Cùng Lead The Change điểm qua 4 tin tức thú vị ngày hôm nay nhé
- Kinh tế Việt Nam vượt Singapore vào 2029?
- Sinh viên, học sinh Philippines phải trồng cây mới được tốt nghiệp
- Nhà sáng lập Huawei không muốn Trung Quốc trừng phạt Apple
- Grab ra chính sách mới ngăn tài xế 5 sao đầu quân sang đối thủ
Kinh tế Việt Nam sẽ vượt Singapore vào năm 2029?
Năm 2018, Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP đạt 7,1%, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2 ở châu Á. Mới đây, báo cáo của DBS dự đoán kinh tế Việt Nam có thể bắt kịp Singapore vào năm 2029 dựa trên một số giả định.
Dựa trên những yếu tố trong và ngoài nước cùng tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, DBS cho rằng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng bình quân 5,5% trong những năm tới.
Với tỷ lệ tăng trưởng dân số ngắn hạn trong độ tuổi lao động là 1% rồi giảm dần xuống 0,5%, DBS dự đoán Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong trung hạn, khoảng 10 năm tới.
Hiện tại, tổng GDP của Việt Nam vào khoảng 224 tỷ USD, tương đương 69% so với Singapore (324 tỷ USD), quốc gia đứng thứ 3 bảng xếp hạng GDP sau Indonesia (1.016 tỷ USD) và Thái Lan (455,2 tỷ USD).
Nếu Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng 6-6,5% như dự đoán trong tương lai, còn Singapore vẫn ở mức 2,5% thì DBS dự đoán Việt Nam sẽ bắt kịp Singapore trong bảng xếp hạng GDP vào năm 2029.
Nói cách khác, nếu những giả định của DBS là chính xác thì tổng GDP của Việt Nam sẽ vượt Singapore trong 10 năm nữa.
Dẫu vậy, DBS cũng cảnh báo dự đoán có thể không chính xác khi Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Ví như tiến trình cổ phần hóa các công ty quốc doanh cũng như mở cửa thị trường tài chính đang bị chậm tiến độ do liên quan đến giải quyết nợ xấu. Hệ thống luật pháp, quy định trong quản lý kinh doanh còn yếu kém khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại…
Theo DBS, điều quan trọng nhất là chính phủ Việt Nam đã hướng đến sự tăng trưởng ổn định dài hạn hơn là quá đam mê với bùng nổ ngắn hạn. Công cuộc cải cách kinh tế trong nước dù chậm nhưng vẫn được tiến hành.
Đầu tư cho tương lai
Việt Nam đang chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng cũng như thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển dài hạn. Nền kinh tế có Nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc top hàng đầu khu vực với 14,1 tỷ USD năm 2017, tương đương 6,3% GDP danh nghĩa, cao thứ 3 tại ASEAN.
Các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam hiện nay là Nhật Bản (chiếm 18,6% tổng FDI), Hàn Quốc (10,3%), Singapore (4%), trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 3,4%. Những lĩnh vực đầu tư FDI cũng khá rộng, từ bất động sản, cơ sở hạ tầng , ngân hàng, viễn thông cho đến sản xuất. Trong đó, mảng sản xuất, nhất là thiết bị điện tử thu được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư nhất.
Nhân lực
Nhân lực Việt Nam không những chăm chỉ mà còn được đầu tư cho giáo dục. Trong suốt 20 năm qua, chính phủ đã luôn dành 20% chi tiêu công cho giáo dục, một tỷ lệ khá cao so với thế giới. Nhờ đó năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện trong những năm qua.
Thêm nữa, việc FDI đổ vào mảng công nghệ cũng thúc đẩy giáo dục cũng như nhu cầu lao động tay nghề cao, qua đó gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Tăng trưởng năng suất của Việt Nam không những cải thiện trong những năm gần đây với mức bình quân 5,7%/năm trong giai đoạn 2015-2017, mà còn vượt nhiều nền kinh tế để vươn lên đứng thứ 2 sau Trung Quốc.
Không những năng suất, lao động Việt Nam còn có chi phí cực kỳ cạnh tranh trong khu vực. Mức lương bình quân tháng của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc. Chính yếu tố này khiến Việt Nam thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp điện tử cũng như sẽ trở thành người được lợi nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay.
Lợi thế từ chiến tranh thương mại
Việt Nam đang có lợi thế cực kỳ lớn trong tình hình chiến tranh thương mại diễn ra hiện nay. Nền kinh tế đang xâm nhập ngày càng nhiều trong chuỗi cung ứng sản xuất trong khi nguồn vốn FDI mạnh cũng như phát triển kỹ thuật bao năm qua giúp ngành sản xuất của Việt Nam ngày càng có chỗ đứng.
Bên cạnh đó, Việt Nam có đến 44 cảng biển với công suất tổng đạt 500 triệu tấn/năm. Việt Nam cũng nằm trên vùng biển Đông, nơi chiếm 20% lưu lượng thương mại trên toàn cầu.
