Có lẽ, bạn sẽ thường được nghe những lời khuyên giống như “Đừng bỏ cuộc”, “Bạn có thể làm được bất cứ điều gì, chỉ cần bạn thực sự mong muốn đạt được”. Nhưng đôi khi, có những thứ đúng là cho dù bạn có cố gắng đến mấy cũng khó lòng mà thực hiện được. Thế cho nên, học cách từ bỏ là một kĩ năng cực kì quan trọng mà chúng ta ít được dạy.
Xã hội luôn dạy chúng ta rằng “Từ bỏ chỉ có trong từ điển của kẻ thất bại”, có ai mà thích làm kẻ thất bại trong mắt người khác đâu nhỉ? Thế nhưng, biết lúc nào nên dừng lại, lúc nào nên cố gắng đó mới là một con người sống khôn ngoan. Bởi vì ai trong chúng ta đều có những giới hạn, có những điểm mạnh và điểm yếu, có giá trị sống riêng của mình, thế nên đôi khi, trong một số trường hợp từ bỏ chính là lựa chọn tốt nhất cho bản thân mình.
“Từ bỏ” (Give up) có nguồn gốc từ một từ tiếng Pháp “Surrendre” có nghĩa là “giao hàng”. Thế cho nên, đừng vội hiểu nhầm từ bỏ chính là thất bại, mà hãy nghĩ rằng từ bỏ như là bạn đang giao “một món hàng” cho người phù hợp mà thôi. Cho nên, từ bỏ không có nghĩa là thất bại, mà là chúng ta nhận ra rằng, chúng ta có thể sử dụng thời gian, công sức, tiền bạc của mình một cách tốt hơn.
Vậy thì khi nào thì chúng ta biết mình nên từ bỏ?
Hãy thử trả lời 4 câu hỏi sau để biết được liệu mình có nên hay không từ bỏ trước khi quyết định nhé.
1. Có một cơ hội nào hiển nhiên tốt hơn hay không?
Quyết định dựa trên sự so sánh của bạn giữa chuyện bạn làm việc này và bạn làm việc kia, cái nào sẽ có kết quả tốt hơn. Hãy lấy trường hợp của Bill Gates làm một ví dụ, nếu Bill Gates cứ tiếp tục đi học, thì có lẽ, ông đã bỏ lỡ cơ hội trở thành tỉ phú rồi. Cho nên, có từ bỏ hay không còn phụ thuộc vào chuyện bạn cân nhắc, nếu từ bỏ bạn sẽ được hay mất gì. Sau đó cân nhắc xem mình được nhiều hơn hay mất nhiều hơn, từ đó bạn sẽ tìm ra câu trả lời cho mình
2. Bạn đã cam kết điều gì?
Hãy tập thói quen làm bản cam kết với bản thân mình trong một khoảng thời gian nhất định trước khi bắt đầu, dù cho bạn có từ bỏ hay không thì đây cũng sẽ là một “công cụ” để bạn có thể quyết định dễ dàng hơn. Ví dụ như bạn đang xác định rằng mình sẽ làm một project trong vòng 1 năm, nếu nó không đem lại kết quả như bạn mong muốn, thì mình sẽ dừng lại và thực hiện một dự án phù hợp hơn. Điều này sẽ giúp bạn đầu tư chất xám và giá trị của mình vào những thứ xứng đáng, tránh gây lãng phí về lâu dài.
3. Hãy tưởng tưởng bạn của tương lai sẽ cảm thấy hối hận hay nhẹ nhõm trước quyết định của bạn hôm nay?
Dù việc này rất khó vì nó phụ thuộc vào việc tưởng tượng những cảm xúc trong tương lai của bạn. Tuy nhiên, đây là một cách hay giúp bạn đánh giá mọi thứ theo trực giác của chính mình. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những mong muốn của mình ở tương lai và nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về cuộc sống của mình.
Nếu như bạn cảm thấy rằng, tương lai mình sẽ hối hận vì quyết định này. Hãy đừng chần chừ cho nó thêm nhiều thời gian cam kết, chọn một thời điểm nào đó trong tương lai, ví dụ như 6 tháng sau để đánh giá lại một lần nữa.
Hoặc nếu, bạn cảm thấy đây sẽ là điều giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn, thì hãy mạnh dạn từ bỏ. Cho dù đó là một mối quan hệ lâu năm hay một dự án mà bạn đã tốn nhiều công sức. Bởi vì, đôi khi chúng ta không muốn từ bỏ, chỉ bởi vì chúng ta quá gắn bó với các kế hoạch hiện tại, nó tạo một cảm giác an toàn “giả” khiến chúng ta lo sợ chuyện đánh đổi nó với một tương lai mơ hồ, chưa xác định mà thôi.
4. Bạn có thực sự cần từ bỏ hay chỉ là nghỉ ngơi?
Mệt mỏi, lo lắng hay thất vọng đều là những cảm xúc tiêu cực giữ chân bạn lại. Tuy nhiên, hãy tỉnh táo để hiểu rằng, tất cả những cảm xúc đó sẽ đều là nhất thời. Cho nên, nếu bạn đang xem xét về chuyện từ bỏ một điều gì đó mà bạn đang đầu tư nhiều thời gian và tâm sức, và chuyện từ bỏ khiến bạn cảm thấy bất an, căng thẳng vì nó có thể là lựa chọn thay đổi cuộc đời bạn.
Hãy bắt đầu với những kì nghỉ ngắn, 1 học kì rời khỏi trường hay 1 tháng nghỉ việc tại công ty để cho tâm trí của bạn có thời gian được “thở”, được “lang thang” tới nơi mà nó muốn. Sau khi trở lại, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ tập trung hơn về chuyện liệu mình có nên hay không tiếp tục. Khi bạn trở về trạng thái cân bằng, thì đó chính là lúc bạn có thể đưa ra quyết định sáng suốt cho bản thân mình.
Dù bạn có quyết định ra sao, hãy luôn nhớ rằng không có giải pháp hoàn hảo cho mọi tình huống. Bạn sẽ luôn phải đưa ra quyết định trong sự không chắc chắn, vì nó luôn có xác suất trong mọi vấn đề. Từ bỏ hay tiếp tục, đó cũng chỉ là sự lựa chọn, mà lựa chọn thì cần có sự đánh đổi. Hy vọng bạn sẽ tìm được quyết định cho riêng mình và quyết định đó sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái.