Stress là một điều khó tránh khỏi trong cuộc sống thường nhật. Nhưng thay vì coi nó là kẻ thù, ta nên nhìn nhận nó theo một hướng tích cực hơn. Vì việc rèn luyện kiểm soát căng thẳng mang lại rất nhiều lợi ích. Nó không chỉ đơn thuần giúp bạn có thói quen điều chỉnh cảm xúc khi căng thẳng mà còn rèn luyện sức khỏe tin thần cho bạn ngày một vững vàng hơn.
Khi rèn luyện kiểm soát căng thẳng, ta không nên nóng vội và hy vọng quá nhiều rằng mình sẽ thành công ngay. Bộ não của bạn cần có những bước tiền đề quan trọng. Sau đây là một số cách làm giảm căng thẳng, còn gọi là ‘sơ cứu tinh thần’ trước khi sự căng thẳng khiến bạn buộc phải tìm đến bác sĩ trị liệu. Hãy cùng tập luyện nhé.
1. Tập hít thở sâu
Ai cũng đang thở, nhưng thở đúng cách thì dường như ít ai thực sự để ý. Chúng ta thường thở ngắn và gấp như chính cách sống của mình vậy. Vì thế, điều đầu tiên chúng ta cần khi căng thẳng là ngồi xuống và hít thở sâu: hít vào bằng mũi trong 4 giây, giữ lại 4 giây và thở ra bằng miệng trong 4 giây nữa. Ban đầu bạn có thể thấy không quen với cách thở ‘chậm’ như vậy. Nhưng việc thở chậm sẽ khiến bạn thấy dễ chịu hơn. Nó giúp điều hòa lượng không khí trong máu, lưu thông máu lên não tốt hơn và vận động các nơron thần kinh hiệu quả hơn. Dần dần bạn sẽ thấy mình muốn thực hiện việc thở ‘sâu’ nhiều hơn nữa, thậm chí là biến nó thành thói quen kể cả khi không có căng thẳng.
Có một câu chuyện hay trong cuốn sách “Bhutan – Đường tới hạnh phúc” của nữ nhà văn Linda Leaming kể về việc hít thở. Ngày xưa có một người là học trò của một người thầy vĩ đại, người đã được giác ngộ nhờ thiền tịnh qua hít thở. Người học trò thấy tức giận vì anh ta không thể đạt được như thầy dù đã luyện tập 20 năm trời. Ngày nào cậu học trò ấy cũng đối mặt với những vấn đề: gia đình, bạn bè, công việc, nợ nần, sở thích,… Cậu đến tìm và nhờ thầy chỉ giáo. Thầy giao cho cậu một con quỷ và dặn dò phải luôn làm con quỷ bận rộn, nếu không con quỷ sẽ quay lại tấn công cậu. Cậu mang con quỷ về nhà, sai nó làm hết tất cả công việc nhà, công việc nghề nghiệp, việc vặt,… Nhưng giao bao nhiêu thì con quỷ cũng đều làm xong hết một cách nhanh chóng.
Đến khi không còn việc gì để giao quỷ, cậu học trò bắt đầu bấn loạn, liền tìm đến người thầy cầu cứu lần nữa. Người thầy cười lớn, rồi bảo con quỷ ra leo cây cho đến khi được bảo dừng thì thôi.
Bạn biết người thẩy bảo gì không?
Người thầy đã dạy cho học trò của mình: “Cái cây là hơi thở của con. Hít vào, thở ra. Con quỷ là tâm trí của con. Làm tâm trí của con bận rộn và tập trung vào việc hít thở, thì cuối cùng tâm trí con sẽ ổn thỏa thôi. Và lúc ấy, tinh túy trong người con sẽ chiến lấy toàn bộ tâm trí.”
Bạn có hiểu bài học này không? Nếu có, hãy tập hít thở ngay nhé!
2. Giao tiếp kiểu ‘quân đội’
Hãy xác định xem ai khiến cho bạn buồn bực. Chỉ cần làm như vậy bạn cũng đã tăng thêm phần sống khỏe hơn cho bạn và giúp cho bạn bình tĩnh lại hơn nhiều rồi. Liệt kê những “nhân vật toxic” khơi dậy cảm xúc căng thẳng trong người bạn và đặt mục tiêu giao tiếp với người đó theo kiểu ‘quân đội” – chỉ dành khoảng 20 phút mỗi ngày hay ít hơn nữa cũng được, với những người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp khó tính. Bạn hãy nghĩ là mình có thể chịu đựng được bất cứ điều gì trong 20 phút. Nhưng một khi đã qua thời gian đó, bạn không cho phép mình tiếp xúc thêm với những kiểu người như vậy nữa.
