Cùng Lead The Change điểm tin tức chính trong chuyên mục Hot news ngày 11/5.
- Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2019
- TiKi lỗ 1.200 tỷ đồng chỉ trong 3 năm
- Mỹ chính thức tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc
- Grab ra mắt dịch vụ đặt phòng khách sạn tại Việt Nam
1. Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2019
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
Theo Nghị định, từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng thay cho mức lương cũ là 1.390.000 đồng/tháng.
2. TiKi lỗ 1.200 tỷ đồng chỉ trong 3 năm
Sau khi không thành công với những dự án thương mại điện tử do mình tự phát triển, đầu năm 2016, Công ty cổ phần VNG đã đầu tư 384 tỷ đồng để trở thành một trong những cổ đông chủ chốt của trang thương mại điện tử TiKi. Đến đầu năm 2018, tổng số tiền đầu tư của VNG vào Tiki đã tăng lên 506 tỷ đồng, tương ứng với 28,88% cổ phần.
Với việc Tiki đang lỗ rất lớn để chạy đua giành thị phần với Lazada, Shopee hay Sendo thì định kỳ VNG cũng phải ghi nhận một khoản lỗ từ Tiki vào kết quả kinh doanh của mình.
Năm 2016 và 2017, Tiki lỗ lần lượt là 179 tỷ và 282 tỷ đồng, qua đó VNG cũng ghi nhận khoản lỗ tương ứng 93 tỷ và 126 tỷ vào kết quả kinh doanh của mình. Năm 2018, khoản lỗ từ Tiki mà VNG phải “gánh” tăng hơn gấp đôi lên 254 tỷ đồng. Đến cuối năm 2018, giá trị còn lại của khoản đầu tư vào Tiki trên sổ sách của VNG chỉ là 33 tỷ đồng.
Đến quý 1/2019 – sau 9 quý đầu tư – nhiều khả năng giá trị của khoản đầu tư này đã về 0, tức VNG đã ghi nhận lỗ toàn bộ số tiền đầu tư vào Tiki. Nếu VNG không tiếp tục đầu tư thêm vào Tiki thì từ nay Tiki có lỗ thêm thì cũng không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của VNG.
Tất nhiên việc VNG “mất” 506 tỷ đồng đầu tư vào Tiki chỉ là việc ghi nhận theo quy định kế toán. Mặc dù lỗ rất lớn nhưng Tiki hiện vẫn là một trong những công ty công nghệ đắt giá nhất hiện nay. Khi VNG đầu tư vào Tiki từ đầu năm 2016, định giá của công ty này lúc chỉ chưa đến 50 triệu USD và hiện có thể đã lên đến vài trăm triệu USD.
Với việc có thêm nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư mới, Tiki đã không ngại “đốt tiền” với mức lỗ năm 2018 lên đến 757 tỷ đồng – theo như số liệu công bố trong báo cáo thường niên của VNG.
Mức lỗ này gấp gần 3 lần so với năm 2017 qua đó nâng tổng lỗ lũy kế của Tiki đến cuối năm 2018 vào khoảng 1.300 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng 3 năm gần đây khi nhận vốn đầu tư của VNG rồi JD.com thì TiKi đã lỗ hơn 1.200 tỷ.
Trong ngành thương mại điện tử Việt Nam thì việc lỗ tới 800-1000 tỷ đồng/năm cũng không phải là điều mới mẻ. Lazada cũng từng “đạt” được mức lỗ này vào các năm 2015-2016 và lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 là hơn 3.100 tỷ đồng. Shopee cũng lỗ lũy kế trên 800 tỷ đồng đến cuối năm 2017.
Bên cạnh thương mại điện tử, nhiều lĩnh vực khác cũng chứng kiến những cuộc đua “đốt tiền” như lĩnh vực gọi xe, giao đồ ăn hay ví điện tử.
VNG – thông qua công ty con Zion – cũng tham gia vào lĩnh vực thanh toán online với ví điện tử Zalo Pay. Năm 2018, công ty này lỗ hơn 133 tỷ đồng.
