Cùng Lead The Change điểm qua 4 tin tức hot nhất ngày 4.7 nhé:
- Vietjet muốn mở sàn TMĐT, mục tiêu trở thành “Hãng hàng không tiêu dùng”
- Trái đất ấm lên: Các công ty lớn nhất thế giới thiệt hại gần 1.000 tỷ USD
- Mạng 5G sẽ đóng góp gần 900 tỷ USD cho kinh tế châu Á trong 15 năm tới
- Big C tạm dừng nhập tất cả sản phẩm may mặc của các nhà cung cấp tại Việt Nam
Vietjet muốn mở sàn TMĐT, mục tiêu trở thành “Hãng hàng không tiêu dùng”
Theo thông tin từ Nikkei, hãng hàng không giá rẻ Vietjet vừa tiết lộ kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử bán tất cả mọi thứ, từ hàng tiêu dùng đến dịch vụ tài chính. Động thái này của Vietjet được cho là giống hãng hàng không AirAsia của Malaysia trong việc tìm kiếm phương thức mới để tạo ra lợi nhuận từ dữ liệu khách hàng.
Theo Phó Tổng Giám đốc Vietjet, bà Nguyễn Thị Thúy Bình, các hãng hàng không giá rẻ đang có xu hướng tìm cách tận dụng dữ liệu phong phú của họ để mở rộng phạm vi ra ngoài du lịch và xâm nhập sâu hơn vào nhiều lĩnh vực đời sống thường ngày của người tiêu dùng.
Bà Bình chia sẻ với Nikkei Asian Review: “Theo khái niệm của chúng tôi về ‘Hãng hàng không tiêu dùng’, chúng tôi sẽ có một nền tảng thương mại điện tử để phục vụ không chỉ vé máy bay mà bất cứ thứ gì khách hàng cần.
Theo bà Bình, nền tảng này sẽ bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính cũng như khách sạn và hàng tiêu dùng… Ý tưởng là để các công ty đối tác trong những lĩnh vực trên tham gia nền tảng của Vietjet và sử dụng công nghệ blockchain để chia sẻ giao dịch lẫn nhau một cách thuận lợi hơn. Hãng cho biết họ đã đàm phán với một số công ty về kế hoạch này.
Bà Bình nói rằng đối tượng mục tiêu hiện tại là tập khách hàng của hãng, số lượng dự kiến sẽ đạt 30 triệu người trong năm nay, tăng 30% so với năm 2018. Tuy nhiên, bà Bình tin rằng sau hai năm nữa, hành khách sẽ không phải là những người duy nhất sử dụng nền tảng của Vietjet. Bà tiết lộ: “Chúng tôi đang tích hợp với các công ty từng bước để làm cho hệ thống phong phú hơn”.
Trái đất ấm lên: Các công ty lớn nhất thế giới thiệt hại gần 1.000 tỷ USD
Biến đổi khí hậu – điểm nóng bàn luận của cộng đồng quốc tế trong thời gian qua – được dự báo sẽ gây thiệt hại xấp xỉ 1.000 tỷ USD cho các công ty đại chúng lớn nhất trên thế giới, theo một khảo sát mới đây từ tổ chức phi lợi nhuận CDP.
Trong số 500 công ty lớn nhất thế giới (xét theo giá trị vốn hoá thị trường) được CDP (Carbon Disclosure Project – Dự án Công khai tác động của khí thải carbon) lựa chọn nghiên cứu, có 366 công ty, hoạt động trong các lĩnh vực từ công nghệ, khai khoáng cho đến thực phẩm và tài chính, đã tham gia trả lời khảo sát.
Theo CDP, 215 công ty lớn nhất trong số 500 công ty trên dự báo, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, như nhiệt độ gia tăng, cháy rừng, thời tiết thất biến, cực đoan, hạn hán kéo dài… sẽ đạt xấp xỉ 1.000 tỷ USD, trừ phi các biện pháp chủ động ứng phó hiện tượng này được triển khai.
Và phần lớn thiệt hại sẽ xảy ra trong vòng 5 năm tới. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến trong danh sách này bao gồm Sony, Apple, Infosys, Alphabet, JP Morgan, Visa, Microsoft, Unilever, UBS, Nestle, China Mobile, Sony, BHP.
