Ngày còn đi học, hạnh phúc lớn nhất của đời học sinh chỉ gói gọn trong ba từ “giáo viên dễ”. Ngày đi làm, định nghĩa của “một chỗ làm tốt” không đơn giản là “lương thơm, lương thảo” mà còn ở tính khí dễ gần, dễ thương của sếp lẫn đồng nghiệp. Từ bao giờ, cái “dễ” được mặc định sẵn trong tiềm thức của con người như một đặc ân, còn cái “khó” chẳng khác gì cục nợ ta phải gồng gánh?
Thử tìm kiếm chữ “khó tính” trên Google mà xem! Tất cả những gì bạn nhận được chỉ xoay quanh vô số cách để ứng phó với người khó tính và lời khuyên tránh xa loại người này. Thế nhưng, nếu bạn chỉ yêu “màu hường, ghét sự cục súc”, liệu cuộc sống của bạn có còn thú vị?
Không phải nghiễm nhiên mà câu nói “chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà ở” lại trở thành lời khuyên vàng cho “những tấm chiếu chưa trải” khi dấn thân vào môi trường hoàn toàn mới lạ. Nếu bản tính của con người được xây dựng dựa trên bộ mã gen huyết thống, thì nhân tính sẽ tiến hóa dựa trên yếu tố ngoại cảnh, đặc biệt là thay đổi trong trải nghiệm sống lẫn sự hình thành của các mối quan hệ mới. Vì lẽ đó, “bạn nên hợp tác với ai, kết bạn với ai?” có thể được xem là câu hỏi quyết định con người lẫn tương lai của bạn.
Định nghĩa về một người bạn “tốt” thường được lấp đầy bởi các từ khóa như “tích cực, ủng hộ, hết mình” mà chẳng chừa chỗ cho mấy từ đáng ghét như “khó ở, khó gần, khó tính”. Hãy cứ là một đứa trẻ nếu bạn luôn mưu cầu sự yêu thương. Ngược lại, nếu muốn trầy trật để trưởng thành, hãy thử kết bạn với những người mà ai cũng sợ – ĐÒI HỎI và KHÓ TÍNH.
Bạn có bao giờ bị bạn mình góp ý những chuyện tế nhị chưa? Góp ý xong bạn chỉ muốn chui xuống lỗ thôi từ chuyện cách ăn mặc, đi đứng, nói chuyện, làm việc và phát triển của mình cũng xen vào góp ý.
Từ họ, bạn có thể học được cách cháy hết mình với công việc, xây dựng kỷ luật từ trong sự khó tính và thận trọng hơn trong từng bước đi của cuộc sống. Nhận định “người khó tính thường có thu nhập cao hơn người dễ tính” đã được chứng minh bởi Giáo sư Beth A.Livingston cùng các đồng nghiệp dựa trên một nghiên cứu trên gần 10.000 người trong suốt 20 năm qua. Điều này có thể được giải thích từ xu hướng lắng nghe của mỗi người. Nếu những “kẻ nghiệp dư” chỉ chấp nhận lời đường mật, thì những “chuyên gia” tiếp thu lời đắng cay, sự phê bình để tạo sức bật trong tương lai. Họ không ngại làm bạn với sai lầm, tìm kiếm khiếm khuyết trong hoàn hảo để trở nên tối ưu hơn.
Bạn sợ phải bước ra khỏi vùng an toàn? Họ đẩy và tịch thu luôn vỏ ốc của chính bạn.
Bạn không biết một chút gì về lĩnh vực đó? Họ bắt bạn phải xách não lên, vận động trí tuệ để hoàn thành công việc được giao.
Bạn ghét phải ở trong tình thế éo le? Họ cho bạn chữ “éo le” chữ e kéo dài.
Đúng, họ có thể rất đáng ghét, đáng sợ và không đáng kết bạn. Nhưng liệu bạn có nhận thấy rằng bản thân mình được nâng cấp mỗi ngày qua một chuỗi ác mộng đó?
Một người trò giỏi làm sao thiếu đi hình bóng của một người thầy nghiêm khắc? Ngẫm lại câu “thương cho roi cho vọt cũng không sai”. Có thương, người ta mới để ý từng li từng tí tới bạn. Có quan tâm, người ta mới đi tốn sức lực để căn dặn bạn đủ điều. Và có muốn tốt cho bạn, tốt cho mục tiêu chung, người ta mới từ bỏ hình tượng “được yêu thích” và làm “kẻ ác” để bạn ghét, bạn căm mà tiến xa hơn. Đôi khi đời có chút drama mới làm nên cái cuốn hút, hấp dẫn của nó. Bị la có buồn không? Buồn chứ, nhưng mà buồn chuyển thành “khôn” hết rồi.
Bởi thế, kết bạn với những người khó tính không chỉ giúp bạn “lột xác” mà còn luyện cho bạn khả năng đương đầu thách thức, tu tâm bổ não để phát triển bản thân.
Mong rằng qua bài viết này, bạn sẽ bớt mẫn cảm hơn với từ “khó tính” và sẵn sàng kết bạn, làm việc, thậm chí cùng chung sống với những con người được dán nhãn là “đòi hỏi và khó tính”.
—-
Định nghĩa trong bài viết này
/Khó tính/
Người có yêu cầu cao, nhất quán chuyên nghiệp, thận trọng và chú trọng chi tiết
Chia sẻ của anh Huỳnh Công Thắng – Sáng lập và điều hành Lead The Change