Nếu trên đời chỉ tồn tại ba loại câu: câu trả lời, câu lệnh và câu khẳng định, chuyện gì sẽ xảy ra? Không có câu hỏi, con người liệu có tạo ra điện, liệu Newton có tìm ra định luật hấp dẫn? “Muốn biết phải HỎI, muốn giỏi phải HỌC” – Sức mạnh của câu hỏi không chỉ gói gọn trong việc được trả lời mà còn nuôi dưỡng tinh thần “ham học, ham làm”. Vì thế, “bí thuật” của nó được khai thác bởi những học giả kỳ cựu như “Leading with Questions” của Michael Marquardthay “Asking about Asking” của Kent Stroman. Hãy cùng “unbox” những lợi ích mà câu hỏi mang lại để hiểu rõ hơn sự lợi hại của việc đặt câu hỏi nhé!
HỎI ĐỂ LÀM GÌ?
- Hỏi để hình thành các mối quan hệ:
“When you show curiosity and you ask questions, and find out something interesting about another person, people disclose more, share more, and they return the favor, asking questions of you”
Todd Kashdan
Qua nhiều thế kỷ, các nhà nghiên cứu cho thấy mục đích của câu hỏi trong giao tiếp chủ yếu nhằm trao đổi thông tin và để lại ấn tượng lên đối phương. Nói cách khác, câu hỏi có thể được xem như chất kết dính, gắn kết những người xa lạ với nhau. Thông qua những câu hỏi thiết thực, con người tự biến hóa mình trở nên “dễ gần, dễ thương” hơn đối với những người xung quanh.
Theo Goldie Chan của tạp chí Forbes, trong một thí nghiệm, các nhà khoa học chia những người tham gia thành hai nhóm: một nhóm hỏi ít nhất 5 câu hỏi và một nhóm hỏi tối đa 4 câu hỏi trong vòng 15 phút. Sau đó, hai nhóm này được xếp cặp với nhau một cách ngẫu nhiên dưới dạng hẹn hò cấp tốc và nhắn tin qua mạng. Kết quả cho thấy những người có xu hướng hỏi nhiều hơn đồng nghĩa với việc được yêu thích hơn cũng như tăng tỉ lệ thành công cho buổi hẹn thứ hai. Một nghiên cứu khác khẳng định sự tò mò yếu tố tiên quyết làm nên sự chất lượng và bền vững của các mối quan hệ từ công việc đến đời sống cá nhân. Từ đây, câu hỏi có thể được xem như “ông tơ bà nguyệt” thời đại @, se duyên cho chữ “lạ” thành “quen” và nhen nhóm ngọn lửa thân mật, thấu hiểu giữa người với người. Điều đó giúp đối phương cảm thấy được trân trọng và lắng nghe hơn so với những cuộc hội thoại thông thường.
- Hỏi để ươm mầm trí tuệ cảm xúc….
“Asking questions is like the Google to the world. You will never know the answer to the unknown unless you ask questions” –
Quiana McDaniel, Founder của “The House of Dasha and Dasha Cosmetics”
Không còn những lá thư chờ đợi mòn mỏi, thời đại công nghệ 4.0 cho phép con người dễ dàng kết nối với nhau thông qua những cú click chuột hay vài dòng tin nhắn điện tử. Nghịch lý thay, giữa thế giới đầy ắp sự tiện nghi và hiện đại, con người lại càng trở nên xa cách về mặt tâm lý lẫn tình cảm. Đây là lúc trí thông minh cảm xúc trong phát huy tối đa bản chất của nó, và việc đặt câu hỏi chính là chìa khóa khai phóng sức mạnh tiềm tàng ấy.
Nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc khiến ta trở nên thấu hiểu, xây dựng các mối quan hệ trên cơ sở niềm tin và sự chân thành bên cạnh việc tăng khả năng thích nghi, nhạy bén trước thời cuộc. Không chỉ mang lại vô số lợi ích cho cá nhân, các doanh nghiệp cũng dễ dàng mở rộng và phát huy tiềm năng của mình bằng ghi nhận và lắng nghe ý kiến từ các phân khúc khách hàng khác nhau. Cải thiện trí tuệ cảm xúc bằng việc đặt câu hỏi chính là cách không ngừng đổi mới bản thân, thoát khỏi vỏ bọc an toàn và cho phép ta tiến sâu hơn trong tương lai.