“Dù con số nói trên là rất lớn, nhưng rõ ràng, nó chỉ là phần nổi của tảng băng”, Bruno Sarda – Chủ tịch khu vực Bắc Mỹ của CDP – nhận định. Các nghiên cứu mô phỏng khí hậu bằng máy tính trước đây từng đưa ra ước tính, rủi ro từ hiện tượng trái đất ấm dần lên, nếu không được kiểm soát, có thể khiến khu vực tài chính thế giới thiệt hại 1.700 – 24.200 tỷ USD.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, biến đổi khí hậu và hiện tượng trái đất ấm dần lên cũng mang lại cơ hội kinh doanh khổng lồ cho các sản phẩm, dịch vụ hướng đến một nền kinh tế ít carbon.
Theo đó, 225 công ty trong số 500 công ty lớn nhất thế giới ước tính, cơ hội kinh doanh sẽ đạt 2.100 tỷ USD, với xác suất xảy đến khá cao hoặc gần như chắc chắn. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cũng dự báo, doanh thu tiềm năng đến từ các sản phẩm và dịch vụ phát thải thấp sẽ vào khoảng 1.200 tỷ USD.
Trước sức ép từ cổ đông và các cơ quan quản lý, nhiều công ty đại chúng lớn trên thế giới đã buộc phải công bố nhiều hơn về những tác động tài chính cụ thể mà họ sẽ đối mặt khi trái đất ấm dần lên, chẳng hạn: hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xáo trộn chuỗi cung ứng như thế nào, quy định thắt chặt xả thải carbon ảnh hưởng dòng đầu tư than và dầu khí ra sao.
Mạng 5G sẽ đóng góp gần 900 tỷ USD cho kinh tế châu Á trong 15 năm tới
Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu (GSMA) cho biết, các nhà điều hành di động châu Á dự kiến sẽ đầu tư 370 tỷ USD để xây dựng mạng lưới 5G trong giai đoạn 2018-2025.
Báo cáo trên cho biết, các nhà điều hành di động châu Á dự kiến sẽ đầu tư 370 tỷ USD để xây dựng mạng 5G trong giai đoạn 2018-2025, chiếm 2/3 tổng nguồn vốn đầu tư của họ vào các mạng lưới mới. Theo báo cáo, mạng 5G sẽ đóng góp gần 900 tỷ USD cho nền kinh tế châu Á trong 15 năm tới.
Ông Mats Granryd – Tổng giám đốc GSMA – cho hay, dù mạng 4G vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trên khắp khu vực châu Á, song các nhà mạng trong khu vực đang đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án phát triển mạng 5G tiên tiến, nhằm cung cấp một loạt dịch vụ mới cho khách hàng, cải thiện ngành công nghiệp và chế tạo, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo tính toán, đến năm 2025, khoảng 18% kết nối di động của khu vực châu Á sẽ được vận hành trên hệ thống mạng 5G. Trong khi đó, công nghệ di động 4G sẽ chiếm gần 70% kết nối tại châu Á vào năm 2025, tăng so với mức 52% năm 2018.
Là nước dẫn đầu trong triển khai ứng dụng 5G, Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư 184 tỷ USD để phát triển mạng 5G vào năm 2025. Trung Quốc hiện đang thử nghiệm mạng 5G tại các thành phố lớn và các tỉnh trên cả nước, trong đó có Thượng Hải, trước khi ra mắt thương mại vào năm tới. Dự kiến khoảng 28% kết nối di động của Trung Quốc sẽ “hòa mạng” 5G vào năm 2025, chiếm hơn 30% tổng kết nối 5G trên toàn cầu.
Sự phát triển của các công nghệ di động sẽ thúc đẩy kinh tế của khu vực châu Á. GSMA dự báo các công nghệ và dịch vụ di động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ tạo ra 1.900 tỷ USD vào năm 2023, tăng so với 1.600 tỷ USD (tương đương 5,3% GDP) trong năm 2018. Năm 2018, hệ thống sinh thái di động tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tạo hơn 18 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đồng thời đóng góp 165 tỷ USD tiền thuế vào ngân sách.
Big C tạm dừng nhập tất cả sản phẩm may mặc của các nhà cung cấp tại Việt Nam
Tập đoàn Central Group của Thái Lan vừa có thư gửi các đối tác tại Việt Nam thông báo về việc siêu thị Big C sẽ tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam.
Theo đó, Central Group cho biết, nhằm chuẩn bị cho việc tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, đơn vị này quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam.
“Kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới, chúng tôi sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo Hợp đồng Hợp tác Thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam. Tất cả các vấn đề phát sinh trước ngày 2/7/2019 sẽ tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại”, thông báo của Central nêu rõ.
Việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên được Central Group lý giải là do có sự thay đổi chiến lược trong phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan.