Vào cuối tháng 1 năm 2021, Diễn đàn kinh tế Thế giới (The World Economic Forum) đã đưa ra thông báo về tầm quan trọng của việc làm mới bộ kỹ năng (Reskilling) bằng công bố sẽ có hơn 1 tỷ công việc sẽ phải thay đổi do sự có mặt của công nghệ.
Việc các nhân viên tại các công ty học thêm các kỹ năng mới đã liên tục được khuyến khích trong những năm qua nhưng Covid-19 xuất hiện đã thúc đẩy sự cấp thiết của việc này. Tuy nhiên, rất nhiều các bạn trẻ gặp khó khăn trong việc học những kiến thức mới, đặc biệt là khả năng học những chủ đề không liên quan đến chuyên môn của các bạn.
HỌC CÓ CHỦ ĐÍCH LÀ NHƯ THẾ NÀO?
Người học có chủ đích họ xem mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống chính là một cơ hội quý giá để học hỏi. Đối với họ, học không phải là việc “bắt buộc” hay “nỗ lực” để đạt được. Học chính là một hành động phản xạ, tồn tại trong vô thức.
Mỗi người họ gặp, mỗi việc họ làm, mỗi nơi họ đi qua, họ đều chủ động tìm kiếm những điều mà bản thân có thể học được. Từ đó, họ trau dồi kinh nghiệm và làm giàu vốn kiến thức, vốn sống cho bản thân.
HAI CÁCH TƯ DUY GIÚP BẠN LÀM CHỦ VIỆC HỌC
Cách chúng ta tư duy ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng ta hành động hằng ngày, đôi khi, nó còn tạo ra các hành vi được lưu sẵn trong tiềm thức.
Cải thiện tư duy cầu tiến
Carol Dweck – Nhà tâm lý học nổi tiếng của Stanford đã chỉ ra rằng: Bên trong chúng ta có tồn tại hai dạng niềm tin về khả năng của mình. Đó chính là: Cố định hoặc Phát triển/ Cầu tiến.
Người có tư duy Cố định (Fixed mindset) tin rằng tính cách, tài năng, năng lực của một người là không thể thay đổi hoặc cải thiện theo thời gian. Những người có tư duy này thường có cái nhìn phiến diện về bản thân. Họ tự cho mình là thông minh hoặc bình thường, tài năng hoặc không có năng lực, thành công hay thất bại. Chính niềm tin này khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc học.
Ví dụ, nếu họ thấy mình vẽ không đẹp, họ sẽ tin rằng do mình sinh ra không có năng khiếu hội họa. Nên cho dù có học nhiều như thế nào cũng không thể vẽ đẹp hơn. Dweck chia sẻ rằng: “Tư duy cố định khiến chúng ta không nhìn thấy được giá trị của việc phát triển bản thân mình hơn. Khiến chúng ta tin rằng mình sinh ra đã như vậy”.
Trong khi đó, người có Tư duy cầu tiến tin rằng: Luyện tập sẽ giúp cải thiện kỹ năng của mình. Họ không bắt mình phải trở nên hoàn hảo hay xem thất bại là một điều đáng xấu hổ mà xem mọi thất bại và sai lầm trong cuộc sống của mình là một “món quà”, là cơ hội để học và hoàn thiện mình hơn.
Họ tin rằng không tồn tại giới hạn cho bản thân mình, họ có thể làm được mọi thứ chỉ cần đó là điều họ muốn. Do đó, họ tìm thấy niềm vui trong những lúc khó khăn nhất, họ tìm thấy ý nghĩa và tận hưởng cảm giác hạnh phúc trong mọi việc cho dù kết quả có như thế nào.
Để có thể cải thiện Tư duy cầu tiến, chúng ta cần thay đổi cách đặt niềm tin vào bản thân mình, thay đổi cách chúng ta giao tiếp với bản thân mình. Thay vì nói: “Mình không có khả năng thuyết trình.” Hãy nói với chính mình: “Mình sẽ cần tập luyện để thuyết trình tốt hơn.”
Cho sự tò mò của mình cơ hội được tỏa sáng
Sự tò mò chính là “công cụ” giúp chúng ta đào sâu hơn vào vấn đề cũng như học nhanh hơn. Giữ cho mình sự tò mò đơn giản là “mở” mình ra để đón nhận những góc nhìn, những ý kiến mới từ mọi người xung quanh. Tò mò để thách thức những niềm tin của bản thân về mọi thứ quanh mình.
Vậy tại sao tò mò lại quan trọng đến thế? 3 lý do sau đây sẽ giúp chúng ta làm rõ nguyên nhân:
1. Sự tò mò giúp khơi nguồn cảm hứng học hỏi từ bên trong, tạo ra sự gắn kết chặt chẽ với những điều mình muốn học.
2. Sự tò mò chính là điểm bắt đầu của việc học có định hướng – nuôi dưỡng khả năng đặt câu hỏi để đào sâu khai thác vấn đề.
3. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Sự tò mò không có giới hạn tuổi tác. Cho nên, nó có khả năng giúp bạn học ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc sống.
Phương pháp học tập của chúng ta có thể thay đổi theo thời gian, nhưng sự tò mò chính là mỏ neo để giữ “lửa” cho chúng ta trong suốt quá trình học.
Trí tò mò cũng giống như cơ bắp, luyện tập càng nhiều, chúng ta sẽ ngày càng nhiều “cơ”. Tò mò càng nhiều, chúng ta càng biết cách tò mò hơn. Để xây dựng và gia tăng khả năng tò mò của bản thân, chúng ta có thể tham khảo những phương pháp sau:
1. Đối diện với nỗi sợ:
Sự sợ hãi chính là rào cản đối với trí tò mò. Dám đối diện với sự sợ hãi và tự hỏi chính mình các câu hỏi như:
Bạn sợ điều gì khi đặt câu hỏi?
Điều gì đang ngăn cản bạn thử điều mới?
Một khi chúng ta trả lời được các câu hỏi mà mình đặt ra. Chúng ta sẽ biết cách tháo gỡ những “nút thắt” khiến chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc đặt câu hỏi.
2. Tìm kiếm những trải nghiệm mới
Một trong những cách hữu hiệu để giúp bạn hình thành sự tò mò đó chính là tìm kiếm những môi trường mới nơi có những con người mới. Hoặc đơn giản hơn, hãy thử xem một bộ phim hoặc đọc một quyển sách có chủ đề mà bạn chưa từng tìm hiểu.
3. Tập trung vào những việc khiến bạn hạnh phúc
Bạn không nhất thiết phải tò mò về công việc để cải thiện kỹ năng của mình. Thay vào đó, việc luyện tập “cơ bắp” tò mò sẽ đến từ nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Hãy thử học những kỹ năng mà bạn hứng thú bên cạnh công việc hiện tại. Cho dù bạn dự định làm công việc gì, chỉ cần bạn thực sự cảm nhận được niềm vui, hãy đặt trái tim và sự hăng say học hỏi của mình ở đó.
Bạn sẽ có rất nhiều kiểu tò mò khác nhau, nhưng chính tò mò sẽ giúp bạn mở rộng góc nhìn của mình hơn. Đó cũng là khi bạn sẵn sàng để tiếp nhận những kiến thức mới. Hãy giữ sự tò mò, liên tục đặt câu hỏi, tìm một việc khiến bạn hào hứng muốn thử và học thêm.
Sau khi tích lũy được niềm tin về sự vô hạn của bản thân và luyện tập cách đặt câu hỏi để kích thích sự tò mò của mình. Khi đó, chúng ta có thể sẵn sàng và làm chủ việc học của mình – học những gì mình muốn, theo cách mà mình muốn.
Vậy làm sao để các bạn gen Z có thể luyện tập khả năng Học có định hướng? Hãy theo dõi phần tiếp theo của chuyên mục: Chuyện XX: Gen Z – Làm chủ kỹ năng học có định hướng. Qua đó, các bạn sẽ có thể hiểu được 5 yếu tố cốt lõi giúp ta có thể phát triển khả năng học của mình.