NỘI DUNG CHÍNH
1. THỤY ĐIỂN: QUỐC GIA CHÁN TIỀN MẶT, YÊU NỘP THUẾ, THÍCH SỐNG TỰ KỈ
2. TOP NHỮNG NGÀNH TRẢ LƯƠNG CAO NHẤT VIỆT NAM
3. VIỆT NAM LỰA CHỌN KỊCH BẢN NÀO ĐỂ ĐÓN LÀN SỐNG SỐ
4. CUỘC CHIẾN SHIPPING WALMART VÀ AMAZON
THỤY ĐIỂN: QUỐC GIA CHÁN TIỀN MẶT, YÊU NỘP THUẾ, THÍCH SỐNG TỰ KỈ
Sướng quá hóa tự kỷ
Thụy Điển là một quốc gia giàu có. Nền kinh tế này tăng trưởng 3,3% trong quý I/2018, thuộc hàng nhanh nhất Châu Âu.
Bởi vậy chính phủ Thụy Điển liên tục tăng thuế, nhiều khoản lên tới 60% nhưng người dân vẫn chẳng than phiền mấy bởi những chính sách hỗ trợ công mà họ nhận lại được là rất nhiều.
Tổng mức thuế bình quân tại Thụy Điển đã tăng từ 42,6% GDP năm 2014 lên 44,1% GDP năm 2016, cao thứ 5 trong số 35 nước phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Bù lại, Thụy Điển luôn nằm trong top 5 nước có người dân hạnh phúc nhất thế giới nhờ hệ thống phúc lợi, y tế, giáo dục và việc làm ổn định. Chính phủ nhận được tiền thuế cao từ người dân nên đổi lại đầu tư tích cực cho cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội.
Lối sống yên bình, không đòi hỏi nhiều của người dân cùng một chính sách trợ cấp tốt khiến một thế hệ người Thụy Điển dần sống cô đơn, dựa dẫm và ít liên hệ với cộng đồng. Các khu vực dân cư tại Thụy Điển thường cách nhau khá xa và tại nhiều vùng, các gia đình thậm chí sống tách biệt trong những mảng rừng hoặc thị trấn hẻo lánh.
Đáng ngạc nhiên hơn, chất lượng sống quá tốt khiến người dân nước này dần ỷ lại vào chính phủ. Hãy tưởng tượng một công dân Thụy Điển sinh ra, chính phủ sẽ nuôi anh/cô ấy ăn học đến 18 tuổi. Ra trường nếu không tìm được việc làm thì chính phủ sẽ hỗ trợ tìm việc làm hoặc chi trả mức trợ cấp thất nghiệp kha khá. Đến khi đi làm, chính phủ sẽ cho phép làm 6 tiếng thay vì 8 tiếng mỗi ngày. Về hưu, Chính phủ sẽ nuôi bằng mức lương hưu cao hàng đầu thế giới.
Yêu nộp thuế
Nếu xem xét quốc gia nào có người dân yêu nộp thuế nhất thế giới, chắc chắn Thụy Điển là một ứng cử viên sáng giá. Năm 2017, Ngân hàng trung ương Thụy Điển thậm chí đã phải than phiền việc người dân đóng thuế quá nhiều. Tính đến hết năm 2016, Thụy Điển thặng dư ngân sách 85 tỷ Skr, tương đương 9,5 tỷ USD và gần 1/2 trong số này là tiền thuế đóng dư của người dân.
Tuy nhiên việc đóng thuế nhiều này lại không hẳn do ý thức của mọi người mà là do chính sách tài chính.
Năm 2015, Thụy Điển hạ lãi suất xuống dưới 0% để kiềm chế lạm phát, hệ quả là việc gửi tiền trong ngân hàng thương mại không còn hấp dẫn khi càng gửi càng mất tiền. Dẫu vậy, Thụy Điển lại có quy định khá lạ là mọi người có thể đóng thuế dư và hưởng lãi suất tối thiểu 0,56%/năm trên phần thuế dư đó. Hệ quả là mọi người đua nhau đi đóng thuế để hưởng lãi suất.
Chính phủ Thụy Điển hiện đang xem xét để tăng thuế nhằm giảm bớt khoản thặng dư “kỳ cục” này, nhưng mức thuế của nước này lại đang thuộc hàng cao nhất Châu Âu nên các nhà hoạch định chính sách cũng khá bối rối.
Chán tiền mặt
Với một nền kinh tế sưu cao thuế nặng, người dân ở xa, sống độc lập và hệ thống tài chính công nặng nề, Thụy Điển chắc chắn sẽ ưu tiên cho các giải pháp thanh toán điện tử như tiền ảo, hay chuyển khoản.
Khoảng 20% người dân Thụy Điển hiện nay không còn dùng máy rút tiền tự động (ATM). Tiền mặt hiện chỉ còn đại diện cho 1% nền kinh tế Thụy Điển, thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung 10% của Châu Âu và 8% của Mỹ.
