“Sáng tạo là cho phép chính mình được phạm sai lầm. Nghệ thuật là biết được sai lầm nào nên giữ lại”
Scott Adams
Với sự độc đáo trong suy nghĩ và ý tưởng, con người, đặc biệt là giới trẻ luôn không ngừng tìm tòi nguồn cảm hứng mới lạ cho hành trình sáng tạo của mình. Nhưng công cuộc chinh phục cái “mới, hay, lạ” đôi lúc không thể tránh khỏi những lúc “bí ý tưởng”. Vò đầu bứt tóc vẫn không thể giúp chúng ta tìm ra những ý tưởng thích “chơi trốn tìm”. Nếu bạn đã và đang gặp trường hợp này, hãy tham khảo những cách sau để “khởi động” lại cỗ máy sáng tạo bên trong mình nhé!
1. Duy trì trạng thái tinh thần vui vẻ
Bằng thí nghiệm giải đố câu chữ (word puzzles), hai nhà thần kinh học Mark Beeman và John Kunious đã chứng minh được rằng: trước khi con người giải quyết vấn đề một cách sâu sắc, vỏ não trước (ACC) xuất hiện chuyển biến khác thường. Bên cạnh đó, Beeman và Kunious còn phát hiện ra những ý tưởng “bất thường” khiến võ não trước (ACC) phát huy trọn vẹn năng suất của nó dẫn đến khoảnh khắc “AHA moment”. Điều này dẫn đến một trăn trở: Làm sao để khai phóng tiềm năng ẩn chứa trong ACC?
Theo Kotler, con người trong trạng thái vui vẻ có xu hướng mạo hiểm và sáng tạo nhiều hơn, vì chúng ta cho phép võ não trước phát giác được các tín hiệu “yếu” hay còn được ví như những suy nghĩ “họ hàng xa” đến vấn đề nan giải. Do đó, để thúc đẩy quá trình sáng tạo, chúng ta có thể tham khảo cách tạo “môi trường” cho trạng thái vui vẻ của bản thân thông qua việc luyện tập 4 phương châm của tác giả Steven Kotler:
- Biết ơn: Lòng biết ơn cung cấp cho mạng lưới cứu cánh (salience network) nguồn tư liệu “thô” phong phú, chỉ dẫn chế độ mặc định của não bộ tận dụng thông tin hiệu quả hơn.
- Thiền chánh niệm (mindfulness): Ngoài việc tạo ra khoảng “thở” giữa ý niệm và cảm giác, nó cho phép ACC suy xét kỹ hơn về những lựa chọn, khả năng khác nhau.
- Vận động: Nghiên cứu năm 2004 của đại học Stanford Mỹ cho thấy sự sáng tạo của một người tăng đến 60% trước và sau khi đi bộ. So với ngồi một chỗ, vận động giúp tim đập nhanh, tuần hoàn máu đến não tốt hơn, tăng số lượng hormon “vui vẻ” như serotonin, norepinephrine, endorphins và dopamine.
- Chất lượng giấc ngủ: Tận dụng thời gian nghỉ ngơi, bộ não của chúng ta sẽ sắp xếp và truy tìm sợi dây liên kết giữa các ý tưởng một cách liền mạch nhất.
2. Sẵn sàng một mình
Khó ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của sự hợp tác trong giai đoạn xây dựng và hình thành ý tưởng. Tuy nhiên, sự cô đơn cũng giữ một vị trí quan trọng không kém cho quá trình ươm mầm sáng tạo, vì việc thoát khỏi sự tác động của môi trường xung quanh cho phép tâm hồn được “lang thang” tới từng ngóc ngách bí hiểm của vấn đề.
Carolyn Gregoire và Scott Barry Kaufman, tác giả của cuốn sách “Wired to Create“, cho thấy “cô đơn” như một người bạn của nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật. Thêm vào đó, thí nghiệm năm 2012 thực hiện bởi nhóm các nhà tâm lý thuộc đại học Utah cho thấy chủ thế làm bài kiểm tra sáng tạo 50% tốt hơn sau 4 ngày một mình giữa thiên nhiên.
Sự cô độc thường hàm chứa ý nghĩa tiêu cực trong từ điển của nhiều người. Thế nhưng, nếu sử dụng khoảng thời gian ấy một cách khéo léo, bạn sẽ có cơ hội được trò chuyện với chính tiềm thức của mình. Từ đó có được sự hiểu rõ điều mình muốn và tìm ra những phương cách để biến nguy cơ thành cơ hội, mở cửa thành công trước mắt.
Nguồn: Canva
3. Trân trọng “NON-TIME”
Theo Steven Kotler, “non-time” định nghĩa cho khoảng không thời gian trống rỗng từ 4 giờ (khi ông bắt đầu viết) đến 7 giờ 30 sáng (khi thế giới thức giấc). Đối với ông, đó là không gian quý báu của riêng mình thay vì ai khác. Điều này giúp ý tưởng được “ủ men”, “chưng cất” và cuối cùng là cho ra thành phẩm chất lượng cao.
Bản chất của tính sáng tạo không chịu gò bó trong khuôn khổ. Deadline, những dự án “nước đến chân mới nhảy” vô tình tạo ra sức nặng áp lực, kích hoạt bán não trái khiến não bộ tập trung nhiều hơn vào chi tiết thay vì bức tranh toàn cảnh. Ngoài ra, non-time cho phép ta tiếp cận vấn đề từ nhiều hướng, quy tụ các ý tưởng về một mối và phân tích kỹ lưỡng những lát cắt của vấn đề.
