Khi quyết định chuyển hướng sang làm ở quỹ đầu tư, anh nghĩ: Nếu mình đã chấp nhận “Risk my life” thì tại sao mình không thử cố gắng chọn con đường chông gai nhất?
Anh Quang Phạm, Đối tác và Thành viên Ủy ban Đầu tư tại ABB Private Equity
Xuất phát điểm về môi trường và giáo dục hoàn toàn từ Việt Nam, bạn có bao giờ nghĩ mình vẫn có khả năng vươn ra thế giới lớn ngoài kia, làm ở những vị trí quan trọng tại quỹ đầu tư toàn cầu, bước lên bàn cân cạnh tranh cùng những ứng viên từ những trường Đại học hàng đầu thế giới?
Tại bài chia sẻ này, chúng ta sẽ cùng lắng nghe câu chuyện chia sẻ từ anh Quang Phạm (Đối tác và Thành viên Ủy ban Đầu tư tại ABB Private Equity) với câu chuyện vươn mình ra khỏi những vùng an toàn, và sự quyết tâm, can đảm để làm những điều mình chưa bao giờ làm.
Với hơn 20 năm chinh chiến trong lĩnh vực quỹ đầu tư, anh Quang đã từng đảm nhiệm qua đa dạng những vị trí như giám đốc, tổng giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, nhà đồng sáng lập của các quỹ đầu tư, công ty, tập đoàn trong và ngoài nước có thể kể đến như Crescent Group Capital Management, Vietnam Investments Group, VNDirect, Gami Group, v.v.
Để có được những thành tựu đáng kể như trên, anh đã phải trải qua những thử thách và sự cạnh tranh khốc liệt những ngày đầu nhận việc cùng với những du học sinh ở những trường đại học danh giá như Harvard, Oxford và ngay cả những người nước ngoài tại chính môi trường lao động trong nước.
- ‣ Vậy đâu là ưu thế cạnh tranh đặc biệt của anh khi anh có xuất phát điểm là sinh viên học hoàn toàn tại Việt Nam?
- ‣ Hành trình anh đi liệu có trải đầy hoa hồng hay có những biến cố nào làm anh vấp ngã để có thể đứng dậy vững vàng hơn?
Tất cả những câu trả lời sẽ dần được hé lộ trong bài viết này. Mời bạn đọc thêm câu chuyện câu chuyện khẳng định vị thế người Việt của anh Quang Phạm:
Background anh Quang Phạm
- ‣ Hiện đang là Đối tác và Thành viên Ủy ban Đầu tư tại quỹ đầu tư của riêng mình – ABB Private Equity
- ‣ Có gần 20 năm làm cho quỹ đầu tư & ngành tài chính
- ‣Tốt nghiệp đại học ngân hàng vào năm 2005.
- ‣ Thành viên HĐQT của nhiều công ty như: Hoa Cam Industrial Zone Investment JSC, Beta Media, Vietwash, Fresh Corner, Tien Nga Group (Tingco), VNDIRECT Securities Corporation,..
- ‣ Đồng sáng lập quỹ đầu tư Vietnam Investment Group (VIG).
- ‣ Từng làm giám đốc đầu tư tại quỹ đầu tư của Singapore quản lý 2,8 tỷ USD, tập trung đầu tư tại Trung Quốc và Đông Nam Á gần 5 năm
Hành trình chinh phục sự nghiệp
tại Quỹ đầu tư toàn cầu
Anh có thể chia sẻ hành trình anh có được công việc đầu tiên tại một trong những Quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam thời điểm ấy chỉ sau khi anh tốt nghiệp Đại học được không ạ?
Anh Quang: “Thời điểm anh tốt nghiệp Đại học ngân hàng năm 2005 và đi làm cho ngân hàng một thời gian, anh cảm nhận rằng mình không hợp với ngành này. Thế là, anh đã có một mong muốn quay trở lại làm đúng với ngành học trước giờ của mình – Đầu tư.
Thời điểm đó, anh có 3 sự lựa chọn:
- Làm cho công ty chứng khoán (Môi giới, phân tích)
- Làm cho phòng đầu tư của các công ty bảo hiểm
- Quỹ đầu tư
Lúc ấy, Việt Nam chỉ có 4-5 quỹ đầu tư với tổng số vị trí có sẵn để làm việc chưa đến 100 vị trí. Thời điểm đó, anh mới suy nghĩ rằng. Nếu mình đã chấp nhận “Risk my life” (đánh cược cuộc đời) để đổi hướng đi, thì tại sao mình không thử cố gắng chọn con đường chông gai nhất.