Khảo sát của Insight Intelligence cho thấy chỉ 25% số người Thụy Điển thanh toán tiền mặt ít nhất 1 lần/tuần năm 2017, thấp hơn 63% so với cách đây 4 năm. Trong khi đó, khoảng 36% số người dân không dùng tiền mặt hoặc chỉ dùng 1-2 lần mỗi năm.
Theo: nhịp sống kinh tế
TOP NHỮNG NGÀNH TRẢ LƯƠNG CAO NHẤT VIỆT NAM
Trong năm 2018, Công nghệ cao, Dược phẩm, Hóa chất là top 3 ngành có tỷ lệ tăng lương cao nhất Việt Nam với mức tăng lần lượt 9,7%, 9,1% và 9%… theo kết quả khảo sát của Công ty Talentnet – Mercer dựa trên báo cáo lương thưởng của 602 doanh nghiệp từ 16 ngành nghề khác nhau với dữ liệu lương của hơn 314.000 nhân viên trên khắp Việt Nam.
Cũng theo bảng khảo sát này, 3 ngành có tỷ lệ tăng lương thấp nhất thuộc về Giáo dục, Dịch vụ tài chính – ngân hàng và Dầu khí, với lần lượt là 7,1%, 6,5% và 5,8%.
Còn theo Vietnamworks, top 5 các ngành nghề được trả lương cao nhất hiện nay liên quan đến: Tài chính/đầu tư, Ngân hàng, Công nghệ thông tin, Marketing; Xây dựng.
Trong lĩnh vực Tài chính/đầu tư, có 25% người thuộc vị trí quản lý/trưởng phòng đang nhận được mức lương từ mốc 70 triệu đồng trở lên. Các vị trí khác như sau: mới ra trường 5 triệu đồng; có kinh nghiệm 7.2 triệu đồng; trưởng nhóm/giám sát 12,5 triệu đồng; quản lý/trưởng phòng 25 triệu đồng.
Ngành Công nghệ thông tin sinh viên mới ra trường nhận khoảng từ 6 đến 9 triệu đồng. Cấp quản lý, trưởng phòng nhận mức khoảng 20 đến 45 triệu đồng.
Một số ngành không bao giờ hạ nhiệt như Bác sĩ – Dược sĩ có mức lương từ 20 triệu – 30 triệu đồng/tháng. Từ 2015 – 2020, theo Bộ Y tế, Việt Nam cần phải bổ sung 10.887 dược sĩ Đại học và 83.851 điều dưỡng.
Với sự phát triển không ngừng nghỉ của công nghệ thông tin, các ngành liên quan đến Công nghệ thông tin – kỹ sư phần mềm, Kỹ sư Trí tuệ nhân tạo… đang nhận được mức lương kỷ lục. Theo khảo sát, mức lương trung bình đa phần các doanh nghiệp sẵn sàng trả cho các lập trình viên có kinh nghiệm là 1.318 USD/tháng (khoảng 30 triệu đồng).
TopDev đã công bố mức lương của các kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam lên đến 22.000 USD, tương đương hơn 510 triệu đồng mỗi năm.
Kỹ sư về Machine Learning có mức lương lên tới hơn 38,2 triệu đồng/tháng (1.678 USD), Nhà khoa học dữ liệu và Kỹ sư về DevOps nhận lương 35 triệu đồng/tháng (1.537 USD) và hơn 34,3 triệu đồng/tháng (1.505 USD).
Theo dự báo của các chuyên gia, Việt Nam sẽ thiếu từ 70.000 đến 90.000 nhân sự công nghệ thông tin trong năm 2019 trên tổng nhu cầu 350.000 người của toàn thị trường.
Một ngành cực hot không thể không nhắc tới là các nghề liên quan đến Hàng không. Năm 2018, phi công Vietnam Airlines nhận lương 132,5 triệu đồng/tháng . Tiếp viên hàng không 28,9 triệu đồng/tháng.
Đối với ngành Marketing, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, từ nay đến năm 2020, ngành Marketing cần đến 10.000 lao động trở lên cho mỗi năm, dẫn đầu trong 6 lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao nhất.
Nhân viên Marketing ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ 400 đến 600 USD một tháng, cấp quản lý từ 1.000 đến 1.500 USD một tháng. Các vị trí cụ thể ở các công ty ở Việt Nam có mức lương như sau: Nhân viên Marketing 14,000,000 – 18,000,000 VNĐ/tháng; Account Manager 24,000,000 – 34,000,000 VNĐ/tháng; Brand Manager 35,000,000 – 45,000,000 VNĐ/tháng…
Nguồn: trí thức trẻ
VIỆT NAM LỰA CHỌN KỊCH BẢN NÀO ĐỂ ĐÓN LÀN SỐNG SỐ
Làn sóng công nghệ số mang lại tiềm năng chuyển đổi Việt Nam thành một nền kinh tế vượt trội của châu Á, cùng mức sống cao hơn cho người dân.