Bên cạnh vai trò của một “người thầy 24/7”, câu hỏi còn giúp ta thấu hiểu, học được cách làm chủ và “giao tiếp” cảm xúc tốt hơn. Những lúc nóng giận hay gặp bất trắc, hãy hít một hơi thật sâu và tự chất vấn chính mình những câu hỏi như “Tại sao mình lại cảm thấy như thế? Điều gì gây ra cảm xúc đó cho mình? Cảm xúc đang cô nói với mình điều gì và nó có thật sự quan trọng với mình ngay lúc này không?”. Chỉ một vài câu hỏi đơn giản vậy thôi, vấn đề nan giải bỗng chốc hóa giản đơn, những lời nói tiêu cực hay hành động bộc phát sẽ được tiêu trừ. Trở lại trạng thái cân bằng, bạn sẽ không phải hối hận hay dày vò bản thân vì những con chữ gây tổn thương, ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và các mối quan hệ của bạn.
“Even simple questions are powerful. Asking ‘Why?’ provokes reflection. Asking ‘Why not?’ drives innovation”
Nathan Young
- Hỏi để xúc tiến môi trường làm việc hiệu quả….
“Questions are powerful because they can spark change. Giving facts and information is helpful, but questions can shift one’s thinking, inspire innovation, and result in true change within an organization“
Stephanie Liu, founder của “Captivate on Command“
Hỏi để biết, hỏi để học và hỏi để LÀM. Sự sáng tạo cá nhân và đổi mới tổ chức dựa trên tinh thần sẵn sàng tìm kiếm và tiếp thu những thông tin mới lạ. Điều đó càng làm rõ nét hơn tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi trong công việc lẫn sự nghiệp của mỗi cá nhân và tổ chức nào đó. Nếu nói những câu hỏi là những bậc thang cho ta tiến gần hơn đến đỉnh cao của tri thức thì trong công việc, chúng dẫn ta đến những quyết định sáng suốt, phù hợp với điều kiện hiện tại lẫn thúc đẩy văn hóa trao đổi thông tin theo chiều hướng tích cực.
Xét về phạm vi chiến lược, việc đặt câu hỏi ĐÚNG trong các bộ phận doanh nghiệp có sức “nặng” ngang bằng việc đi tìm hiểu người tiêu dùng. Bằng phương pháp này, nhân viên có cái nhìn tổng quan hơn về công việc họ đang làm, đi sâu vào vấn đề chính nhằm tối ưu hóa năng suất công việc thay vì phí phạm nguồn nguồn nhân lực và thời gian bỏ ra. Thay vì chỉ làm theo chỉ dẫn hay mệnh lệnh, hãy cho nhân viên được làm chủ tình thế, nắm chắc quân cờ và giữ vững ý chí trước những bài toán bất ngờ đặt ra. Muốn phát triển phải đầu tư từ bên trong. Muốn bền vững phải nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi. Và muốn đổi mới phải không ngừng đặt câu hỏi, tò mò về vạn vật xung quanh.
Một khi các doanh nghiệp thật sự hiếu kỳ về câu chuyện thương hiệu của chính mình, mục tiêu cá nhân sẽ song hành cùng sứ mệnh của công ty. “Thành công” không còn là khái niệm viễn vông khi và chỉ khi “nhịp tim” của thương của thương hiệu đó sống và đập cho chính niềm tin và thông điệp của chính mình. Với bài viết trên tạp chí Forbes, Goldie Chan khẳng định các doanh nghiệp và tổ chức nên đề cao việc đặt câu hỏi thành một chuẩn mực trong tác phong công việc, và nhận thức được rằng số lượng tỉ lệ thuận với chất lượng của câu hỏi càng về sau.
- Hỏi để “CHECK-IN” bản thân….
“When I look back on my career and life thus far I’ve realized that the depths of my successes and wins have been directly correlated to the value found in the types of questions I was willing to ask. The better the questions, the further I was able to travel”
Olori Swank
Cuộc đời vốn dĩ là một hành trình – một thử thách độc nhất vô nhị mà đồng hành với nó là sự thay đổi và trưởng thành. Tuy nhiên, chỉ khi bạn chấp nhận nó, đặt cho bản thân những câu hỏi thiết thực như “Tại sao bạn là một phần của chuyến đi ấy?” sẽ giúp bạn hiểu ra bản thân mình, những gì xung quanh bạn và những kỳ vọng của xã hội.
