Thương chiến Mỹ – Trung khó kết thúc khi hai siêu cường kinh tế liên tục tạo bão bằng hành động và de dọa hành động. Những vòng xoáy mới liên tục xuất hiện. Chúng hủy hoại các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng thương mại toàn cầu. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở nhất nhì khu vực và là đối tác thương mại lớn của cả Trung Quốc và Mỹ. Chúng ta sẽ khó tránh khỏi hệ lụy nếu không có kịch bản ứng phó chủ động.
Có quá nhiều cảnh báo về những góc khuất trong dòng chảy thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và thế giới. Trong đó có hành trình né bão từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu không cẩn trọng và chủ động có giải pháp, Việt Nam có thể bị hút vào tâm bão.
Bình luận về tác động của thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, TS.Phạm Sỹ Thành – giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES) nói hai từ khóa “leo thang” và “đe dọa thành sự thật” là các yếu tố đáng lo ngại nhất. Ông dẫn chứng các mốc áp thuế của Mỹ với Trung Quốc. Ông chỉ ra “Thuế quan Mỹ áp lên Trung Quốc chỉ có tăng chứ không hề giảm và cũng chưa có một đợt ngừng áp thuế nào diễn ra.”
“Chiến tranh thương mại chỉ là bề nổi của một cuộc chiến sâu xa hơn giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Thương chiến sẽ còn leo thang và kéo dài, tác động nặng nề tới kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu,” thông điệp cảnh báo từ các chuyên gia tại sự kiện tọa đàm về doanh nghiệp Việt giữa bối cảnh thương chiến leo thang do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm 6/9.
“Việt Nam không phải là vịnh tránh bão như chúng ta nghĩ”
Theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư U&I, khái niệm “vịnh tránh bão” được mọi người rất hay nhắc đến trong hai tuần qua. Để trả lời câu hỏi “Việt Nam có phải là vịnh tránh bão trong chiến tranh thương mại hay không?”, ông đã kể một câu chuyện về các doanh nghiệp hàng đầu về nội thất của thế giới.
“Trong 2 tuần qua, tôi đã có dạo một vòng để trao đổi với họ. Những doanh nghiệp lớn trong ngành nội thất của thế giới có doanh số hàng năm 100 triệu USD đến tỷ USD. Họ đóng vai trò rất lớn trong ngành nội thất thế giới, họ đều có nhà máy tại Trung Quốc. Với mức thuế Mỹ áp vào Trung Quốc, họ đã tìm cách di chuyển di chuyển”, ông Mai Hữu Tín cho hay.
Một doanh nghiệp lớn của Malaysia cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn, nhãn hàng lớn của thế giới. Khi được hỏi: Bạn lamg gì với nhà máy ở Quảng Đông?. Họ trả lời rằng họ đóng cửa và dọn qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Một doanh nghiệp ngành nội thất của Ý ở Thượng Hải thì trả lời rằng họ sẽ đóng cửa và dọn sang Mexico. Một doanh nghiệp ở Mỹ đang mua hàng ở Trung Quốc khoảng 3.000 containner/năm. Cùng câu hỏi như vậy, họ bảo rằng đóng cửa và sẽ đặt hàng ở Indonesia. Duy nhất chỉ có một doanh nghiệp ở Canada cho biết sẽ dọn nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Chúng ta thấy rằng, chiến tranh thương mại xảy ra thì không phải các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc đều chuyển sang Việt Nam. Thực tế, Việt Nam không phải là vịnh tránh bão như chúng ta nghĩ. “Tôi muốn xác định lại một vấn đề có thể gây hiểu lầm cho nhiều người. Đó là Việt nam chưa hẳn là nước hưởng lợi duy nhất. Chúng ta phải coi chừng tác động xấu xảy ra khi cuộc chiến thương mại leo thang”. Ông tín nói.
Doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có thể mất đi nhiều những nhân công. Bởi vì sự xuất hiện nhiều nhà máy mới với vốn đầu tư cao. Họ được trang bị công nghệ tốt hơn, sẵn sàng trả lương cao hơn. Hơn nữa, Trung Quốc không bán hàng được cho Mỹ thì họ sẽ tìm thị trường như Việt Nam để bán. Sự cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, ông Tín cho rằng vẫn còn những cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Hiện các khu công nghiệp gần Sài Gòn dường như không còn đất nữa. Xa nhất ở Bình Dương thì hiện tại giá đất là 70 USD/m2, cao hơn 33 USD sau 2 năm. Tiếp theo đó là những công ty xây dựng, dịch vụ , kiểm toán, kế toán… sẽ hưởng lợi.