NỘI DUNG CHÍNH
1. PHÁT HIỆN BIẾN THỂ MỚI CỦA MÃ ĐỘC TỐNG TIÊN DHARMA
2. THUA LỖ LỚN, AUCHAN RÚT KHỎI THỊ TRƯỜNG VIỆT
3. CHƯA BAO GIỜ NHIỀU CO2 TRONG KHÍ QUYỂN ĐẾN VẬY
4. MỚI THÊM 1 START UP KÌ LÂN HÀN QUỐC GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG CÙNG CHIA MIẾNG BÁNH VỚI NOW, GRAB FOOD
PHÁT HIỆN BIẾN THỂ MỚI CỦA MÃ ĐỘC TỐNG TIỀN DHARMA
Kể từ khi được phát hiện lần đầu vào năm 2016, mã độc Dharma đã không ngừng phát triển và liên tục “đòi tiền chuộc” từ người dùng internet trên toàn thế giới. Hiện tại, mã độc này đang có biến thể nguy hiểm mới.
Các chuyên gia bảo mật của Trend Micro đã phát hiện hình thái tấn công mới từ loại mã độc này: ngụy trang như một phần mềm an toàn để người dùng tải về máy, sau đó mới phát tán mã độc tống tiền. Cụ thể, mã độc sử dụng giao diện cài đặt của phần mềm diệt virus ESET, đây được xem như là cách “tung hỏa mù” của mã độc khiến nạn nhân mất cảnh giác.
Mã độc được các tin tặc phân tán trên mạng thông qua hình thức spam email có đính kèm Dharma lưu trữ dưới dạng nhị phân, mỗi email kèm theo mật khẩu riêng, trong đó sẽ có định dạng file là Defender.exe và có máy chủ đặt tại server của hacker link[.]fivetier[.]com.
Mật khẩu để mở tập độc hại đính kèm trong email spam cộng thêm cách tiếp cận được thiết kế khiến nạn nhân tò mò mở file và vô tình điều đó đã làm lây nhiễm mã độc Dharma trên máy của họ.
Mỗi khi file Defender.exe được nạn nhân bấm vào, nó sẽ hiển thị bằng giao diện cài đặt cũ của phần mềm diệt virus ESET dưới tên là Defender_nt32_othy.exe , và song song là một file taskhost.exe được thêm vào C:\ProgramData\Microsoft\Windows\Start Menu\Programs\Startup\ đây chính là lúc Dharma khởi chạy và bắt đầu tiến trình mã hóa dữ liệu của nạn nhân cho mục đích tống tiền.
Phần mềm diệt virus ESET do mã độc Dharma ngụy trang sẽ tiến cài hành cài đặt tự động khi được kích hoạt trong thư mục đã giải nén, trong lúc sự chú ý tập trung vào việc cài đặt thì mã độc Dharma sẽ mã hóa các nội dung một cách âm thầm mà nạn nhân không hề hay biết.
Theo như báo cáo từ các chuyên gia bảo mật Trend Micro về mã độc Dharma, “ Các mã độc này vẫn sẽ mã hóa file dữ liệu thậm chí không cần phải bắt đầu tiến trình cài đặt, mã độc gây hại này chạy trên một phiên bản khác với cài đặt phần mềm, vì vậy chúng gần như chẳng liên quan gì nhau”.
Nguồn: báo thanh niên
THUA LỖ LỚN, AUCHAN RÚT KHỎI THỊ TRƯỜNG VIỆT
Hệ thống siêu thị Auchan (Pháp) bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2015. Hiện hệ thống này có 18 siêu thị tại Hà Nội, Tp.HCM và Tây Ninh, trong đó 13 siêu thị tại Tp.HCM, bốn siêu thị đặt tại Hà Nội và một ở Tây Ninh. Theo thông tin từ Auchan, chuỗi siêu thị của Pháp có 1.000 nhân viên.
Vào Việt Nam chưa nóng chỗ nhưng Auchan đã chuân bị rút khỏi Việt Nam. Đại diện của Auchan tại Việt Nam cho biết đang tiến hành đàm phán với các đơn vị bán lẻ để tìm ra đối tác tiếp quản trong thời gian tới.
Theo tờ Les Echos của Pháp, Chủ tịch tập đoàn Auchan Retail, ông Edgard Bonte cho biết đã quyết định bán 18 cửa hàng của chuỗi tại Việt Nam.
Vị này cho biết, 5 năm kinh doanh tại Việt Nam chỉ thu về 45 triệu euro (50,4 triệu USD) và vẫn đang trên đà thua lỗ.
