Cùng Lead The Change điểm qua một số tin đáng chú ý hôm nay:
- Tác động nào đang đe dọa Hà Nội và TP.HCM bên cạnh biến đổi khí hậu?
- Gần 200 công ty da giày ở Mỹ viết thư xin ông Trump không áp thuế quan
- Thêm một startup ra mắt mẫu thử nghiệm taxi bay
- Việt Nam góp bốn doanh nghiệp trong danh sách Forbes’ Global 2000 năm 2019
Tác động nào đang đe dọa Hà Nội và TP.HCM bên cạnh biến đổi khí hậu?
Khi chỉ số carbon toàn cầu tiếp tục tăng, các nền kinh tế mới nổi trong khu vực ASEAN là đối tượng dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu.
Châu Á vẫn là một trong những khu vực có tốc độ tăng siêu đô thị nhanh nhất. Những thành phố này sẽ tiếp tục phát triển về cả quy mô và sự sung túc, do dân số đô thị ngày càng tăng. Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, siêu đô thị là khu vực đô thị với dân số từ 10 triệu người trở lên. Nếu dân số đô thị tiếp tục phình ra với tốc độ hiện tại, số lượng siêu đô thị trên thế giới có thể tăng lên 43 vào năm 2030. Đến năm 2050, 75% nhân loại sẽ sống ở các thành phố.
Vào năm 2050, 7 quốc gia trong khối sẽ có hơn 50% dân số cư trú tại các khu vực đô thị lớn. Tuy nhiên, mức độ đô thị hóa tại các quốc gia ASEAN khá chênh lệch, Singapore và Malaysia có mức độ đô thị hóa cao nhất, sau đó đến đến Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Campuchia vẫn chủ yếu là nông thôn.
Nằm chủ yếu ở các khu vực tương đối gần biển, các siêu đô thị Đông Nam Á đang cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ rệt. Hai siêu đô thị của Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM phải đối mặt với các tác động tiêu cực khác nhau của biến đổi khí hậu. Nếu như Hà Nội sẽ chịu cảnh ngập úng và hạn hán thất thường thì TP.HCM sẽ chịu tác động của nước biển dâng.
Jakarta và Bangkok thực sự đang chịu áp lực lớn về dân số, trong khi các thành phố ASEAN khác có nguy cơ cao tiếp xúc với ít nhất một loại thảm họa tự nhiên. Các siêu đô thị như Jakarta và Manila phải đối mặt với nguy cơ cao tiếp xúc với ba loại thảm họa trở lên.
Trong quá trình phát triển, các siêu đô thị ASEAN đang phát triển phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng thời quản lý phân phối tài nguyên hiệu quả và bền vững để đáp ứng dân số ngày càng tăng. Dân số tăng đồng thời làm tăng tiêu thụ tài nguyên, nguyên liệu, thực phẩm và năng lượng. Sự gia tăng này sẽ lần lượt ảnh hưởng đến môi trường rừng và đất, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhiều loài sinh vật.
Các hoạt động như đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng liên tục để duy trì các siêu đô thị là một số nguyên nhân chính làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Lời khuyên để giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ.
Cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon, tái trồng rừng và tạo ra các bể chứa carbon với các công nghệ mới để thu hồi carbon, là một số giải pháp được đưa ra bởi Hội đồng Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
Gần 200 công ty da giày ở Mỹ viết thư xin ông Trump không áp thuế quan
Nike, Adidas, và nhiều công ty da giày lớn khác kêu gọi Tổng thống Donald Trump xem xét lại kế hoạch áp thuế quan lên giày dép sản xuất tại Trung Quốc, nói rằng chính sách này sẽ là “thảm họa đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế Mỹ”.
Theo hãng tin Bloomberg, có tổng cộng 173 công ty ký vào lá thư ngỏ gửi ông Trump vào ngày thứ Hai. Lá thư được đăng trên trang web của Hiệp hội Các nhà phân phối và bán lẻ da giày Mỹ (FDRA), đồng thời cũng được gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Bộ Thương mại Wilbur Ross, và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow.
Trong cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc, ông Trump đã dọa áp thuế quan lên tới 25% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Tuần trước, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) công bố một bản danh sách các mặt hàng có tổng trị giá 300 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ mỗi năm mà ông Trump dự kiến sẽ áp thuế bổ sung 25%, trong đó có nhiều mặt hàng giày dép, từ giày thể thao cho tới dép xăng-đan.
