NỘI DUNG CHÍNH
1, AMAZON ĐÓNG TRANG WEB AMAZON.CN Ở TRUNG QUỐC
2, BỆ PHÓNG CHO BOOKMYSHOW MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG Ở ĐNA
3, VIỆT NAM LÀ MỘT TRONG 5 THỊ TRƯỜNG LỚN NHẤT CỦA YOUTUBE
4, GOOGLE ÂM THÂM THỬ NGHIỆM WIFI MIỄN PHÍ TẠI VIỆT NAM
[KINH TẾ]
AMAZON ĐÓNG TRANG WEB AMAZON.CN Ở TRUNG QUỐC
Gã khổng lồ thương mại trực tuyến Amazon thông báo đóng trang web Amazon.cn, đồng nghĩa ngừng kinh doanh đồ Trung Quốc cho người bản xứ.
“Chúng tôi thông báo với người bán hàng rằng chúng tôi không còn hoạt động trên trang web Amazon.cn nữa và chúng tôi không còn cung cấp dịch vụ bán hàng trên Amazon.cn, quyết định có hiệu lực từ ngày 18-7”, đài CNN của Mỹ ngày 18-4 (giờ địa phương) dẫn thông báo của công ty Amazon.
Trong thông báo vừa qua, Amazon không giải thích lý do cho việc rút khỏi một thị trường khổng lồ như Trung Quốc vào lúc này. Họ chỉ nói thêm rằng sắp tới sẽ tập trung vào việc bán và vận chuyển hàng hóa từ nước khác tới Trung Quốc.
Cách đây 15 năm Amazon đã vào thị trường Trung Quốc sau khi mua lại một công ty bán sách trực tuyến. Tuy vậy công ty này gặp khó khăn trong khâu cạnh tranh. Các nghiên cứu cho thấy thị phần của Amazon ở Trung Quốc rất khiêm tốn so với đối thủ nội địa.
Trung Quốc trong khi đó là một thị trường bán lẻ rất lớn với khoảng 2 ngàn tỉ USD doanh số mỗi năm, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer.
Thị trường béo bở này hiện đang bị công ty Alibaba thống trị với hơn một nửa giao dịch. Ngoài ra công ty JD.com cũng là đối thủ rất “có máu mặt”.
Theo ông Ben Cavender, nhà phân tích tại China Market Research Group, Amazon yếu hơn nhiều so với Tmall hay JD.com về mặt phổ biến trên thị trường Trung Quốc. Ông nói: “Điều đó khiến Amazon rơi vào tình cảnh phải dùng nhiều tiền để thu hút khách hàng, trong khi cùng lúc phải cạnh tranh quá lớn với nhiều đối thủ mạnh về mặt giá cả”.
Một số liệu khác cũng cho thấy sự yếu thế của Amazon tại thị trường Trung Quốc khi đem so với những đại gia nội địa. Singles’ Day, ngày lễ mua sắm hằng năm của Alibaba, thường chứng kiến doanh số lớn hơn cả Black Friday và Cyber Monday của Mỹ cộng lại.
Sau ngày 18-7, người dùng đăng nhập vào trang web Amazon bản Trung Quốc sẽ chỉ còn thấy sản phẩm nước ngoài trưng lên.
Nguồn: Tuổi trẻ
[KHÁM PHÁ]
BỆ PHÓNG CHO BOOKMYSHOW MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG Ở ĐNA
BookMyShow là dịch vụ đặt vé giải trí online đầu tiên ở Ấn Độ, ra đời vào năm 2007, kết nối các nhà cung cấp vé nhằm mang đến cho người dùng nhiều lựa chọn đa dạng hơn về nội dung, giá cả, thời gian và địa điểm. Sau vòng gọi vốn series D thành công với khoản đầu tư 100 triệu USD, BookMyShow chính thức đặt chân vào thị trường Indonesia vào năm 2016. Hai năm sau (2018), ngoài Ấn Độ và Indonesia, startup này đã có mặt ở cả Sri Lanka và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất với tổng cộng 700 thành phố.
