Đã bao nhiêu lần bạn cố gắng học một kỹ năng mới, nhưng được một vài ngày lại thấy chán rồi bỏ dở giữa chừng?
Đã bao nhiêu lần bạn tự nhủ, năm này phải đạt được IELTS 7.0, phải đăng ký một khoá Marketing, hoặc một khoá về Python chẳng hạn, nhưng rồi chưa hiện thực hoá nó?
Có vô số lý do khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc “bắt đầu làm một điều gì đó”, để có cơ hội thay đổi bản thân mình, mà một trong số đó là bởi những thói quen được tạo nên từ những hành động rất nhỏ mà ta thực hiện mỗi ngày. (Theo nghiên cứu tại đại học Duke, 40% hành động chúng ta làm mỗi ngày đều là thói quen.)
THÓI QUEN ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
Theo James Clear, tác giả của cuốn sách “Thói quen nguyên tử” (Atomic Habits), mỗi thói quen của chúng ta đều được hình thành qua 4 bước sau:
Bước 1: Phát tín hiệu gợi “hành vi” (Cue)
Có phải là mỗi khi bạn nghe thấy điện thoại phát ra một tiếng *ting ting*, bộ não liền phát ra một tín hiệu mời gọi bạn: “Có tin nhắn kìa, là ai nhắn nhỉ? Kiểm tra liền kẻo lỡ”.
Đây chính là biểu hiện của việc não bộ phát tín hiệu gợi “hành vi”, việc này gắn liền với các vật thể, hoặc ký ức được lưu trong não bộ, kích thích chúng ta hành động.
Bước 2: Phát hành động (Craving)
Đây là giai đoạn đóng vai trò quyết định xem chúng ta có hành động theo tín hiệu gợi hành vi của não bộ hay không. Tiếp tục ví dụ trên, lúc này, não bộ sẽ liên tục kích hoạt sự tò mò khiến bạn khao khát muốn được đọc nội dung tin nhắn đã được gửi đến.
Bạn có thể đọc liền, hoặc không, bởi vì mỗi người có thể có những “tín hiệu” giống nhau, nhưng cách diễn giải tín hiệu và cảm xúc của chúng ta lúc đó khác nhau, dẫn đến hành vi của mỗi người sẽ khác nhau.
Bước 3: Phản hồi ngay chờ chi (Response)
“Không thể đợi được nữa – mình phải cầm điện thoại lên và đọc tin nhắn ngay thôi!”, đây chính là lúc, thói quen của bạn dần xuất hiện.
Một thói quen chỉ có thể xuất hiện nếu bạn có khả năng thực hiện nó. Cho nên, phản hồi của chúng ta cũng tùy thuộc vào khả năng thực hiện của mình. Nếu một hành động cụ thể đòi hỏi nhiều nỗ lực về thể chất hoặc tinh thần hơn mức ta sẵn sàng bỏ ra, thì chẳng ai làm điều đó.
Bước 4: Hành động đi rồi nhận thưởng (Reward)
Mỗi một hành động đều đem tới một phần quà ý nghĩa nào đó để thôi thúc chúng ta hành động. Hay nói cách khác: những tín hiệu được phát ra để kêu gọi bạn thực hiện hành động, bạn sẽ thực hiện hành động nếu nó đem lại cho bạn một giá trị nào đó.
Như ví dụ vừa rồi, phần thưởng cho hành động “cầm điện thoại lên” và “đọc tin nhắn” của bạn chính là sự thỏa trí tò mò và khỏa lấp nỗi sợ bỏ lỡ tin nhắn của bản thân. Dần dà, nó hình thành một thói quen, đó là: Chỉ cần nghe tiếng ting từ điện thoại, bạn liền cầm điện thoại lên ngay lập tức.
LIỆU THÓI QUEN LÂU NGÀY CÓ TRỞ THÀNH PHẢN XẠ TỰ NHIÊN?
Câu trả lời là “Có”. Bởi vì 4 giai đoạn của thói quen sẽ hình thành “Vòng tròn thói quen” – nơi mà não bộ chúng ta liên tục tìm kiếm trong môi trường xung quanh để tìm “tín hiệu” quen thuộc và dự đoán hành vi mà bạn sắp sửa thực hiện. Việc lặp đi lặp lại những hành động giống nhau này mỗi ngày sẽ hình thành nên một phản xạ tự nhiên của chúng ta.
Sau đây là một số ví dụ để giúp bạn làm rõ khái niệm này, qua đó, nhìn thấy rõ quá trình hình thành phản xạ tự nhiên từ một thói quen:
Ví dụ 1: Bạn vừa chợt tỉnh giấc bởi tiếng báo thức reo → Bạn muốn được đánh thức → Bạn uống một tách cà phê → Việc uống cà phê sẽ gắn liền với việc “thức dậy”.
