Gen Z, nhóm nhỏ tuổi nhất trong lực lượng lao động hiện nay lớn lên trong “Nền văn hóa dựa theo yêu cầu” (On-demand culture) với Facebook, Netflix, YouTube, Amazon.com,…
Với nhiều bạn trẻ thuộc Gen Z vẫn còn đang đi học, thế hệ này vẫn đang được định vị vị trí trong thị trường. Nhưng với tư cách là nhóm trẻ tuổi nhất và đang phát triển nhanh chóng, Gen Z cần hiểu hơn về TẤM HỘ CHIẾU HỘI NHẬP quý giá mà thế hệ mình đang sở hữu trước khi chính thức bước chân vào thị trường việc làm.
12 HASHTAG “CẦN – PHẢI – BIẾT” TRONG PROFILE CỦA GEN Z
#1. Được sinh ra trong giai đoạn 1995 – 2010
#2. Chiếm lĩnh 1/5 lực lượng lao động từ năm 2021 (Theo Linkedin Learning)
#3. Thế hệ chiếm 1/3 dân số thế giới từ năm 2021 (Theo Linkedin Learning)
#4. Thay thế ⅔ Thế hệ Baby Boomers (1946-1964) trong những năm tiếp theo (Theo Whatton & UPenn)
#5. Đã trải qua 2 cuộc khủng hoảng kinh tế lớn: Đại suy thoái và Phong trào phố Wall -> Họ được định nghĩa bởi sự thận trọng về tài chính, tương lai
#6. 64% Gen Z nhận thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp là ưu tiên hàng đầu và ¼ trong số họ có việc làm khi chưa tốt nghiệp (Theo Yello)
#7. ⅔ Gen Z mong muốn sở hữu doanh nghiệp riêng trong tương lai (Theo DataPath)
#8. 24% Gen Z khẳng định rằng sẽ kiếm được 60.000 USD trở lên trong công việc đầu tiên khi rời trường (Theo Yello)
#9. Là thế hệ am hiểu công nghệ nhất trong 4 nhóm thế hệ trên thế giới (Theo Linkedin Learning)
#10. 80% Gen Z khao khát được làm việc với công nghệ tiên tiến (Theo Dell)
#11. 91% Gen Z cho biết công nghệ ảnh hưởng đến sự lựa chọn công việc trong số các lời mời làm việc tương tự (Theo Dell)
#12. 80% Gen Z tin rằng công nghệ và tự động hóa sẽ tạo ra một môi trường làm việc bình đẳng hơn (Theo Dell)
TẤM HỘ CHIẾU VÀNG CỦA GEN Z CÓ GÌ?
Lợi thế 1. Bậc thầy đa nhiệm
Thời gian chú ý ghi nhận của Gen z là 8 giây, đồng nghĩa với việc họ có thể tiếp thu thông tin mới rất nhanh chóng. Đây là lợi thế rất lớn trong kinh doanh thời hiện đại, nơi nhiều biến số và việc đón đầu các xu hướng của ngành một cách nhanh chóng là lợi thế cạnh tranh.
Doanh nhân, kiêm nhà văn Deep Patel của Forbes Leadership khi viết về Gen Z đã nhận định rằng: “Việc chuyển đổi giữa các nhiệm vụ khác nhau và các yếu tố kích thích năng lực làm việc đến với thế hệ này một cách rất tự nhiên”. Nghĩa là, sự chuyển dịch – thay đổi nhanh chóng và thói quen cập nhật liên tục các phương tiện mới, công nghệ mới đã củng cố khả năng chuyển đổi công việc và hiệu quả làm việc của Gen Z.
Trong những năm gần đây, freelancer là một trong những chức nghiệp được nhiều bạn trẻ Gen Z lựa chọn và bắt đầu từ rất sớm. Theo báo cáo của Upwork, 46% nguồn lao động thuộc Gen Z là người làm Freelancer (nghề tự do). Stephane Kasriel, Giám đốc điều hành Upwork, cho biết: “Hơn bất kỳ thế hệ nào khác, các thành viên của Thế hệ Z đang tìm kiếm công việc mà họ đam mê cũng mang lại cho họ sự tự do và linh hoạt. Đồng thời bản thân họ cũng có năng lực để có thể làm nhiều lĩnh vực khác nhau cùng một lúc.”
Lợi thế 2. Cam kết phát triển trí tuệ
Theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew về dữ liệu của cục điều tra dân số Hoa Kỳ, mặc dù một phần của thế hệ vẫn chưa đi học xong, nhưng Gen Z đang trên đà trở thành thế hệ có trình độ học vấn cao nhất. Họ lớn lên và bắt đầu sự nghiệp của mình trong thời đại mà kiến thức, chiến thuật và các chủ đề học thuật có thể được truy cập trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng và giá thành thấp.
Một cuộc khảo sát gần đây từ Guiducture và Harris Poll cho thấy 55% Gen Z tự tìm kiếm các kỹ năng công việc mới mà không cần sự giúp đỡ hoặc hướng dẫn từ công ty, nhà trường và gia đình. Thời gian trung bình dành cho học tập của Gen Z là 60 phút/ ngày, tăng từ 44 phút/ ngày vào 1 thập kỷ trước và tăng 30 phút kể từ giữa những năm 1990 (Theo Pew Research). Điều này cho thấy khả năng “Tự nuôi dạy” bản thân của Gen Z cực kỳ lớn (Theo dõi Reparenting: Tôi nuôi dạy đứa trẻ trong tôi).
| ĐỐI VỚI GEN Z, HỌC TẬP CŨNG LÀ MỘT LOẠI NĂNG LỰC CÓ LỢI THẾ CẠNH TRANH CỰC CAO
Báo cáo của Upwork cũng cho thấy Gen Zers ít quan tâm hơn những thế hệ khác khác về sự phát triển vượt bậc của tự động hóa. Thế hệ của họ ít lo ngại (31%) về việc tự động hóa ảnh hưởng đến triển vọng việc làm của họ, và thay vào đó họ đang cải thiện kỹ năng của bản thân để duy trì sự phù hợp trong thị trường việc làm.
Từ năm 2018, hơn một nửa số freelancer thế hệ Z (58%) đã tham gia vào các chương trình giáo dục liên quan đến kỹ năng để khiến bản thân trở nên có giá trị thị trường và mong muốn gây ấn tượng đối với các nhà tuyển dụng tiềm năng.
Lợi thế 3. Sự đa dạng về … mọi thứ
Trong một nghiên cứu gần đây của Deloitte về Thế hệ Z và thế hệ millennials, “Thế hệ Z có sự chú ý đặc biệt đến tầm quan trọng của sự đa dạng về giới tính, tuổi tác, khuyết tật và giáo dục…”. Tư duy mở với sự đa dạng của họ sẽ có tác động tích cực đến sự hòa nhập và năng suất giữa các nhóm và môi trường làm việc khác nhau.
Thế hệ Z đã đại diện cho 44 tỷ đô la sức mua hàng năm, với 85% tìm hiểu về các sản phẩm mới thông qua mạng xã hội. Họ không chỉ là khách hàng mục tiêu của nhiều công ty đang phát triển, mà họ cũng đang cung cấp một loạt các kỹ năng hiện đại (nhất là về công nghệ và trải nghiệm thực tiễn) để tăng cường chất lượng của lực lượng lao động hiện có (Robin Reshwan, 2019).
NHỮNG ĐIỀU GEN Z CẦN LƯU Ý TRƯỚC KHI: CẦM “HỘ CHIẾU” – XÁCH BALO LÊN – VÀ ĐI
1. Sự thiếu hụt về những KỸ NĂNG PHI CÔNG NGHỆ
Các kỹ năng phi công nghệ bao gồm: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, tư duy thiết kế, tư duy phản biện, phản tư,…
Theo nghiên cứu của Dell, Thế hệ Z đang có nỗi lo lớn về các kỹ năng mềm và kinh nghiệm phù hợp với nhu cầu của thị trường việc làm. Nghiên cứu cho thấy 52% cho rằng họ tự tin có đủ các kỹ năng công nghệ mà nhà tuyển dụng mong muốn hơn là các kỹ năng phi công nghệ. Bên cạnh đó, chỉ hơn một nửa (57%) cho rằng nền giáo dục họ nhận được đã giúp họ chuẩn bị tốt cho sự nghiệp tương lai.
| NỀN GIÁO DỤC HIỆN TẠI CHƯA ĐỦ ĐỂ ĐÁP ỨNG NHU CẦU HỌC TẬP CỦA GEN Z
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn càu của lực lượng lao động Việt Nam chỉ xếp hạng 90/140 (Báo cáo năm 2018). Điều này cho thấy một phần sự thiếu hụt của người trẻ Việt về bộ kỹ năng cần có của thời đại 4.0 (Theo dõi bài viết Bộ kỹ năng 4.0). Nếu vấn đề về thiếu hụt kỹ năng của thế hệ người lao động mới không được giải quyết, xếp hạng lợi thế cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam sẽ khó có sự cải thiện.
