Cùng Lead The Change điểm qua 4 tin tức thú vị ngày 13.7
- Kinh tế Singapore sụt giảm mạnh do sức ép từ chiến tranh thương mại
- Doanh nghiệp Việt lọt Top 100 doanh nghiệp quyền lực nhất châu Á theo xếp hạng của Nikkei
- Dân số thế giới tăng lên gần 8 tỷ người, ngày càng già hoá
- Amazon hỗ trợ chi phí cho nhân viên học kĩ năng mới
Kinh tế Singapore sụt giảm mạnh do sức ép từ chiến tranh thương mại
Kinh tế Singapore bất ngờ sụt giảm mạnh trong quý 2, gửi đi một lời cảnh báo đối với nền kinh tế toàn cầu về ảnh hưởng tiêu cực mà xung đột thương mại gây ra với niềm tin kinh doanh và các hoạt động đầu tư.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Chính phủ Singapore công bố ngày 12/7 cho biết tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này giảm 3,4% trong quý 2 so với quý 1. Trong quý đầu năm, nền kinh tế của đảo quốc sư tử tăng 3,8%.
Giới phân tích đã dự báo kinh tế Singapore tăng trưởng 0,5% trong quý 2, bởi vậy cú sụt mạnh này hoàn toàn nằm ngoài dự đoán.
Cũng giống như kinh tế Hàn Quốc, kinh tế Singapore thường được coi là một “hàn thử biểu” của nhu cầu toàn cầu, bởi đây đều là những nền kinh tế có mức độ phụ thuộc cao vào ngoại thương.
“Những gì xấu xảy ra ở Singapore đều là tín hiệu cảnh báo sớm, bởi nền kinh tế của nước này có độ mở rất lớn và rất nhạy cảm với thương mại”, ông Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế thuộc Maybank Kim Eng Research, nhận định. Theo ông Chua, số liệu kinh tế mới nhất của Singapore “cho thấy khả năng kinh tế giảm tốc sâu hơn ở toàn bộ phần còn lại của châu Á”.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), châu Á là đầu tàu tăng trưởng của thế giới, đóng góp hơn 60% GDP toàn cầu. Ông Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của Nomura Holdings, cũng cho rằng “sự sụt giảm mạnh của GDP Singapore không phải là một điềm báo tốt cho phần còn lại của châu Á”.
“Lúc đầu, tôi nghĩ số liệu GDP sẽ là một con số xấu, nhưng trên thực tế, con số rất xấu”, ông Chua phát biểu. “Nguy cơ kinh tế Singapore rơi vào suy thoái kỹ thuật là có thật. Mọi người cho rằng suy thoái có thể chỉ xảy ra ở cấp độ nông, nhưng khả năng suy thoái sâu là hoàn toàn có”.
Ngoài căng thẳng thương mại, sự giảm nhiệt của lĩnh vực công nghệ cũng đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng của Singapore. Khoảng 40% xuất khẩu của nước này tập trung ở lĩnh vực mạch tích hợp, theo ông Tuuli McCully, trưởng bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thuộc Scotiabank ở Singapore.
“Tình trạng giảm tốc của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu được phản ánh ở Singapore nhiều hơn ở bất kỳ một quốc gia nào khác trong khu vực”, ông McCully nói.
Suy giảm không chỉ diễn ra ở khu vực xuất khẩu của Singapore. Ngành sản xuất nước này trong quý 2 giảm 6% so với quý 1, xây dựng giảm 7,6%, ngành dịch vụ giảm 1,5%.
Chính phủ Singapore dự báo nền kinh tế nước này chỉ tăng 1,5-2,5% trong năm nay, so với mức tăng 3,1% đạt được trong 2018.
Doanh nghiệp Việt lọt Top 100 doanh nghiệp quyền lực nhất châu Á theo xếp hạng của Nikkei
Tạp chí Nikkei vừa công bố Bảng xếp hạng Asia300, cung cấp cái nhìn tổng quan về những doanh nghiệp đang hướng tới việc trở thành lực lượng thống trị trong thế kỷ 21. Danh sách gồm các công ty lớn nhất và phát triển nhanh nhất từ các nền kinh tế trên khắp châu Á, dựa trên vốn hóa thị trường, tiềm năng tăng trưởng và cân bằng địa lý.