Một trong những bước chuyển biến mạnh mẽ nhất của BookMyShow có lẽ là khi công ty khởi nghiệp này quyết định tham gia vào Grab Ventures Velocity (GVV) Đợt 1 vào nửa cuối năm 2018. GVV là chương trình thúc đẩy tăng trưởng kéo dài 16 tuần dành riêng cho các công ty khởi nghiệp trong giai đoạn phát triển. Những startup được chọn tham gia chương trình này sẽ được tiếp cận vào nền tảng người dùng rộng lớn của Grab, được tư vấn chuyên môn, thừa hưởng những ưu việt trong công nghệ Grab, từ đó có thể thử nghiệm dịch vụ của mình trên hệ sinh thái của Grab.
Một ví dụ rõ ràng nhất về việc tận dụng hệ sinh thái của Grab là các chương trình ưu đãi của BookMyShow được xuất hiện trên ứng dụng Grab, nhờ đó, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và đặt dịch vụ ngay trên ứng dụng. Nói cách khác, BookMyShow đã được tiếp cận lượng người dùng khổng lồ từ siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á. Sự hợp tác này đối với một công ty khởi nghiệp trong giai đoạn phát triển như BookMyShow có thể được xem như “hổ chắp thêm cánh”. Đôi cánh này đã góp phần giúp hoạt động kinh doanh của công ty tăng đến 70% ngay trong tháng đầu tiên thử nghiệm dịch vụ trên hệ sinh thái của Grab!
Nguồn: dân trí
[CÔNG NGHỆ]
VIỆT NAM LÀ MỘT TRONG 5 THỊ TRƯỜNG LỚN NHẤT CỦA YOUTUBE
Cả 5 thị trường lớn nhất thế giới của YouTube đều nằm ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam là 1 trong 5 thị trường hàng đầu dựa trên thời gian người dùng dành cho xem video trên nền tảng Youtube. Giám đốc điều hành cấp cao của Youtube châu Á – Thái Bình Dương cho biết, ngoài Việt Nam, các quốc gia còn lại trong danh sách là Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Thái Lan.
Châu Á hiện đang phổ cập điện thoại thông minh nhanh hàng đầu thế giới. Hơn nữa, sự phát triển của các kết nối Internet di động tốc độ cao cũng làm cho nội dung video trở nên thú vị hơn và dần thay thế thói quen xem video.
Nguồn: VTV
[CÔNG NGHỆ]
GOOGLE ÂM THÂM THỬ NGHIỆM WIFI MIỄN PHÍ TẠI VIỆT NAM
Việt Nam dường như đang là một trong những quốc gia mới được Google thử nghiệm dịch vụ mạng Wi-Fi miễn phí mang tên Google Station.
Được biết đến là dự án mang internet đến với mọi người thông qua các điểm phát Wi-Fi miễn phí tại các khu vực công cộng, Google Station đã có mặt chính thức tại một số quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Mexico, Indonesia, Philippines và Nigeria.Không nằm trong danh sách, nhưng với việc Google Station đang được thử nghiệm tại Việt Nam, có vẻ như người tiêu dùng Việt sắp được truy cập vào mạng Wi-Fi miễn phí này. Mặc dù Google không công bố chính thức thông tin nhưng các nguồn tin nói rằng, Google Station hiện được thử nghiệm tại khuôn viên một số trường đại học như Đại học Điện lực (Hà Nội), Đại học Bách khoa (Đà Nẵng), Đại học Sư phạm Kỹ thuật (TP.HCM), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (TP.HCM)…
Quá trình thử nghiệm tại một điểm phát Wi-Fi của Google Station cho thấy, Google đã chọn S-wifi từ Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (Sài Gòn Postel – SPT) làm đối tác triển khai Google Station. Cụ thể, khi truy cập mạng của Google Station, người dùng sẽ thấy điểm phát Wi-Fi có tên “FreeGoogleStation – Swifi”, cũng như sự xuất hiện của logo S-wifi trong quá trình kết nối.
Nguồn: thanh niên