Cùng Lead The Change điểm qua một số tin tức HOT ngày hôm nay nhé:
- Đế chế chaebol khổng lồ SK Group góp vốn vào Vingroup, Massan, PV Oil của Việt Nam lợi hại như thế nào?
- Amazon trả 10.000 USD để nhân viên nghỉ việc và mở startup giao hàng
- Cổ phiếu startup cafe đối thủ của Starbucks tại Trung Quốc tăng bùng nổ sau IPO
- Kháng kháng sinh đang đe dọa sức khỏe toàn cầu
Đế chế chaebol khổng lồ SK Group góp vốn vào Vingroup, Massan, PV Oil của Việt Nam lợi hại như thế nào?
Gã khổng lồ trỗi dậy từ hoang tàn chiến cuộc
Sau chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953), Chủ tịch sáng lập của SK là ông Chey Jong-Gun đã khôi phục lại các tòa nhà dệt may Sunkyong bị phá hủy và quyết định thành lập một công ty dệt Sunkyong hoàn toàn mới.
Trải qua gần 70 năm, Sunkyong trỗi dậy thành SK Holdings – một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất Hàn Quốc với 111 công ty con.
SK Holdings hoạt động đa ngành, bao gồm lĩnh vực giải trí (hợp tác cùng ba công ty lớn là SM, YG và JYP), công nghệ viễn thông (SK Telecom), điều chế dược phẩm, khai thác vận chuyển dầu khí, kinh doanh bất động sản, khách sạn và trung tâm thượng mại (Coex Mall đang được điều hành bởi SK).Đáng chú ý, tập đoàn này khá thành công trong các thương vụ M&A tiềm năng.
Cụ thể, năm 1980, SK Holdings mua lại công ty dầu khí nhà nước Korean Oil. Năm 1994, tập đoàn tiếp tục đặt chân vào lĩnh vực viễn thông với việc tham gia cổ phần hóa công ty viễn thông Korean Mobile Telecommunications và đổi tên thành SK Telecom vào năm 1997, sau đó trở thành công ty viễn thông lớn nhất Hàn Quốc.
Bước sang năm 2012, SK Telecom nắm cổ phần chi phối Hyundai Electronics và đổi tên thành SK Hynix.
Về lĩnh vực dược phẩm, tập đoàn sở hữu nhà máy sản xuất BMS ở Ireland (2017) với công nghệ sản xuất tự động cùng nhà máy hóa chất AMPAC tại Mỹ (2018). Ngoài ra, SK Holdings còn sở hữu hai nhà máy năng lượng là Eureka Midstream (2017) và Brazos Midstream (2018).
SK còn góp mặt vào cuộc chiến vận tải đang diễn ra khốc liệt khi đầu tư phát triển dịch vụ chia sẻ xe tại Hàn Quốc (Socar), Mỹ (Turo) và Châu Á (Grab).
Ngoài những thành công trên thương trường, SK Group từng đứng bên bờ vực phá sản vì phải đối mặt với hàng loạt các vụ kiện tụng hồi năm 2011, tuy nhiên, công ty đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, doanh thu tăng trưởng trở lại vào năm 2012 và đến nay, đế chế kinh doanh của SK Group trải rộng hơn 40 quốc gia, với doanh thu 132 tỷ USD và tổng tài sản đạt 184 tỷ USD.
Các thương vụ M&A với nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đang giúp cho SK Group có lợi thế lớn lao trong cuộc cạnh tranh ở thị trường gần 100 triệu dân.
Tìm cách “bắc cầu đưa lối” vào thị trường Việt Nam hơn 15 năm trước
Từ năm 2003, SK Group đã phát triển mạng di động CDMA (Code Division Multiple Access – đa truy cập phân chia theo mã) với mức giá rẻ mang tên S-Fone tại Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình thương mại hóa mạng CDMA tại Việt Nam diễn ra chậm do gặp nhiều khó khăn về mạng lưới và các thiết bị đầu cuối kém đa dạng, chưa tính đến sự lên ngôi của mạng 3G. Chính vì vậy, S-Fone chính thức dừng hoạt động vào năm 2012.
