Có lẽ bất cứ ai đang đi làm cũng đều đang đối diện với nỗi niềm tương tự: “Nếu cách ly nữa thì sao, liệu 2021 có phải là phiên bản 2.0 của 2020?”
Không phải ai trong chúng ta cũng có khả năng “khước từ” sự căng thẳng, dù đó là sếp hay nhân viên cũng đều có những áp lực. Chẳng ai căng thẳng hơn ai, nhưng điều tạo nên sự khác biệt đó là ai có bản lĩnh để “chế ngự” và “chiến thắng” sự căng thẳng.
Sau đây là phần chia sẻ đôi chút về góc độ khoa học – bạn có tò mò khi căng thẳng tới, chúng ta sẽ phải trải qua những giai đoạn nào? Hay chỉ đơn giản là thấy căng thẳng thôi? Hãy thử nhớ về lần gần đây nhất bạn cảm thấy căng thẳng? Khi đó bạn cảm thấy như thế nào? Bạn có muốn “đưa mình đi trốn” và “từ bỏ” – dẹp qua tất cả để làm lại từ đầu?
Học thuyết Đa thần kinh phế vị (Polyvagal Theory) đã giải thích tác động của sự căng thẳng đến hành vi của chúng ta, kể cả phản ứng phòng thủ hoặc hợp tác. Thần kinh phế vị (Vagus nerve) tạo ra sự liên kết hai chiều giữa não và tim, ruột và các cơ quan khác trong cơ thể chúng ta. Nó cũng là một phần của chuỗi phản ứng có thể đoán trước được khi chúng ta bị đe dọa. Có 3 cấp độ cho phản ứng này:
Cấp độ 1: Bất động (Immobilization)
Khi ở trong sự đe dọa nghiêm trọng, chúng ta thường có xu hướng bất động.
Đó là một cơ chế hoàn toàn bình thường và phản ứng thích nghi của cơ thể. Ví dụ điển hình nhất là: Một con chuột bị mắc kẹt bởi một con mèo, con chuột sẽ ngưng phản xạ và giả vờ như mình đã chết. Mèo mất hứng rồi sẽ bỏ đi và thế là con chuột có khả năng sống sót.
Đây là một phản ứng hiếm gặp ở người, nhưng nó vẫn có khả năng xảy ra.
Cấp độ 2: Hành động (Mobilization)
Khi căng thẳng ập tới, chúng ta thường rơi vào trạng thái nên Chống trả hay bỏ chạy (Fight-or-flight)? Tim bắt đầu đập nhanh hơn. Hệ thần kinh giao cảm bắt đầu kích hoạt, cơ thể sản xuất cortisol và adrenaline “kích thích” chúng ta chuẩn bị hành động: hung hăng chống trả hoặc chạy trốn tất cả.
Cấp độ 3: Tương tác vá kết nối (Engagement and Connection)
Đây là khi chúng ta đã cảm nhận được sự an toàn, khi đó chúng ta sẽ suy nghĩ và hành động khác đi. Ở cấp độ này, chế độ phòng thủ và cả phản ứng chống trả hay bỏ chạy sẽ bị tắt. Cơ thể sản sinh oxytocin. Chúng ta sẽ cởi mở hơn với mọi người xung quanh và khao khát được kết nối – điều này dẫn đến sự hợp tác và học hỏi.
Theodosius Dobzhansky – một nhà sinh vật học tiến hóa nổi tiếng, đã làm mới câu nói kinh điển của Charles Darwin về sự tiến hóa như “sự sống sót của những người khỏe mạnh nhất”, thêm vào đó “Người khỏe mạnh nhất cũng là người dịu dàng nhất vì để sinh tồn, chúng ta cần có sự giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau.”
Theo Dobzhansky chính những tương tác và kết nối để tạo nên sự thành công trong quá trình tiến hóa của động vật có vú và con người.
Khi chúng ta đạt được cấp độ 3, tầm nhìn của chúng ta sẽ được mở rộng, các giác quan được kết nối chặt chẽ với trái tim. Chúng ta có thể nghe và cảm nhận được tiếng nói của cơ thể mình, hiểu được mình một cách rõ ràng nhất.
