NỘI DUNG CHÍNH
1 . PHẢN ỨNG CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC KHI BỊ HUAWEI RÚT GIẤY PHÉP ANDROID
2. NGÀY 16/6 NGÀY KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
3. “BÓNG MA” CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH CHÂU Á 1997
4. BÍ MẬT THẺ CENTURION ĐƯỢC GIỚI NHÀ GIÀU MONG ĐỢI ĐƯỢC SỞ HỮU
PHẢN ỨNG CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC KHI BỊ HUAWEI RÚT GIẤY PHÉP ANDROID
Huawei bị Mỹ coi là rủi ro với an ninh quốc gia, cấm công ty mua các bộ phận và linh kiện từ công ty Mỹ nếu không được chính phủ chấp thuận. Ngày 20/5, Google rút giấy phép Android đối với công ty công nghệ Trung Quốc, khiến không ít người dùng trên thế giới lo lắng về tương lai của những smartphone Huawei mà họ đã mua.
Tuy nhiên, người Trung Quốc đang tạo làn sóng ủng hộ Huawei thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Trên Weibo, hashtag “Huawei không cần dựa vào chuỗi cung ứng của Mỹ” đã có hơn 19 triệu lượt xem. Từ khóa “Hongmeng hệ điều hành của Huawei” cũng được chú ý nhiều. Huawei đã nghiên cứu và phát triển nền tảng dự phòng của riêng họ từ nhiều năm qua.
“Chuyện vừa xảy ra với Huawei dạy chúng ta một bài học quan trọng”, một tài khoản Weibo viết. “Trong cuộc sống, một kế hoạch B luôn cần thiết”.
Một số người dùng Internet tại Trung Quốc nói họ mong chờ hệ điều hành của Huawei và dự đoán cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ dẫn đến tất cả smartphone Trung Quốc cuối cùng sẽ chuyển sang dùng phần mềm và chip bản địa.
Trên mạng chia sẻ video TikTok, hàng trăm người lan truyền video ngắn của Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi nói hãng là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực 5G. Nhiều người khẳng định Huawei không chỉ là một thương hiệu mà còn là niềm tự hào quốc gia và điện thoại họ mua tiếp theo chắc chắn sẽ là của hãng này.
Sau lệnh cấm được đưa ra ngày 15/5, hôm nay Mỹ nới lỏng một số hạn chế đối với Huawei trong ba tháng, cho phép công ty mua hàng hóa do Mỹ sản xuất để duy trì hoạt động cho các nhà mạng hiện tại. Hãng cũng được phép tiếp cận phần mềm nhằm cung cấp các bản cập nhật cho thiết bị cầm tay hiện nay. Tuy nhiên, công ty Trung Quốc vẫn bị cấm mua các bộ phận và linh kiện của Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới mà không có sự cho phép từ Mỹ.
Theo IDC, Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới với 19% thị phần, chỉ sau Samsung, trong quý I/2019. Thị trường lớn nhất của Huawei là Trung Quốc, sau đó tới châu Âu. Tại Trung Quốc, Huawei là hãng smartphone lớn duy nhất duy trì đà đi lên, trong khi Vivo, Oppo, Xiaomi và Apple đều tăng trưởng âm.
Nguồn: vnexpress
NGÀY 16/6 NGÀY KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử lấy ngày 16/6 hàng năm là Ngày không dùng tiền mặt.
Trong Ngày không dùng tiền mặt, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm, giao dịch. Người tiêu dùng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như giảm giá, khuyến mãi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam có Ngày không dùng tiền mặt.
Nguồn: VTV
“BÓNG MA” CUỘC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH CHÂU Á 1997
Gần 22 năm (1997-2019) cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ của các nước trong khu vực châu Á đi qua, nền kinh tế của nhiều nước đã được phục hồi, nhưng nghiên cứu nguyên nhân khủng hoảng cho phép rút ra những bài học quý báu về quản lý kinh tế.