Báo cáo Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045 do CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chỉ ra 3 kịch bản phát triển cho nền kinh tế Việt Nam đến năm 2045.
- Trong kịch bản tối ưu Chuyển đổi số, mức tăng thêm GDP đạt 1,1%/năm (tương đương 168,6 tỷ USD), Việt Nam thực hiện chuyển đổi số cơ bản ở tất cả các ngành nghề và dịch vụ công. Cùng với đó, xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ CNTT&TT tăng
Song, rủi ro là nguy cơ tấn công mạng trên toàn quốc cao hơn, bất bình đẳng giữa nông thôn – thành thị gia tăng; Phát sinh các vấn đề liên quan tới những việc làm bị thay thế bởi tự động hóa.Theo đó, trong kịch bản xấu nhất Truyền thống, mức độ chuyển đổi số của Việt Nam ở mức thấp và ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) hoạt động nhỏ lẻ, GDP tăng thêm chỉ đạt mức 0,38%/năm (tương đương 60,9 tỷ USD). Rủi ro của kịch bản này là năng suất lao động thấp sẽ dẫn đến mất đi năng lực cạnh tranh về kinh tế, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói trong xã hội.
- Hai kịch bản còn lại là xuất khẩu số và tiêu dùng số có tăng trưởng GDP thêm ở mức tương ứng là 0,45% (66,9 tỷ USD) và 0,63% (102,8 tỷ USD). Tuy nhiên, theo bà Lucy Cameron, Tư vấn nghiên cứu cao cấp CSIRO, cả hai kịch bản xuất khẩu số và tiêu dùng số đều không có lợi cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Năm 2019, Việt Nam được coi là một thị trường mới nổi hàng đầu thế giới (theo đánh giá của World Bank). Câu chuyện phát triển của Việt Nam đang dần được hé mở. Với khát vọng vươn lên vị thế quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035, Việt Nam đang nhắm tới nền kinh tế số làm bàn đạp cho kỷ nguyên tăng trưởng tiếp theo.
Nguồn: VOV
CUỘC CHIẾN SHIPPING WALMART VÀ AMAZON
Mới đây, Walmart đã châm ngòi cho cuộc chiến shipping mới với Amazon khi tuyên bố cung cấp dịch vụ “Next-day shipping”, cạnh tranh trực tiếp với Prime của đối thủ.
Nếu như trước đó, vào ngày 25/4, Amazon cho biết họ sẽ chi 800 triệu USD để thiết lập tiêu chuẩn vận chuyển trong một ngày cho việc giao hàng đối với thành viên Prime thì không lâu sau, Walmart công bố đã sẵn sàng triển khai dịch vụ giao hàng vào ngày kế tiếp tại 3 tiểu bang và sẽ có thể cung cấp cho 75% người tiêu dùng Hoa Kỳ vào cuối năm nay
Trong khi “gây chiến” với người khổng lồ thương mại điện tử Amazon thường bị cho là quyết định dại dột thì lần này, Walmart dường như đang “trên cơ” và có khả năng dành phần thắng nếu bắt kịp được những dịch vụ mới mà đối thủ đề ra.
Dưới đây là những lý do vì sao Amazon nên lo ngại trước nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ:
Thứ nhất, Walmart có cơ sở hạ tầng cần thiết còn Amazon chỉ đang trong quá trình xây dựng.
Thứ hai, dù Walmart công bố dịch vụ ship hàng ngày nói trên sau gần 3 tuần từ ngày Amazon tiết lộ kế hoạch cắt giảm tốc độ giao hàng của Prime xuống còn 1 ngày nhưng theo CEO Marc Lore của Walmart, họ đã bắt đầu triển khai kế hoạch này được 2 năm.
Xét đến lượng người mua trực tuyến, Walmart cũng cho thấy mình là một đối thủ đáng gờm đến mức nào. Theo một nghiên cứu được công bố mới đây bởi Coresight Research, dù vẫn chưa đuổi kịp Amazon nhưng lượng người mua trực tuyến của Walmart đã tăng vọt lên 37,4%, so với 25,5% vào năm 2018.
Một điều quan trọng khác là phí thành viên. Đối với dịch vụ Prime của Amazon, các thành viên phải đóng phí 119 USD trong khi Walmart đã tuyên bố trên Twitter rằng dịch vụ vận chuyển sẽ hoàn toàn miễn phí đối với các đơn hàng trị giá từ 35 USD trở lên. Đây có thể coi là điểm mấu chốt giúp Walmart giành ưu thế so với đối thủ trong cuộc chiến này.
Nguồn: nhịp sống kinh tế