Cùng Lead The Change tìm hiểu 4 tin tức hot nhất hôm nay nhé
- Vingroup mở trường đào tạo phi công VinAviation School và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air
- Go-Jek nhận đầu tư từ ngân hàng lớn nhất Thái Lan Siam Commercial Bank – SCB
- Căng thẳng thương mại Nhật-Hàn leo thang
- Sân bay Changi Singapore xây ống trượt để hành khách ra cửa máy bay nhanh hơn
Vingroup mở trường đào tạo phi công VinAviation School và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air
Ngày 29/5/2019, Phòng Đăng ký Kinh doanh Thành phố Hà Nội đã cấp đăng ký thay đổi cho CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VinAsia đổi tên thành CTCP Hàng không Vinpearl Air, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không. Công ty có 3 cổ đông sáng lập gồm CTCP Phát triển Du lịch VinAsia (45%), ông Hoàng Quốc Thủy (30%) và ông Phạm Khắc Phương (25%). Ông Phạm Khắc Phương là người từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt tại Vingroup và Vinpearl.
Thông tin này tràn ngập trên các phương tiện truyền thông ngày hôm qua, tuy nhiên phía Vingroup chưa hề lên tiếng khẳng định về việc này.
Thay vào đó, Vingroup cho biết Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn CAE (Canada) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới. Dự kiến, mỗi năm sẽ có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và EASA được cung ứng ra thị trường.
Nhằm đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam và khu vực; góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực phi công và kỹ thuật bay – Tập đoàn Vingroup quyết định mở trường đào tạo phi công và -thợ máy.
Để triển khai chủ trương trên, Vingroup đã ký kết thỏa thuận hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy – tổ chức đào tạo hàng không hàng đầu thế giới – thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt nam.
Trong đó, VinAviation School đào tạo phi công, thợ máy cơ bản theo tiêu chuẩn CAAV và tiêu chuẩn quốc tế được FAA và IASA công nhận tại Việt Nam; chỉ tiêu dự kiến là 400 phi công và thợ máy/năm. Vinpearl Air đào tạo huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phối bay, tiếp viên hàng không và các nhân viên hàng không khác.
Riêng nhóm ngành quản trị hàng không, kinh tế vận tải hàng không và kỹ sư máy bay sẽ do trường Đại học VinUni đảm nhiệm.
Go-Jek nhận đầu tư từ ngân hàng lớn nhất Thái Lan Siam Commercial Bank – SCB
Theo nguồn tin của Bloomberg, startup gọi xe Go-Jek, có trụ sở tại Indonesia, đã nhận được một khoản đầu tư từ Siam Commercial Bank Pcl – ngân hàng có cổ đông lớn nhất là Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn.
Nguồn tin giấu tên không tiết lộ giá trị khoản đầu tư này, nhưng cho biết thương vụ sẽ giúp Go-Jek mở rộng các dịch vụ tài chính, còn ngân hàng Siam Commercial Bank Pcl thúc đẩy doanh thu trong lĩnh vực trực tuyến.
Theo Bloomberg, các nhà băng tại Đông Nam Á đang đua nhau hợp tác với các hãng công nghệ để tung ra các dịch vụ tài chính từ thanh toán trực tuyến cho tới cho vay tiêu dùng. Trước đó, ngân hàng Kasikornbank Pcl của Thái Lan cũng đã đầu tư 50 triệu USD vào Grab – đối thủ của Go-Jek tại Đông Nam Á, và nhắm tới phát triển ví điện tử đồng thương hiệu.
Ra đời hơn 1 thế kỷ trước bởi hoàng gia Thái Lan, Siam Commercial Bank hiện là ngân hàng lớn nhất tại nước này. Ngân hàng này là nhà đầu tư mới nhất tham gia vòng gọi vốn Series F đang diễn ra của Go-Jek.
Đến nay, startup Indonesia đã huy động được hơn 1 tỷ USD trong vòng gọi vốn này, theo tin từ Bloomberg hồi tháng 2. Tham gia vòng gọi vốn này của Go-Jek có Google của Alphabet, JD.com Inc. và Tencent Holdings Ltd. cùng Provident Capital. Đầu tuần này, Go-Jek tuyên bố nhận được thêm vốn đầu tư từ Mitsubishi Motors Corp., Mitsubishi Corp. và Mitsubishi UFJ Lease & Finance Co. trong khuôn khổ vòng Series F.