Diễn biến cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á
Năm 1997, đánh dấu một năm đầy biến động trên thị trường tài chính – tiền tệ thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và sau đó là Đông Bắc Á với những cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ nghiêm trọng bắt đầu từ Thái Lan, sau đó lan sang các nước ASEAN khác rồi tới Hàn Quốc và Nhật Bản
Bắt đầu cuộc khủng hoảng tiền tệ là từ Thái Lan (7/1997). Và chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 12-1996 đến tháng 12-1997 đồng Baht Thái Lan đã bị giảm giá 108% từ chỗ 25 Baht ăn 1 USD xuống còn 54 Baht ăn 1 USD.
Tốc độ mất giá tương tự như vậy diễn ra ở Malaysia, Philippines, Hàn Quốc và đặc biệt ở Indonesia đồng tiền bị mất giá đến 3,5 lần, đồng Yên Nhật Bản cũng mất giá 23%.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng
Các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng đã gây nhiều tranh luận lúc đó và chúng vẫn còn được tranh luận đến ngày hôm nay. Các nhà quan sát phương Tây đổ lỗi cho sự thiếu minh bạch và quan hệ quá mật thiết giữa các doanh nghiệp và các chính phủ châu Á – cái mà họ gọi là “tư bản thân hữu”. Trong khi, những nhà bình luận châu Á, lại phê phán các quỹ đầu tư mạo hiểm vì đã gây mất ổn định các thị trường tài chính khu vực và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vì đã kê một “đơn thuốc” vốn chút nữa đã giết chết bệnh nhân.
Những thay đổi sau gần 22 năm
Đầu tiên, các nước gặp khủng hoảng đã hạ mức đầu tư và kỳ vọng tăng trưởng xuống mức có thể duy trì được. Các chính phủ châu Á vẫn nhấn mạnh tăng trưởng, nhưng không phải là làm điều đó bằng mọi giá.
Thứ hai, các nước Đông Nam Á giờ đây đã có tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn. Các chính phủ trong khu vực ít nhất đã từ bỏ việc “bám chặt” vào đồng USD, căn nguyên của sự dễ tổn thương năm 1997.
Thứ ba, các nước như Thái Lan lúc đó đang có thâm hụt thương mại lớn, làm tăng phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài, nhưng giờ đây đang có thặng dư. Thặng dư thương mại đã giúp họ tăng dự trữ ngoại hối, thứ có tác dụng như một dạng “bảo hiểm”.
Thứ tư, các nước châu Á giờ đang cùng nhau làm việc để bảo vệ khu vực. Năm 2000, khi cuộc khủng hoảng kết thúc, họ lập ra Sáng kiến Chiang Mai (Thái Lan), một mạng lưới tín dụng tài chính và hoán đổi ngoại hối khu vực. Và bây giờ họ có Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) để khu vực hóa việc cung cấp tài chính phục vụ phát triển hạ tầng.
Những sáng kiến này có thể được hiểu như một phản ứng với kỷ niệm không vui của châu Á với IMF. Sâu xa hơn, chúng phản ánh sự nổi lên của Trung Quốc. Năm 1997, một Trung Quốc còn chưa chắc chắn về vai trò trong khu vực đã không ủng hộ kế hoạch của người Nhật về một Quỹ Tiền tệ châu Á. Việc không nhận được sự ủng hộ cuối cùng đã chấm dứt số phận của đề xuất đó.
Sau này, sự tự tin ngày một tăng và vai trò lãnh đạo của Trung Quốc đã góp phần mở lối cho việc xây dựng thể chế và hợp tác khu vực. Sự thay đổi này, xảy ra trong bối cảnh 22 năm tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, là thay đổi có tính quan trọng nhất ảnh hưởng đến châu Á kể từ sau cuộc khủng hoảng.
Nguồn: Theo Project Syndicate, New York Times
BÍ MẬT THẺ CENTURION ĐƯỢC GIỚI NHÀ GIÀU MONG ĐỢI ĐƯỢC SỞ HỮU
Thẻ Centurion – Đỉnh cao của bán hàng: Mở thẻ 175 triệu đồng, phí thường niên 60 triệu đồng… nhưng giới nhà giàu vẫn xếp hàng dài để sở hữu
Kể từ những năm 1980, người dân Mỹ đã kháo nhau về chiếc thẻ American Express đặc biệt dành cho giới siêu giàu. Với màu đen đặc trưng, chiếc thẻ này sẽ giúp chủ nhân của nó mở ra tầng bí mật của chuỗi bách hóa Macy, dẫn tới một nhà hàng không ai biết đến tại New York hay tham gia những sòng bạc “triệu đô” ở một hòn đảo biệt lập.