Thế nhưng thất bại của S-Fone không đặt dấu chấm hết cho SK Group tại Việt Nam. Trên thực tế, tập đoàn này đã đầu tư đa dạng vào nhiều công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Năm 2007, SK Energy bắt đầu cung cấp dầu diesel cho Petrolimex bằng tàu trọng tải lớn tại vịnh Vân Phong (Khánh Hoà, Việt Nam). Tới năm 2008, SK Energy cung cấp thêm xăng RON 95 và sau đó là RON 92. Mười năm sau, SK Energy trở thành cổ đông lớn thứ hai tại PV Oil với tỷ lệ sở hữu 5,23%.
Ở lĩnh vực FMCG, vào tháng 09/2018, SK Holdings đã đầu tư 470 triệu USD mua lại toàn bộ 109,9 triệu cổ phiếu quỹ của Masan, tương ứng tỷ lệ sở hữu 9,5% vốn cổ phần, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Masan.
SK Group thông qua thương vụ với Masan, đã trực tiếp thâm nhập vào một loạt các công ty có liên quan đến Tập đoàn Masan, điển hình như Masan Resources – doanh nghiệp chuyên cung cấp hóa chất từ vonfram (như APT, BTO, YTO) lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc với thị phần 36% sau khi mua lại mỏ Núi Pháo và Masan Nutri-Science – doanh nghiệp chiếm 35% thị phần thức ăn chăn nuôi cho heo tại Việt Nam,…
Amazon trả 10.000 USD để nhân viên nghỉ việc và mở startup giao hàng
Hãng thương mại điện tử Amazon mới đây tuyên bố sẽ trả 10.000 USD cho nhân viên nào muốn nghỉ việc và thành lập một startup giao hàng. Amazon cũng sẽ hỗ trợ cho những nhân viên này số tiền tương đương 3 tháng lương gần nhất của họ tại công ty để khởi nghiệp.
Động thái này theo sau chương trình trước đây của Amazon, trong đó trả tiền mặt để nhân viên nghỉ việc nếu họ không còn muốn làm việc tại công ty. Người sáng lập, CEO Jeff Bezos của Amazon từng chia sẻ về chương trình “Trả tiền để nghỉ việc” trong thư gửi cho các cổ đông 5 năm trước và giờ đây công ty đang có động thái mạnh mẽ hơn nữa.
“Chúng tôi muốn nhân viên của Amazon phải là những người muốn làm việc ở đây”, người phát ngôn của Amazon nói với CNBC vào năm ngoái.
Chương trình trả tiền này đi liền với những nỗ lực của Amazon trong việc mở ra các lựa chọn giao hàng mới.
“Kể từ khi khởi động chương trình Đối tác Dịch vụ Giao hàng vào tháng 6/2018, Amazon đã thúc đẩy sự ra đời của hơn 200 doanh nghiệp nhỏ mới. Những công ty này đã thuê hàng nghìn lái xe địa phương để giao hàng cho khách hàng của Amazon”, hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới nói trong một thông cáo ngày 13/5.
“Năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ giúp tạo thêm hàng trăm công ty mới, bắt đầu bằng chương trình ‘nhân viên trở thành ông chủ’. Ngoài ra, chương trình này cũng được mở rộng áp dụng cho nhân viên Amazon tại Anh và Tây Ban Nha”.
Cổ phiếu startup cafe đối thủ của Starbucks tại Trung Quốc tăng bùng nổ sau IPO
Cổ phiếu của Luckin Coffee, chuỗi cửa hiệu cà phê được mệnh danh là “Starbucks Trung Quốc”, có lúc tăng 50% trong phiên giao dịch đầu tiên ở Phố Wall sau khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Theo trang CNN Money, lúc đóng cửa phiên chào sàn vào ngày thứ Sáu, cổ phiếu Luckin đạt mức tăng 20%.
Chuỗi cửa hiệu này đang tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ nhờ chiến lược bán đồ uống với giá “mềm”. Vụ IPO được Luckin tiến hành trên sàn Nasdaq ở Mỹ chào bán cổ phiếu với giá 17 USD/cổ phiếu, huy động được 570 triệu USD và định giá công ty ở mức hơn 4 tỷ USD.