Bảng xếp hạng được thực hiện dựa trên mạng lưới các văn phòng của Nikkei trên khắp châu Á. Việt Nam có 5 đại diện trong Asia300 gồm Vietcombank, FPT, PetroVietnam, Vinamilk và Vingroup.
“Bảng xếp hạng cung cấp một chuẩn mực cho hiệu suất của các công ty lớn ở châu Á. Ngoài xếp hạng tổng thể, danh sách này còn phân tích năm chỉ số đã sử dụng để tính toán các bảng xếp hạng – tăng trưởng trung bình 5 năm về doanh thu và lợi nhuận ròng, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, tỷ suất lợi nhuận ròng và tỷ lệ của các cổ đông vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản”, Nikkei cho biết.
Ba doanh nghiệp Việt Nam lọt vào top 100 là Vinamilk – vị trí thứ 25, Vietcombank – thứ 54 và PetroVietnam – thứ 84.
Năm 2018, Vietcombank được ghi nhận là ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả hoạt động với lợi nhuận hợp nhất đạt 18.269 tỷ đồng, tăng 61,1% so với năm 2017. Các chỉ tiêu tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đều tăng trưởng mạnh, chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ.
Trên thị trường chứng khoán, Vietcombank đã xuất sắc vươn lên trở thành nhà quán quân về lợi nhuận, xếp trên các tên tuổi lớn và trở thành ngân hàng Việt Nam có giá trị vốn hóa thị trường cao nhất vượt 10 tỷ USD.
Dân số thế giới tăng lên gần 8 tỷ người, ngày càng già hoá
người tại châu Âu và Bắc Mỹ thì có một người trên 65 tuổi. Dân số toàn cầu đã mất hàng nghìn năm để chạm mốc 5 tỷ người vào năm 1987, nhưng chỉ mất 32 năm sau đó để tiến tới 8 tỷ người, theo CNN.
Theo báo cáo Triển vọng Dân số Thế giới 2019 của Liên Hợp Quốc (UN), dân số thế giới hiện là khoảng 7,7 tỷ người và được dự báo sẽ tăng thêm 2 tỷ người vào năm 2050.
Có 27 quốc gia trên thế giới suy giảm dân số từ 1% trở lên kể từ năm 2010. Nguyên nhân là việc duy trì tỷ lệ sinh ở mức thấp, chủ yếu ở các quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản. Trên thực tế, tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm từ 3,2 trẻ trên một phụ nữ vào năm 1990 xuống còn 2,5 vào năm 2019 và được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, sự suy giảm này không đáng kể so với sự bùng nổ dân số ở các khu vực khác. Dân số tại vùng châu Phi cận Sahara được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 (99%). Cùng kỳ, dân số Ấn Độ Dương không bao gồm Australia/New Zealand được dự báo tăng 56%, Bắc Phi và Tây Á tăng 46%, Trung và Nam Á 25%, Mỹ Latin và Caribbe 18%, Đông và Đông Nam Á 3%, châu Âu và Bắc Mỹ 2%.
9 quốc gia bao gồm Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng dân số từ nay đến năm 2050, theo một nghiên cứu vào năm 2018.
Bên cạnh đó, dữ liệu của UN cho thấy xu hướng đáng báo động: già hoá dân số. Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử số lượng người từ 65 tuổi trở lên trên toàn cầu vượt qua số lượng trẻ dưới 5 tuổi. Số lượng người từ 80 tuổi trở lên được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần, từ 143 triệu người vào năm 2019 lên 426 triệu người vào năm 2050.
