“Oe, oe , oe….” – ba tiếng báo hiệu điểm bắt đầu của một cuộc đời. Có bao giờ bạn thắc mắc: Vì sao cuộc đời lại chào đón ta bằng tiếng khóc thay vì tiếng cười?
Về mặt khoa học, tiếng khóc là nỗ lực đầu tiên của con người khi tiếp xúc với môi trường mới lạ. Có thể nói, tiếng khóc là “ngôn ngữ” mà những đứa trẻ sử dụng khi chưa biết nói, nhằm phản ánh cảm xúc và mong muốn của bản thân một cách chân thật nhất. Thế nhưng, càng lớn ta lại càng có xu giấu đi những giọt nước mắt bởi nỗi sợ mang tên “kẻ yếu đuối” mà xã hội gán cho ta. Dần dần, chúng ta trở thành những “bậc thầy” trong việc ẩn giấu những nỗi buồn dưới nụ cười gượng gạo. Bạn đang cười vì bản thân bạn hay vì cái nhìn của người khác? Nếu là trường hợp thứ hai thì đó chính là dấu hiệu của Toxic Positivity – một hiện trạng đáng báo động trong cuộc sống ngày nay.
Thế nào là sự tích cực độc hại?
Sự lạc quan cũng giống như một viên thuốc Panadol. Nó có tác dụng xoa dịu nỗi đau trong tích tắc, nhưng tác dụng phụ của nó thì khó có thể lường trước được. Toxic Positivity (Sự tích cực độc hại) nhằm nhấn mạnh sự đeo đuổi quá mức những năng lượng tích cực, vui vẻ ở mọi tình huống, hoàn cảnh mà phớt lờ đi những cảm xúc khác. Lạc quan “quá mức” dẫn đến sự từ chối, hạ thấp, và xem thường những cảm xúc trải nghiệm thật của con người.
Thực chất, bản thân mỗi người đều vô tình lạm dụng “liều thuốc” tích cực ấy từng ngày, từng giờ và thậm chí là từng giây. #positivevibesonly, #staypositive, #alwayssmile,.. là những hashtag được phổ biến rộng rãi khắp các trang mạng xã hội từ Facebook đến Instagram nhằm lan truyền lối sống tích cực đến mọi người.
Ngay cả các tấm áp phích, poster, slogan được treo trong văn phòng, công ty đều đặt một mục tiêu duy nhất: hướng nhân viên luôn nhìn về mặt tốt của vấn đề thay vì tiêu cực bi quan. Theo trang Bloomberg, tư tưởng “sợ tiêu cực” ấy tạo cơ hội cho sự tăng trưởng vượt bậc của những chuyên gia “hạnh phúc” (personal cheerleader) từ con số 4,700 trong năm 2001 đến hơn 41,000 hiện nay.
Thế mới thấy, “tích cực” dần trở thành một luật lệ ngầm áp đặt con người 24/7 phải sống tích cực và lạc quan. “Chuyện có gì đâu mà, ít nhất thì….” – người ta bám víu vào sự tích cực nửa vời vì nỗi sợ đối mặt với sự tiêu cực. Từ bao giờ, con người học cách gạt đi cảm xúc như thế? Từ bao giờ, con người lại muốn “lập trình” cảm xúc của mình luôn trong trạng thái tích cực?
Toxic Positivity – thuốc “an thần” hay “thuốc độc” tâm hồn trá hình?
Như ông thầy lang băm, ta tự cho mình là một “bác sĩ”có thể tự kê đơn, tự gặm nhấm nỗi sầu và tự trông chờ vào hai chữ “số phận”. Tự nhủ rằng phải yêu bản thân nhưng ta có yêu đúng cách?
Với bản thân…..