Nguồn: Canva
3. Tư duy “chiếc hộp 3T”:
THINK OUTSIDE THE BOX – SUY NGHĨ BÊN NGOÀI CHIẾC HỘP
Thay đổi là cụm từ không thể thiếu giúp bạn phân định thắng thua trong trò chơi trốn tìm của ý tưởng. Sự thay đổi thông qua việc mở rộng và chủ động tìm kiếm những góc nhìn mới thường xuyên là một phương pháp không quá khó để giúp bạn khơi nguồn khả năng sáng tạo của bản thân.
Trong mô hình tính cách 5 nhân tố (Big Five personality traits), cởi mở với những trải nghiệm mới liên kết mạnh mẽ đến khả năng sáng tạo của mỗi người. Gregoire và Kaufman đã liệt kê 3 dạng của yếu tố thay đổi này như sau):
- Tinh thông (cởi mở với những kiến thức và ý tưởng mới)
- Cảm tính (sẵn sàng trải nghiệm những cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực)
- Thẩm mỹ (cởi mở với nghệ thuật, trí tưởng tượng và cái đẹp nói chung)
Chấp nhận thách thức, nghĩ và làm khác đi cũng chính là tinh thần mà tổ chức Lead The Change theo đuổi.
THINK INSIDE THE BOX – SUY NGHĨ BÊN TRONG CHIẾC HỘP
Đứng trước quá nhiều lựa chọn khác nhau, con người dễ có xu hướng trở nên bối rối và chọn cách quay trở lại với những lựa chọn quen thuộc mà không biết được rằng đây là thời điểm thích hợp để những giới hạn của bản thân hay hạn chế về nguồn lực sẽ “nạp pin” cho sự sáng tạo.
Nhạc sĩ Jazzi Charles Mingus từng giải thích: “Nếu bạn không thể ứng biến với bất kỳ thứ gì, bạn phải ứng biến với một thứ gì đó”. Việc đặt mình trong một khuôn khổ sẽ giúp bạn xây dựng cho não bộ một hệ thống sàng lọc giải pháp tối ưu cho vấn đề đang đặt ra. Lúc này, “AHA moment” không chỉ dựa trên cảm giác mà còn kèm theo cả logic, biến cái mới lạ thành hữu ích, khiến chúng ta thoát khỏi bẫy “trì hoãn”, biến lời nói thành hành động, thành quả.
Ta có thể bắt gặp nhiều trò chơi rèn luyện trí não như xếp hình với một số lượng que diêm nhất định hay thực hiện nhiệm vụ với sự giới hạn về tư liệu sẵn có. Chính những “sự đau đầu” này giúp ta kiểm chứng khả năng của bản thân, rèn luyện tính bền bỉ và nhạy bén trước những tình thế bất ngờ.
Mặc dù chúng ta luôn biết rằng sáng tạo là phi giới hạn, thế nhưng sáng tạo có giới hạn một cách “thông minh” lại giúp ta khai thác công suất tối đa với nguồn lực tối thiểu. Do đó, việc hình thành thói quen xác định điểm đầu và điểm cuối của một công việc sẽ giúp ta có được sự sáng tạo hơn.
“The point is that sometimes the blank page is too blank to be useful.”
Steven Kotler
THROW AWAY THE BOX – VỨT LUÔN CHIẾC HỘP ĐI
Nếu bạn cứ mãi đắn đo nên “đi ra hay đi vào” thì hãy giải phóng bản thân khỏi cánh cửa đó. Cho phép bản thân được “chán”, thay đổi mục tiêu sang những công việc khác là những ý kiến không tồi để hồi sinh mạch sáng tạo.
“Bạn phải để não mình chán tới mức nó không còn gì khác để làm ngoài tự kể chuyện cho nó nghe”
Neil Gaiman
Mối liên hệ này đã đã được giới khoa học chứng minh trong một số nghiên cứu, gần đây nhất là nghiên cứu được công bố năm 2019. Ở thí nghiệm này, người tham gia được yêu cầu phân loại đậu (việc nhàm chán) hoặc chơi trò chơi thủ công (việc thú vị). Sau đó, họ được yêu cầu lên những cái cớ hay nhất cho việc đi trễ. Kết quả cho thấy người nhặt đậu có nhiều lý do đi trễ thú vị hơn người chơi trò chơi.
Chán cũng có “chán this, chán that” (chán này chán kia). Nếu chán nản khiến ta chỉ biết đâm đầu vào việc lạm dụng công nghệ để giết thời gian thì nhàm chán mới là thứ bạn cần có để chủ động sáng tạo. Hãy để trí não “chơi đùa” với những suy vẩn vơ trong tiềm thức, biết đâu bạn lại ra lời giải cho một bài toán hóc búa hay bắt gặp những ý tưởng lạ lùng ngay khi rửa chén hay đi tưới cây.
Hãy thử thực hành những phương pháp trên để có màn thể hiện “đỉnh của chóp” của sự sáng tạo bạn nhé!
Tìm hiểu cơ hội Khởi nguồn sáng tạo từ cơ hội quốc tế năm 2024 cùng Lead The Change