Do tuổi thọ tăng lên và tỷ lệ sinh giảm xuống, dân số thế giới đang ngày càng già hoá. Điều này được cho là gây bất lợi cho kinh tế toàn cầu bởi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ít hơn, còn lượng người già nhiều hơn đẩy chi phí chăm sóc y tế lên cao. Theo dự báo, tới năm 2050, cứ 4 người tại châu Âu và Bắc Mỹ thì có một người trên 65 tuổi.
Amazon: Mỗi nhân viên được “cho không” 7.000 USD để học kỹ năng mới, không bắt buộc phải ở lại Amazon
Hôm qua ngày 12.7, nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới Amazon vừa thông báo kế hoạch chi 700 triệu USD trong 6 năm tới để đào tạo lại 1/3 số lao động tại Mỹ.
Vì các công nghệ mới đang khiến môi trường làm việc thay đổi hoàn toàn và ngày càng khó tuyển được nhân tài khi mà thị trường việc làm đang ở trong tình trạng nóng nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây với tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, các công ty Mỹ ngày càng phải chú trọng hơn đến việc đào tạo lại nhân viên.
Amazon chính là ví dụ điển hình. Hôm qua, nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới vừa thông báo kế hoạch chi 700 triệu USD trong 6 năm tới để đào tạo lại 1/3 số lao động tại Mỹ vì các công nghệ như tự động hóa hay máy học (machine learning) khiến nhiều lao động phải thay đổi cách làm việc.
Mấy năm gần đây, hàng loạt công ty từ AT&T, Walmart đến ngân hàng JPMorgan Chase đã nỗ lực trang bị cho người lao động những kỹ năng mới để có thể thích ứng với vai trò mới. Tuy nhiên chương trình của Amazon là lớn nhất từ trước đến nay, khi chia trung bình đầu người thì Amazon sẽ tiêu tốn khoảng 7.000 USD cho mỗi người lao động, tương đương 1.200 USD mỗi năm từ nay cho đến 2025. Đặt trong tương quan so sánh, số liệu thống kê cho thấy những công ty có 10.000 nhân viên trở lên chi trả trung bình 500 USD trên mỗi lao động để đào tạo họ trong năm 2017.
Amazon cho biết công ty sẽ đào tạo lại 100.000 lao động bằng cách mở rộng các chương trình đào tạo sẵn có và bổ sung các chương trình mới nhằm giúp nhân viên có thể chuyển sang những công việc phức tạp hơn dù là ở ngay tại Amazon hay ở công ty mới. Chương trình đào tạo này là tự nguyện và gần như miễn phí, và cũng không yêu cầu nhân viên bắt buộc phải ở lại Amazon.
Công nhân làm việc tại các kho hàng có thể được đào tạo thêm về công nghệ, ví dụ như học cách điều khiển các máy móc hoạt động trong kho.
Đối với những nhân viên không tiếp xúc với công nghệ, đây là 1 cơ hội thực sự tuyệt vời khi mà họ được đào tạo giống như những kỹ sư phần mềm trong vài năm mà không phải quay trở lại trường đại học.
Trường đại học chuyên ngành máy học của Amazon sẽ mở cửa cho hàng nghìn kỹ sư phần mềm có những kiến thức cơ bản về khoa học máy tính, cho phép họ tham gia những khóa học về công nghệ máy học ở trình độ sau đại học. Một số nhân viên của Amazon trước đây từng là giáo sư đại học sẽ đứng lớp.
Chương trình Amazon Career Choice dành cho các nhân viên làm việc tại kho – trong đó Amazon chi trả 95% học phí – được mở rộng sang cả những ngành có nhu cầu nhân sự cao như y tá và cơ khí máy bay, những lĩnh vực mà thực ra Amazon chưa có nhu cầu tuyển dụng.
Từng nhiều lần bị chỉ trích về điều kiện làm việc nhưng Amazon cho biết trong những năm gần đây đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường làm việc như tăng lương và trao cho người lao động nhiều cơ hội học tập. Năm ngoái Amazon vừa tăng mức lương tối thiểu cho nhân viên Mỹ lên 15 USD/giờ.