Hậu quả của sự tích cực độc hại có thể được trải nghiệm rõ nhất ở chính mình. Sống trong cái thế giới màu hồng quá lâu, ta dần che giấu đi cảm xúc thật sự và chịu đựng những điều mình không thích bằng cách gạt bỏ đi cảm xúc tiêu cực của bản thân. Từ đó, cơ chế cảm xúc thứ cấp (meta/secondary emotion) được hình thành, tạm dịch là phản ứng của bạn trước cảm xúc của chính mình.
Ví dụ, bạn cảm thấy mất phương hướng và chán nản trước một sự cố nhưng lại nghĩ rằng mình lại quá bi quan và dễ bỏ cuộc. Lối mòn tư tưởng ấy chính là chất xúc tác cho những cảm xúc thứ cấp dữ dội hơn như mặc cảm về bản thân, xin lỗi cho cảm xúc của chính mình và đánh mất lòng trắc ẩn sâu sắc. Cứ thế, những cảm xúc tiêu cực vẫn hiện diện, vẫn như một bao nilon tồn tại qua hàng nghìn năm làm “ô nhiễm” tâm hồn. Một cuộc nghiên cứu vào năm 2018 được xuất bản trên báo “Journal of Personality and Social Psychology” cho thấy con người có xu hướng buồn hơn khi họ bị trói chặt trong tư tưởng phải che giấu những cảm xúc tiêu cực ấy.
Không chỉ dừng lại ở đó, nó còn là tác nhân ảnh hưởng đến sợi dây liên kết giữa “mình với mình” và “mình với người”. Bằng cách né tránh những xúc cảm, ta dần sống “giả trân” và đứt sóng với chính mình lẫn những người xung quanh. Cứ mãi luẩn quẩn trong mê cung ấy, ta vô tình tạo lên vỏ bọc bên ngoài là “mình ổn” và từ chối sự giúp đỡ của mọi người. Và cứ thế, phần hồn đánh mất lúc nào chẳng hay. Tuyệt vọng, bất lực và kiệt sức là những yếu tố bào mòn động lực và sức mạnh tiềm tàng trong ta, dẫn đến việc trì hoãn và khả năng bỏ cuộc cao hơn.
Trong tác phẩm Permission to Feel của tiến sĩ Marc Brackett, ông so sánh cảm xúc như một kênh thông tin của con người: “Là tin báo sâu thẳm trong tâm hồn, gửi thông điệp về những diễn biến xảy ra trong mỗi cá thể khi phản ứng với bất kỳ sự kiện mà ta trải qua”. Chính vì thế, việc lờ đi những cảm xúc tiêu cực được tác giả Ngọc Hà của Vietcetera ví như “vượt đèn đỏ khi qua ngã tư”, thiếu đi những dữ liệu đúng đắn, làm cơ sở vững chắc cho những quyết định mai sau.
Với người khác,….
Toxic Positivity không chỉ là con dao hai lưỡi cho chính mình mà còn là liều thuốc độc với những người xung quanh. “Không sao đâu! Tích cực lên!”, đã bao giờ cảm thấy những lời an ủi ấy chỉ làm rối ren thêm mối tơ lòng với những vấn đề không lời giải? Sự tích cực độc hại khiến ta dễ dàng gạt bỏ trải nghiệm tiêu cực của người khác và thay vào đó bằng những câu nói tích cực.
Ngoài ra, thay vì lắng nghe, ta đặt cái “tôi” của mình cao hơn sự đồng cảm, đưa ra quan điểm cá nhân và chỉ trích những người khác khi họ tiêu cực. Điều này chẳng khác gì thêm dầu vào lửa, đẩy họ vào ngõ cụt và tiến gần hơn đến tổn thất về sức khỏe tâm lý lâu dài.
Làm thế nào để tránh xa Toxic Positivity?
Nhận thức và chấp nhận cảm xúc của bản thân và những người xung quanh…
Sự xuất hiện những xúc cảm khác thường trước những việc bất bình thường là phản ứng tự nhiên của con người. Hãy cho phép tâm hồn mình được “thở”. Hãy dũng cảm nhìn vào những lúc bản thân yếu đuối nhất. Và quan trọng hơn hết, hãy nhớ rằng cầu cứu những người xung quanh không phải là một hành động hèn nhát bởi chính sự động viên, cảm thông sẽ giúp bạn thoát khỏi hố đen ấy.
