NỘI DUNG CHÍNH
1. APPLE LÀ THƯƠNG HIỆU ĐẮT GIÁ NHẤT TRÊN THẾ GIỚI NĂM THỨ 9 LIÊN TIẾP
2. GO-VIET CHÍNH THỨC TĂNG GIÁ GO-BIKE THỬ NGHIỆM TÍNH NĂNG NÂNG GIÁ CƯỚC GIỜ CAO ĐIỂM
3. CÂU HỎI LỚN ĐẰNG SAU VÍ ĐIỆN TỬ VÀ TÀI CHÍNH CỦA GRAB
4. VINGROUP RA MẮT SIÊU THỊ ẢO
APPLE LÀ THƯƠNG HIỆU ĐẮT GIÁ NHẤT TRÊN THẾ GIỚI NĂM THỨ 9 LIÊN TIẾP
Cùng với Apple còn có 5 đại gia công nghệ khác góp mặt trong Top 10 thương hiệu đắt giá nhất thế giới năm 2019.
Forbes vừa công bố danh sách 100 thương hiệu đắt giá nhất thế giới năm 2019. Và cũng giống như 8 năm vừa qua, Apple tiếp tục không có đối thủ trong danh sách của Facebook.
Năm nay theo định giá của Forbe, thương hiệu Táo khuyết năm nay đạt giá trị 205,5 tỷ USD, tăng đến 12% giá trị so với năm ngoái. Đây được xem là thành công lớn với Apple khi Táo khuyết đã trải qua một giai đoạn đầy khó khăn khi doanh số bán iPhone 2018 không thành công như mong đợi. Trong đó đặc biệt là sự suy giảm tại thị trường Trung Quốc.
Google là thương hiệu có giá trị thương hiệu lớn thứ 2 với 167,7 tỷ USD. Trong khi Microsoft đứng thứ 3 với 125,3 tỷ USD.
Trong danh sách năm nay của Forbes đã tiếp tục chứng kiến sự thống trị của các công ty công nghệ. Cụ thể, có đến 20 công ty công nghệ góp mặt trong danh sách của Forbes. Đặc biệt trong Top 10 thương hiệu có giá trị nhất thế giới, có sự góp mặt của 6 cái tên đến từ làng công nghệ.
Đáng chú ý, gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc Huawei chỉ đứng thứ 97 trong danh sách của Forbes với giá trị thương hiệu ước đạt 8 tỷ USD.
Nói thêm về danh sách của Forbes, theo thống kê, 100 thương hiệu đắt giá nhất thế giới năm nay đạt tổng giá trị 2,33 nghìn USD, tăng 8% so với năm ngoái. Các công ty Mỹ chiếm đa số trong danh sách của Forbes khi đóng góp đến 56 cái tên. Tiếp theo là Đức (11 công ty), Pháp (7 công ty), Nhật Bản (6 công ty)…
Nguồn: VTV
GO-VIET CHÍNH THỨC TĂNG GIÁ GO-BIKE THỬ NGHIỆM TÍNH NĂNG NÂNG GIÁ CƯỚC GIỜ CAO ĐIỂM
Go-Viet vừa chính thức tăng giá dịch vụ Go-Bike đồng thời cho biết sẽ thử nghiệm tính năng nhân giá trong thời gian tới. Tính năng này được cho là khá giống với việc thay đổi giá trong các khung giờ cao điểm của đối thủ Grab.
Ứng dụng gọi xe Go-Viet vừa chính thức thông báo tăng giá cước dịch vụ. Theo đó, từ 16/5, Go-viet sẽ thay đổi giác cước của dịch vụ chạy xe hai bánh Go-Bike.
Cụ thể, giá cước trước thì 2km đầu tiên của Go-Viet tăng từ 10.000đ lên 12.000đ. Mức giá này hiện đang bằng với dịch vụ GrabBike. Trong khi đó, giá cước từ km thứ 3 trở đi của Go-Viet sẽ tăng từ 3.600đ lên 4.000đ, tức là là cao hơn cả GrabBike (với 3.800 đồng). Hiện, mức giá này mới chỉ áp dụng tại thị trường Hà Nội.
Trong khi đó, các giá cước Go-Send và Go-Food hiện tại vẫn giữ nguyên chưa có sự thay đổi.
Cũng trong thông báo này, có một nội dung rất đáng lưu tâm đó là việc Go-Viet cũng thông báo thử nghiệm tính năng nhân giá giờ cao điểm hay khi có nhu cầu tăng cao. “Go-Viet bắt đầu thử nghiệm tính năng nhân giá trong thời gian tới. Giá sẽ thay đổi tùy vào từng thời điểm, các đối tác yên tâm thực hiện đơn hàng và thu tiền theo đúng giá trị hiển thị trên ứng dụng”, thông báo của Go-Viet nêu rõ.
Tính năng này khá giống với việc thay đổi giá theo thời điểm mà đối thủ Grab đã thực hiện. Theo đự đoán, nếu theo cách tính này, giá cước các hành trình Go-Bike của khách hàng tại Hà Nội trong thời gian tới cũng sẽ tăng hơn nữa so với mức giá trên.
Nguồn: ICTnews
CÂU HỎI LỚN ĐẰNG SAU VÍ ĐIỆN TỬ VÀ TÀI CHÍNH CỦA GRAB
Việc Grab bành trướng sang nhiều lĩnh vực không liên quan tới vận tải đã đặt ra hàng loạt câu hỏi lớn về sự tuân thủ pháp lý của Grab khi triển khai cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là trung gian thanh toán, tài chính – hiện nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện.
