“Kỳ 1: Bạn đang làm cái quái gì vậy?“, Lead The Change đã cùng các bạn tìm hiểu những gạch đầu dòng chính yếu về Nhận thức bản thân (Self-awareness) theo quan điểm của Mark Mason. Trong kỳ 2, chúng ta sẽ tiếp tục bóc tách những khía cạnh mới về cấp độ 2 của nhận thức bản thân: Bạn đang cảm thấy cái quái gì vậy?
Sự chuyển giao giữa cấp độ 1 và cấp độ 2
Trong cấp độ 1, Mark Mason nhận định rằng kỹ năng “quản lý sự phân tâm” là một dấu mốc đánh dấu cho mức độ đầu tiên của nhận thức bản thân. Điều các bạn thắc mắc bây giờ chắc chắn sẽ là: “Vậy cấp độ 2 sẽ có những biểu hiện như thế nào?”. Để biết câu trả lời, cùng Lead The Change làm một bài tập nhỏ nhỏ nhé!
Bạn đã bao giờ nổi giận một cách vô cớ và khi người khác hỏi bạn về nguyên nhân của cơn giận đó, bạn sẽ phản ứng kiểu như:
- TÔI CHƯA TỪNG GIẬN DỮ!
- TÔI KHÔNG HỀ MẤT BÌNH TĨNH!
- TÔI HOÀN TOÀN TUYỆT VỜI!
- TÔI KHÔNG ĐIÊN! TẠI SAO BẠN LẠI MẤT BÌNH TĨNH NHƯ VẬY?!
Điều mà đa số chúng ta thường thấy là càng loại bỏ bản thân khỏi sự phân tâm, ta lại càng bị buộc phải thực sự đối mặt với rất nhiều cảm xúc mà chúng ta đã trốn tránh trong một thời gian dài. Đây là lý do tại sao ngồi thiền trong một thời gian quá dài và không có sự hướng dẫn bài bản rất dễ khiến nhiều người hoang mang. Về cơ bản, thiền là việc rèn luyện tâm trí của bạn để trở nên ít bị phân tâm và tập trung hơn vào trải nghiệm tức thời của bạn. Kết quả là một số người trở nên choáng ngợp bởi tất cả những cảm giác mà họ đã tích tụ trong suốt thời gian qua kéo về cùng một lúc.
Cấp độ 2: Bạn đang cảm thấy cái quái gì vậy?
Mức độ tự nhận thức thứ hai này là nơi bạn thực sự bắt đầu tìm ra “ bạn là ai ”. Mark Mason ghét sử dụng cụm từ đó vì nó không thực sự có ý nghĩa gì. Nhưng đây là cấp độ mà mọi người nói đến khi họ nói rằng họ đang “tìm thấy chính mình”, họ đang khám phá cách họ thực sự cảm thấy về những điều tồi tệ đang diễn ra trong cuộc sống của họ – mà thường thì họ đã che giấu những cảm xúc này với bản thân trong nhiều năm.
Phần nhiều chúng ta sẽ dừng ở phần bề mặt của nhận thức bản thân, hay còn gọi là Cấp độ 1. Làm những gì được bảo. Làm theo hướng dẫn. Đánh lạc hướng bản thân bằng những thứ vớ vẩn lặp đi lặp lại. Không được phép bộc lộ cảm xúc và phản ứng của cá nhân đối với những gì đang diễn ra xung quanh. Đây là những gì chúng ta có thể nhận thấy rất rõ ràng khi ở cấp độ 1.
Cấp độ 2 không phải là một nơi thoải mái để bước vào, để trải qua. Nhiều người dành nhiều năm để thực hiện nhiều phương pháp khác nhau để có thể chạm vào cấp độ này. Một bài học mà phần lớn họ rút ra là: Con người cần có thời gian để trở nên thoải mái với tất cả cảm xúc của bạn. Quay trở lại những cảm xúc đó và để chúng diễn ra là một việc đòi hỏi rất nhiều sự tập trung và nỗ lực.
Theo Mark mason, có một vấn đề mà một số người đang ở cấp độ 2 gặp phải là tình trạng “thần hóa” cấp độ này bằng những điều to tát vượt ra khỏi bản chất thực sự của Thấu hiểu bản thân. Họ bắt đầu kể những câu chuyện về việc đây là mức độ nhận thức bản thân cao nhất như thế nào. Họ thậm chí có thể coi đó là một “sự thức tỉnh tâm linh”. Và mô tả nó bằng đủ loại thuật ngữ cao cấp như “cái chết bản ngã” hoặc “ý thức siêu việt”.
Nhưng cẩn thận nhé, vì có một cái bẫy trong đây đấy. Cảm xúc, nếu bạn khám phá đến cùng sẽ là: a) vô tận, và b) không nhất thiết phải có ý nghĩa (theo Mark). Để chứng minh, hãy làm một bài tập nhỏ thứ 2 nhé!
Khi các bạn nhìn vào bức tranh này, sẽ có những tình huống xảy ra như sau. Đối với một số bạn, đây chỉ là tấm hình chụp một chú chó, không hơn không kém. Nó có ý nghĩa không? Không, đơn giản nó chỉ là tấm ảnh về một chú chó. Tuy nhiên, sẽ có một bộ phận khác mô tả sự sâu sắc ẩn sâu trong đôi mắt của chú chó, thậm chí còn phỏng đoán cả cảm xúc của người chụp tấm ảnh.
