Thời gian trước, hàng loạt trang facebook cá nhân, fanpage của nhiều người nổi tiếng, KOL, tài khoản có tương tác tốt… bị hacker tấn công. Hoa hậu Đặng Thu Thảo, Lan Khuê, hot girl Khả Ngân, người đẹp Hạ Vi, ca sĩ Đại Nhân, Đức Phúc… hay trước đó Phạm Hương, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà đều từng là nạn nhân bị hack Facebook. Nếu không đòi được tiền chuộc (dao động từ 5 – 20 triệu, thậm chí là 30 triệu tuỳ vào độ hot của tài khoản), hacker sẽ rao bán cho giới chợ đen.
Một sự thật rằng không chỉ những cơ quan tình báo dễ dàng lẻn vào phòng thông tin cá nhân của bạn mà còn có các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến, quảng cáo,những người có thể muốn đánh cắp danh tính của bạn. Nhưng cũng có những bước bạn có thể thực hiện ngay để bảo vệ thông tin cá nhân trực tuyến, khi bạn muốn truy cập vào các trang web truyền thông xã hội, tin tức và giải trí yêu thích. Tham khảo 5 lời khuyên dưới đây, hy vọng, bạn có thể tăng cường và bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của mình.
1. Giới hạn thông tin cá nhân trên mạng xã hội
Trong một nghiên cứu năm 2018, the Identity Theft Resource Center cho thấy khoảng 52% số người được hỏi, đã chia sẻ thông tin nhận dạng cá nhân của họ trên các trang xã hội (những trò chơi như tiên đoán tương lai, đặt một bài quiz và hỏi bạn bè ai hiểu mình nhất trên facebook). Nghiên cứu tương tự cũng cho thấy khoảng 48% số người được hỏi chia sẻ thông tin về con cái, và gần 33% chia sẻ thông tin về địa điểm họ đang ở.
Với những số liệu trên, bạn sẽ nhận thấy để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, hãy tránh trả lời những câu hỏi về “About me” trên những trang mạng xã hội. Đảm bảo rằng tội phạm mạng không thể tìm được chi tiết ngày tháng năm sinh, hay số điện thoại của bạn, vì thông tin cá nhân có thể được sử dụng làm câu hỏi bảo mật khi thay đổi mật khẩu.
Bạn cũng có thể sử dụng các địa chỉ email riêng cho mỗi trang web bạn tham gia. Hầu hết các nhà cung cấp email trực tuyến cho phép bạn thực hiện việc này bằng cách thêm các chữ cái phụ (ví dụ: “fb +”) vào địa chỉ email hiện tại của bạn. Điều này sẽ gây khó khăn cho những người lạ tìm kiếm bạn trên các trang truyền thông xã hội. Nếu bạn bắt đầu nhận được thư rác tại địa chỉ email nào đó, bạn cũng sẽ biết chính xác nơi những kẻ gửi thư rác tìm thấy địa chỉ của bạn.
2. Truy cập Internet bằng chế độ riêng tư hoặc ẩn danh
Nếu bạn không muốn máy tính của mình lưu lịch sử duyệt web, các tệp internet tạm thời hoặc cookie, hãy lướt web ở chế độ riêng tư. Các trình duyệt web ngày nay cung cấp các phiên bản khác nhau để bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng. Trong Chrome, nó được gọi là Chế độ ẩn danh. Firefox gọi là cài đặt Duyệt web riêng tư và Internet Explorer sử dụng tên InPrivate để bật tính năng bảo mật. Khi bạn tìm kiếm với các chế độ này được bật, những người khác sẽ không thể theo dõi lịch sử duyệt web của bạn từ máy tính.
Đảm bảo hệ điều hành và trình duyệt web luôn được cập nhật mới nhất. Mục đích cập nhật phiên bản mới của nhà cung cấp một phần là cung cấp các bản vá lỗi để đối phó với các chủng phần mềm độc hại mới. Hãy luôn cập nhật kịp thời.
