Có lẽ kẻ thù lớn nhất của chúng ta khi giải quyết vấn đề là những cảm xúc ngắn hạn – một ‘người bạn’ không đáng tin cậy. Khi nghe mọi người chia sẻ về những quyết định tồi nhất trong đời thì thường thấy chúng có một điểm chung: được quyết định trong thời điểm cảm xúc (tức giận, lo lắng, tham vọng,…) đang dâng cao. Cuộc sống của chúng ta có lẽ sẽ ‘dễ thở’ hơn nếu có những nút ‘undo’ sau khi đưa ra những quyết định nhất thời như thế.
Hãy bắt đầu với một câu hỏi mà khá nhiều bạn thường tự vấn nhưng cuối cùng vẫn ‘bế tắc’: “Mình có nên bày tỏ tình cảm với crush không?”. Chúng ta suy đi tính lại, cảm thấy ‘hừng hực khí thế’ trong một khoảnh khắc và quyết định nhắn tin bày tỏ tình cảm. Và có thể chỉ ngay sau đó khoảng một tiếng thôi, chúng ta bắt đầu cảm thấy hối hận, bối rối nếu bị từ chối. Đó là dấu hiệu nhắc nhở bạn nên nhìn nhận lại phương pháp đưa ra quyết định của mình. Và quy tắc 10/10/10 cũng ra đời từ đó.
Công cụ này được tạo ra bởi Suzy Welch, một tác giả kinh tế cho các tờ Bloomberg Businessweek và O magazine. Để sử dụng quy tắc này, chúng ta sẽ áp dụng vào quyết định của mình dựa trên 3 câu hỏi chính:
Chúng ta cảm thấy như thế nào về quyết định của mình trong 10 phút nữa?
Chúng ta cảm thấy thế nào sau 10 tháng?
Và sau 10 năm, chúng ta còn cảm thấy như phút ban đầu hay không?
Quay trở lại với thí nghiệm nhỏ ban đầu là việc tỏ tình với crush. Phải thú nhận rằng khi đưa ra quyết định tỏ tình hay không, chúng ta không khỏi bồn chồn, lo lắng, tưởng tượng ra rất nhiều viễn cảnh viển vông. Nhưng giờ khi đã có công cụ 10/10/10 trong tay, bạn hãy thử xem nhé.
Tưởng tượng rằng bạn sẽ nói với crush ngay rằng bạn thích người đó. Sau 10 phút, bạn cảm thấy thế nào? Ví dụ là bạn sẽ cảm thấy khá lo lắng nhưng cũng tự hào vì đã chấp nhận rủi ro bị từ chối và can đảm thổ lộ. Còn sau 10 tháng thì sao? Bạn nghĩ mình sẽ không hối tiếc về điều đó. Rõ ràng là bạn thích việc này. Đó là một anh chàng/cô nàng tuyệt vời. Và không mạo hiểm thì không đạt được điều gì, đúng không?
Cuối cùng là sau 10 năm, bạn có cảm nhận như vậy nữa không? Cho dù anh ấy/cô ấy phản ứng ra sao thì nó cũng không còn quan trọng nữa, nhất là đã đi qua một thập kỷ rồi. Sau một quãng thời gian dài như thế, bạn có thể hạnh phúc bên crush của mình, hay cũng có thể bắt đầu một mối quan hệ tốt với ai đó khác.
Bạn thấy không, nếu theo nguyên tắc 10/10/10, việc thổ lộ tình cảm với crush không phải là một quyết định bớt khó khăn hơn sao?
Giờ thì hãy xem một ví dụ khác nhé. Warren Buffett – nhà đầu tư tài ba cũng đã áp dụng quy tắc này trong những ngày đầu ông đến phố Wall xin việc. Ông đã gặp phải một tình huống ‘dở khóc dở cười’ khi đi mua trang phục cho buổi phỏng vấn: ông sẽ chọn hy sinh cuối tuần của mình để làm việc và có đủ tiền mua comple, hay dành hết số tiền trong thẻ tín dụng mua comple trước và sẽ trả lại sau? Ông đã chọn cách thứ nhất sau khi cân nhắc 3 câu hỏi của quy tắc 10/10/10.
Nếu mua bằng thẻ tín dụng, ông cảm thấy thế nào sau 10 phút? Một mặt, khi dành cuối tuần để làm việc chỉ để có tiền mua comple thì ông sẽ phí hoài tuổi xuân, bởi thời điểm đó ông vẫn là một anh chàng 22 tuổi. Nếu ông mua trả góp thì ông sẽ phải làm việc không ngừng, suốt đời vì bạn biết đấy, thẻ tín dụng là một thứ dễ ‘gây nghiện’ và rủi ro cao.
Sau 10 tháng, ông sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu có bộ comple mới, khả năng được nhận của ông sẽ cao hơn, và vì thế mà sau 10 tháng ông sẽ thấy vui vì có công việc. Và cũng có khả năng là cuối tuần của ông sẽ không bị ảnh hưởng gì. Nhưng nếu không có công việc sau 10 tháng nữa, và comple cũng đã mua, thì ông sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn khi phải lo lắng trả tiền.