Ví dụ 2: Bạn đang đối diện với một trở ngại lớn cho dự án → Bạn cảm thấy bế tắc và muốn giải tỏa sự căng thẳng → Bạn cầm điện thoại lên và bắt đầu chơi game để giải tỏa căng thẳng → Việc chơi game trên điện thoại sẽ gắn với những cảm xúc tiêu cực bạn đối diện trong công việc.
Điều đáng chú ý là 4 bước này không phải lâu lâu mới xảy ra, nó diễn ra liên tục trong tích tắc: Cứ chỗ nào phát tín hiệu, não liền “đốt cháy” khao khát hành động để thỏa mãn một nhu cầu hoặc mong muốn nào đó của bản thân. Càng lớn, chúng ta càng khó phát hiện ra quá trình này, vì chúng trở thành những hành động hiển nhiên, như việc: đói là phải ăn, tin nhắn tới là phải đọc, mệt quá thì lấy game ra chơi…
Chúng ta sẽ ít dành thời gian để khám phá nguyên nhân tại sao chúng ta lại hành động như vậy. Như một “cỗ máy” được lập trình, chúng ta cứ thấy tín hiệu là hành động, không cần nghĩ ngợi nhiều. Bởi vì bây giờ thói quen đã trở thành phản xạ tự nhiên.
LÀM SAO ĐỂ “CAI NGHIỆN” MỘT THÓI QUEN?
Phiên bản hiện tại của bạn chính là kết quả của những thói quen. Cách bạn ăn uống, đi lại, trò chuyện đều là những thói quen được tích lũy sau rất nhiều năm “ra đời”. Cho nên bạn có hạnh phúc hay không, có thành công hay không cũng đều do những thói quen tưởng chừng nhỏ đó quyết định. Và việc thay đổi thói quen thực ra không khó, điều khó nằm ở việc làm sao để chúng ta duy trì chuỗi hành động mới, và khước từ những tín hiệu kích thích, những phần thưởng hấp dẫn mà thói quen cũ mang lại.
Để duy trì thói quen tốt, bạn sẽ cần:
Bước 1: Phát tín hiệu – Hãy biến nó trở thành điều hiển nhiên
Bước 2: Phát hành động – Hãy “lý giải” sự hấp dẫn của tín hiệu
Bước 3: Phản hồi – Làm – Theo cách đơn giản nhất, vừa sức với bạn nhất
Bước 4: Nhận thưởng – Hãy tặng cho bản thân một món quà xứng đáng với giá trị của hành động
Để bỏ đi thói quen xấu, bạn sẽ cần:
Bước 1: Phát tín hiệu
Hãy tắt hoặc ngó lơ những tín hiệu kích thích từ môi trường xung quanh, tập trung vào những việc mình cần làm.
Bước 2: Phát hành động
Hãy “lý giải” ảnh hưởng tiêu cực của việc hành động.
Bước 3: Phản hồi – Làm
Hãy để công sức, tiền bạc, thời gian bạn sẽ cần bỏ ra nhiều hơn, khó hơn để thực hiện hành động đó.
Bước 4: Nhận thưởng
Hình dung những hậu quả mà việc duy trì thói quen này.
Nếu bạn đã thử, nhưng thất bại trong việc từ bỏ hoặc tạo lập một thói quen mới và tự hỏi: “Tại sao tôi không làm những gì tôi nói là tôi sẽ làm? Tại sao tôi không học thêm được điều gì mới? Tại sao tôi không giảm cân được? Tại sao tôi nói điều gì đó quan trọng nhưng dường như không bao giờ dành thời gian cho nó?”.
Câu trả lời cũng gói gọn trong vòng lặp thói quen trên: Bạn có đủ kiên nhẫn để thay đổi môi trường bằng cách bỏ qua những tín hiệu kích thích không ngừng, và có đủ bình tâm để dốc hết sức thực hiện nó mỗi ngày hay không!
Sẽ rất khó để nghiêm khắc với bản thân mình, nhưng việc chúng ta quá nuông chiều bản thân sẽ đem lại rất nhiều tác dụng phụ. Nếu chẳng may chúng ta bị nghiện thói quen thì sẽ rất khó để “tự cai” và sẽ cần rất nhiều sự trợ giúp từ người khác.
Và trong trường hợp bạn không biết tìm sự giúp đỡ ấy ở đâu, bạn có thể tìm đến Lead The Change. Tháng 4 này, Lead The Change sẽ khai giảng khóa Ready To Change – Sẵn sàng để thay đổi. Nội dung khóa học sẽ xoáy sâu vào việc thấu hiểu bản thân và học cách tự quản lý mình.
Nếu bạn cảm thấy đã đến lúc phải làm gì đó cho một tương lai thành công hơn, hạnh phúc hơn mà vẫn loay hoay chưa biết mình nên bắt đầu từ đâu hoặc quá khó khăn để bắt đầu thì hãy để lại thông tin để Lead The Change tư vấn cho bạn nhé!