Luckin dự kiến sẽ sớm vượt qua Starbucks, với kế hoạch mở thêm hơn 2.000 cửa hiệu tại Trung Quốc trong thời gian từ nay đến cuối năm, nâng tổng số cửa hiệu lên khoảng 4.500.
Trong hồ sơ IPO, Luckin dẫn số liệu từ công ty nghiên cứu Frost & Sullivan cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc chỉ dùng bình quân 6 cốc cà phê/người trong năm 2018, so với con số 279 ở Nhật Bản, 388 ở Mỹ, và 867 ở Đức.
Giám đốc tài chính của Luckin, ông Reinout Schakel, nói rằng công ty này muốn “giúp người tiêu dùng tiết kiệm tiền”. Ông nói công ty đang đầu tư nhiều vào công nghệ và ông tin tưởng những khoản đầu tư đó sẽ giúp giảm chi phí trong dài hạn.
Cũng theo ông Schaekl, mục tiêu của Luckin là cung cấp “cà phê chất lượng cao với mức giá phải chăng hơn và vẫn có lãi”.
Đối với nhiều khách hàng của Luckin, giá cả là một trong những điểm hấp dẫn nhất của chuỗi cửa hiệu này.
Vì lý do này, có vẻ như Starbucks sẽ có một cuộc đấu gay gắt với Luckin Coffee tại thị trường Trung Quốc trong tương lai không xa.
Kháng kháng sinh đang đe dọa sức khỏe toàn cầu
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, ít nhất có khoảng 30% trường hợp bác sĩ kê thuốc kháng sinh là không cần thiết.
Một nghiên cứu vào năm 2016 đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho biết, đây là một trong số các loại thuốc liên quan đến phản ứng phụ nghiêm trọng dễ khiến người bệnh phải nhập viện nhất.
Nếu mắc những căn bệnh này, bạn nên hạn chế tối đa việc dùng thuộc kháng sinh:
1. Viêm phế quản
Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi Jeffrey Linder, chuyên gia y khoa kiêm giáo sư tại Đại học Y Feinberg, 71% những người bị viêm phế quản được kê thuốc kháng sinh khi tới khám bác sĩ. Trên thực tế, điều này hầu như là không cần thiết. Chuyên gia Linder cho biết: “Sau 40 năm thử nghiệm, chúng tôi hoàn toàn khẳng định thuốc kháng sinh không thể giúp chữa khỏi bệnh viêm phế quản cấp tính”.
Vấn đề sức khỏe này có thể gây ra bởi virus, thay vì vi khuẩn như mọi người lầm tưởng. Các triệu chứng viêm phế quản thường là phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nhiễm trùng, chứ không phải do nhiễm trùng gây nên. Virus gây viêm rồi khiến cơ thể bạn tạo ra chất nhầy màu xanh hoặc vàng trong họng, từ đó phát triển tạo nên những cơn ho dai dẳng. Đây là hiện tượng rất bình thường, giống như mọc sẹo lúc lành vết thương. Khi bị nhiễm trùng phổi, cơ thể bạn phải mất một thời gian để hồi phục.
2. Viêm xoang
Trên thực tế, 90-98% trường hợp viêm xoang ở người lớn là do virus gây ra. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, thuốc kháng sinh thậm chí không thể chống lại vi khuẩn hiếm gặp. Một nghiên cứu vào năm 2012 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, sự phục hồi của bệnh nhân được điều trị bằng amoxicillin trong 10 ngày không khác mấy so với những người dùng giả dược.
3. Viêm đường tiết niệu
Viêm bàng quang thường do nhiễm trùng gây nên, nhưng nếu bạn không bị sốt, đó có thể bắt nguồn từ hiện tượng dị ứng hoặc kích ứng từ vòi rửa hoặc thuốc. Các triệu chứng khó chịu đến mức rất nhiều người lựa chọn uống kháng sinh ngay lập tức.
Theo Betsy Foxman, tiến sĩ, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng trực thuộc Đại học Michigan, mặc dù thường do vi khuẩn gây ra, phần lớn các trường hợp nhiễm trùng đều không gây biến chứng và sẽ tự khỏi mà chẳng cần kháng sinh can thiệp.