Tháng 9/2018, DealstreetAsia đưa tin, Grab đã mua lại 3,523% cổ phần và hợp tác chiến lược với Moca. Tháng 10/2018, hai bên ra mắt ví điện tử GrabPay by Moca, đánh dấu sự hiện diện chính thức của Grab trong thị trường ví điện tử/trung gian thanh toán Việt Nam với các chiến dịch khuyến mại siêu khủng để hút khách.
Thực tế, Grab đã cung cấp dịch vụ GrabPay ở Việt Nam từ tháng 3/2017 đến tháng 9/2018, với nhiều chức năng thanh toán như một ví điện tử mà không có giấy phép trung gian thanh toán do Ngân hàng Nhà nước cấp. Câu hỏi đặt ra là, dịch vụ này có nằm trong diện Grab được phép thí điểm theo chương trình của Bộ Giao thông – Vận tải dành cho “xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi” hay không?
Khi Grab bắt đầu cung cấp dịch vụ ví điện tử với “chiếc áo mới” GrabPay by Moca, bề ngoài, Grab chỉ nhận mình là một đối tác lớn của Moca, nhưng rất nhiều dịch vụ trong GrabPay by Moca lại do Grab trực tiếp cung cấp. Số dư tài khoản trong GrabPay by Moca có thể được dùng để chi trả cho nhiều dịch vụ khác không phải của Grab (như thanh toán khi ăn uống, mua sắm ở gần 1.500 cửa hàng đối tác của Grab). Điều này khiến khá nhiều người thắc mắc rằng, Grab có thật sự chỉ là đối tác của Moca hay đang cùng với Moca cung cấp dịch vụ ví điện tử?
Cách gọi của Grab với “ví điện tử” này cũng không thống nhất, lúc thì “GrabPay by Moca”, khi thì “ví điện tử Moca trên giao diện Grab”. Hơn nữa, Grab đang sử dụng thông tin bảo mật của khách hàng Moca cho dịch vụ của Grab.
Tất cả nhập nhằng trên xuất phát từ một điểm: Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cho Moca, chứ không phải cho GrabPay by Moca.
Trong khi các ví điện tử trong nước như Momo, Payoo “trầy da tróc vẩy” mới xin được giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, bởi đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện với nhiều quy định ngặt nghèo về hệ thống, công nghệ, bảo mật, an ninh tiền tệ, thì một thỏa thuận “hợp tác” với Moca đã giúp Grab – một doanh nghiệp xuyên biên giới nước ngoài – thoải mái triển khai hàng loạt dịch vụ tương đương ví điện tử tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Một nội dung rất quan trọng của Nghị định là quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Nhiều chuyên gia đề xuất tỷ lệ hợp lý chỉ nên là 30% để đảm bảo an toàn và bền vững cho kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh ấy, sự mập mờ xung quanh GrabPay by Moca lại càng đặt ra nhiều câu hỏi.
Nguồn: báo đầu tư
VINGROUP RA MẮT SIÊU THỊ ẢO
Không cần đến siêu thị, khách hàng của Vinmart chỉ cần dùng ứng dụng quét mã QR trên áp phích hoặc catalogue giấy, hàng hóa sẽ được giao đến tận nhà trong vòng từ 2 – 4 giờ đồng hồ.
Tập đoàn Vingroup vừa thông báo ra mắt siêu thị ảo VinMart 4.0 (Virtual Store) đầu tiên tại Việt Nam. Mô hình này giúp khách hàng có thể mua hàng từ xa mà không phải tới trực tiếp siêu thị.
Siêu thị ảo “VinMart 4.0” thực tế là những tấm áp phích khổ lớn in hình ảnh sản phẩm, thương hiệu với màu sắc bắt mắt, được sắp xếp tương tự như quầy hàng thực tế trong siêu thị. Những tấm áp phích này sẽ được đặt tại các khu vực mật độ dân cư cao, đông người qua lại như khu tập thể, toà nhà văn phòng, trường học, điểm chờ xe buýt.
Khách mua hàng chỉ cần mở ứng dụng VinID, chọn tính năng Scan & Go sau đó quét mã QR các sản phẩm muốn mua tại “VinMart 4.0” và thanh toán ngay bằng ứng dụng VinID. VinMart sẽ giao hàng tận tay người mua chỉ sau 2 – 4 giờ đồng hồ.
Trong thời gian đầu, VinMart lựa chọn 20 địa điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai siêu thị ảo và sẽ tiếp tục mở rộng tới các điểm khác trên cả nước.
Cùng với siêu thị VinMart 4.0, người dùng còn có thể trải nghiệm “mua hàng từ xa” thông qua Cẩm nang mua sắm thông minh. Khác với những cuốn cẩm nang thông thường tại các siêu thị, Cẩm nang mua sắm thông minh VinMart có 2 phiên bản giấy và điện tử giúp người dùng có thể chọn lựa và mua hàng trực tiếp khi quét mã QR sản phẩm qua tính năng Scan & Go.
Hơn 800 mặt hàng sẽ được chia theo nhóm, chủ đề, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về hàng tiêu dùng thiết yếu từ thực phẩm, đồ dùng tiện lợi, sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình…
Đại diện tập đoàn Vingroup cho biết, mô hình này giúp khách hàng tận dụng thời gian “chết” trong lúc chờ xe buýt, làm đẹp…để mua sắm. Không những vậy, khi quét mã QR sản phẩm trên áp phích hay cẩm nang thông minh, khách hàng còn có thể tra cứu toàn bộ thông tin sản phẩm, từ giá thành, thương hiệu, nguồn gốc cho tới các chương trình khuyến mại trên toàn hệ thống.
Nguồn: VTV