Cùng Lead The Change điểm qua 4 tin tức hot nhất ngày hôm nay
- Singapore: Một Silicon Valley trong lĩnh vực tiếp thị
- Campuchia từ chối nhập 1.600 tấn rác thải nhựa
- Philippines và Indonesia đi tìm thủ đô mới để giảm áp lực đại đô thị
- Elon Musk lên kế hoạch nối não người với trí tuệ nhân tạo vào năm 2020
Singapore: Một Silicon Valley trong lĩnh vực tiếp thị
Theo một báo cáo mới của hãng tư vấn Accenture, Singapore là trung tâm tiếp thị toàn cầu hàng đầu ở khu vực châu Á.
Nghiên cứu “The Race is on: To be CMO of the Future” của hãng tư vấn này xếp Singapore đứng thứ 6 trong số những thành phố hàng đầu thế giới về lĩnh vực marketing và chiếm vị trí số 1 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Accenture, nhiều thương hiệu và nhà tiếp thị đang chuyển sự chú ý của họ sang các khu vực tăng trưởng nhanh của thế giới, trong đó châu Á là động lực thúc đẩy, và Singapore đã nhanh chóng củng cố vị thế là trung tâm tiếp thị toàn cầu của khu vực.
Báo cáo đã chỉ ra các yếu tố chính làm nên thành công của Singapore, bao gồm hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ mạnh mẽ, dễ kinh doanh, môi trường đa văn hóa, cơ sở hạ tầng mạnh và hỗ trợ của chính phủ cho đổi mới sáng tạo trong kinh doanh.
Nghiên cứu đã khảo sát hơn 250 CMO, CDO và giám đốc đổi mới sáng tạo từ 11 quốc gia, bao gồm bảy quốc gia từ châu Á – Thái Bình Dương là Úc, Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Thái Lan. Những người được hỏi đến từ năm lĩnh vực: hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, tài chính, dịch vụ chuyên nghiệp và chăm sóc sức khỏe.
Nils Michaelis, một giám đốc điều hành của Accenture và người đứng đầu về đổi mới sáng tạo cho nhóm sản phẩm APAC, cho biết Singapore là một trung tâm thử nghiệm quan trọng cho các thương hiệu lớn.
“Với vị trí trung tâm của Singapore, các công ty có thể ra mắt, thử nghiệm, tìm hiểu thông tin và nhanh chóng giới thiệu lại trên thị trường với các điều chỉnh nhỏ trong thời gian tối thiểu”, Michaelis nói thêm.
“Singapore có tiềm năng rất lớn trong việc định nghĩa lại hệ sinh thái tiếp thị sáng tạo và công nghệ cho tương lai, thậm chí có thể trở thành Thung lũng Silicon của thế giới tiếp thị với mạng lưới khởi nghiệp thành công và nguồn nhân lực đa dạng và tài năng”.
Những thành phố đứng đầu thế giới về lĩnh vực tiếp thị
1. New York
2. London
3. San Francisco
4. Chicago
5. Amsterdam
6. Singapore
7.Sydney
8. Hongkong
9. Tokyo
10. Shanghai
Campuchia từ chối nhập 1.600 tấn rác thải nhựa
Campuchia là quốc gia châu Á mới nhất vừa trả lại 1.600 tấn rác thải về Mỹ và Canada. 1.600 tấn rác thải chứa trong 83 container được nhập về cảng Sihanoukville vào hôm 16/7/2019. Trước Campuchia, Malaysia cũng trả lại 3.000 tấn rác thải nhựa nhập khẩu vào nước này.
Cơ quan hải quan của Campuchia đang tiến hành điều tra xem số container này đã được chuyển đến nước này như thế nào và công ty hay tổ chức nào đứng sau việc nhập khẩu. Nếu bị phát hiện, họ có thể bị phạt và đưa ra tòa. Trong khi đó, chính phủ liên bang Mỹ sẽ bắt đầu quy trình mang lại số rác thải nhựa này về Mỹ và Canada.
“Campuchia không phải là bãi rác để các nước khác xả các loại phế liệu. Chính phủ Campuchia phản đối việc nhập khẩu rác thải nhựa để tái chế trong nước”, ông Amasaid Neth Pheaktra, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia nói.
Đây là vụ việc mới nhất trong cơn khủng hoảng rác thải toàn cầu, trong đó các loại rác thải nhựa, phế liệu điện tử… chủ yếu từ các nước phương Tây được chuyển tới khu vực Đông Nam Á. Hồi đầu năm, Malaysia phát hiện ít nhất 148 nhà máy tái chế không được cấp phép gây ô nhiễm môi trường với khói độc và chất thải gây hại nguồn nước.