Thế là anh apply vào một quỹ đầu tư…
Lúc ấy, dưới góc độ anh xuất phát là sinh viên ĐH Ngân hàng, và với số lượng vị trí công việc ít như vậy, anh đã đối mặt với không ít sự cạnh tranh.
Thời điểm đó, các bên quỹ họ cũng ưu tiên tìm kiếm những bạn du học sinh, thậm chí là những bạn du học lớn tuổi hơn mình học ở những trường Top trên thế giới nhu Columbia Business School, Stanford,….và họ cũng có một vài năm kinh nghiệm đi làm ở Goldman Sachs, City Bank,…Em hãy tưởng tượng năm 2005, những tên tuổi doanh nghiệp ấy danh giá đến mức độ nào.”
Vượt qua sự cạnh tranh bằng sự quyết tâm và sức lao động của mình
Anh Quang chia sẻ: “Trong quá trình phải cạnh tranh ấy, anh dường như chẳng có quá nhiều lợi thế để cạnh tranh như Tiếng Anh, chuyên môn,…Thứ DUY NHẤT anh có thể đóng góp cho doanh nghiệp họ là sức lao động của mình.
Và anh nộp rất nhiều đơn, rất nhiều lần, thậm chí là đến tận nơi để nộp đơn để xem có ai từ công ty ấy bước ra để anh chào hỏi. Anh đã trao đổi với họ rằng “Tôi muốn làm FREE” (không lương). Anh sẵn sàng làm không lương từ 2-6 tháng. Anh muốn nắm bắt cơ hội này để chứng minh cho mọi người thấy được rằng, có điều gì đó đủ đặc biệt ở mình để công ty có thể nhận làm việc.
Rất may mắn là lúc đấy, anh được nhận vào IndoChina Capital. Và sau 2 tháng làm “free” tại quỹ đầu tư này, anh được công ty xem như 2 tháng thử việc có lương và được nhận chính thức ngay sau đó.”
Anh chia sẻ thêm rằng: “Sau này khi ngồi lại nói chuyện với sếp cũ, anh ấy mới chia sẻ với anh rằng, điều đặc biệt họ thấy ở anh đó là
(1) “Cậu luôn là người về trễ nhất trong công ty”
(2) “Có những điều tôi không cần phải dạy cậu, có thể không sõi tiếng Anh, nhưng bài gửi lên không bao giờ bị lỗi chính tả”
Vậy, có thể thấy những lợi thế để cạnh tranh mà anh có, thì có thể kể đến như việc:
- Mình chọn làm người đi làm sớm nhất và về trễ nhất.
- Về mặt cẩn thận, tỉ mỉ, cần cù và quyết tâm thì mình hơn những người khác.
Có thể thấy rằng, những nỗ lực được ghi nhận của anh Quang thể hiện thông qua sự quyết tâm, có phần “bất chấp” và thái độ làm việc khiêm nhường, luôn tỉ mỉ, chỉn chu với từng nhiệm vụ được giao. Đó chính là lợi thế cạnh tranh mà anh thể hiện được rõ nét khi đứng giữa biển lớn những người tài giỏi trên thị trường lao động.
Biến cố – Động lực của sự chuyển mình
7 năm trên giường bệnh – Những mong ước “điên rồ” hình thành biến cố
Host: Nhìn thấy những sự thành công mà anh có ở hiện tại, em tò mò rằng không biết liệu những khao khát, sự siêng năng, cần cù, sự quyết đoán và liều mình của anh đều đã có sẵn từ những ngày bé hay liệu có một sự tác động nào khác để biến anh trở thành phiên bản như ngày hôm nay hay không?
Anh tin là có. Chia sẻ với em về một biến cố ngày xưa của anh. Anh có 7 năm gần như bị “liệt” chân từ lúc 11 tuổi. Trong thời gian ấy, bác sĩ yêu cầu anh nằm một chỗ trên giường và không được đi bằng 2 chân. Đến năm anh 16 tuổi, bác sĩ mới cho anh đi bằng nạn. Năm 18 tuổi mới chính thức bỏ nạn để tập đi. Thế thì, tuổi thơ và thời niên thiếu của anh, tất cả mọi thứ anh nhìn thấy đều qua khung cửa sổ nhà. Thời điểm ấy, mọi người có thể cho rằng, mình hệt như bị “giam cầm” trong căn phòng ấy. Nhưng anh lại nghĩ rằng, mình chỉ đang nhìn cuộc sống từ bên trong khung cửa sổ, và nếu tầm nhìn của mình đang nằm ở ngoài khung cửa sổ, thì đó là sự tự do.
