Chào mọi người, mình là Minh Hằng – Alumni của Lead The Change Exchange Trip in Singapore tháng 11 năm 2019.
Hôm nay, muốn chia sẻ về một cuốn sách mình đã đọc và rất tâm đắc: Dám hạnh phúc ghi lại đoạn hội thoại giữa triết gia Kishimi Ichiro và chàng thanh niên trẻ đang tìm lời giải đáp cho nhiều vấn đề trong cuộc sống xoay quanh hai chữ “hạnh phúc”.
Mình thích nhất Phần thứ năm: Hãy chọn cuộc đời yêu thương, bởi nó làm rõ hơn những quan điểm về tình yêu mà Mẹ luôn nhắc nhở mình từ trước. Hiểu và luôn chiêm nghiệm là thế nhưng sau khi đọc sách, mình càng củng cố hơn về những quan điểm đó theo khía cạnh tâm lí học, và liên hệ nó theo các câu sau đây thuộc về những niềm tin giới hạn của phụ nữ Việt xưa:
“Trâu phải đi tìm cọc, đời nào cọc lại đi tìm trâu.”
“Con gái khôn ngoan hãy chọn người yêu mình, đừng chọn người mình yêu.”
Nếu bạn hứng thú về tâm lí học, đặc biệt là chị em phụ nữ thì hãy đọc hết bài viết sau của mình, mình mong mọi người hãy comment cho mình về quan điểm của mọi người về một phần nào đó của bài viết, hay thậm chí là sự phản biện để mình có cơ hội học hỏi thêm nhé!
Ở phần này, triết gia đã khéo léo mở đầu câu chuyện bằng câu nói: “Nhiều người không thể mở lời khi đứng trước tình yêu, chỉ dừng lại ở quan niệm cứng nhắc thông thường về cái gọi là tình yêu như thần thánh hóa đối phương, tình yêu như động vật bị cuốn theo dục vọng, rồi lại tình yêu sinh học chỉ nhằm để lại gen của mình cho đời sau. Kết quả là hầu hết tình yêu mà thế gian nói đến không thể hiện hết bản chất của nó. Không ai có ý định nói về “tình yêu của con người”
A ha, đến đây thì phải đến 80%, thậm chí là anh thanh niên trong truyện cũng đề cập rằng: “Thật khó hay thậm chí xấu hổ không biết diễn tả ra sao khi nói về tình yêu của chính mình. Một trong số những lí do rằng “falling in love” là cảm xúc không thể diễn tả được, là vô thức rơi vào tình yêu bởi tình yêu là không tính tóan, không kiểm soát, như Romeo và Juliet vậy”
Nghe thật là thuyết phục phải không? Nhưng thực tế tình yêu không phải là một chức năng thuần túy, tự nhiên như một số nhà tâm lí vẫn nghĩ. Chúng ta không “rơi vào tình yêu”. Đó là thứ cảm xúc mà chúng ta vun đắp từ con số 0 nên một nhiệm vụ của cuộc đời mỗi con người. Triết gia nhấn mạnh: “Nói đến tình yêu mà không hề biết đến những nguyên tắc này nên phó mặc vào từ ngữ như “số phận” hay “bản năng” . Không nhìn thẳng đó là một nhiệm vụ, hay chính xác hơn, đó là “không yêu”.
Đọc đến đây thì WOW!!! Em đã phải thốt lên như vậy, bởi sự sung sướng, ngay khi trải qua hai lần ở trong một mối quan hệ thì mình nhận ra không hề có “falling in love” và đây là cuốn sách đầu tiên đề cập đến vấn đề này! Thực tế, khi cho rằng con người “falling in love” chẳng khác gì đó là ham muốn vật chất, như việc bạn mê mẩn một chiếc máy ảnh đời mới đến nỗi quên cả ăn bỏ cả ngủ. Đến khi có nó, chưa đến nửa năm thì bạn chán, không phải bạn muốn chụp ảnh bằng chiếc máy đó mà chỉ muốn giành được nó, muốn được chinh phục nó thôi.
Khắp các trang mạng xã hội dành cho phụ nữ vẫn rao về “bí quyết được yêu”, nhưng thực tế, để có hạnh phúc, hãy xuất phát từ “bí quyết để yêu người khác”. Chàng thanh niên trong câu chuyện phủ nhận, cho rằng cái khó nhất của tình yêu là “yêu ai”, chứ không khó để “yêu như thế nào”, bởi đó là bản năng của con người.
