Một giây là khoảnh khắc hai người xa lạ lướt qua nhau, một phút là khoảng thời gian để ta nhận ra sự hiện hữu của đối phương và một giờ là quỹ thời gian cần có để quyết định tiếp tục hay quên đi mối quan hệ đó. Đôi khi, ta đầu tư cả một khoảng thời gian, thậm chí cả một đời để khiến ai đó nhớ tới mình, yêu mình và nhận ra giá trị của bản thân. Nếu tất cả những điều này chỉ gói gọn trong một khắc thì sao? Điều kỳ diệu đó được hiện thực hóa bằng sự tử tế, cách đối nhân xử thế của mỗi cá nhân trong cuộc sống hằng ngày.
Không cần chiến dịch marketing triệu đô, yếu tố làm nên “thương hiệu” của tình người nằm ở sự tử tế. Ý nghĩa của chữ “tử tế” vẫn luôn tô điểm cho cuộc đời bằng chính sự giản đơn, nhỏ bé nhưng có “tầm” của nó. Tốt với mình trước, tốt với người sau. Giữa cái tất bật của nhịp sống, đừng biến việc chăm sóc bản thân thành một món đồ xa xỉ, mà hãy chuyển hóa nó thành một hoạt động thiết yếu, một thói quen hằng ngày. Bởi lẽ, khi đối đãi bản thân tử tế, cục pin năng lượng sẽ luôn ổn định bất chấp biến động khôn lường. Ví cơ thể như một cái cây thì chăm sóc bản thân giờ đây không chỉ quanh quẩn về mặt thẩm mỹ, mà còn chăm bón để nuôi dưỡng bộ rễ tâm hồn. Từ đó, bạn đủ “tĩnh” để lắng nghe từ bên trong, đủ “lặng” để phản tư, và đủ “mở” để tha thứ cho chính mình, bồi đắp sự thấu cảm tiến về đích đến của nhận thức. Việc bạn xử lý những cảm xúc dày vò, tiêu cực bên trong tác động mạnh mẽ đến phiên bản “bạn” của ngày hôm sau. Nếu bực tức vẫn ở đó, liệu bạn của ngày mai có nhìn đời với ánh mắt thiện cảm, có sẵn sàng dừng lại để cảm nhận từng mảnh đời hay có đủ tâm trạng để chào hỏi?
Nếu được chọn vũ khí để tiến vào đấu trường “đời”, bạn sẽ nhắm cái gì đầu tiên? Một khẩu súng, một con dao hay một cánh cung? Đơn giản lắm, hãy chọn một cái đầu mở, một đôi tai biết lắng nghe, đôi tay biết giúp đỡ, một trái tim ấm để trở thành một người tử tế. Qua mỗi trải nghiệm mới, hãy tự ấn nút “Refresh” cho tâm trí của chính bạn và tiếp xúc với vấn đề đặt ra một cách chân thành nhất. Hiếm ai có thể nhận ra giá trị của việc lắng nghe dù chỉ là vài phút. Sự ngắn ngủi ấy nhiều lúc lại là liều thuốc hóa giải tranh cãi, mở rộng cự ly ống kính sự việc lẫn thiết lập nên những mối quan hệ tốt đẹp sau này. Điều đó cho phép “não” hoạt động nhanh hơn “miệng” nhằm ngăn chặn những lời nói có tính sát thương cao đến đối phương. Tử tế đôi lúc không cần phải vĩ mô như bao câu chuyện quyên góp, từ thiện trên báo chí. Tử tế đôi khi là cách ta đối xử với người khác như cách ta muốn họ đối xử với mình – tôn trọng, chân thành và điềm đạm. Lời nói gió bay, hành động sóng cuốn xa dần nhưng cảm xúc mà bạn tạo ra cho người khác vẫn vẹn nguyên theo thời gian.
Chỉ một câu cảm ơn chân thành, vài phút giữ cửa cho người đi sau, nhường ghế cho cụ già trên xe bus hay đơn giản là chịu khó dùng hết kiến thức để phân loại rác – những hành động không màu mè nhưng lại gây ra hiệu ứng “cánh bướm” đến những người xung quanh. Không tốn phí giao dịch, tất cả những gì bạn cần làm để tạo nên sự cộng hưởng tích cực đó bắt đầu từ thiện chí và hành động của chính bạn. Hãy trở thành một lý do để người khác tin vào sự tồn tại của tử tế, cho mầm “thiện” được gieo trồng. Thay vì dừng lại ở một khoảnh khắc, tử tế phát huy toàn năng vẻ đẹp của nó khi được lan truyền và trường tồn trên thế giới này. Vì thế, tử tế đòi hỏi cả bản lĩnh để đứng lên, dám tiên phong cho vô vàn điều tốt đẹp phía sau. Thay vì hít thở cái không khí ngột ngạt giữa biển người đố kỵ và ganh ghét, hãy khiến cuộc sống này “thơm” hơn bằng cái mùi ấm nồng của “những bát cháo hành” và cái đậm của vị ngọt từ “tâm”. Không bao giờ là quá nhiều cho sự tử tế, cũng không bao giờ là quá trễ để trở thành một người từ tế ngày hôm nay bạn nhỉ?!
Huỳnh Công Thắng – Sáng lập Lead The Change