Căng thẳng thương mại Nhật-Hàn leo thang
Nhật Bản ngày 9/7 bác bỏ lời kêu gọi của Hàn Quốc về xóa bỏ hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng công nghệ cao, đẩy leo thang căng thẳng giữa hai nước trong một mâu thuẫn ngoại giao đã kéo dài nhiều thập kỷ.
Căng thẳng này có nguy cơ gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu về chip nhớ và điện thoại thông minh (smartphone) – hãng tin Reuters cho hay.
Tuần trước, Nhật Bản tuyên bố hạn chế xuất khẩu đối với 3 nguyên liệu sử dụng cho màn hình smartphone và con chip. Lý do của lệnh cấm này là mâu thuẫn giữa Tokyo với Seoul về vấn đề người Hàn Quốc bị ép buộc làm việc cho các công ty Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Động thái của Nhật Bản có thể gây ảnh hưởng lớn đến các tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix, qua đó cho thấy tầm quan trọng của Nhật Bản đối với một bộ phận sống còn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông qua lệnh cấm, Chính phủ Nhật Bản sử dụng vị thế này để làm “lá bài mặc cả” với Hàn Quốc.
Tại Seoul, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cho biết Bộ Ngoại giao nước này dự kiến sẽ trao đổi với phía Mỹ về lệnh cấm của Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc cũng đang cân nhắc sang Mỹ để làm việc về vấn đề này.
Phát biểu của ông Seko được xem là câu trả lời đối với lời kêu gọi của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người vào hôm thứ Hai kêu gọi Nhật Bản rút lệnh cấm. Ông Moon cũng nói Hàn Quốc không loại trừ khả năng có biện pháp trả đũa vì những thiệt hại mà lệnh cấm của Nhật Bản gây ra đối với các công ty Hàn Quốc.
Biện pháp hạn chế mà Nhật Bản đưa ra buộc các nhà xuất khẩu của nước này phải xin giấy phép cho mỗi lô hàng thuộc 3 nguyên liệu trên được xuất khẩu sang Hàn Quốc. Thời gian chờ được cấp phép vào khoảng 90 ngày.
Sân bay Changi Singapore xây ống trượt để hành khách ra cửa máy bay nhanh hơn
Sân bay quốc tế Changi không chỉ hấp dẫn du khách bởi dịch vụ tiện nghi, nhiều background “sống ảo” đẳng cấp mà còn sở hữu những tiện ích kì lạ. Điển hình là chiếc ống trượt đưa khách đến thẳng cửa ra máy bay.
Từ lâu, quốc đảo Singapore đã nổi tiếng là một trong những thiên đường du lịch của Đông Nam Á. Đến đây, bạn sẽ không thể bỏ qua 1001 thứ thú vị như: món cua sốt cay, cơm gà Hải Nam, vườn thú Night Safari, chú sư tử đuôi cá Merlion nằm bên bờ biển… Ngoài ra, sân bay quốc tế Changi cũng là địa điểm được du khách lui tới thường xuyên không kém với những tiện ích độc lạ.
Cụ thể, sau khi qua cửa an ninh là bạn sẽ được trải nghiệm ngay ống trượt độc đáo này rồi. Xem đoạn video, có thể nhận thấy được sự phấn khích của anh chàng El Askary khi trượt với tốc độ siêu nhanh trong chiếc ống này. Hiện, vẫn chưa xác định được các thông số về kích thước của ống trượt ở ga số 4 cao bao nhiêu.
Trước đó, trang Insider đã từng đưa tin về một ống trượt tương tự nhưng có kích thước to hơn tại ga số 3 ở sân bay Changi. Ống trượt này có chiều cao 12 mét, uốn lượn qua 4 tầng của sân bay, nối liền từ tầng 1 đến tầng hầm 3. Đây cũng được xem là ống trượt cao nhất thế giới tại sân bay.
Tuy nhiên, có một lưu ý nhỏ cho những ai đang có ý định trải nghiệm ống trượt này đó là: bạn phải chi trả 10 đô la Singapore tại bất kỳ nhà hàng hay cửa hàng bán lẻ nào trong sân bay Changi thì mới được phép sử dụng một trong hai ống trượt tại đây.