NỘI DUNG CHÍNH
1. SONY CHÍNH THỨC RÚT KHỎI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
2. HAI CÔNG TY NHẬT TUYÊN BỐ NGỪNG CUNG CẤP CHO HUAWEI
3. NHẬT BẢN ĐỀ NGHỊ THẾ GIỚI GỌI ĐÚNG TÊN THỦ TƯỚNG LÀ ABE SHINZO
4. ỨNG DỤNG CHỐNG SÀM SỠ TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN CÔNG CỘNG TẠI NHẬT
SONY CHÍNH THỨC RÚT KHỎI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
Trước đây có một số thông tin cho rằng Sony Mobile đã âm thầm rút khỏi thị trường di động tại Đông Nam Á, và hiện tại hãng mới chính thức xác nhận điều này.
Theo SlashGear, Sony Mobile vừa chính thức tuyên bố chỉ tập trung vào một số thị trường nhất định. Điều này cũng đồng nghĩa các thị trường khác đã bị Sony Mobile từ bỏ.
Cụ thể, Sony Mobile sẽ chỉ tập trung vào các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông và châu Âu. Điều này có nghĩa những thị trường lớn trước đây của Sony Mobile như Mỹ, châu Phi, Ấn Độ, Úc, Trung Đông và Đông Nam Á đã không còn là nơi được thương hiệu này tập trung phát triển nữa.
Đây có thể là một thông tin buồn cho Sony và người dùng hâm mộ thương hiệu Xperia, nhưng nó cũng là một chiến lược dài hạn mà Sony tập trung hướng đến khi đang cải tổ lại bộ phận di động của mình.Chiến lược kinh doanh của Sony Mobile có thể chưa phù hợp với các khu vực nói trên.
Như vậy, nếu người dùng yêu thích thương hiệu Xperia đang sống tại các thị trường không còn được Sony Mobile hỗ trợ, thì chỉ có thể mua máy thông qua các đơn vị thứ ba, hoặc qua kênh thương mại điện tử.Tại Việt Nam, hoạt động bán hàng và tiếp thị cho thương hiệu smartphone Xepria cũng đã được Sony ngừng lại trong khoảng hơn một năm qua.
Nguồn: báo thanh niên
HAI CÔNG TY NHẬT TUYÊN BỐ NGỪNG CUNG CẤP CHO HUAWEI
Hãng thiết kế con chip ARM thuộc sở hữu tập đoàn SoftBank và một công ty khác của Nhật Bản là Panasonic đồng loạt tuyên bố dừng cung cấp cho Huawei để tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc.
Theo hãng tin Bloomberg, một số tài sản trí tuệ của ARM – chủ yếu là các thiết kế thiết bị bán dẫn sử dụng cho thiết bị di động, được tạo ra ở Mỹ – nên phải chịu các hạn chế về cung cấp cho Huawei mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đặt ra mới đây.
Panasonic không có cơ sở sản xuất linh kiện quy mô lớn tại Mỹ, nhưng nói rằng lệnh cấm của Washington áp dụng đối với hàng hóa có từ 25% trở lên công nghệ và vật liệu xuất xứ từ Mỹ. Tuy nhiên, Panasonic từ chối cung cấp thông tin cụ thể về việc những linh kiện mà hãng ngừng cung cấp cho Huawei bao gồm những gì.
Tuần trước, chính quyền ông Trump đưa Huawei vào một “danh sách đen” nhằm khiến công ty này không thể mua công nghệ và linh kiện của Mỹ nếu không có sự cho phép của Washington.
Hôm thứ Hai tuần này, Mỹ nới trừng phạt Huawei trong 3 tháng, theo đó cho phép Huawei được mua hàng hóa Mỹ để đảm bảo dịch vụ cho các mạng và thiết bị hiện tại, nhưng không được mua hàng hóa Mỹ để sản xuất sản phẩm mới.
Một số nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của châu Âu tuần này cho biết vẫn sẽ cung cấp cho Huawei, nhưng một loạt hãng chip Mỹ, gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đều được cho là đã ngừng cung cấp cho Huawei.
Bloomberg dẫn một tuyên bố của Huawei nói rằng công ty này “nhận thức được sức ép” mà một số đối tác đang phải chịu từ phía Chính phủ Mỹ. “Chúng tôi tin tưởng rằng tình hình đáng tiếc hiện nay sẽ được giải quyết”, tuyên bố nói.
Nguồn: Vneconomy
NHẬT BẢN ĐỀ NGHỊ THẾ GIỚI GỌI ĐÚNG TÊN THỦ TƯỚNG LÀ ABE SHINZO
Nhật Bản sẽ đề nghị truyền thông và dư luận thế giới gọi đúng tên Thủ tướng nước này là Abe Shinzo.
Tại Nhật Bản và một số nước châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, tên người được gọi theo thứ tự họ trước tên sau. Tuy nhiên, trong 1,5 thế kỷ qua, tên của người Nhật Bản khi viết sang tiếng Anh thường được đảo theo thứ tự ngược lại là tên đứng trước họ. Trong bối cảnh Nhật Bản vừa bước vào triều đại Lệnh Hòa, Chính phủ nước này muốn thay đổi lại cách gọi tên theo truyền thống.
CNN cho rằng, Nhật Bản có thể tận dụng chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Nhật Bản vào cuối tuần này để có thể phổ biến cách gọi “Abe Shinzo” tới toàn thế giới.
Nguồn: VTV
ỨNG DỤNG CHỐNG SÀM SỠ TRÊN CÁC PHƯƠNG TIỆN CÔNG CỘNG TẠI NHẬT
Ứng dụng trên smartphone chống nạn “yêu râu xanh” trên tàu điện ngầm, xe bus và tàu lửa đang nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của các cô gái trẻ tại Nhật Bản.
Ứng dụng chống sàm sỡ nói trên do Sở cảnh sát Tokyo phát hành.
Nạn nhân của những hành động dâm ô trên các phương tiện công cộng của Nhật Bản giờ đây có thể tải xuống ứng dụng Digi Police, có thể phát ra tiếng kêu cứu với âm lượng lớn nhất, hoặc hiện thông điệp SOS tràn màn hình để đánh động người xung quanh. Ứng dụng trên đã được tải hơn 237.000 lần, một con số cao bất thường nếu so với các ứng dụng điện thoại do giới hữu trách cung cấp.
Những kẻ dâm ô bị bắt có thể đối mặt tối đa 6 tháng tù giam hoặc nộp phạt đến 500.000 Yen (hơn 105 triệu đồng). Án tù có thể nâng lên 10 năm nếu có hành vi bạo lực hoặc đe dọa.
Nguồn: VTV