Chuyện trò là một trong những “món ăn” quen thuộc trong đời sống của chúng ta. Tưởng tượng có ngày nào trong câu chuyện hằng ngày của mình bạn không kể một câu chuyện gì đó. Ngày bé thì về nhà kể mẹ nghe nay đi học có gì vui, lớn hơn xíu nữa kể chuyện bạn bè, lớn thêm nhiều nữa kể những câu chuyện về sếp về đồng nghiệp. Dù là chuyện ‘to’ hay chuyện ‘nhỏ’ thì chúng đều đóng góp một phần không nhỏ vào sự hiệu quả giao tiếp hằng ngày của chúng ta. Nhưng không phải ai cũng biết cách kể chuyện đúng và truyền đạt đủ sắc thái của câu chuyện. Để có thể tránh việc những câu chuyện tưởng chừng như hấp dẫn lại ‘bị’ kể một cách dở tệ thì chúng ta cần loại bỏ những “món đồ cộc lệch” sau ra khỏi cách kể chuyện của mình.
1. Đưa ra quá nhiều bối cảnh
Kể chuyện đương nhiên sẽ cần bối cảnh. Nhưng điều đó không có nghĩa là người đọc, người nghe cần biết tất tần tật kể cả những chi tiết nhỏ nhất. Vì thế hãy đánh trúng trọng tâm. Hãy đưa ra bối cảnh chính xác, cụ thể, súc tích và phù hợp nhất cho câu chuyện bạn sắp kể. Hãy kể những gì họ cần được biết để đủ thấu hiểu câu chuyện của bạn.
Một gợi ý nhỏ để khắc phục khuyết điểm này là hãy nêu chủ đề của câu chuyện ra trước tiên. Hay trong văn học người ta còn gọi là viết theo lối diễn dịch – ‘phơi bày’ những gì mình muốn nói ra ngay đầu đoạn văn, đầu bài nói, sau đó mới đi vào diễn giải. Làm như vậy, người đọc sẽ dễ hình dung thiên hướng tiếp nhận câu chuyện, đồng thời có cái nhìn khái quát về nội dung, từ đó đưa ra những góp ý và phản biện chính xác. Bên cạnh đó, không chỉ người nghe hiểu được bạn đang đi theo hướng nào mà ngay cả bạn cũng sẽ tránh được việc hết giờ mà chưa kịp đưa ra ý chính. Không ai thích một câu chuyện bỏ dở giữa chừng, đúng không?
2. Chỉ nói, không chứng minh
Chắc hẳn bạn đã nghe cụm từ “Show, don’t tell” khá nhiều, nhất là với những bạn ứng tuyển hồ sơ du học hay làm CV xin việc. Đây có lẽ là lời khuyên ‘đắt giá’ không chỉ ứng dụng cho việc viết tiểu thuyết hay cho những diễn giả công chúng. Không ai đọc cả bài nghị luận xã hội mà không có lấy một thực trạng hay một ví dụ tiêu biểu nào. Không ai muốn ngồi nghe một người toàn nói “lý thuyết” – họ muốn có những hành động, những cuộc đối thoại và dẫn chứng cụ thể.
Hãy tưởng tượng bạn đang là người chịu trách nhiệm hướng dẫn các nhân viên mới hiểu thêm về môi trường hoạt động của công ty và bạn cảm thấy bối rối không biết liệu mọi người đã hưởng ứng như thế nào. Bạn làm thế nào để đánh giá độ nhiệt tình của họ? Rất đơn giản. Thay vì chỉ đưa họ đi qua giới thiệu các phòng ban, các tòa nhà hay điểm xuyết các đầu việc của họ, hãy cho họ ‘thấy và thực hành’. Bất kỳ nơi nào bạn đến, hãy hỏi họ “Vì sao chúng ta phải làm việc X?”, “Điều gì chúng ta có thể làm để cải thiện việc Y?”. Với những câu hỏi gợi mở như vậy, bạn đã khiến lời nói của mình trở nên có trọng lượng và thu hút hơn. Khi bạn để nhân viên mới có cơ hội được thể hiện kiến thức và kĩ năng của mình thì vô hình chung là bạn cũng đang để lại một ấn tượng tốt trong lòng họ. Những câu hỏi ấy cũng có thể gợi mở những ý tưởng bất ngờ. Và quan trọng là sự kết nối giữa bạn và họ trở nên rõ ràng hơn, không phân chia “chủ cũ-người mới” nhưng cũng không mập mờ cùng trình độ.