Tiếc rằng tin đồn cũng chỉ là tin đồn, mãi đến năm 1999, American Express mới chính thức biến “huyền thoại thẻ đen” trở thành hiện thực.
Và thẻ Centurion đã ra đời và trở thành một phần của văn hóa đại chúng, từ lời bài hát của những rapper cho đến nội dung sách và những câu đùa trên truyền hình… thẻ Centurion nhanh chóng trở thành một biểu tượng của giàu sang.
Nhưng không phải người giàu nào cũng sở hữu được thẻ Centurion. Để giữ được hình ảnh “sang chảnh”, American Express nắm trong tay toàn quyền quyết định ai sẽ “có vinh dự” sở hữu thẻ.
Qua nhiều cuộc phỏng vấn, các chuyên gia tìm ra được các tiêu chí sau:
– Phải là người sở hữu thẻ American Express từ 1 năm trở lên.
– “Quẹt” từ 250.000 USD đến 450.000 USD mỗi năm.
– Không có bất kỳ khoảng nợ xấu nào và chỉ số tín dụng cũng phải “hoàn hảo”.
Nhưng đó vẫn chỉ là những tiêu chí “cần”, hàng loạt người nổi tiếng, doanh nhân, nghệ sĩ … với khối tài sản lớn vẫn phải “xếp hàng” chờ thư mời từ American Express, dù mức phí “cao chót vót” luôn được công bố rộng rãi: Phí mở thẻ 7.500 USD, phí thường niên 2.500 USD, phí mở thẻ phụ 2.500 USD…
Vậy, tại sao vẫn có nhiều người sẵn sàng “đốt tiền” để sở hữu thẻ Centurion?
– Khả năng tiêu tiền “bất tận”: Đây có lẽ là đặc điểm nổi bật nhất của thẻ Centurion, loại thẻ hiếm hoi hoàn toàn không có giới hạn tín dụng. Tỷ phú Liu Yiqian có lẽ là người “quẹt thẻ” mạnh tay nhất với 36 triệu USD cho một ly trà cổ thời nhà Minh và gần đây nhất là 170 triệu USD cho bức tranh của họa sĩ Amedeo Clemente.
– Điểm thưởng: Sau mỗi lần thanh toán bằng thẻ, tài khoản của khách hàng sẽ ngay lập tức được cộng điểm thưởng, số điểm này có thể đổi được vé máy bay và ngày nghỉ tại khách sạn cao cấp.
– “Thư ký” 24/7: Vé VIP show diễn Taylor Swift, đóng cửa toàn bộ cửa hàng Gucci để mua sắm, hoặc một buổi hẹn tại nhà hàng danh tiếng Per Se … chủ thẻ Centurion luôn được hỗ trợ 24/7 với những yêu cầu xa xỉ trên, hoặc các yêu cầu nhỏ khác như nhắc nhở cuộc họp, ngày sinh nhật …
– “Mặc định VIP” tại khách sạn cao cấp: Nếu đăng ký nghỉ dưỡng bằng thẻ Centurion tại hệ thống khách sạn Hilton, Belmond, Mandarin Oriental, Peninsula Hotels … khách hàng sẽ mặc định được hưởng mọi ưu đãi của khách VIP: check-in sớm và check-out trễ không tốn phí, nâng cấp phòng, đưa rước sân bay và nhiều bữa ăn miễn phí …
– Dịch vụ thuê xe “siêu sang”: Từ Ferrari, Lamborghini, Bentley cho đến xe đua công thức 1, chủ thẻ Centurion sẽ không cần chứng minh tài chính trước khi có trong tay những chiếc xe “triệu đô”. Ngoài ra, trong lúc sử dụng, chủ thẻ Centurion cũng được hỗ trợ sửa chữa, giao và nhận xe miễn phí …
– Thành viên vàng của Delta: Khi mua vé bay của hãng Delta, chủ thẻ Centurion sẽ được ưu tiên thăng hạng, hỗ trợ boarding sớm và cộng điểm chặng bay.
Nguồn: trí thức trẻ