Lúc nào trí tưởng tượng của anh cũng nằm bên ngoài khung cửa sổ. Anh đoán rằng, 7 năm ấy là một BIẾN CỐ trong giai đoạn cuộc đời của mình để hình thành cách sống của mình sau này. Và sau này, anh cũng có cho mình một châm ngôn sống (life motto) rằng “I want to experience every angle in life” (mình muốn trải nghiệm mọi góc độ cuộc sống).
Anh thấy cuộc đời này thật ngắn, vậy thì tại sao mình không đi qua tất cả ngóc ngách cuộc sống. Tại sao mình không thử sống như một ông hoàng, hoặc mình cũng có thể sống như một người nghèo khổ, sao mình không sống đúng nghĩa như một người Việt Nam hoặc người Singapore, hay người Mỹ.
Cho đến bây giờ, anh vẫn muốn truyền lối sống đó cho 2 đứa con của mình. Anh may mắn đã tìm được một người bạn đời đủ hiểu anh và chia sẻ cách sống đó. Để sau nay khi nghỉ hưu, bọn anh cùng nhau có thể thử sống ở những nơi mình chưa từng được đến như Columbia, hoặc những đất nước xa xôi chưa bao giờ được nghe đến từ châu Phi xa xôi…kiểu thế.
Đấy là mong muốn của anh. Kể cả thời điểm 2018, khi anh rời quỹ đầu tư lớn nhất nhì Việt Nam như Vietnam Investment Groups, rất nhiều người bạn đã hỏi rằng “Tại sao?”, “Tại sao anh muốn đánh cược cuộc đời mình như thế?”
Câu trả lời của anh là “Anh không muốn mãi ở trong vùng an toàn của mình quá lâu”
Vượt ra khỏi vùng An toàn để vươn ra biển lớn…
Thời điểm anh nhận ra mình đang ở trong vùng an toàn là những lúc anh thấy sao mình đang quá nhàn rỗi đến vậy. Một câu chuyện đáng nhớ khi anh quyết định rời bỏ công việc tại Quỹ đầu tư ở Việt Nam là lúc anh đang đi câu cá cùng một người bạn.
Một bạn thư ký liên hệ anh và chạy từ văn phòng đến chỗ anh câu cá để lấy chữ ký. Ngay khoảnh khắc anh đặt bút xuống ký, anh nhận ra rằng mình đang ở một vị trí mà có vẻ như anh đang được phục vụ hơn là anh đi phục vụ cho xã hội này.
Sau đó, anh quyết định nghỉ việc tại công ty ấy. Anh chia sẻ nguyện vọng với đồng nghiệp của mình rằng “Em muốn nghỉ, và đi ra nước ngoài, có một công việc mới, làm một việc mà em lại được làm nhân viên, làm việc ở một đất nước khác hoàn toàn Việt Nam, nói một thứ tiếng hoàn toàn khác. Em muốn làm những công việc em chưa từng làm trước đây như Mảng giao dịch đa quốc gia (Cross-border transaction)”
Và anh rời Việt Nam để bắt đầu hành trình của mình tại Singapore.
Giai đoạn anh sang Singapore, cuối những năm 2018 và làm cho quỹ đầu tư ở Singapore cho đến đầu năm 2023. Tại đó, anh quản lý khu vực Việt Nam và một số quốc gia lân cận.
Khi đó, anh đã có 13 năm trong nghề. Trong 13 năm đó anh đã làm với rất nhiều bạn nước ngoài từ các trường danh giá ở nước ngoài,…anh đã từng rất tự tin nghĩ rằng lúc ấy mình đã đủ va vấp rồi. Đến khi sang Singapore, anh mới thấy đó là một chân trời mới. Chưa chắc những thú ở Singapore dạy cho anh sẽ hoàn toàn tốt hơn những gì anh học ở 13 năm đầu tiên. Nhưng đó là những điều mới, và đó lại chính xác là những thứ anh muốn nhận, muốn học hỏi, trải nghiệm.
Chúng ta nên có những “bất lợi”
Anh nghĩ rằng, nếu suy nghĩ một cách tích cực. Chúng ta nên có nhiều bất lợi, yếu thế hoặc có nhiều điểm yếu. Bởi vì như vậy, em sẽ có động lực đủ lớn để em hoàn thiện những bất lợi ấy.