Như vậy, Auchan là hãng phân phối phương Tây cuối cùng ở Việt Nam, sau khi Casino Group rời đi năm 2016. Cụ thể tập đoàn Casino Group cũng đã bán lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cho tập đoàn Central Group của gia tộc tỉ phú Thái Chirathivat.
Cùng chung số phận, Parkson là thành viên của The Lion Group, thành lập từ những năm 1930 tại Malaysia. Hệ thống trung tâm thương mại của tập đoàn này có mặt không chỉ ở Malaysia mà còn mở rộng tại Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia và Myanmar, Campuchia…
Nhà bán lẻ này có mặt tại Việt Nam cuối tháng 6/2005 với trung tâm thương mại đầu tiên đặt tại Tp.HCM (Parkson Lê Thánh Tôn, quận 1). Sau thời điểm đỉnh cao trong kinh doanh, Parkson thua lỗ và lần lượt đóng cửa các trung tâm thương mại ở các vị trí đắc địa.
Mới đây nhất, chuỗi bán lẻ shop&Go cũng thông báo rút khỏi thị trường, bán 87 cửa hàng với giá 1 USD. Được biết, Shop&Go được thành lập từ năm 2005, cửa hàng đầu tiên của Shop&Go đi vào hoạt động năm 2006 tại Tp HCM. Sau 14 năm thành lập, hiện tại Shop&Go đang vận hành 87 cửa hàng, trong đó có 70 cửa hàng tại Tp.HCM và 17 cửa hàng tại Hà Nội nằm tập trung ở các quận nội thành
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Nếu như năm 2010 mới dừng ở 88 tỷ USD thì đến 2017 là 130 tỷ USD và dự báo chạm ngưỡng 180 tỷ USD vào năm 2020. Quy mô thị trường lớn với cơ cấu dân số trẻ và thu nhập ngày càng tăng thu hút đông đảo đại gia bán lẻ lớn gồm cả trong nước và nước ngoài song cạnh tranh cũng vô cùng khốc liệt.
Nguồn: vneconomy
CHƯA BAO GIỜ NHIỀU CO2 TRONG KHÍ QUYỂN ĐẾN VẬY
Theo dữ liệu từ Đài thiên văn Mauna Loa ở Hawaii, nồng độ CO2 trong khí quyển là hơn 415 phần triệu (ppm), cao hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong 800.000 năm qua, ngay cả trước khi sự tiến hóa của người tinh khôn diễn ra.
Nhà khí tượng học Holthaus đã phát hiện ra mức CO2 cao kỷ lục mới vào ngày 12/5.
Các phép đo đã được tiến hành kể từ khi chương trình được bắt đầu vào năm 1958 bởi nhà khoa học quá cố, Charles David Keeling; Đường cong Keeling, một biểu đồ tăng nồng độ CO2 trong khí quyển, cũng được lấy theo tên ông.
Phát ngôn của Holthaus trênTweeter được chia sẻ rộng rãi: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, bầu khí quyển của hành tinh chúng ta có hơn 415ppm CO2”.
Trong kỷ nguyên Pliocene, khoảng 3 triệu năm trước, khi nhiệt độ toàn cầu được ước tính ấm hơn 2-3 độ C so với hiện nay, nồng độ CO2 được cho là đã đạt mức cao nhất trong khoảng từ 310 đến 400 ppm.
Vào thời điểm đó, Bắc Cực được bao phủ bởi cây, không phải băng và nhiệt độ mùa hè ở tận phía bắc được cho là đã đạt khoảng 15 độ C (60 độ F). Mực nước biển toàn cầu trong Pliocene được cho là cao hơn 25 mét (82 feet) so với hiện nay, chưa kể có thể là cao hơn.
Nồng độ CO2 cao trong khí quyển – gây nên bởi hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch và chặt phá rừng của con người – đã ngăn chặn chu trình làm mát tự nhiên của Trái đất, giữ nhiệt gần bề mặt và khiến nhiệt độ toàn cầu ngày càng tăng cao với những hệ quả mang tính phá hủy nghiêm trọng.
Sự giải phóng CO2 và các khí nhà kính khác đã khiến cho nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1 độ C và chúng ta có khả năng sẽ đi đến bế tắc trong tình trạng nhiệt độ ngày càng cao.
Theo 70 nghiên cứu khí hậu được đánh giá tương đương, một thế giới ấm hơn 2 độ sẽ có thêm 25% ngày nóng và các sóng nhiệt – điều này đem đến những rủi ro lớn về sức khỏe và những rủi ro liên quan đến hỏa hoạn.
Trên khắp thế giới, cứ sau 5 năm, 37% dân số sẽ phải hứng chịu ít nhất một đợt nắng nóng nghiêm trọng và thời gian hạn hán trung bình sẽ tăng thêm 4 tháng, khiến cho khoảng 39 triệu người bị khan hiếm nước và 194,5 triệu người phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng.
