điểm qua 4 tin nóng hổi ngày 9.7 nhé
- Việt Nam vào top các quốc gia nhập khậu nhựa phế thải lớn nhất thế giới
- Việt Nam trở thành cường quốc Đông Nam Á về năng lượng sạch
- Việt Nam sẽ là địa điểm sản xuất của EU tại châu Á
- Apple thử nghiệm tính năng sinh trắc học để đăng nhập vào iCloud
Việt Nam vào top các quốc gia nhập khẩu nhựa thế thải lớn nhất thế giới
Theo dữ liệu của trang The Guardian, từ tháng 1 đến tháng 11/2018, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 443.600 tấn phế liệu nhựa, lớn thứ 3 trên thế giới. Kể từ khi Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu phế liệu nhựa vào năm 2018, lượng nhập khẩu tại các quốc gia Đông Nam Á tăng đáng kể.
Ở chiều ngược lại, Mỹ là quốc gia xuất khẩu phế liệu nhựa nhiều nhất thế giới, lên tới hơn 960.000 tấn (khoảng 68.000 containers) trong 11 tháng năm 2018.
Từ năm 1950 đến nay, thế giới đã tạo ra 6,3 tỷ tấn rác thải nhựa nhưng chỉ 9% trong số đó được tái chế tính đến thời điểm hiện tại.
Top nhà xuất khẩu phế liệu lớn nhất thế giới trong 11 tháng đầu năm 2018
Mỹ – 961.600 tấn
Nhật Bản – 891.700 tấn
Đức – 733.800 tấn
Anh – 548.300 tấn
Top nhà nhập khẩu phế liệu nhựa lớn nhất thế giới trong 11 tháng đầu năm 2018
Malaysia – 913.200 tấn
Thái Lan – 471.700 tấn
Việt Nam – 443.600 tấn
Hồng Kong – 398.300 tấn
Việt Nam trở thành cường quốc Đông Nam Á về năng lượng sạch
Số liệu của hãng Rystad Energy cho thấy năm vừa qua, sản lượng điện mặt trời của Australia tăng trưởng 4 lần từ 600 Mwac lên 2,7 Gwac trong khi Việt Nam tăng tới 400 lần, từ 10 Mwac lên 4 Gwac.
Hơn 60% sản lượng điện mặt trời của Việt Nam thuộc những dự án mới hòa vào lưới điện quốc gia trong tháng 6/2019 khi các nhà đầu tư cố gắng hoàn thành trước ngày 30/6 để được nhận ưu đãi thuế. Hãng Rystad đặc biệt nhấn mạnh thời gian hoàn thành dự án điện mặt trời bình quân tại Việt Nam là 275 ngày, một tốc độ được đánh giá là cực kỳ nhanh.
Hãng thông tấn xã Việt Nam (VNA) đã trích dẫn số liệu của Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy cả nước đã có 82 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia. Điều này có nghĩa là điện mặt trời hiện chiếm 10% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động cuối năm nay.
“Không nhiều chuyên gia có thể dự đoán được sản lượng điện mặt trời của Việt Nam lại vượt Australia vào giữa năm. Năng lực phát triển điện mặt trời của Việt Nam vượt qua cả kịch bản dự đoán tích cực nhất của chúng tôi”, chuyên gia phân tích David Dixon của Rystad Energy thừa nhận.
Trong nửa cuối năm 2019, Australia sẽ có thêm 800 Mwac điện mặt trời, nâng tổng số lên thành 3,5 Gwac nhưng kể cả như vậy vẫn thấp hơn Việt Nam.
Con số này thực sự khiến nhiều người bất ngờ bởi mảng điện mặt trời tại Australia đã phát triển từ lâu nhưng đang bị kẹt lại trong các cuộc tranh cãi chính trị. Trong khi đó, thị trường này vẫn đang phát triển đều ở Australia với công suất năng lượng sạch ngày một tăng kể từ năm 2016.
Tại Việt Nam, năng lượng mặt trời mới được triển khai cách đây 2 năm và mới chỉ nhận được chính sách ưu đãi thuế từ tháng 4/2017.
Với hơn 4 GW điện mặt trời, Rystad đánh giá Việt Nam là một “cường quốc năng lượng mặt trời trong khu vực Đông Nam Á”. Thật vậy, hàng loạt những dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á sẽ được đưa vào sử dụng tại Việt Nam như dự án của Sunseap và InfraCo Asia với tổng sản lượng 168 MW, nhà máy của B Grimm Poweer với 420 MW, dự án của BIM và Ayala với 250 MW.