Anh nghĩ rằng anh có nhiều bất lợi:
- ‣ Bất lợi về ngôn ngữ: Cho dù anh có nói chuyện giao tiếp giỏi cỡ nào thì cùng không so được với tiếng Anh của người bản xứ. Là giao tiếp tiếng Anh ổn là bước đầu tiên quan trọng nhất để tạo niềm tin khi làm việc tại quỹ đầu tư.
- ‣ Bất lợi vì…định kiến chưa đúng về Việt Nam: Nước mình thời điểm trước còn chưa được nằm trong số các nước đang phát triển được biết đến trong đầu tư (Emerging Market). Lúc ấy nước mình “nằm ở biên giới” Frontier market, và thâm chí hiện nay khi gặp những bạn Mỹ, châu Âu, thì nhiều bạn vẫn chưa hiểu nhiều về nước mình và gắn “mác” với những hình ảnh chiến tranh xưa.
- ‣ Bất lợi về trang thiết bị: Anh nhớ cái máy tính đầu tiên khi anh bắt đầu VIG vào 2007, sếp của anh đã xách tay chiếc máy ấy từ Mỹ về (vì lấy đâu ra máy tính để dùng). Những thao tác về máy tính của mình lúc ấy không được thông suốt, nhanh nhẹn như các bạn khác chưa kể các kiến thức chuyên môn khác.
Mình có rất nhiều những rào cản để vượt qua. Đối với anh, mình phải có rào cản thì mới tập nhảy cao được. Thế thì, mình cần từng bước vượt qua từng rào cản. Tốt nhất, quan trọng nhất đối với anh, là liệt kê ra mình có bao nhiêu rào cản và mình sẽ phải vượt qua nó như thế nào MỖI NGÀY.
Lợi thế của người Việt để đứng vững trên một thị trường hội nhập?
“Anh nghĩ cuối cùng, chiến lược của mình là “Mình có gì?” và “Người khác không có gì”
Nếu họ lựa chọn work-life balance, thì mình cần cho mọi người thấy, mình không cần work-life balance, và mình làm rất nhiều cho công ty. Để đến một thời điểm họ nhận ra, mình là người xứng đáng cho vị trí đó.
Thời điểm anh làm cho VIG hay Indo China, cứ có công việc mới là anh nhận làm. Tất nhiên, mình không phải nhận việc chỉ để làm gian dối, mà mình phải làm thật kỹ. Khi anh làm quỹ đầu tư, có thời điểm anh được hỏi “Khi quỹ đầu tư vào một công ty, em có sẵn sàng nhảy vào công ty được đầu tư ấy để làm CFO hoặc Financial Controller cho doanh nghiệp ấy không?”
Anh chấp nhận sẵn sàng làm để có thêm kinh nghiệm ở vị trí đó mà chả phải trả bất cứ chi phí nào ngoại trừ thời gian, công sức của mình. Dù trong quá trình ấy, mình va vấp không ít thứ. Thậm chí có những doanh nghiệp khi anh làm rồi thì mới thấy được những gian dối, vấn đề và nó ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của anh. Thậm chí, họ còn có thể thuê “giang hồ” đến để hâm dọa. Đối với anh đó là trải nghiệm, là cách để anh rèn luyện ý chí bản lĩnh của mình.
Khi anh đi ra quốc tế, các bạn khác có tấm bằng đại học danh giá, network với những người giàu và giỏi trên thế giới, có kiến thức vững, có tiếng Anh tốt, kinh nghiệm làm việc quốc tế,…Còn anh có gì? Anh có kinh nghiệm thực chiến điều hành doanh nghiệp của mình, kinh nghiệm đi nói chuyện với một người công nhân, trải nghiệm đi thăm nhà máy bắt đầu và kết thúc ra sao, thất thoát có thể diễn ra thế nào, …..
Khi anh đi ra nước ngoài, kinh nghiệm về Emerging market của mình được xem như “độc nhất vô nhị”, vì ở Mỹ hay châu Âu thì khó có thể hiểu được những thị trường này. Và cũng vì thế, anh trở thành một màu sắc hoàn toàn mới và khác biệt.
Theo quan điểm của anh, chúng ta phải luôn xây dựng được những điểm mạnh của riêng mình và cải thiện được những điểm mình còn yếu để rút ngắn khoảng cách giữa mình và bạn bè quốc tế.”