Thêm nữa, Việt Nam cũng ký kết nhiều thỏa thuận thương mại tự do như AFTA, AEC, CPTPP, RCEP…qua đó củng cố mối liên kết thương mại với những đối tác chiến lược như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Giờ đây khi chi phí nhân công của Trung Quốc đã cao gấp 3 lần so với Việt Nam, qua đó làm giảm lợi nhuận và buộc các công ty phải dịch chuyển nhà máy của mình sang nước khác. Dựa trên lợi thế về vị trí địa lý, Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Đó là chưa kể đến thị trường có tầng lớp trung lưu ngày một tăng tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy nhu cầu nội địa cũng như thu hút các nhà sản xuất nước ngoài.
Sinh viên, học sinh Philippines phải trồng cây mới được tốt nghiệp
Các quan chức Philippines đã nghĩ ra cách để trồng 175 triệu cái cây mới trong một năm: yêu cầu các thanh thiếu niên đang đi học phải dành thời gian để trồng cây.
Từ năm 1990 tới 2005, Philippines đã mất 32,3% diện tích rừng bao phủ. Lâm tặc đã trở thành một vấn đề lớn đối với quốc gia này, nhưng giờ Hạ viện của Philippines vừa phê duyệt một giải pháp: dự luật yêu cầu các học sinh tiểu học, trung học và sinh viên phải trồng ít nhất 10 cái cây trước khi tốt nghiệp, theo CNN đưa tin.
Vẫn chưa rõ dự luật này đòi hỏi một sinh viên ra trường phải trồng tổng cộng 30 cây, hay chỉ 10 cây trong quãng thời gian đại học, cao đẳng của họ.
Các cây có thể được trồng trong rừng, rừng ngập mặn, các khu bảo tồn, thành thị, khu mỏ bỏ hoang… và cần phù hợp với khí hậu của nơi đó. Dự luật nói rằng nên ưu tiên trồng các cây bản xứ.
Dự luật có tên “Di sản tốt nghiệp trong Đạo luật Môi trường 2016” do đại biểu quốc hội Gary Alejano đề xuất nhằm kêu gọi “trách nhiệm của nhiều thế hệ” trong vấn đề bảo vệ môi trường.
“Tuy chúng tôi công nhận thế hệ trẻ có quyền được thừa hưởng hệ sinh thái cân bằng và lành mạnh… nhưng không có lý do gì không yêu cầu họ đóng góp công sức để đảm bảo tương lai nói trên sẽ trở thành hiện thực,” ông Alejano viết trong phần chú thích của dự luật.
Ông cho biết sáng kiến trồng cây này sẽ tạo ra ít nhất 175 triệu cái cây mới mỗi năm, và tổng cộng 525 tỷ cây “trong thời gian một thế hệ.”
Theo dự luật, Bộ giáo dục sẽ chịu trách nhiệm tiến hành quy định mới này; các cơ quan khác như Bộ Môi trường và Nông nghiệp sẽ lập các khu ươm giống, tạo hạt và tìm kiếm các khu vực trồng cây thích hợp, đồng thời theo dõi sự phát triển của cây sau khi trồng.
Theo ông Alejano, ngay cả khi tỷ lệ sống sót của cây chỉ là 10%, quy định này cũng sẽ mang lại 525 triệu cây mới trên cả nước.
Các cây này sẽ trở thành di sản sống của học sinh sinh viên đối với môi trường và các thế hệ mai sau, ông Alejano nói.
Nhà sáng lập Huawei không muốn Trung Quốc trừng phạt Apple
Ông Nhiệm Chính Phi, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc (CEO) hãng công nghệ Trung Quốc Huawei, vừa lên tiếng bảo vệ đối thủ Mỹ Apple. Phát biểu này được ông Nhiệm đưa ra giữa lúc Chính phủ Mỹ tìm cách “triệt hạ” Huawei, trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, khi được hỏi về những lời kêu gọi tẩy chay Apple ở Trung Quốc, ông Nhiệm nói rằng ông sẽ phản đối bất kỳ hành động trả đũa nào như vậy, cho dù căng thẳng giữa Huawei và Mỹ cũng như giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng.
“Thứ nhất, điều đó sẽ không xảy ra, và thứ hai, nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ là người đầu tiên phản đối”, ông Nhiệm nói.
“Apple là công ty hàng đầu thế giới. Nếu không có Apple, sẽ không có Internet di động”, ông Nhiệm phát biểu. “Apple là bậc thày của tôi, họ đang đi trước chúng tôi. Là học trò, tại sao tôi lại đi chống lại người thày?”