Chính phủ các nước Đông Nam Á đang cố gắng ngăn chặn dòng vận chuyển rác vào đất nước mình. Thậm chí có lúc Philippines và Canada đã rơi vào căng thẳng ngoại giao liên quan tới vấn đề rác nhập khẩu. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã triệu hồi đại sứ của nước này ở Canada về nước, trước khi Canada đồng ý nhận lại 2.450 tấn rác hồi tháng 5/2019. Cũng trong tháng 5, Malaysia trả lại 3.000 tấn rác nhựa về các nước bao gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật và Hà Lan.
Không chỉ quyết liệt trong việc trả lại lô rác thải về vị trí xuất phát mà các nước còn bắt tay để ngăn chặn cuộc khủng hoảng rác nhựa. Mới đây, chính phủ của 187 quốc gia đã thống nhất kiểm soát dòng rác thải nhựa trong biên giới nước mình bằng việc thêm rác nhựa vào Công ước Basel 1989 về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm.
Đây thực sự là động thái đáng hoan nghênh nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng và là một biện pháp có trách nhiệm đối với hệ thống quản lý rác thải nhựa toàn cầu.
Philippines và Indonesia đi tìm thủ đô mới để giảm áp lực đại đô thị
Áp lực đô thị ở Manila và Jakarta đã thúc đẩy Tổng thống Philippines Duterte và Tổng thống Indonesia Widodo thúc đẩy kế hoạch di dời thủ đô dù quá trình này sẽ kéo dài và tốn kém.
Tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng là lý do Tổng thống Rodrigo Duterte đang xem xét kế hoạch di chuyển thủ đô đến nơi khác.
Ông Duterte cũng có những ý định khác, chẳng hạn thúc đẩy phân phối tài sản đồng đều hơn. Ông không phải là nhà lãnh đạo duy nhất của khu vực coi việc di chuyển thủ đô là biện pháp giải quyết vấn đề lớn. Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo cũng tuyên bố sẽ dời thủ đô khỏi Jakarta.
Tuy nhiên, ý tưởng di dời cơ quan chính phủ không có gì mới. Indonesia đã đề cập việc này từ những ngày đầu độc lập vào những năm 1940. Ngân sách và hậu cần luôn là những vấn đề quá khó khăn.
Áp lực của thành phố đông dân nhất thế giới
Ở Philippines, Metro Manila là nơi sinh sống của gần 13 triệu người, dựa trên cuộc điều tra dân số mới nhất, nhưng con số tăng lên khoảng 15 triệu vào ban ngày, khi các công nhân đi vào thành phố từ vùng ngoại ô.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản ước tính mỗi ngày, Philippines mất 3,5 tỷ peso (68,2 triệu USD) do điều kiện giao thông của Metro Manila. Nếu không được kiểm soát, khoản lỗ hàng ngày dự kiến đạt 5,4 tỷ peso vào năm 2035.
Trong khi các tuyến tàu và đường cao tốc bổ sung được đưa vào hoạt động ở Metro Manila, chính phủ đang để mắt đến một khu đô thị mới cách đó khoảng 100 km về phía bắc – thành phố New Clark.
Thành phố New Clark nằm trong khu bảo tồn quân sự rộng 94,5 km2 ở Capas, tỉnh Tarlac. Khoảng 40% tổng diện tích được thiết lập để xây dựng, phần còn lại sẽ được dành cho canh tác và rừng.
Trong khi ông Duterte vẫn chưa công bố kế hoạch di dời, Bộ trưởng Tài chính Carlos Sebastuez đưa ra một lý do khác để biến thành phố New Clark thành trung tâm hành chính: sự bất tiện khi các văn phòng chính phủ trải rộng khắp Metro Manila.
Chẳng hạn, hai viện của Quốc hội cách nhau hơn 20 km và phải mất hơn một giờ để đi lại giữa hai nơi.
“Các văn phòng chính phủ ở Manila nằm rải rác khắp thành phố. Đối với công chúng, sẽ rất khó cho họ nếu phải làm việc với một số bộ và đi từ nơi này đến nơi khác”, ông Dominguez nói trong khi tham quan khu bất động sản Clark.
Thành công ở Clark ít nhất có thể giảm bớt một số áp lực cho thành phố đông dân nhất thế giới. Tình trạng quá tải đô thị là một vấn đề trên khắp châu Á – nơi có 9 trong số 10 đô thị đông đúc nhất thế giới – nhưng số lượng cư dân của Manila trên mỗi km vuông vượt quá 10.000 người so với Mumbai, đô thị xếp ở vị trí thứ hai.
Thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD
Jakarta không nằm trong top 10 nhưng môi trường ở đây cũng đang vô cùng ngột ngạt. Ít nhất một cuộc khảo sát cho thấy thủ đô của Indonesia có không khí bẩn nhất ở Đông Nam Á. Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề mà 30 triệu cư dân ở Greater Jakarta phải đối mặt.
Khai thác nước ngầm đã khiến các khu vực rộng lớn của thành phố chìm dưới mực nước biển. Bất chấp việc khai trương một tuyến đường tàu điện ngầm, giao thông công cộng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn kinh niên.
Thiệt hại kinh tế hàng năm do ùn tắc giao thông được ước tính vào năm 2013 ở mức 56 nghìn tỷ rupiah (3,9 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại) và có thể nhích lên gần 100 nghìn tỷ rupiah mỗi năm kể từ bây giờ.
“Jakarta hiện mang hai gánh nặng cùng một lúc: nó vừa là trung tâm của chính phủ và các dịch vụ công, vừa là trung tâm kinh doanh. Thành phố có thể mang gánh nặng đó trong tương lai không?”, tổng thống Indonesia nói khi tuyên bố ý định di dời thủ đô.
Kể từ đó, ông Widodo đã đánh dấu Kalimantan, một phần đảo Borneo của Indonesia, là ứng viên chính để tiếp nhận cơ quan chính phủ. Trong khi Jakarta sẽ vẫn là trung tâm kinh tế của đất nước, ông Widodo cho biết kế hoạch này sẽ “khuyến khích tăng trưởng bên ngoài đảo Java”.
Elon Musk lên kế hoạch nối não người với trí tuệ nhân tạo vào năm 2020
Startup Neuralink của Elon Musk đang hướng tới việc biến giấc mơ không tưởng này thành sự thật. Công ty này đã gắn chíp lên chuột thành công và lên kế hoạch thử nghiệm trên người trong vòng hai năm tới.
Ý tưởng kết nối não người với máy tính đã tồn tại được một thời gian. Trước đó, vào năm 2006, đại học Brown đã từng thành công trong việc tạo ra chíp BrainGate, cho phép não của các bệnh nhân bại liệt kết nối với máy tính và soạn thảo văn bản theo suy nghĩ của họ. Sau đó trung tâm y học của đại học Pittsburgh và công ty công nghệ Synchron cũng đã bắt tay vào các dự án tương tự.
Để kết nối não người với máy tính, các nhà khoa học có hai phương án cơ bản: thứ nhất là thực hiện các biện pháp xâm lấn, tạo ra một giao diện bằng cách để một thiết bị tiếp xúc trực tiếp vào não người. Cách còn lại không mang tính xâm lấn, thường là đặt các điện cực vào sát da.
Neuralink của Elon Musk thuộc loại biện pháp xâm lấn đầu tiên. Doanh nghiệp này đã phát triển một con chíp chứa 96 sợi polyme nhỏ với 32 điện cực. Chíp sẽ được cấy vào não bộ bằng việc dùng rô bốt tạo ra một vết rạch khoảng 2mm. Những sợi polyme trên chíp có kích thước nhỏ hơn 6 micromet. Theo như lời của Elon Musk thì: “Nếu muốn cấy thứ gì đó vào não mình, bạn sẽ không muốn nó thật khổng lồ mà sẽ mang kích thước nhỏ.”
Cũng theo lời của Musk, con chíp sẽ kết nối không dây với các thiết bị. “Hiểu đơn giản thì nó như Bluetooth trên điện thoại vậy,” ông nói.
Elon Musk đã đồng sáng lập nên Neurolink từ năm 2017 và giữ vị trí CEO. Nhà sáng lập còn lại của công ty là Max Hodak, cử nhân ngành khoa học y học của đại học Duke và từng tham gia sáng lập hai công ty là MyFit và Transcriptic.
Theo thông tin của Pitchbook, Neurolink đã kêu gọi được 66,27 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm. Giá trị ước tính của startup này lên tới 509,3 triệu USD.
Musk và Hodak đều hướng tới mục tiêu sử dụng công nghệ kết nối não người với máy tính để cải thiện cuộc sống của những người bị chấn thương não hoặc mắc phải các bệnh lý khác ảnh hưởng tới hệ thần kinh. Sau khi thảo luận với rất nhiều bệnh nhân, đích đến đầu tiên của doanh nghiệp này là giúp họ điều khiển điện thoại di động.