Việt Nam sẽ là địa điểm sản xuất của EU tại châu Á
Ông Ywert Visser – Phó chủ tịch EuroCham chia sẻ về lợi ích của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam với Báo Doanh Nhân Sài Gòn sau khi hai hiệp định thương mại thế hệ mới được ký kết ngày 30/6/2019.
* Theo ông, EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) và EVIPA (Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam -EU) sẽ mang lại cơ hội nào cho các doanh nghiệp của EU?
– Tôi nghĩ rằng, đối với riêng doanh nghiệp của tôi, sắp tới chúng tôi có thể xem Việt Nam là địa điểm sản xuất tại châu Á. Vì với EVFTA, Việt Nam sẽ hội nhập tốt vào chuỗi cung ứng của châu Âu. Ví như công ty của tôi ở Hà Lan, nhờ EVFTA, sẽ dễ dàng nhập khẩu vào Việt Nam để sản xuất, sau đó xuất khẩu hàng hóa sang các nước châu Á.
* Doanh nghiệp châu Âu kỳ vọng vào sự cải cách nào nhất trong thể chế, pháp lý của Chính phủ Việt Nam sau khi EVFTA và EVIPA được ký kết?
– EVFTA sẽ cải thiện rõ rệt tình hình (đang tồn tại hiện nay – PV), ví dụ như vấn đề bảo vệ tác quyền, bảo vệ các thương hiệu của châu Âu. Ở chiều ngược lại, các thương hiệu Việt Nam cũng được bảo vệ ở châu Âu. Việt Nam có rất nhiều thương hiệu gốc nổi tiếng, đơn cử là nước mắm hay cà phê… Những thương hiệu này khi sang châu Âu sẽ được bảo vệ, đặc biệt ngay sau các hiệp định vừa ký kết được thực thi.
* Kỳ vọng EVFTA và EVIPA sẽ mang các công ty công nghệ cao và các dự án đầu tư của EU vào Việt Nam. Vậy EuroCham sẽ làm gì để tận dụng lợi thế này?
– Thông qua trao đổi của tôi với Chính phủ Việt Nam, họ đang tập trung nhiều hơn vào công nghệ cao. Về phía EuroCham, chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy các công ty Việt Nam và EU tìm đối tác tốt và tin cậy để đầu tư. Và tất nhiên những doanh nghiệp châu Âu đã có mặt tại Việt Nam sẽ mở rộng hoạt động, bởi nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
* Mua sắm chính phủ là lĩnh vực nhận được nhiều sự chú ý sau khi EVFTA và EVIPA được ký kết. Ông đánh giá thế nào về lĩnh vực này ở Việt Nam?
– Theo tôi, đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp của EU. Vì hiện nay Việt Nam có nhiều lựa chọn từ Nhật, Mỹ, châu Âu với giá cả hay chất lượng đa dạng. Với thỏa thuận về mua sắm chính phủ được quy định trong EVFTA và EVIPA, các công ty châu Âu có thể dễ dàng hơn trong việc mang tới các giải pháp chất lượng cao. Cũng có thể giá cả từ các công ty châu Âu sẽ cao hơn một chút, nhưng sau tất cả, Việt Nam có thể tiết kiệm ngân sách nếu xét tới yếu tố bảo trì cũng như những lợi ích khác.
Apple thử nghiệm tính năng sinh trắc học để đăng nhập vào iCloud
Trang 9to5Mac đưa tin những người đang sử dụng bản thử nghiệm iOS 13, iPadOS 13 và macOS Catalina đã có thể kết nối vào tài khoản iCloud của mình thông qua Face ID và Touch ID.
Người dùng các hệ điều hành thử nghiệm khi truy cập beta.icloud.com trên trình duyệt Safari sẽ thấy một cửa sổ hiện lên, hỏi họ có muốn sử dụng phương thức sinh trắc học để đăng nhập tài khoản hay không.
Ở những thiết bị có Face ID, bạn sẽ được hỏi sử dụng tính năng này, trong khi các thiết bị khác bao gồm những chiếc Macbook Pro có Touchbar sẽ sử dụng phương pháp quét vân tay. Sau đó, bạn có thể kết nối tài khoản bằng cách trên thay cho việc sử dụng bảo mật 2 lớp thông thường.
Đăng nhập bằng Face ID và Touch ID trên iCloud dễ dàng và an toàn hơn nhiều so với cách nhập thông tin thủ công. Phó chủ tịch Marketing Apple Phil Schiller từng nhận định tỉ lệ lộ thông tin của Face ID là 1/1 triệu, giúp công cụ này trở thành một trong những cách thức an toàn nhất, giảm rủi ro bảo mật với đa số người dùng.