3. Mỹ chính thức tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc
Mỹ đã chính thức tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc từ lúc 0h ngày 10/5, theo giờ Mỹ (từ 11h, theo giờ Việt Nam).
Mở cửa phiên giao dịch, cả 3 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ vẫn ngập trong sắc đỏ. Dù Mỹ và Trung Quốc bước vào ngày đàm phán thứ 2 nhưng các nhà đầu tư vẫn tỏ ra nghi ngại về việc đạt được một kết quả nào đó.
Tâm trạng của họ bị ảnh hưởng nhiều từ tâm trạng của Tổng thống Donald Trump. Sáng sớm 10/5, ông Trump đã lên Twitter đăng liên tục 6 lần, xóa đi rồi viết lại về vấn đề thương mại. Đáng chú ý có câu: “Đàm phán với Trung Quốc tiếp tục theo cùng một phong thái là không phải vội vàng, vì bây giờ Trung Quốc đã trả thuế 25% của 250 tỷ USD hàng hóa cho Mỹ. Đây là số tiền cực lớn đối với ngân khố”.
Ông Trump cũng cho rằng ông đã chuẩn bị để theo đuổi việc áp thuế lâu dài. Trong khi đó, thị trường cho rằng sẽ khó có thỏa thuận nào giữa 2 bên trong thời gian tới.
Chuyện áp thuế đã được lên kế hoạch từ lâu. Đây được xem là chiến lược hướng tới 2 mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump. Đó là gây sức ép lên Trung Quốc trước các vòng đàm phán và củng cố vị trí chính trị của ông.
Chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 đã bắt đầu. Xét về mặt kinh tế, chính quyền của ông được xem là thành công khi duy trì được đà tăng trưởng ổn định, thúc đẩy việc làm. Tuy nhiên, trong chính sách đối ngoại, lại đang có nhiều vướng mắc. Đó là vấn đề Triều Tiên không đạt được kết quả, cấm vận Iran nhưng lại ảnh hưởng tới thị trường dầu và không đạt được thỏa thuận về thương mại với Trung Quốc.
Trong khi đó, nông dân Mỹ, những cử tri rất ủng hộ ông lại sẽ là những người đầu tiên hứng chịu các đòn trả đũa thương mại từ Trung Quốc.
Một trong những dòng tweet mà ông Trump đăng sáng 10/5 mang tính trấn an các nông dân Mỹ rằng nước Mỹ chỉ xuất khẩu khoảng 100 tỷ USD giá trị hàng hóa sang Trung Quốc. Khoản tiền này hoàn toàn có thể được bù lại bằng tiền thuế mà nước Mỹ vừa tăng đối với hàng hóa Trung Quốc. Số tiền này sẽ được dùng để mua hết nông sản của nông dân Mỹ rồi phân phát cho các nước khó khăn.
Nói chung, thời gian không còn nhiều, chính quyền của ông Trump cần đạt được thỏa thuận ngay hoặc không thì thu được thuế ngay để có thể lấy số tiền đó hỗ trợ trực tiếp cho các cử tri nông dân vốn đã và có thể sẽ tiếp tục ủng hộ ông trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020.
4. Grab ra mắt dịch vụ đặt phòng khách sạn tại Việt Nam
Khách hàng có thể đặt phòng khách sạn và các loại hình lưu trú khác trên Agoda, và sắp tới trên Booking.com, trực tiếp ngay trên ứng dụng Grab.
Ngày 9/5, Grab công bố bắt đầu triển khai dịch vụ liên kết đặt phòng Khách sạn (Hotels) cho khách hàng tại Việt Nam. Khách hàng Grab tại Việt Nam giờ đây có thể đặt phòng khách sạn và các loại hình lưu trú khác trên Agoda, và sắp tới trên Booking.com, trực tiếp ngay trên ứng dụng Grab với mức giá ưu đãi đặc biệt, cũng như dễ dàng so sánh giá từ hàng triệu cơ sở lưu trú khác nhau, từ các khách sạn sang trọng cho đến nhà trọ bình dân, từ căn hộ cho thuê ngắn ngày đến các biệt thự nghỉ dưỡng.