Lũ lụt và thời tiết khắc nghiệt như lốc xoáy và bão sẽ tăng lên, cháy rừng sẽ xảy ra thường xuyên hơn và năng suất cây trồng sẽ giảm. Cuộc sống của động vật sẽ bị tàn phá, với khoảng 1 triệu loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, muỗi sẽ phát triển mạnh, có nghĩa là hơn 27% hành tinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh sốt rét và các bệnh khác do muỗi truyền sang.
Đó chỉ mới là tăng 2 độ, một mức tăng mà chúng ta chỉ hy vọng nó dừng ở đó. Nếu nhiệt độ tăng 3 hoặc 4 độ, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn “hothouse Earth” (Nóng lên toàn cầu), có thể khiến cho nhiều nơi trên hành tinh không còn ở được nữa.
Theo: CNN
MỚI THÊM 1 START UP KÌ LÂN HÀN QUỐC GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG CÙNG CHIA MIẾNG BÁNH VỚI NOW, GRAB FOOD
Sau nhiều thông tin đồn đoán, ứng dụng giao đồ ăn hàng đầu của Hàn Quốc với tên gọi Baedal Minjok, trực thuộc startup kỳ lân Woowa Brothers, đã chính thức tiến vào Việt Nam.
Trong ngày 14/5, fanpage của Vietnammm, nền tảng giao đồ ăn được thành lập tại Việt Nam từ tháng 2/2011, đã bất ngờ đổi ảnh đại diện và ảnh bìa sang tên gọi Baemin. Trong phần giới thiệu thông tin về trang, website cũng được cập nhật địa chỉ mới là beamin.vn.
“Sau khi đã chứng minh vị thế đứng đầu tại Hàn Quốc, Baemin có mặt ở Việt Nam để mang đến cho bạn dịch vụ giao đồ ăn đích thực”, thông tin trên fanpage khẳng định.
Trước đó, vào cuối tháng 2, có thông tin “kỳ lân” Hàn Quốc, Woowa Brothers, đã mua lại nền tảng giao đồ ăn Vietnammm để làm bàn đạp tiến vào thị trường Việt Nam. Woowa Brothers Corp là startup cung cấp dịch vụ giao thức ăn hàng đầu tại Hàn Quốc có tên gọi là Baedal Minjok.
Tại thị trường Việt Nam, sau khi mua lại Vietnammm, Woowa Brothers đổi tên ứng dụng thành Baemin, viết tắt của Baedal Minjok.
Hiện tại, Baemin đã chính thức có mặt trên kho ứng dụng Android cũng như iOS nhưng mới chỉ tiến hành hoạt động giao đồ ăn tại khu vực TPHCM và chưa mở rộng ra Hà Nội. Như thông lệ chào sân của các ứng dụng mới, Beamin tung ra với hàng loạt mã khuyến mãi hấp dẫn cho khách hàng, thậm chí mức chiết khấu lên tới 70% cho những người đặt lần đầu với khoảng giá giảm tối đa là 300.000 đồng (không tính phí giao hàng).
Nhiều ý kiến đánh giá Baemin là một ứng dụng tiềm năng mà các đối thủ tại thị trường Việt Nam như Now, GrabFood hay Go-Food cần phải dè chừng, bởi dịch vụ này ngay khi ra mắt đã có sẵn lượng khách hàng và shipper từ Vietnammm. Bên cạnh đó là công nghệ và kinh nghiệm hơn 8 năm trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Hàn Quốc, cùng với nguồn vốn dồi dào từ công ty mẹ Woowa Brothers, đơn vị vừa gia nhập nhóm kỳ lân thế giới với hàng loạt ông lớn chống lưng như Hillhouse Capital, Sequoia Capital, GIC,…
Tuy nhiên, không riêng gì Beamin, thị trường giao đồ ăn Việt Nam đang đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt không thua kém gì dịch vụ gọi xe công nghệ. Cuối năm ngoái, Lala, một startup giao nhận đồ ăn được đầu tư bởi Scommerce Group, đã phải lặng lẽ rút lui bằng cách chuyển đổi mô hình kinh doanh từ B2B2C (buiness to business to customer) như trước đây sang B2B (buiness to business), đồng nghĩa với việc không tham gia vào mảng giao nhận đồ ăn nữa.
Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Trong bối cảnh nhịp sống hiện đại khiến nhiều người có thói quen đặt giao đồ ăn tận nơi, thị trường này đang dần nóng lên từng ngày với tiềm năng khai thác ngày một rộng lớn.
Nguồn: trí thức trẻ