2. Sự thiếu hụt trong kinh nghiệm làm việc
Gen Z đang gia nhập thị trường việc làm với ít kinh nghiệm hơn các thế hệ trước. Kết quả này được phân tích dựa trên thời điểm bắt đầu tiếp cận với môi trường làm việc trong khoảng 15 đến 17 tuổi. Chỉ 19% Gen Z bắt đầu tiếp xúc với môi trường làm việc trong độ tuổi này. Trong khi, con số đó lên đến 30% đối với thế hệ Millennials và 48% đối với thế hệ Baby Boomers. (Theo Wharton & UPenn).
| Không nên đánh đồng trình độ kiến thức, kỹ năng kỹ thuật phức tạp của Gen Z với khả năng phán đoán để đưa ra các quyết định một cách độc lập
Điều này có thể lý giải một phần cho quan điểm của Deloitte Insights trong cuốn “Thế hệ Z gia nhập lực lượng lao động”, khi ông đưa ra lời cảnh báo về khoảng cách giữa thông tin được Gen Z tiếp thu và các thông điệp sâu sắc hơn cần được hiểu trong các bối cảnh đặc biệt như các mối quan hệ, sự quan sát và tương tác nhiều chiều.
Nghĩa là, trong môi trường làm việc có Gen Z, không nên đánh đồng trình độ kiến thức, kỹ năng kỹ thuật phức tạp của họ với khả năng phán đoán để đưa ra các quyết định một cách độc lập. Một nhân viên Gen Z có thể là chuyên gia thu hút 1.000 người tham dự một sự kiện kết nối kinh doanh, nhưng điều đó không có nghĩa là cô ấy biết phải làm gì khi họ đến với sự kiện.
3. Chuẩn bị đối diện với 2 cơn khủng hoảng thế hệ: Khủng hoảng tuổi 20 và khủng hoảng bản sắc cá nhân
Mỗi đời người đều phải trải qua Quarterlife Crisis và Gen Z cùng vậy. Theo báo cáo của hội tâm lý học Anh Quốc, giới trẻ hiện nay đang đối diện với cơn khủng hoảng tuổi 20 tệ hơn bao giờ hết. Và nếu không nhanh chóng nhận ra, hậu quả nhận lại rất nặng nề. (Theo dõi series: Quarter Life Crisis: Khủng hoảng tuổi đôi mươi).
Trong tâm lý học đại chúng, Quarterlife Crisis hay còn gọi là khủng hoảng tuổi 20 khi con người cảm thấy bất an, nghi ngờ và thất vọng về các vấn đề xoay quanh sự nghiệp, các mối quan hệ và tình trạng tài chính.
| CHƯA BAO GIỜ, MỘT THẾ HỆ LẠI PHẢI ĐỐI DIỆN VỚI NHIỀU CUỘC KHỦNG HOẢNG NHƯ THẾ!
Đối với Gen Z đây vừa là thách thức và vừa là cơ hội. Vì đây lại là giai đoạn mà con người dùng để dấn thân vào cuộc sống nhiều nhất. Chúng ta bắt đầu nghĩ đến sự nghiệp, thử những công việc mới và độc lập hơn về cuộc sống. Trong giai đoạn tiền khủng hoảng này, chúng ta bắt đầu sống tự lập lần đầu và học cách đối mặt với mọi thứ một mình.
Tuy nhiên, điều này thường sẽ gây ra những cảm xúc cô lập, cô đơn và hơn hết là không thể xác định BẢN SẮC CÁ NHÂN của mình là gì. Điều này dẫn đến cơn khủng hoảng thứ 2, khủng hoảng bản sắc cá nhân ( Theo dõi series: Người trẻ và bản sắc cá nhân). Nơi mà người trẻ sẽ bước vào hành trình xác định giá trị, mục đích và niềm tin của bản thân. Nếu Gen Z không biết cách vượt qua 2 giai đoạn này thì hậu quả để lại sẽ vô cùng khủng khiếp.
Kết
Tóm lại, Gen Z hiện nay đang phải đối diện với vô số thách thức lớn đến từ xã hội khi mà các bạn phải trải qua nhiều cuộc khủng hoảng chung của nhân loại và các cuộc khủng hoảng riêng của thế hệ. Tuy nhiên, Lead The Change luôn dành một niềm tin vững chắc vào thế hệ đầy nhiệt huyết này vì họ ở hữu cho riêng mình những lợi thế cạnh tranh không dễ có được.
Đối với Gen Z chỉ cần không ngừng cố gắng trau dồi thêm cho mình những kỹ năng, kiến thức mới thì các bạn có quyền tự tin và tự hào về tấm hộ chiếu vàng hội nhập mà mình đang sở hữu.
Nếu bạn cũng mong muốn bắt đầu hành trình phát triển bản thân và bước vào đường đua hội nhập thời kỳ mới, bạn sẽ cần:
Nguồn tham khảo thông tin:
Linkedin’s Research about Gen Z
Make way for Generation Z in the Workplace
Introducing the First Graduating Class of Generation Z
The benefit strategies for Baby Boomers in the Workplace