Trước tiên, cần làm rõ, mục đích của tình yêu là hạnh phúc. Cụ thể hơn, có một quy tắc về hạnh phúc trong tình yêu rằng: Không mưu cầu hạnh phúc của “tôi” một cách vị kỉ, cũng không phải mưu cầu hạnh phúc của “anh” một cách vị tha mà là xây dựng hạnh phúc của “chúng ta” không thể tách rời. Đó mới chính là tình yêu.
Tình yêu chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta tự lập, nghĩa là rũ bỏ được cái “tôi” ích kỉ. Quay lại câu nói ở trên, “bí quyết được yêu” là chưa đúng, bởi đó là lối sống “tôi cần được yêu thương” ích kỉ, chưa học cách cho đi mà chỉ chăm chăm thu hút sự chú ý của người khác, chẳng khác gì một đứa con nít mưu cầu sự chú ý và yêu thương từ cha mẹ như một chiến lược sinh tồn. Yêu mà chỉ học “tôi cần được yêu thương” thì chẳng khác gì chiến lược sinh tồn lúc nhỏ vậy.
Tình yêu là tự lập, là trở thành người lớn. Chính vì thế yêu mới khó và mới cần học cách yêu.
Được yêu thương bởi cha mẹ, thầy cô chỉ là lối sống lúc nhỏ, đừng lớn lên mà mang trong mình sự củng cố lối sống để được yêu thương đó. Muốn thoát ra khỏi những bi kịch và kiểm soát của tình yêu thì phải yêu. Không chờ đợi được yêu, mà là chủ động yêu một ai đó. Đến đây, mình hoàn toàn phủ nhận câu nói: “hãy chọn người yêu mình đừng chọn người mình yêu”. Bởi như vậy là mưu cầu được yêu, mưu cầu sự bảo đảm, chẳng khác gì chắc chắn rằng mình sẽ bị tổn thương vậy. Khi đó là mình chưa yêu và đủ tin tưởng bản thân. Đó là phức cảm tự ti. Đó là yêu thụ động và chẳng ai sẽ mở lòng yêu một người như thế. Đến đây, mình cũng phủ nhận luôn “trâu tìm cọc, đời nào cọc lại đi tìm trâu”
Cũng có nhiều người than thở rằng chưa gặp được người yêu định mệnh của đời mình; một người ĐÁNG để yêu. Đã gặp được thì mọi chuyện sẽ đều ổn cả. Trong quan điểm của mình, điều đó chỉ là sự cự tuyệt với tình yêu, và sẽ trì hoãn vô thời hạn, tự tưởng tượng một hình mẫu lí tưởng mà không hề có thật bởi không ai hoàn hảo cả. Yêu không chỉ đơn giản là cảm xúc mãnh liệt. Đó là quyết tâm, là phán đoán, là lời hứa. Tạo ra sự bền vững, cố gắng và vun đắp, hình thành từ nỗ lực đến với nhau của hai người. Không phải tìm kiếm một người yêu định mệnh mà là xây dựng một mối quan hệ có thể là định mệnh. Điều đó cần phải học cách yêu, biết cách yêu, là lòng can đảm dám hạnh phúc.
Cuối cùng thì, nếu không thể bước tiếp cùng nhau, chúng ta cũng sẽ vui vẻ chấp nhận và lạc quan bước tiếp để xây dựng hạnh phúc, tự nhủ rằng “cuộc hội ngộ với người này, thời gian chia sẻ với người này đã hết nhưng nó không hề lãng phí.” Điều này còn áp dụng trong mối quan hệ bạn bè, cha mẹ, không chỉ là tình yêu. Cứ sống hết mình ngay tại đây, vào lúc này.
Tóm lại, mình phủ nhận hai khái niệm “falling in love”, “tình yêu định mệnh” và hai câu nói:
“Trâu phải đi tìm cọc, đời nào cọc lại đi tìm trâu.”
“Con gái khôn ngoan hãy chọn người yêu mình, đừng chọn người mình yêu.”
Mong bạn hãy comment cho mình về quan điểm của mọi người về một phần nào đó của bài viết, đặc biệt là sự phản biện! Mình cám ơn bạn rất nhiều :”>