Nội dung chính
1, NHÀ VUA VÀ HOÀNG HẬU NHẬT BẢN KỶ NIỆM ĐÁM CƯỚI KIM CƯƠNG
2, DISNEY GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG ĐA PHƯƠNG TIỆN
3, BẤT ĐỘNG SẢN CAO CẤP TẠI TPHCM “SỐT” VÌ KHÁCH TRUNG QUỐC
4, HỒNG KONG THÀNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN THỨ 3 THẾ GIỚI
[KHÁM PHÁ]
NHÀ VUA VÀ HOÀNG HẬU NHẬT BẢN KỶ NIỆM ĐÁM CƯỚI KIM CƯƠNG
Khoảng 1.800 người đã tham dự sự kiện kỷ niệm lễ cưới kim cương của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko.
Các đại biểu tham dự buổi lễ gồm nhiều quan chức Chính phủ Nhật Bản, trong đó có Thủ tướng Shinzo Abe. Một bữa tối đã được tổ chức tại cung điện Hoàng gia vào tối 10/4. Các sự kiện kỷ niệm còn có hoạt động trình diễn một bài hát dựa trên những lời thơ do Nhật hoàng và Hoàng hậu sáng tác.
Ngược dòng thời gian 60 năm về trước, vào năm 1959, Thái tử Nhật Bản Akihito đã làm lễ cưới với Michiko Shoda, con gái một doanh nhân vốn không xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản chứng kiến một vị vua cao quý kết hôn với thường dân. Sau 30 năm trị vì, Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30/4/2019, để sau đó con trai trưởng của ông là Thái tử Naruhito lên kế nhiệm. Sau khi thoái vị, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ được gọi là Nhà vua danh dự và Hoàng hậu danh dự. Họ sẽ trở về dinh nơi họ từng sống trước khi lên ngôi.
Nguồn: VTV
[CÔNG NGHỆ]
DISNEY GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG ĐA PHƯƠNG TIỆN
Dịch vụ stream phim sắp ra mắt của hãng, có tên gọi là Disney+, sẽ cung cấp “toàn bộ kho phim của Disney từ trước đến nay”.
Trong ngày hôm nay (11/4), tại Los Angeles, California, Mỹ, các cổ đông của Disney sẽ là những người đầu tiên được chứng kiến màn ra mắt của dịch vụ streaming này. Quyết định này sẽ chấm dứt sự tồn tại của hệ thống “Disney Vault” (Két an toàn), theo đó chỉ cho phép một số tựa phim nhất định được bán công khai trong một khoảng thời gian ngắn.
Đây là một thông tin được các cổ đông của Disney cũng như người tiêu dùng rất trông đợi, sau khi hàng loạt các ông lớn như Netflix, Hulu, Amazon và mới đây là Apple đều gia nhập thị trường truyền thông đa phương tiện.
Tuy nhiên, Disney chưa nói rõ là dịch vụ streaming này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào thời gian nào. Disney cũng chưa tiết lộ về số tiền thuê bao, cũng như là việc hãng sẽ đầu tư bao nhiêu tiền cho việc sản xuất nội dung nguồn cho dịch vụ trực tuyến này.
Nguồn: VTV
[THỊ TRƯỜNG]
BẤT ĐỘNG SẢN CAO CẤP TẠI TPHCM “SỐT” VÌ KHÁCH TRUNG QUỐC
Kể từ khi Việt Nam cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản vào tháng 7/2015, thì thị trường nhà đất cao cấp cũng trở nên nóng chưa từng thấy. 3 năm trước, khi đó công ty Đại Quang Minh khánh thành khu phức hợp đầu tiên tại khu vực Thủ Thiêm, với mức giá khoảng 2.000 USD – 2.800 USD/m2, đây vốn là một khu đất trồng cỏ rộng 657 ha kéo dài từ sông Sài Gòn đến quận trung tâm. Metropole, một dự án xây dựng gần địa điểm trên, dự kiến có mức giá cao gấp đôi, từ 4.500 USD – 6.500 USD/m2.
Theo ước tính của CBRE, năm 2018, chỉ có 23% các căn hộ cao cấp được bán cho người dân địa phương, trong đó số lượng khách Trung Quốc đại lục chiếm tỷ lệ lớn nhất sau đó là các khách hàng Hàn Quốc và Hồng Kông.
Đối với người Trung Quốc, TP.HCM là địa điểm cực kỳ hấp dẫn. Đầu năm 2016, các tài liệu quảng cáo, tiếp thị có lời mời chào “có cánh” rằng thành phố này là Thượng Hải của Việt Nam và khu vực Thủ Thiêm cũng như quận Phú Đông – khu trung tâm thương mại được xây dựng, phát triển từ mảnh đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Không chỉ vậy, các nhà đầu tư Trung Quốc còn nhận thấy Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc của một thập kỷ trước – một quốc gia có sự ổn định về chính trị, có thể vươn tới sự lớn mạnh thông qua xuất khẩu cùng mối quan hệ thân thiện với Mỹ.
Và đối với các nhà đầu tư Trung Quốc vốn đã quen thuộc với những căn nhà có mức giá “trên trời”, thì căn hộ hạng sang ở Việt Nam dường như là một “món hời”. Đầu năm nay, China Vanke, nhà phát triển bất động sản lớn thứ 3 tại đại lục, đã khởi động một dự án ven sông ở khu vực Phú Đông của Thượng Hải với mức giá hơn 15.000 USD/m2, cao gấp đôi so với dự án Metropole ở TP.HCM.
Nguồn: Blomberg
[THẾ GIỚI]
HỒNG KONG THÀNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN THỨ 3 THẾ GIỚI
Theo số liệu của Bloomberg, Hồng Kông đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 3 thế giới về vốn hoá, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc đại lục.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hồng Kông đã tăng 17%. Chỉ số này đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba ở mức cao nhất kể từ ngày 15/6 năm ngoái. Cổ phiếu của hãng internet khổng lồ Tencent là động lực chính của Hang Seng với mức tăng 22%. Theo sau là cổ phiếu AIA Group và Ping An Insurance Group của Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ số Topix của thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng 8,3% trong cùng kỳ.
Tính đến ngày thứ Ba (9/4), vốn hoá của thị trường chứng khoán Hồng Kông đạt 5.780 tỷ USD, so với 5.760 tỷ USD của chứng khoán Nhật Bản, theo số liệu được tổng hợp bởi Bloomberg.
Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản tăng thêm 371 tỷ USD vốn hoá từ đầu năm. Lần cuối thị trường chứng khoán Hồng Kông vượt qua Nhật Bản về vốn hoá là vào tháng 4/2015, nhưng chỉ duy trì được trong 2 tháng.
Thị trường chứng khoán Hồng Kông và Nhật Bản đều đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư trong sắc đỏ do động thái hạ triển vọng kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sau khi Mỹ doạ đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).
Chỉ số Hang Seng giảm 0,1%, dù vẫn đóng cửa trên mức 30.000 điểm thiết lập hồi đầu tháng. Trong khi đó, chỉ số Topix giảm 0,7%.
Nguồn: Vneconomy