Sau đây là 5 bước giúp cho mỗi người trong chúng ta giữ được cái đầu lạnh khi mà căng thẳng đang nóng nhất:
BƯỚC 1: THẤU HIỂU
Khi hiểu được cơ chế sinh học đằng sau những phản ứng đó, chấp nhận và biết được mình đang ở nấc nào: dù đó là 1, 2 hay 3 cũng đều rất bình thường. Vì chúng ta là con người mà. Có lúc căng thẳng quá muốn đi trốn, muốn từ bỏ cũng khi chạm ngưỡng cũng là điều dễ hiểu.
BƯỚC 2: NHẬN BIẾT
Đối diện với áp lực, đừng để bản thân mình bị cuốn theo những dòng cảm xúc tiêu cực. Hãy cảm nhận cơ thể để nhận biết và giải mã những tín hiệu của cơ thể và cảm xúc. Tim bạn có đang đập nhanh hơn? Đó rất có thể là do bạn đang rơi vào cấp độ 2.
Những lúc tôi nhận thấy mình đang căng thẳng, tôi sẵn sàng nói với cộng sự của mình rằng: “Anh nghĩ anh không sẵn sàng để tiếp tục họp hoặc nói chuyện, mình trao đổi sau nhé!” Tôi cũng khuyến khích các bạn nhân viên làm điều tương tự, trân quý cảm xúc của mình, nhận biết xem mình có đang sẵn sàng để giao tiếp hay làm việc hay không. Điều này sẽ giúp các bạn duy trì cảm xúc và năng lượng tích cực cho công việc.
BƯỚC 3: GỢI NHỚ
Mỗi khi căng thẳng quá, hãy thử nhớ về một kỷ niệm nào đó mà bạn đã đánh bay áp lực thành công. Viết những dòng kỷ niệm đó xuống, khi đó bạn đã làm gì? Bạn cảm thấy như thế nào? Điều này sẽ giúp bạn gợi nhớ lại những tình huống và dùng cảm giác thành công của mình khi đó làm “nhiên liệu” để điều hướng suy nghĩ. Từ đó xây dựng niềm tin rằng: Bạn nhất định sẽ vượt qua thôi.
Đây cũng là một phần lý do tại sao tôi thường khuyến khích các bạn trong team và cả Mentee của mình viết reflection mỗi ngày. Việc phản tư thường xuyên sẽ là những bằng chứng cụ thể, rõ ràng và chân thực nhất để chúng ta tự nhắc nhở chính mình, để khi những khó khăn và bất an ập đến, các bạn có thể nhìn và nhớ lại những khoảnh khắc mạnh mẽ đó của mình.
BƯỚC 4: Ý ĐỊNH
Một ý chí kiên cường và một trái tim chất đầy hy vọng – đó là những gì chúng ta cần để đạt được mục tiêu của mình. Việc dồn sự tập trung vào những ý định sẽ giúp cơ thể sản sinh oxytocin giúp bạn chạm đến cấp độ cao nhất – cởi mở để kết nối, để nhờ đến sự giúp đỡ và tương tác của những người xung quanh.
BƯỚC 5: TIN VÀO QUÁ TRÌNH
Cái gì cũng sẽ cần quá trình. Có một câu nói, tôi đọc được ở đâu đó rằng: “Hãy cho thời gian thời gian”. Chúng ta cần đi từng bước, chẳng ai một ngày thành CEO, đó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực và cố gắng suốt một thời gian dài. Điều này sẽ khó, vì chúng ta ai cũng muốn thấy kết quả ngay tức khắc – chẳng có cách nào để đánh bay căng thẳng một cách nhanh chóng mà bền vững cả.
Đó là lý do vì sao tôi luôn cố gắng tạo cho đội ngũ của mình một không gian an toàn để căng thẳng – nghe có vẻ lạ. Nhưng tôi tin và mong các bạn được trải nghiệm những căng thẳng tích cực để giúp các bạn đi lên.
Căng thẳng đủ để hạ cái tôi của mình xuống,
Căng thẳng đủ đề tìm kiếm sự giúp đỡ,
Căng thẳng đủ đề biết khi nào nên buông, khi nào nên chiến
Căng thẳng đủ để biến những áp lực thành động lực, để đi lên và đi nhanh hơn
Căng thẳng không xấu, nó xấu là do chúng ta sử dụng nó chưa đúng cách thôi. Hôm nay, bạn lựa chọn làm gì với căng thẳng của mình?
Chia sẻ của anh Huỳnh Công Thắng – Sáng lập Lead The Change