3. Vô hiệu hóa GPS và Wi-Fi trên thiết bị di động của bạn cho đến khi bạn cần chúng
GPS: Nhà cung cấp dịch vụ di động có thể xác định vị trí gần đúng của bạn bằng cách sử dụng các tháp di động. Nếu bạn có một thiết bị thông minh có bật GPS, hãy cẩn thận!
Wi-Fi: Wi-Fi có khả năng sẽ phát thông tin chi tiết về thiết bị, các ứng dụng trên đó, và vị trí của bạn. Vô hiệu hóa Wi-Fi ngay khi bạn không còn sử dụng sẽ ngăn phát thông tin cá nhân bừa bãi. Nếu mỗi lần tắt Wi-Fi gây phiền toái, hãy nhờ các ứng dụng quản lý năng lượng làm việc đó khi màn hình tối, điều này cũng sẽ góp phần tối đa hóa tuổi thọ pin của bạn.
Một chương trình diệt virus sẽ không hề vô ích, cài đặt, thường xuyên quét thiết bị và cập nhật phiên bản mới để bảo vệ máy của bạn khỏi các phần mềm độc hại. Tuyệt đối không bao giờ cập nhật update phần mềm khi đang sử dụng một mạng internet công cộng, trừ khi bạn kết nối thông qua Tor hoặc VPN.
4. Cẩn thận với những lần ‘click’
Những kẻ lừa đảo cố gắng dụ bạn cung cấp thông tin cá nhân có giá trị để chuộc lợi cho bản thân. Họ sẽ thường làm điều này bằng cách gửi email giả xuất hiện từ ngân hàng, nhà cung cấp thẻ tín dụng hoặc các tổ chức tài chính. Thông thường, những email này sẽ nói rằng bạn phải nhấp vào liên kết và xác minh thông tin tài chính của bạn để giữ cho tài khoản của bạn không bị đóng băng hoặc đóng vĩnh viễn.
Chỉ tin tưởng các URL với Https. Đây là tín hiệu đảm bảo rằng bạn luôn truy cập các trang web đã được mã hóa (sử dụng giao thức https). Hiện các trang web uy tín đều thiết lập kết nối thống qua Https, chỉ một số ít còn lại sử dụng Http, hãy lưu ý chúng.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính sẽ không bao giờ yêu cầu bạn cung cấp thông tin tài khoản hoặc tài chính thông qua email. Nếu bạn nhận được một email như vậy hãy cảnh giác và đăng nhập trực tiếp vào cổng tài khoản trực tuyến của nhà cung cấp tài chính. Sau đó, bạn có thể kiểm tra xem liệu có vấn đề gì với tài khoản của bạn.
5. Sử dụng mật khẩu trên điện thoại
Sử dụng mật mã 2 lớp cho các tài khoản online quan trọng. Các tài khoản như như email, facebook, microsoft,… cần có mật khẩu khó đoán, và được bảo mật hai lớp.
Nhiều người trong chúng ta dành nhiều thời gian để lướt web, trả lời email và xem video trên điện thoại thông minh hơn là trên máy tính xách tay. Vì vậy, điều hết sức quan trọng là bạn phải bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến trên điện thoại và máy tính bảng như trên máy tính. Để bắt đầu, hãy đảm bảo sử dụng mật mã để khóa điện thoại của bạn.
Việc nhập mã mỗi lần bạn muốn truy cập vào màn hình chính của điện thoại có vẻ như là một rắc rối. Nhưng mật mã này có thể cung cấp thêm một lớp bảo vệ nếu điện thoại của bạn bị mất hoặc bị đánh cắp. Hãy chắc chắn rằng mật mã của bạn phức tạp. Đừng sử dụng ngày sinh, số nhà của bạn hoặc bất kỳ mã nào khác mà kẻ trộm có thể đoán được.
Giữ an toàn và duy trì sự riêng tư khi sử dụng internet cũng đóng vai trò quan trọng như đóng và khóa cửa trước của bạn. Việc rèn luyện những thói quen tốt khi trực tuyến sẽ góp phần đảm bảo an toàn cho bạn trước những rắc rối “online”.