Tự chất vấn bản thân mình có thể được xem như nút “PAUSE” của cuộc sống. Hãy tự cho mình những “khoảng lặng” để nghĩ xem: bạn có hài lòng với công việc hiện tại không? Bạn có hạnh phúc với những gì mình đang làm? Những câu hỏi bạn hoạch định lại hướng đi và báo hiệu cho một khởi đầu mới, một bước ngoặt mới trong cuộc đời mình. Ngoài ra, việc bạn đặt vấn đề về những thứ xung quanh, hỏi tại sao một cách thường xuyên có thể giúp bạn thoát khỏi lối mòn suy nghĩ, xây dựng hệ thống tư tưởng sâu sắc và thấu đáo hơn về giá trị cốt lõi và niềm tin của mình. Chính điều này làm nên sự trưởng thành – yếu tố quyết định hành động, dạy ta nhiều điều về bản thân, động lực và mục đích sống của mình.
Việc đặt ra những câu hỏi, nhất là những câu hỏi tại sao là một cách học thông minh cho châm ngôn “học, học nữa, học mãi”. Sự hiếu kỳ với những gì diễn ra xung quanh bạn được xem như “collagen” cho não bộ, giúp đầu óc bạn luôn trong trạng thái năng động và trẻ trung kể cả khi về già. Càng ham muốn hiểu biết, bạn càng có xu hướng phiêu lưu đó đây, tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của cuộc sống và hòa nhịp với lớp trẻ.
- Hỏi để khẳng định thương hiệu cá nhân, định hướng sự nghiệp….
“Asking open questions of peers and colleagues, and giving them the space to answer, has helped me to build rapport with them which, over the years, has led to countless relationships and opportunities”
Mike Allton
Vì sao việc đặt câu hỏi lại có quan hệ mật thiết với hai cụm từ “thương hiệu” và “sự nghiệp”? Nhìn lại những thành tựu mà các nhãn hàng lớn đạt được, “câu chuyện thương hiệu” (brand story) được đánh giá là một nguyên liệu không thể thiếu làm nên công thức của sự thành công. Viết một câu chuyện bao gồm mở – thân – kết nhưng làm sao để nó “chạm” đến trái tim của khách hàng lại là một câu hỏi khó để làm nên tên tuổi cho mỗi nhãn hàng. Goldie Chan cho rằng những thương hiệu muốn tốt phải trở nên thật xác thực và truyền cảm hứng cho những khác viết tiếp câu chuyện của họ. Muốn đạt được điều đó, các thương hiệu bắt buộc phải tương tác, giao tiếp với khách hàng thông qua việc đặt nhiều câu hỏi hơn. “Vũ khí lợi hại” này hình thành sự ủng hộ từ phía cộng đồng lẫn khách hàng, truyền tải thông điệp tốt đẹp và đúng đắn ở diện rộng.
Như đã đề cập ở trên, việc đặt câu hỏi giúp cải thiện trí tuệ cảm xúc, tạo nên ảnh hưởng tích cực đến khách hàng cũng như cộng động. Sự thấu hiểu, đồng cảm và lắng nghe giúp các doanh nghiệp khắc phục điểm yếu, phát triển điểm mạnh mang lại tầm nhìn bao quát để phục vụ khách hàng tốt hơn. Nó tạo điều kiện cho ta tránh “điểm mù”, gặp nhiều “điểm nhìn” khác nhau. Trong đó, hai góc nhìn quan trọng nhất nằm ở vị trí của người sản xuất và người thụ hưởng. Bằng biện pháp hữu ích này, doanh nghiệp trở nên nhạy cảm trước các biến động, tập trung hơn vào việc khai thác và điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng thay vì chỉ tập trung bán sản phẩm. Hãy đặt câu hỏi để áp dụng “nguyên lý tảng băng trôi”, thấm nhuần từng bản chất của doanh nghiệp hoặc tổ chức để phát triển một cách khỏe mạnh và dài lâu.
“When your brand becomes a brand that questions and listens, it is a brand that can grow.”
Goldie Chan
Hãy cho “đứa trẻ” trong bạn được ra chơi…..
Câu hỏi không mất tiền mua
Lựa câu mà hỏi cho vừa lòng nhau
Câu hỏi không mất mát gì
Tìm câu để hỏi ai ngờ thành công.
“Trâu đi tìm cọc, chứ cọc không đi tìm trâu” – Thành công sẽ không bao giờ tìm tới bạn nếu bạn cứ mãi u lì trong giới hạn của chính mình. Hãy giữ cho mình sự hiếu kỳ của một đứa trẻ để hỏi “nhiều – sâu – tốt” . Bạn sẽ phải cảm ơn chính mình vì những câu hỏi gỡ rối những nút thắt lộn xộn của cuộc sống đấy!