NỘI DUNG CHÍNH
- SÁNG NAY VIETTEL SẼ THỰC HIỆN CUỘC GỌI ĐẦU TIÊN TRÊN MẠNG 5G
- THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ CAO “MADE BY VIETTEL” ĐÃ BẮT ĐẦU KHÓ TIN NHƯ THẾ NÀO
- THẾ GIỚI TIÊU THỤ RƯỢU BIA NHIỀU NHẤT TRONG 30 NĂM QUA
- TÀI XẾ TAXI CÔNG NGHỆ ĐÌNH CÔNG TẠI MỸ
[KINH TẾ]
SÁNG NAY VIETTEL SẼ THỰC HIỆN CUỘC GỌI ĐẦU TIÊN TRÊN MẠNG 5G
Sáng nay 10/5/2019, Viettel bắt đầu thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên mạng 5G bằng thiết bị của Ericsson. Như vậy, Viettel là nhà mạng đầu tiên của Việt Nam tổ chức thử nghiệm cuộc gọi trên mạng 5G.
Đại diện Viettel cho biết, nhà mạng muốn sử dụng băng tần 3.3 GHz đến 3.8 GHz để thử nghiệm 5G tại Hà Nội. Tuy nhiên, theo đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện của Bộ TT&TT, điều này đang gặp phải những vướng mắc nhất định do bị trùng về tần số. Cục sẽ làm việc với Viettel và đại diện các bên có liên quan để giải quyết dứt điểm tình trạng đó.
Trước đó, ngày 25/4/2019, Viettel đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được Bộ TT&TT cấp phép. Viettel cho biết, tốc độ kết nối trong các bài thử nghiệm dao động từ 600 – 700Mbps, tương đương với tốc độ cung cấp cho khách hàng mạng 5G Verizon của Mỹ.
Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất trên thế giới. Thời gian từ khi những thiết bị 5G đầu tiên cập cảng ngày 25/3 đến thời điểm tích hợp và phát sóng xong chỉ trong 1 tháng. Các kỹ sư Viettel đã lắp đặt gần 1 tấn thiết bị chỉ trong 5 ngày. Toàn bộ thời gian còn lại cho tích hợp thiết bị và cấu hình mạng lõi bởi 5G vẫn là công nghệ mới đối với các nhà mạng trên thế giới.
Nguồn: infornet
[CÔNG NGHỆ]
THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ CAO “MADE BY VIETTEL” ĐÃ BẮT ĐẦU KHÓ TIN NHƯ THẾ NÀO
Đầu năm 2010, Nhà máy thông tin M1 được Bộ Quốc phòng quyết định chuyển giao về Tập đoàn Viettel. Lúc đó, kỳ vọng được đặt ra chỉ là Viettel phải chủ động nghiên cứu sản xuất xuất được các thiết bị thông tin quân sự.
Trước đó, Viettel vẫn là một công ty viễn thông nhưng với việc tiếp nhận Nhà máy thông tin M1, đơn vị này đã quyết định mở thêm một trang mới. Sau khi nhận M1, ban lãnh đạo Viettel thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Chế thử. Gọi là Trung tâm nhưng những ngày đầu tiên, trung tâm này chỉ có 5 người làm việc trong một căn phòng rộng khoảng 20m2.
Nhiệm vụ đầu tiên của Trung tâm là sản xuất máy thông tin quân sự sóng ngắn 125 wat (tên sản phẩm là VRS 641). Khi đó, cả trung tâm chưa ai từng làm, trong nước cũng chưa có công ty nào thực hiện. Tất cả các kỹ sư của M1 khi đó còn mơ hồ về nguyên lý để làm ra vỏ máy, chưa nói đến thiết kế phần cứng, rồi nguồn linh kiện đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thiết bị quân sự…
Sau 8 tháng tập trung chỉ làm một dự án, chiếc máy thông tin quân sự đầu tiên do Viettel làm chủ toàn bộ đã ra đời. Chiếc máy thứ 2 mà Nhà máy M1 được giao sản xuất là thông tin sóng ngắn 150 wat chuyên dùng cho Quân chủng Phòng không Không Quân.
Trước khi Viettel tiếp nhận M1 và quyết tâm tiến vào lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, không có mấy người tin công ty này có thể thành công. Trên thực tế, dù máy thông tin quân sự nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng thế giới cũng chỉ vài nước với những tổ hợp quân sự khổng lồ như Mỹ, Pháp, Israel, Trung Quốc… sản xuất được.
Đến nay, Viettel đã sản xuất được 8 loại máy thông tin quân sự khác nhau với công nghệ ở thế hệ thứ 4 (loại máy tiên tiến nhất trên thế giới ở thế hệ thứ 5). Quan trọng hơn, nhờ làm chủ cả phần cứng và phần mềm của thiết bị, mức độ bảo mật cao đối với lực lượng quân đội Việt Nam đã có lời giải.
Sản xuất máy thông tin quân sự chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện trong công cuộc khai mở một hướng đi mới của Viettel, với mục tiêu trở thành Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao vào năm 2020. Riêng với sản xuất máy thông tin quân sự cũng như nhiều khí tài công nghệ cao khác, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) đã khởi tạo một thực tại mới cho nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam
Nguồn: infornet
[THẾ GIỚI]
THẾ GIỚI TIÊU THỤ RƯỢU BIA NHIỀU NHẤT TRONG 30 NĂM QUA
Nhu cầu rượu, bia tăng mạnh tại Trung Quốc và Ấn Độ là nguyên nhân chính khiến lượng tiêu thụ rượu bia trên toàn thế giới tăng nhiều nhất trong 30 năm qua.
Theo báo cáo đăng trên tạp chí Y khoa The Lancet, lượng rượu, bia tiêu thụ sẽ tăng thêm 17% trong 10 năm tới. Trung bình mỗi năm 1 người trưởng thành uống 6,4 lít rượu bia và dự báo đến năm 2030, sẽ có một nửa số người trưởng thành tiêu thụ các đồ uống có cồn, gần 1/4 trong số đó sẽ uống say ít nhất 1 lần mỗi tháng.
Những con số này đang rời xa các mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề ra, đó là giảm 10% việc sử dụng các đồ uống có cồn gây hại vào năm 2025 trong bối cảnh đồ uống có cồn có liên quan đến hơn 200 căn bệnh và là nguyên nhân khiến hơn 3 triệu người tử vong mỗi năm.
Nguồn: VTV
[SỰ KIỆN]
TÀI XẾ TAXI CÔNG NGHỆ ĐÌNH CÔNG TẠI MỸ
Khoảng 10.000 tài xế taxi công nghệ của 2 hãng Uber và Lyft đã cùng tắt ứng dụng và đình công tại New York, Mỹ để phản đối điều kiện làm việc kém và lương thấp.
Cuộc đình công diễn ra vài tuần sau khi Lyft được niêm yết trên sàn chứng khoán và chỉ 2 ngày trước phiên ra mắt cổ phiếu lần đầu của Uber.
Gần đây, Uber và Lyft đều đưa ra các cách tính tiền phức tạp hơn mà theo tính toán của các tài xế, điều này đã làm thu nhập của họ giảm từ 10 – 20%. Bên cạnh đó, tài xế taxi công nghệ không được hưởng chính sách nghỉ bệnh, nghỉ mát thường niên và họ phải tự trang trải tất cả chi phí như: xăng dầu, bảo trì xe.
Nguồn: VTV