Theo dự kiến, kế hoạch áp thuế này sẽ là một chủ đề bàn thảo giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản vào tháng tới.
Các công ty da giày ký vào lá thư gửi ông Trump có mức độ phụ thuộc rất đa dạng vào Trung Quốc. Chẳng hạn, hãng Nike sản xuất 26% sản phẩm quần áo và 26% sản phẩm giày dép ở Trung Quốc trong tài khóa 2018. Skechers USA sản xuất khoảng 65% sản phẩm ở Trung Quốc, nhưng chỉ một phần số sản phẩm đó được nhập khẩu vào Mỹ.
Thêm một startup ra mắt mẫu thử nghiệm taxi bay
Startup Lilium của Đức mới đây ra mắt mẫu thử nghiệm taxi bay, có thể cất và hạ cánh theo chiều thẳng đứng và dự kiến đưa vào vận hành đầy đủ vào năm 2025.
Máy bay chạy điện này có thể chở theo 5 hành khách và bay được 300km trong vòng 1 giờ ở tốc độ tối đa.
Lilium đã huy động được hơn 100 triệu USD vốn đầu tư vào năm 2015 và nhắm tới dịch vụ taxi bay theo kiểu Uber – đặt chuyến qua ứng dụng. Mẫu thử nghiệm mới ra mắt sẽ là mẫu được Lilium đưa vào sản xuất hàng loạt.
Theo Morgan Stanley, thị trường taxi bay có thể đạt giá trị 1.500 tỷ USD vào năm 2050 và các phương tiện bay phục vụ cho thị trường này đang được phát triển trên khắp thế giới. Đầu năm nay, Uber cũng đã ra mắt mẫu thử nghiệm (concept) taxi bay của riêng mình. Trong khi đó, nhà sản xuất máy bay Airbus đang phát triển máy bay tự hành Vahana. Ở châu Á, nhà sản xuất máy bay tự lái Ehang của Trung Quốc đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm trên phương tiện có tên eVTOL với hình dáng giống trực thăng vào năm 2018.
Việt Nam góp bốn doanh nghiệp trong danh sách Forbes’ Global 2000 năm 2019
Danh sách Forbes’ Global 2000 lần thứ 17 vinh danh những công ty lớn nhất thế giới đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhóm doanh nghiệp này đã đóng góp hơn 40.000 tỉ USD doanh thu mỗi năm và 186.000 tỉ USD giá trị tài sản toàn cầu. Việt Nam góp mặt bốn doanh nghiệp trongdanh sách 2019.
Danh sách Forbes’ Global 2000 năm nay ghi nhận bốn doanh nghiệp đến từ Việt Nam: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (thứ 1096), ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (thứ 1716), tập đoàn Vingroup (1747) và ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam – Vietinbank (1769).
Việc xếp hạng được thực hiện dựa trên doanh thu, lợi nhuận, tài sản và giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp.
Mỹ – Trung đối đầu
Forbes’ Global 2000 năm 2019 ghi nhận sự hiện diện của các đại diện đến từ 61 quốc gia, tuy vậy phần lớn đều đến từ Trung Quốc và Mỹ. Căng thẳng thương mại giữa hai nước vẫn đang tiếp diễn với sự bùng nổ của các đòn trả đũa thuế quan, dẫn tới tình trạng bán tháo cổ phiếu trên thị trường.
Bất chấp mức tăng trưởng GPD đang khựng lại và phải chịu đòn thuế trị giá hàng tỉ đô-la từ Mỹ, Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố vị thế của mình. Nhìn lại năm 2003, Trung Quốc và Hồng Kông chỉ đóng góp 43 công ty, trong khi đó Mỹ có tới 776 đại diện trong danh sách Forbes’ Global 2000. Nhưng năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng công ty Trung Quốc đứng trong tốp 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới vượt trội hơn hẳn so với các quốc gia còn lại.
Trong tốp 10, Mỹ và Trung Quốc là hai trong số ba quốc gia hiếm hoi đóng góp thêm những gương mặt mới. Trung Quốc có thêm 18 đại diện mới, trong khi Mỹ chỉ có thêm 16 doanh nghiệp lọt vào danh sách so với năm ngoái. Bên cạnh đó, Canada đã có thêm 6 công ty nữa, vươn lên thay thế Đức ở vị trí thứ 8 trong số những quốc gia có nhiều công ty lớn nhất thế giới.