Với những người làm việc công sở thì điều này nghe có vẻ khó. Nhưng hãy giảm thời lượng từng chút một. Nếu ngày trước bạn phải giáp mặt ai đó khó chịu cả ngày thì giờ hãy cố gắng giải quyết hết vấn đề công việc với họ trong vòng một buổi (sáng hay chiều), tiếp theo đó thu hẹp thời gian giao tiếp xuống còn nửa buổi, chỉ trừ trường hợp khẩn cấp.
Tùy từng đối tượng mà áp dụng kiểu giao tiếp này một cách linh hoạt bạn nhé. Nói ít đi một chút, suy nghĩ nhiều lên. Giao tiếp với những người không hợp mình ít đi, dành thời gian cho những người mình thấy xứng đáng. Vậy là ta đã từng bước từng bước giảm căng thẳng mỗi ngày rồi.
3. Về với tự nhiên
Với những người làm công việc trí óc, ngày nào cũng tiếp xúc với máy tính và bao bọc bởi 4 bức tường thì việc cảm thấy bức bí và dễ căng thẳng là một điều rất dễ xảy ra. Với những người lao động ngoài trời, họ lại tiếp xúc với những khói bụi đô thị và công việc nặng nhọc, đâm ra dễ nóng giận hơn nữa. Chúng ta đang sống trong nhịp sống của công cuộc hiện đại hóa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đó cũng chính là lý do vì sao chúng ta quên đi sự xoa dịu diệu kì của thiên nhiên – một liều thuốc yêu thương tinh thần hiệu quả hơn bất kỳ loại thuốc an thần nào khác. Về với thiên nhiên – một cách nhẹ nhàng và đầy đủ để yêu thương tâm hồn bạn.
Chúng ta có đủ không gian và thời gian cho việc ‘về với thiên nhiên’. Về với thiên nhiên không phải là việc bạn cần xách balo lên và tìm về nơi rừng đại ngàn. Với hoàn cảnh công nghiệp hóa hiện giờ, đó là việc chúng ta tự tạo ra không gian sống hòa hợp với thiên nhiên và dành thời gian cảm nhận chúng. Điều này bắt đầu từ những bước đơn giản.
Trong môi trường công sở, trường học, ta có thể mở cửa sổ thay vì dùng điều hòa. Đặt những bình hoa có mùi thơm nhẹ trên các bàn làm việc cũng là một cách vừa tối giản đồ trang trí vừa đem lại không khí thoáng đãng. Hay thậm chí những mô hình trồng cây dọc hành lang, nhất là những cây leo tường, đang trở thành xu thế thiết kế trong những năm gần đây.
Khi về nhà, chúng ta cũng có thể tạo ra môi trường sống xanh cho chính mình. Nuôi một chú chim, hay trồng rau trong những thùng xốp. Dù bạn ở chung cư hay nhà vườn thì đều sẽ có những không gian tận dụng được cho việc đem thiên nhiên về với cuộc sống đời thường mà không phải đi đâu xa. Khi chúng ta tỉ mẩn trồng từng mầm non, tưới từng gáo nước thì tâm hồn cũng như được gột rửa vậy. Xây dựng khu vườn của mình ngay hôm nay và tận hưởng quá trình có được quả ngọt nhé.
4. Uống trà
Có lẽ với một số người thì uống trà có vẻ như là một nghi lễ ‘xa xỉ’, chỉ thích hợp với lối sống người Nhật, người Hàn hay chỉ là những người có thời gian rảnh rỗi. Nhưng bạn biết sự thật là chính bạn cũng có thể tạo thói quen uống trà mà, đúng không? Đó không phải là việc bạn đun trà rồi uống một hớp hết là xong. Nếu như vậy thì hẳn là ta sẽ không nghe đến văn hóa uống trà hay cả một chiều dài lịch sử về việc uống trà đã trở thành văn hóa như thế nào. Bạn có thể uống loại trà bạn thích, uống theo nghi thức cổ xưa hay coi nó là một hoạt động xã giao.
Uống trà nghe thật mới mẻ, thật hay, là một cách thật tuyệt để kết nối với nhau, đàm đạo nhiều chuyện thú vị.
Để uống trà thực sự đem lại ý nghĩa tĩnh tâm mà không phải ‘tốn thời gian’ thì chúng ta có thể tham khảo một số cách sau:
- Trước khi pha trà, hãy nghĩ là trong khoảng 30 phút sắp tới bạn chỉ dành cho việc uống trà thôi. Tắt tivi, máy tính, điện thoại hay những thiết bị gây sao nhãng khác đi nhé.
- Chọn loại cốc có thiết kế hay hình trang trí bạn thích sẽ khiến bản thân thấy thích thú hơn đấy.