Vậy còn 10 năm thì sao? Nếu không có việc làm ngay sau đó thì ông sẽ không có thu nhập. Trong khi đó, nợ thẻ tín dụng sẽ biến động không ngừng và rất có thể sau 10 năm, ông vẫn sống trong nợ nần.
Nếu là bạn, bạn sẽ quyết định như thế nào? Còn Warren Buffett đã quyết định làm việc vào ngày nghỉ cuối tuần và tiết kiệm để có thêm tiền mua comple mới. Kết quả là ông đã có việc và còn tiếp tục thăng tiến, đối lập hẳn với viễn cảnh nợ nần nếu mua bằng thẻ tín dụng.
Điều khác nhau nổi bật giữa hai ví dụ này là gì?
Xét về mặt lợi ích thì việc áp dụng của Warren Buffett thể hiện sự ưu việt hơn hẳn. Bởi ông dường như không có tổn hại gì với quyết định của mình khi vừa có thể mua comple mới, vừa có công việc mong muốn. Trong khi đó, khi tỏ tình crush, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ bị từ chối và cảm thấy đau khổ. Quyết định của Warren Buffett cũng nổi trội hơn nếu xét về thời gian và tính ảnh hưởng. Hãy làm rõ nó nhé.
Quyết định tỏ tình mang tính ngắn hạn. Nói cách khác bạn không chắc chắn mối tình sẽ kéo dài bao lâu. Vì thế mà việc đặt ra câu hỏi 10 tháng hay 10 năm có phần bất khả thi. Ngược lại, Warren Buffett cho thấy sự nhìn nhận rõ ràng và sâu rộng trong quyết định của mình. Việc dùng thẻ tín dụng là ngắn hạn, ông có thể thấy thỏa mãn ngay lập tức. Chăm chỉ làm việc là việc dài hạn, có thể đem lại cảm giác khó khăn ban đầu.
Khi đặt hay lựa chọn này song song với nhau, ông nhận ra rằng, tuy có khó khăn lúc khởi điểm nhưng làm việc cuối tuần và tiết kiệm sẽ giúp ông tích lũy được kiến thức, kĩ năng,… và có cơ hội phát triển hơn nữa trong tương lai. Và thành công phía trước hứa hẹn sẽ mỹ mãn hơn là thỏa mãn nhất thời với việc tiêu thẻ tín dụng.
Đó cũng chính là sự khác biệt trong cách áp dụng cùng một nguyên tắc nhưng đem lại góc nhìn toàn diện hơn: giữa một trí óc tư duy cao và một suy nghĩ bình thường. Điều này cũng thể hiện rằng, quy tắc 10/10/10 cần được áp dụng một cách linh hoạt. Nó đòi hỏi người sử dụng cần phải có sự khéo léo trong cách sử dụng. Tùy vào mức quan trọng và sức ảnh hưởng của quyết định tới cuộc đời bạn mà có cách tiếp cận quyết định khác nhau. Không thể áp dụng nó hiệu quả khi đưa ra quyết định ngày mai ăn gì, nhưng lại có thể tạo ra quyết định quan trọng khi cân nhắc ngành nghề hay lối sống của bản thân.
Quy tắc 10/10/10 giúp đánh giá những cảm xúc một cách toàn diện hơn. Những gì chúng ta cảm nhận trong thời điểm hiện tại thường khá mãnh liệt, nhưng trong tương lai thì thường giảm ‘nhiệt’. Những cảm xúc hiện tại, vì vậy, có nhiều ‘quyền lực’ hơn. Vì nó luôn là ‘spotlight’, là tất cả những gì ta có thể chú ý đến. Quy tắc 10/10/10 giúp ta chuyển hướng trọng tâm đó, đòi hỏi mỗi người tự tưởng tượng một khoảnh khắc nào đó sau 10 tháng nữa với cảm xúc ‘y nguyên’ ban đầu.
Điều này không có nghĩa là chúng ta bỏ qua cảm xúc hiện thời. Nhưng chúng ta không nên để nó nắm quyền dẫn dắt độc nhất trong quyết định của bản thân.
Nếu bạn đã lảng tránh một cuộc nói chuyện với đồng nghiệp trong một thời gian dài thì chính là bạn đang để cảm xúc hiện thời quyết định. Nếu bạn nhất quyết muốn nói chuyện, có thể sau 10 phút bạn cảm thấy lo lắng. Nhưng sau 10 tháng thì sao, không phải bạn sẽ vui vì đã làm vậy chứ? Nhẹ nhõm? Tự hào?
Cũng cần phải làm rõ rằng cảm xúc nhất thời không ‘xấu’ đến mức trở thành kẻ thù. Và việc áp dụng phương pháp 10/10/10 cũng không đảm bảo những điều lường trước tương lai đúng hoàn toàn. Có một điều ta cần lưu ý, đó là hãy chắc chắn rằng cảm xúc hiện tại không phải là ‘giọng nói duy nhất trên bàn tròn’. Chúc bạn áp dụng thành công và có những quyết định đích xác hơn nhé!