Nhưng các bạn biết vấn đề ở đây là gì không? Sẽ rất bình thường nếu bạn thực sự gọi tên một cảm xúc và cảm thụ nó sâu sắc khi nó thực sự quan trọng. Nhưng nếu bạn mô tả sự sâu sắc của tất cả sự vật, sự việc, cảm xúc nảy sinh trên đời thì thật là tai hại. Thử nghĩ đến việc trái tim và khối óc của bạn như chiếc túi cói dù đã đầy nhưng bạn vẫn cố nhét thêm vào. Và bạn biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó rồi đấy.
Theo Mark Mason, tình trạng này diễn ra vì một số trong chúng ta cho rằng “vì có một số cảm xúc cực kỳ quan trọng nên tất cả những cảm xúc khác cũng quan trọng không kém và mang tính sống còn”. Nhưng vấn đề là KHÔNG PHẢI NHƯ VẬY. Rất nhiều cảm xúc là vô nghĩa (vì nó chẳng đem lại điều gì) và phần lớn nó còn gây xao nhãng nữa.
Cảm xúc cũng có thể là thứ gây xao nhãng. Từ cái gì? Từ những cảm xúc khác
Một phần của việc phát triển trí tuệ cảm xúc mạnh mẽ là có thể phân biệt những cảm xúc nào bạn trải qua là quan trọng để hành động và những cảm xúc nào nên được thừa nhận, cảm nhận và không nên đi sâu hơn nữa.
Nhưng khoan, bẫy cảm xúc xứng đáng có một phần của riêng nó.
Bẫy cảm xúc và những lời tiên tri “tự phán” – Vòng xoáy bất tận dẫn đến cái rốn của diệt vong
Trong cuốn sách “The art of giving a F*ck”, Mark Mason đã ví việc tự nhận thức giống như bóc một củ hành tây. Rằng bất cứ điều gì bạn đang nghĩ / cảm thấy, luôn có một lớp khác bên dưới, và càng bóc vào sâu, càng bóc nhiều lớp thì khả năng càng cao bạn sẽ tự nhiên bật khóc.
Việc tự đặt câu hỏi liên quan đến nhận thức bản thân có thể dẫn đến loại vòng xoáy bất tận này. Rất nhiều người mắc vào cái bẫy của việc luôn nhìn sâu hơn một bậc và xa hơn một tấc. Và, trong nhiều trường hợp, các tầng sâu hơn không chỉ không làm sáng tỏ bất cứ điều gì hữu ích , mà chỉ cần bóc tách chúng ra còn tạo ra nhiều lo lắng, căng thẳng và tự phán xét hơn bình thường.
Khi xem xét các lớp ý định và động lực, tốt nhất chỉ nên đi xuống một vài lớp cho đến khi bạn bắt đầu thấy sự lặp lại. Quan trọng là ngưng đưa ra những phỏng đoán, dù là tích cực, hay tiêu cực. Bởi nó chỉ khiến cho cảm xúc của bạn ngay tại lúc đó thêm rối ren hơn thôi. Để hình dung rõ hơn, Mark có kể câu chuyện thế này:
A đang lo lắng về mối quan hệ giữa mình và mẹ. Mẹ của A là người có tính phán xét rất cao và luôn để ý A từ những điều chi li. Trong khi A lại rất mong được nhận yêu thương từ mẹ nhiều hơn. A nhận ra, để làm điều đó, cô ấy cần chứng minh cho mẹ thấy rằng mình là người con xứng đáng. Điều này được củng cố bởi mong muốn được yêu thương của A. Chỉ với lớp hành tây trên thôi cũng đủ để A rơi vào cái rốn hủy diệt nếu cứ mãi lòng lòng với nó. Trong khi, điều A cần là vẽ một con đường thẳng từ mình đến mẹ với một suy nghĩ duy nhất: “TÔI MUỐN CÓ TÌNH YÊU TỪ MẸ VÀ TÔI SẼ TÌM ĐƯỜNG ĐI ĐẾN ĐÓ NHANH NHẤT.” Và Mark đã nói rằng, nếu là Mark trong trường hợp của A, anh sẽ ngưng suy nghĩ về vấn đề này ngay và lập tức đi ngủ.
Kết kỳ 2
Đối với cấp độ 2, điều quan trọng là các bạn cần biết mình đang cảm thấy như thế nào và giúp bản thân tránh xa “bẫy cảm xúc”. Để làm được điều đó, không gì ngoài việc ngưng làm nhà tiên tri phán đoán những viễn cảnh không có thực sẽ xảy ra trong tương lai. Những điều đó chỉ khiến bạn khó khắn hơn trong việc thấu hiểu, lắng nghe và quản lý cảm xúc của mình hơn thôi.
Trong kỳ 3, Lead The Change sẽ tiếp túc với cấp độ 3 của nhận thức bản thân. Và kỳ cuối sẽ là những phương pháp luyện tập nâng cao cấp độ nhận thức của bản thân. Hãy cùng đón xem nhé!