Đan Mạch được biết đến như một “vương quốc hạnh phúc” – khi liên tiếp trở thành một trong những đất nước chiếm lĩnh bảng xếp hạng hạnh phúc của thế giới. Điều gì làm nên những con người mang tinh thần lạc quan, luôn lan tỏa niềm hạnh phúc khắp mọi nẻo đường – xua đi bầu trời u ám những ngày mưa, và tan chảy cái giá lạnh của những ngày đông tại đây?
MUỐN HẠNH PHÚC CŨNG CẦN PHẢI CÓ “KỸ NĂNG”
Trong cuốn sách “Bí quyết nuôi dạy con của người Đan Mạch” – (The Danish Way of Parenting) của nhà trị liệu tâm lý và nhà giáo dục người Đan Mạch – Iben Sandahl cùng Jessica Alexander – một tác giả người Mỹ và là nhà tâm lý học đã chỉ ra bí mật đằng sau sự hạnh phúc của người Đan Mạch.
Để có được danh hiệu “Vương quốc hạnh phúc” – Người Đan Mạch tạo nên một “chu trình” nuôi dạy con một cách có chiến lược: những đứa trẻ được dạy cách để “hạnh phúc”, khi lớn lên sẽ truyền đạt kỹ năng này đến con của mình. Cứ thế, người Đan Mạch gieo hạt mầm hạnh phúc qua biết bao thế hệ.
Một trong những “nguyên liệu” làm nên sự hạnh phúc của người dân Đan Mạch chính là “Kỹ năng thấu cảm”. Không phải ai sinh ra cũng có khả năng “đặt mình vào vị trí của người khác”, để làm được điều đó đòi hỏi chúng ta phải học và luyện tập hằng ngày. Việc dạy và học cách thấu cảm từ nhỏ được chứng minh giúp trẻ bắt sóng cảm xúc và khả năng xã hội tốt hơn, đồng thời nó giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ bắt nạt và giúp trẻ có thể trở thành một công dân thành công trong tương lai hơn.
ĐIỀU “KỲ DIỆU” CỦA LỚP HỌC THẤU CẢM
Cho nên từ năm 1993, chính phủ Đan Mạch đã đem “Thấu cảm” vào trong chương trình giảng dạy bắt buộc cho trẻ từ 6 tuổi – ngay thời điểm trẻ bắt đầu đi học và kéo dài đến năm 16 tuổi.
Mỗi tuần trẻ sẽ có một tiếng cho “Klassens tid” (tạm dịch: giờ học tại lớp) – về Kỹ năng thấu cảm. Đây là tiết học đặc biệt diễn ra mỗi tuần – cũng chính là phần then chốt của chương trình học. Những giờ học tại lớp như thế này tạo nên một môi trường thoải mái, ấm cúng, từ đó các bé có thể đến gần nhau hơn, thư giãn cùng nhau và tạo môi trường thoải mái giúp các bé trao đổi các vấn đề mình đang gặp phải – sau đó cả lớp sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp.
Điều đặc biệt trong những giờ học này chính là ở sự cởi mở – dù vấn đề là gì, thì các bạn nhỏ đều có thể thoải mái trao đổi từ chuyện cá nhân đến những chuyện giữa các cá nhân hay nhóm, bất cứ điều gì liên quan hay không liên quan đến trường học. Và rồi những bạn còn lại trong lớp và giáo viên sẽ là người tranh luận các cách giải quyết phù hợp. Trong giờ học thấu cảm này, giáo viên sẽ đóng vai trò người giúp đỡ bằng cách dạy cho những đứa trẻ cách để có thể lắng nghe và hiểu người khác.
Phần quan trọng trong tiết học này nằm ở việc giúp trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau mà không hề có sự đánh giá hay chỉ trích nào cả. Từ đó tạo nên sự Hygge – cảm giác ấm cúng đặc trưng trong văn hóa của người Đan Mạch, giúp trẻ có thể tự tin nói ra nỗi lòng của mình, vì nó cảm thấy mình là một phần của cộng đồng. Trong trường hợp không có bất kỳ vấn đề nào được đưa ra, cả lớp sẽ ngồi thư giãn và tận hưởng cảm giác Hygge cùng nhau.
KHÁM PHÁ CÁCH DẠY KỸ NĂNG THẤU CẢM CỦA NGƯỜI ĐAN MẠCH
Sandahl và Alexander đã chỉ ra 2 phương pháp để giảng dạy bộ môn thấu cảm tại Đan Mạch.
Đầu tiên là thông qua các hoạt động theo nhóm (teamwork). Có tới 60% bài tập ở trường đều được thực hiện theo hình thức này. Phương pháp này tập trung cải thiện kỹ năng và khai phóng tiềm năng vốn có ở mỗi đứa trẻ, chứ không phải nuôi dưỡng tính hiếu chiến và cạnh tranh của chúng với người khác. Đan Mạch không dùng giải thưởng hay huy chương làm thước đo thành tích hay tạo động lực cho mỗi người. Thay vào đó, họ chú trọng vào chuyện tạo mối quan hệ tốt đẹp cùng với chính bản thân mình cũng như nhìn thấy mình tốt hơn mỗi ngày.
Cách thứ hai chính là ở sự cộng tác. Những đứa trẻ được dạy về tầm quan trọng của việc cùng hỗ trợ nhau phát triển. Jessica Alexander chia sẻ: “Một đứa trẻ với tài năng thiên bẩm về môn toán, nhưng không học cách cộng tác với những người bạn xung quanh mình sẽ khó có thể mà đi xa được. Đứa trẻ này cần có sự ủng hộ và giúp đỡ của mọi người trong những môn học khác. Đây là một bài học thiết thực ngay từ lúc nhỏ – giúp trẻ nhận ra rằng không ai trong chúng ta có thể bước đi một mình trong suốt cuộc đời mình”.
Học về kỹ năng cộng tác cho phép trẻ vừa hiểu về môn mình học vừa biết được các giao tiếp với những bạn khác như thế nào. Để xây dựng kỹ năng thấu cảm một cách chắc chắn thì mỗi đứa trẻ cần phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói hơn, để đảm bảo người khác nhận được đầy đủ các thông tin mình muốn truyền tải cũng như đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ hơn.
Nhờ sự kết hợp giữa việc giảng dạy và xây dựng chương trình học cụ thể và mang tính chiến lược, Đan Mạch đã thành công trong việc tạo nên một “vương quốc hạnh phúc” và để lại nhiều bài học đáng quý cho các quốc gia khác trong hành trình nuôi dưỡng những công dân hạnh phúc, biết đồng cảm và lắng nghe người khác nhiều hơn.
Việc thấu cảm cho người khác rất quan trọng trong việc giao tiếp và tạo dựng mối quan hệ. Nhưng đây không phải là một kỹ năng có thể tự học tại nhà. Để cải thiện khả năng hiểu người khác, nhưng không “hòa lẫn” vào cảm xúc của người khác, chúng ta cần có thời gian và có “kỹ thuật” và môi trường để thực hành. Đến với Mindful Youth Camp tháng 11, bạn sẽ học được cách lắng nghe thấu cảm và lắng nghe tỉnh thức. Từ đó bạn có thể giao tiếp tốt hơn, kết nối với mọi người sâu sắc hơn và mở rộng vòng tròn quan hệ của mình chất lượng hơn.