Nếu bạn đang nhận thấy mình đang bị kẹt giữa rất nhiều vấn đề, nhưng mãi không tìm được hướng giải quyết hợp lý. Thì có lẽ, đây không phải là lúc bạn nên đi tìm cách giải quyết, thay vào đó hãy thử ngồi xuống và xem lại liệu bạn đã đặt câu hỏi đúng hay chưa. Vì chúng ta sẽ không thể có được câu trả lời đúng cho một câu hỏi sai cả.
Để giải quyết vấn đề, việc lựa chọn câu hỏi là một điều cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, khi lớn dần chúng ta thường “lười” đặt câu hỏi hơn vì có nhiều rào cản hơn ngày bé. Vì với nhiều người, đặt câu hỏi chính là biểu hiện của sự “ngu ngốc” – điều này khiến họ không dám lên tiếng, cũng chính là thứ áp lực vô hình khiến bạn sợ đặt câu hỏi. Thế giới này sẽ không có sự phát triển nếu thiếu đi những câu hỏi, nếu Isaac Newton không tự hỏi: “Vì sao quả táo lại rơi xuống đất”, ông không phải là thiên tài, nhưng ông là người biết cách đặt câu hỏi đúng.
Có nhiều kỹ thuật để giúp các bạn tìm được câu hỏi đúng để hỏi. Trong bài viết này, Lead The Change sẽ giới thiệu bạn Bốn câu hỏi quyền năng – giúp bạn giải quyết các vấn đề mình đang gặp phải một cách triệt để nhất.
Câu hỏi làm rõ (Clarifying questions)
Dạng câu hỏi này giúp chúng ta hiểu rõ về những gì đã được nói ra và tránh rơi vào bẫy “giả định” của não. Vì chúng ta thường hay nghĩ rằng mình đã hiểu về một chuyện gì đó, nhưng sự thật là điều đó thường không đúng như vậy. Để thực sự hiểu những gì mình đã nghe là một nghệ thuật bắt đầu từ chuyện đặt những câu hỏi làm rõ về chuyện mình vừa nghe.
Việc dùng câu hỏi làm rõ sẽ giúp bạn đào sâu hơn vấn đề, hiểu rõ, từ đó sẽ có những câu hỏi “follow-up” phù hợp như “Bạn có thể kể thêm cho mình nghe được không?” hay “Tại sao bạn lại nói như vậy?”. Việc này sẽ giúp bạn có thêm các thông tin cần thiết để xác định giả thiết mà mình đặt ra liệu có đúng hay không. Hãy để bản thân được khám phá những điều nằm ngoài vòng giả định của bạn để đón chờ những điều bất ngờ.
Câu hỏi liền kề (Adjoining questions)
Đây là dạng câu hỏi giúp bạn khám phá và mở rộng kiến thức của mình đến những lĩnh vực liên quan, bằng cách đặt những câu hỏi như: “Cách đó có thể được áp dụng ở lĩnh vực khác như thế nào?” “Công nghệ này có thể được áp dụng thêm được trong những ngành nào?” Hoặc “Nếu ở Việt Nam thì sẽ áp dụng công nghệ này như thế nào?”. Những câu hỏi này sẽ giúp bạn có thể mở rộng tầm nhìn của mình sâu và rộng hơn.
Câu hỏi sàng lọc (Funneling questions)
Đây là dạng câu hỏi dùng để đào sâu vấn đề hơn “Bạn đã phân tích nó như thế nào?” hay “Tại sao bạn lại bỏ qua bước đó?” Điều này sẽ giúp bạn thách thức những giả định và hiểu sâu, chạm đến gốc rễ của vấn đề.
Câu hỏi nâng cao (Elevating questions)
Những câu hỏi này thường nêu ra các vấn đề rộng hơn để có thể làm nổi bật bức tranh toàn cảnh. Việc quá tập trung vào một chi tiết hay vấn đề trước mắt sẽ khiến bạn vô tình bỏ qua bức tranh lớn. Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định, hãy thử lùi về phía sau và hỏi: “Những vấn đề lớn hơn là gì?” hoặc “Chúng ta có đang giải quyết đúng câu hỏi không?”
Ví dụ, một cuộc thảo luận về các vấn đề như giảm tỷ suất lợi nhuận và giảm mức độ hài lòng của khách hàng có thể chuyển thành một cuộc thảo luận rộng hơn về chiến lược công ty với một câu hỏi nâng cao: “Thay vì nói về những vấn đề này một cách riêng lẻ, chúng ta nên quan tâm đến những xu hướng lớn hơn nào? Làm thế nào để tất cả chúng gắn kết với nhau? ” Những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn của mình, tù đó chúng ta có thể thấy rõ hơn mối liên hệ giữa các vấn đề riêng lẻ.