“Shark” Quang và lời nhắn đến những bạn trẻ Việt
Anh Quang chia sẻ: “Anh nghĩ chúng ta nên tự tạo ra cho mình những biến cố khi có thể dù trong đời có “may mắn” gặp nhiều biến cố hay chưa. Ví dụ như chúng ta có thể thử một lần trong đời làm việc ở nước ngoài, đặt bản thân mình ở một nơi buộc phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, bất biến không lường trước được. Biến cố về môi trường như thế giúp ta dần tìm được cách thích nghi để tiếp tục đứng vững trên đôi chân của mình.”
Ngoài ta, anh nghĩ rằng, “Sự lựa chọn của anh về việc trở nên cần cù, cống hiến là lựa chọn riêng của mỗi người. Lựa chọn không sống trong vùng an toàn của anh cũng là lựa chọn riêng của mỗi người. Mỗi một người không nên gò ép bản thân phải làm một điều gì đó, hoặc sống một cuộc đời của ai đó. Tốt nhất là em nên sống cho cuộc đời của chính em. Và lời khuyên của anh là BE YOURSELF.
Nhưng lựa chọn là chính mình thì em cần hiểu bản thân em là ai, muốn gì ở trong đời. Có rất nhiều người họ không biết mình là ai, muốn gì, sợ gì ở trong đời. Chúng ta cũng có rất nhiều nỗi sợ không tên khiến cho mình không biết mình cần gì. Nếu em muốn sống cuộc đời của riêng em, theo cách rực rỡ, huy hoàng nhất thì em phải hiểu được bản ngã, bản thân mình.”
Làm cách nào để biết được mình là ai? Mình muốn gì?
Đối với anh Quang, “hành trình đi tìm chính mình mỗi người sẽ có một con đường khác nhau. Có lẽ là mỗi người phải tự đi trên hành trình của riêng mình để tìm hiểu. Có một người bạn của anh, năm nay đã gần 50 tuổi, và gần đây anh ấy mới nhận ra rằng “Bản thân mình là ai” cách đây vài tháng.
Vì thế, hành trình tìm kiếm bản ngã của mình là hành trình của cuộc đời. Và thời điểm chúng ta nhận ra “Tôi là ai” cũng phụ thuộc vào việc mình bắt đầu hành trình ấy sớm hay muộn. Khi ta nhận thức được mình cần bắt đầu trên hành trình trả lời cho câu hỏi “mình là ai?” và tự cho mình nhiều cơ hội để tìm câu trả lời thì anh tin thời gian mình tìm được bản ngã, con người thực sự của mình sớm thôi.”
Hy vọng qua câu chuyện chia sẻ của anh Quang, chúng ta – những người trẻ sẽ có cho mình những thông điệp và niềm cảm hứng mới, để bước tiếp trên con đường tìm kiếm sự nghiệp của cuộc đời và tìm kiếm bản ngã của chính mình.
Vậy bạn có thể bắt đầu từ đâu ngay lúc này để bắt đầu trao dồi các giá trị nội lực của chính mình? Như khách mời chia sẻ, trước tiên hãy đặt ra những câu hỏi cho bản thân mình rằng “Mình cần gì?”, “Mình đang gặp vấn đề gì?”, “Kỹ năng nào mình nên trau dồi ở giải đoạn này?”,…
Sau khi đặt câu hỏi và có câu trả lời cho riêng bản thân mình, hãy bắt tay vào Hành động, tìm kiếm cho mình cơ hội, kết nối, tham gia khóa học và tất cả những điều cần làm một cách có kế hoạch và chiến lược.
Sau đây là một số gợi ý và cơ hội mà Lead The Change muốn gửi đến bạn với hy vọng rằng: năm 2024 sắp tới, bạn sẽ luôn giữ có mình tình thần luồn học hỏi, trau dồi giá trị bản thân và nỗ lực 200% để thực hiện những dự định của mình để có một năm mới thật rực rỡ:
Chuẩn bị cho năm 2024
– 6 Bước Để Hành Động Vì Giấc Mơ Lớn Của Bạn Năm 2024
– 8 Bước Giúp Bạn Xây Dựng Một Kế Hoạch Phát Triển Bản Thân Năm 2024
Cơ hội quốc tế nâng cấp bản thân năm 2024:
– Tổng hợp cơ hội quốc tế năm 2024
– Cơ hội Du học ngắn hạn tại Singapore duy nhất trong năm 2024 cùng Lead The Change (Hỗ trợ tài chính cho đơn ứng tuyển nhóm lên đến 20%)