- Đun nước, cho trà vào cốc, rót nước sôi vào. Xào qua xào lại để vị trà được thôi ra. Hãm trà trong một vài phút và nhớ là đậy nắp trà nhé. Từng công đoạn một, hãy gọi tên nó, nhận biết hành động của bạn. Từng chuyển động, từng thời gian, có vẻ như chúng ta nóng lòng muốn uống trà rồi đấy^^
- Giờ thì ngồi xuống và uống trà nào. Nhưng thế thì vẫn chưa là uống trà thật sự rồi. Việc khó nhất luôn để cuối cùng: không làm gì khác ngoài uống trà. Chúng ta thường có thói quen vừa uống trà vừa đọc báo. Nhưng hãy thử chỉ làm một hành động là uống trà thôi nhé. Hãy để cho cái vị đắng kia trở thành một sự nhắc nhở hãy nuôi dưỡng lòng trắc ẩn với tất cả mọi sinh vật trong vòng nhân quả.
Uống trà là một thú vui, một văn hóa, cũng là một cách để tận hưởng thời gian sống.
5. Học cách xuôi theo dòng chảy
Dù ta có làm cách nào thì hiệu quả cũng sẽ chỉ là tạm thời. Chúng ta cần kéo dài tâm trạng thanh thản hơn nữa. Chúng ta cần tôi luyện cho sự tịnh tâm thêm phần sắc sảo để đứng vững trước những căng thẳng bất ngờ khác. Đó chính là lúc ta cần học cách xuôi theo dòng chảy.
Nhận biết căng thẳng, ghi ra nguyên nhân của nó – bao gồm hoàn cảnh, con người, thời gian, địa điểm. Hãy cố gắng, cố gắng ghi thật chi tiết trong giai đoạn đầu để phát hiện nhanh chóng và kĩ càng điều gì dẫn đến sự căng thẳng. Từ đó kiểm soát nó tốt hơn, và cũng là để thích nghi, thuận theo tự nhiên. Sau một vài lần nhận biết căng thẳng của mình, bạn có thể phát hiện thực ra có những điều không căng thẳng như ta phản ứng. Có thể là do những thói thường hoặc hiệu ứng đám đông khiến ta có phản ứng như vậy, chứ thực ra trong tâm mình không thấy như vậy.
Học cách xuôi theo dòng chảy không phải để cảm xúc căng thẳng ngự trị mãi mà là tìm cách làm bạn với nó, điều chỉnh bản thân và môi trường phù hợp. Một địa điểm không thể khiến khí chất của bạn thay đổi. Một căng thẳng không thể khiến bạn trở thành một con người nóng giận. Nhưng nó hoàn toàn có thể tạo ra cho bạn một chiếc khung để bạn có thể gọt đẽo bản thân vừa vặn với hoàn cảnh. Nó cũng là tiếng chuông báo thức nhắc nhở bạn về cuộc sống của bản thân dường như đang có điều gì đó không ổn, không cân bằng. Bạn cần phải đi tiếp, ngay cả khi lòng sông chứa đầy những hòn đá lởm chởm. Bạn cần phải sống tiếp, ngay cả khi căng thẳng cứ liên tục ngáng đường bạn. Làm gì được đâu, ha? Đừng bao giờ dừng lại.
Những cách giảm căng thẳng nên trên có thể áp dụng vào nhiều công việc và nhiều khía cạnh đời sống khác. Nhưng bạn có để ý thấy rằng, những liệu pháp này đều xuất phát từ sự lựa chọn của chính chúng ta không? Không ai bắt chúng ta phải hít thở, không ai bắt ta chỉ giao tiếp với người khó chịu 20 phút một ngày. Công ty môi trường không bắt ta trồng cây, gia đình nhà chồng không yêu cầu ta tập uống trà để theo văn hóa của họ. Và nhất là thuận theo dòng chảy, chúng ta có thể làm ngược lại mà, đúng không?
Nhưng đó chính là điểm mấu chốt. Mọi phiền muộn xuất phát từ tâm. Mọi giải pháp cũng xuất phát từ sự lựa chọn cách sống và phản ứng của chính mình. Và những lựa chọn từ trong tâm mách bảo luôn là lựa chọn kì diệu nhất. Người khác có thể khiến chúng ta căng thẳng, nhưng chúng ta lại là người quyết định mình giải quyết nó như thế nào, đúng không? Nếu rèn luyện được những điều trên, chúng ta sẽ thấy cuộc sống tốt hơn rất nhiều. Trong quá trình thực hành chúng, ta có thể thấy không quen, khó chịu, cầu kì, nhưng đó cũng có thể là bài học mà chúng đang cố nói với ta. Sau cùng, chỉ bạn mới có quyền lựa chọn cách sống của mình. Hãy chọn và theo đuổi nó ngay nhé. Chúc bạn thành công!