Bộ Thương mại Mỹ mới đây đã đưa Huawei vào một danh sách cấm, theo đó không cho phép công ty này mua linh kiện và công nghệ Mỹ. Lệnh cấm đã khiến hàng loạt công ty Mỹ và từ các quốc gia khác, như Google, Intel, Qualcomm, Broadcom, Xilinx, ARM, Panasonic… cắt quan hệ với “gã khổng lồ” Trung Quốc. Nhiều nhà mạng viễn thông ở Nhật Bản và Anh cũng dừng việc đặt hàng smartphone mới của Huawei.
Theo trang CNN Business, trong một báo cáo ra hôm Chủ nhật, tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings nói rằng lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei “có thể gây xáo trộn lớn trong ngành công nghiệp smartphone toàn cầu vì chặn lại động lực tích cực của Huawei”. Trong khi đó, lệnh cấm được cho là sẽ giúp ích cho hãng công nghệ Hàn Quốc Samsung, bởi người tiêu dùng toàn cầu có thể mua điện thoại Samsung nhiều hơn để thay thế cho điện thoại Huawei.
Tại thị trường Trung Quốc, tình hình kinh doanh của Huawei và Apple đang diễn biến trái chiều.
Huawei bán được gần 30 triệu chiếc smartphone ở Trung Quốc trong quý 1 năm nay, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Canalys. Trái lại, doanh số iPhone ở Trung Quốc giảm 30% trong cùng khoảng thời gian. Trung Quốc hiện vẫn là một thị trường chủ chốt của Apple, chiếm gần 18% tổng doanh số iPhone trong quý 1.
Grab ra chính sách mới ngăn tài xế 5 sao đầu quân sang đối thủ
Các công ty gọi xe trên khắp châu Á đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ trong bối cảnh sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp này đã dẫn đến nhiều tai nạn cũng như rắc rối cho khách hàng.
Hai ông lớn trong làng gọi xe là Didi Chuxing của Trung Quốc và Grab của Singapore đang tìm ra những cách mới để chuyến đi trở nên an toàn hơn và đảm bảo rằng các lái xe tuân thủ đúng khuôn khổ đã đề ra.
Tháng 8/2016, Didi Chuxing khiến thế giới bất ngờ khi tuyên bố mua lại toàn bộ mảng hoạt động của Uber tại Trung Quốc, kết thúc cuộc cạnh tranh khốc liệt tiêu tốn hàng tỷ USD của hai bên.
Từ đó, Didi đã trở thành kẻ thống trị mảng gọi xe tại đất nước tỷ dân. Sở dĩ công ty phát triển nhanh chóng như vậy một phần là nhờ sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc. Trước khi mua lại hoạt động của Uber tại nước này, hãng đã sáp nhập với đối thủ Kuaidi Dache năm 2015. Hiện số lượng người dùng của Didi rơi vào khoảng 550 triệu.
Mặc dù vậy, ngay cả khi kiểm soát hơn 60% thị trường quê nhà, Didi vẫn không phải là một cái tên quen thuộc ở nước ngoài. Chính vì vậy, CEO Cheng Wei cho biết trong tương lai, công ty sẽ tăng cường đầu tư vào các thị trường ngoài Trung Quốc.
Về phía Grab, mới đây hãng đã giới thiệu một chương trình được thiết kế để ngăn tài xế giỏi chuyển sang nền tảng khác tại một số khu vực ở Indonesia. Những người được khách hàng đánh giá 4,7 sao hoặc cao hơn và đáp ứng yêu cầu về doanh số được gọi là tài xế “Elite+” và sẽ kiếm thêm được 20% mỗi chuyến so với tài xế thông thường.
Năm 2018, Grab đã mua lại hoạt động tại Đông Nam Á của Uber sau một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Sau đó, khu vực này đã nhanh chóng bị chi phối bởi Grab và đối thủ đến từ Indonesia của họ là Go-Jek. Hai công ty đều nằm trong số 17 “decacorns” của thế giới, câu lạc bộ dành cho những startup được định giá từ 10 tỷ USD trở lên.
Những người chơi khác trong lĩnh vực gọi xe công nghệ cũng đang nỗ lực để giành miếng bánh thị phần cho mình. Đầu năm nay, ứng dụng FastGo của Việt Nam đã chính thức triển khai dịch vụ gọi xe hai bánh FastBike Pro tại Hà Nội. Lái xe muốn tham gia phải trải qua quá trình tuyển dụng chặt chẽ như đánh giá về đạo đức và thái độ phục vụ. Hãng cho rằng, việc đảm bảo chất lượng của tài xế sẽ giúp thâm nhập dễ hơn vào thị trường Việt Nam hiện chủ yếu do Grab kiểm soát.
Theo ước tính, các dịch vụ gọi xe sẽ thu về khoảng 49 tỷ USD trên khắp các nền kinh tế lớn của châu Á trong năm nay. Trong đó, riêng Trung Quốc chiếm tới 35,5 tỷ USD. Đến năm 2023, con số này sẽ tăng lên 85 tỷ USD cho khu vực châu Á và 62,1 tỷ USD ở Trung Quốc.