Hay một ví dụ khác cũng là lỗi thường gặp trong những bộ hồ sơ ứng tuyển đại học hoặc làm CV xin việc, đó là chỉ “kể” mà không có dẫn chứng hoặc có dẫn chứng nhưng không nổi trội. Trong hồ sơ bạn có thể liệt kê khá nhiều hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, nhưng cũng chỉ thế thôi. Bạn không đưa ra những chia sẻ ngắn về bài học hay những kết quả đạt được từ chuỗi hoạt động nêu trên thì hội đồng tuyển sinh ít nhiều sẽ coi bạn là kẻ ‘khoác lác’. Bạn có đề cập đến niềm đam mê đọc sách hay viết lách của mình. Nhưng thay vì chỉ nêu ra, tại sao không đưa ra bằng chứng, nói ví von là ‘nói có sách mách có chứng’, rằng bạn đã tạo được một blog của riêng mình và từng đoạt giải trong một cuộc thi viết về sách? Hay bạn cũng đề cập trình độ tiếng Anh và kĩ năng tin học văn phòng ở mức độ khá giỏi. Nhưng bạn lại dùng từ sai, viết sai chính tả hoặc thậm chí là thiết kế bố cục CV không cân xứng. Vậy là bạn đã ‘lòi đuôi’ rồi.
Nói tóm lại, hãy đưa ra những bằng chứng thuyết phục cho những gì bạn kể, dù có thể chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng bạn cho rằng nó sẽ gây ấn tượng hoặc nó là một đặc điểm ít người có. Đừng ngần ngại đưa ra lý lẽ, nhưng cũng đừng lí lẽ nào cũng đưa ra. Đưa ra và chọn lọc thứ bằng chứng đánh trúng trọng tâm vấn đề nhất, dễ khơi dậy lòng trắc ẩn hay đem lại một góc nhìn mới của vấn đề. Hãy sửa thói quen “Telling, not showing” thành “Show, don’t tell” nhé.
3. Kể chuyện dài dòng, mất thời gian
Khi kể chuyện, nếu không biết cách dẫn dắt và cô đọng chi tiết sẽ rất dễ sa vào một mê cung. Con người chỉ có một khoảng thời gian tập trung nhất định, chỉ tầm 30-45 phút. Nếu câu chuyện của bạn quá dàn trải, bạn sẽ làm khán giả của mình ‘chán’ ngay. Nhưng thế nào thì được gọi là dài? Hãy thử liên tưởng tới thời gian cho một cú tung bóng vào rổ. Bạn nghĩ mình sẽ thực hiện nó trong vòng bao lâu? Một phút? Hay phút? Trên thực tế là chỉ có 24 giây mà thôi! Hãy thử áp dụng logic này vào nghệ thuật kể chuyện xem sao.
Đoạn đầu bài nói (tầm 1-2 phút đầu) hay câu chuyện (tầm 5 câu đầu) như một nốt nhạc dạo đầu để người đọc, người nghe quyết định có nên dành thời gian cho bạn không. Hãy cố gắng trau chuốt ngôn từ và chi tiết. Chọn lọc những từ mang sắc thái biểu cảm chính xác, những chi tiết không thể thiếu, chi tiết khái quát nhất về câu chuyện. Nghe có vẻ khá là ngắn, nhưng độ dài lý tưởng là khoảng 1’30 – 1’45. Đó là khoảng thời gian hợp lý nhất để bạn bắt vào một câu chuyện tốt trước khi bắt nhập vào thông điệp tiếp theo. Khi bạn cần hết khoảng thời gian ‘vàng’ gần 2 phút nêu trên, hãy cố gắng gói gọn câu chuyện lại. Trong văn cảnh thuyết trình trước đám đông, nghệ thuật kể chuyện hiệu quả là kể chuyện ngắn gọn.
Trên đây là ba thói quen phổ biến nhất, dễ nhận biết và có cách khắc phục rõ ràng nhất. Không cần tìm quá nhiều lỗi mà nên tập trung vào một vài lỗi chủ yếu và có ảnh hưởng rõ nhất, từng bước khắc phục nó thì tự nhiên những khuyết điểm nhỏ sẽ dần được xóa bỏ. Cuối cùng, điều quan trọng hơn cả là bắt tay vào thực hành. Khi tìm ra lỗi rồi, hãy cố gắng kiểm soát lỗi đó trong lần tới bạn viết hay nói, ghi lại hiệu quả của nó và đề ra những mục tiêu lớn hơn trong việc cải thiện kỹ năng của bản thân. Nhà văn đoạt giải Nobel Kazuo Ishiguro đã từng nói rằng: “Để có thể viết văn hay, hãy sẵn sàng tâm lý viết dở tệ.”. Chúng ta nên bắt đầu từ những điều nhỏ nhất thay vì kỳ vọng mình sẽ thành công ngay bước đầu. Đó cũng chính là lý do vì sao kể chuyện lại được coi là nghệ thuật đấy. Chúc bạn thành công!