Ta buồn khi nhận thấy bản thân sắp đánh mất một thứ quan trọng là BÌNH THƯỜNG. Ta lo sợ về một tương lai bất ổn là chuyện BÌNH THƯỜNG. Ta khóc, ta giận khi cãi nhau với người thân của mình là chuyện BÌNH THƯỜNG. Đó là cái hay của cảm xúc, nó giúp ta sống đúng với phần “người”, hiểu rõ điểm mạnh yếu để từ đó yêu bản thân nhiều hơn.
Trân trọng từng cảm xúc và đối diện thực tế….
Bàn về quan niệm Pollyanna, Ho – giáo sư tâm lý học thần kinh nhận định rằng “Phương thuốc hiệu quả nhất đối với tích cực độc hại chính là thẩm định lại giá trị bản thân và nhận thức được rằng những khoảnh khắc tuyệt vời nhất là sự kết tinh của nhiều cảm xúc khác nhau”. Mỗi trải nghiệm dù tốt hay xấu đều mang lại cho ta một bài học quý giá. Mỗi cảm xúc dù tích cực hay tiêu cực đều đóng vai trò khắc họa rõ nét hơn tính cách, hành vi của cá nhân.
Chính vì thế, trân trọng chúng, hài hòa chúng là thể hiện sự tôn trọng, lòng trắc ẩn với chính mình. Ngoài ra, hiểu rõ cảm xúc không bao giờ cố định cũng là một điều thiết yếu. Nó đòi hỏi góc nhìn đa chiều, sự cho phép hai cảm xúc đồng hiện với nhau. Bạn có thể buồn bã sau khi chia tay với người yêu, nhưng nhờ thế bạn trưởng thành hơn và có hy vọng về một mảnh ghép hoàn hảo và thích hợp hơn.
Phương pháp WOOP giúp bạn tìm thấy điểm cân bằng cho cảm xúc
Để cân bằng giữa sự tích cực và thực tế, bạn có thể áp dụng phương pháp WOOP (Wish – Outcome – Obstacle – Plan). Đừng để mục tiêu mãi kẹt trong đầu, hãy viết nó ra giấy một cách cụ thể bao gồm mục tiêu, kết quả, khó khăn trở ngại và kế hoạch giải quyết chúng.
Mắt nhắm, tai nghe để hiểu lòng nhau….
Thay vì đưa ra những lời khuyên sáo rỗng, hãy cố gắng lắng nghe, đặt câu hỏi và gạt bỏ cái nhìn “phán xét” sang một bên. Bằng cách thể hiện rằng bạn thật sự quan tâm về những gì họ đã và đang trải qua, người đó sẽ dễ chia sẻ và mở lòng hơn. Thêm vào đó, khi cảm xúc của họ đã được xoa dịu phần nào, bạn có thể giúp họ truy tìm nguyên nhân chính gây ra sự rối bời trong họ. Họ sợ mất gì dựa trên tình huống được đặt ra? Liệu mất mát đó là thật hay chỉ do tưởng tượng? Họ cần làm gì để tiến lên đối mặt với khó khăn ấy? Những câu hỏi và sự thông cảm chân tình ấy tuy giản đơn nhưng “giải phóng” nỗi sợ tiềm ẩn trong họ. Sự nhiệt thành ấy giúp họ nuôi dưỡng hy vọng và dũng cảm đón nhận thách thức.
Điều nhắn nhủ xíu xiu….
Thay vì sống với một màu, hãy sống một cách toàn diện. Có nước mắt mới có tiếng cười, có đau khổ mới biết vươn lên và có vấp ngã mới biết quý trọng những điều hiện tại.