Ai cũng biết mỗi người trong chúng ta là một và duy nhất, thế nhưng các nghiên cứu về hành vi của con người đã hé lộ nhiều điều thú vị về lý do “Tại sao chúng ta lại làm theo cách mà chúng ta đang làm?”
Mặc dù chúng ta là những cá thể riêng biệt, chúng ta vẫn có vô số mẫu hành vi giống nhau do sự tương tự về cách hoạt động của hệ thần kinh. Chỉ là, các hành vi của mỗi người được sắp xếp theo rất nhiều cách khác nhau. Giống như việc pha chế cocktail, cùng có các nguyên liệu, có công thức, nhưng cách pha trộn các hương liệu khác nhau sẽ tạo nên hương vị khác nhau.
6 nhu cầu cốt lõi của con người sẽ giúp bạn tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi trên.
6 nhu cầu này chính là là điểm nguồn của mọi hành vi, cảm xúc và chất lượng hạnh phúc của chúng ta. Nhưng nó cũng là tác nhân tạo nên các cơn nghiện, bạo lực và trầm cảm trong cuộc đời.
Ai cũng có những nhu cầu về cơ bản là giống như, nhưng tại sao chúng ta lại có nhiều cuộc đời khác nhau? Có bao giờ bạn tự hỏi, điều gì tạo nên Elon Musk, Bill Gates, Steve Jobs,…? Hay nói chính xác hơn: Nếu không phải nhu cầu, thì yếu tố then chốt nào dự đoán được sự thành công và hạnh phúc dài lâu của một người?
Trước tiên hãy cùng tìm hiểu 6 nhu cầu cốt lõi từ Anthony Robbins.
1. Certainty (Sự chắc chắn):
Chúng ta cần sự ổn định, cụ thể, thoải mái, kiểm soát tình hình, có trật tự rõ ràng, dễ đoán trước được.
2. Uncertainty/ Variety (Sự không chắc chắn/ Sự đa dạng)
Chúng ta cần sự đa dạng, biến đổi, những bất ngờ, thử thách, sự thích thú, sự khác biệt, mạo hiểm, lộn xộn và mới lạ.
3. Significance (Quan trọng)
Chúng ta có nhu cầu cảm nhận mình là người quan trọng, khác biệt, độc nhất và cần thiết đối với người khác.
4. Connection/ Love (Sự gắn kết/ Sự yêu thương)
Cảm giác sự gần gũi và gắn kết với một ai đó hay một thứ gì đó.
5. Growth (Sự phát triển)
Mong muốn được nâng cao khả năng, năng lực và mức độ hiểu biết của mình.
6. Contribution (Sự đóng góp)
Nhu cầu được cho đi, giúp đỡ và hỗ trợ cho người khác.
Một ngày bình thường của chúng ta trôi qua, chúng ta luôn có 4 nhu cầu cơ bản đầu tiên (1. Certainty 2. Uncertainty/ Variety 3. Significance 4. Connection/ Love). Trong đó sẽ có 2 nhu cầu thôi thúc chúng ta đưa ra hành động và lựa chọn. Tuy nhiên sẽ chỉ có duy nhất một nhu cầu được ưu tiên nhất được gọi là “Driver”.
Tự hỏi mình: “Nếu mình chỉ được lựa chọn 1, thì đó sẽ là gì?”
Ví dụ: giữa sự chắc chắn và sự không chắc chắn/ đa dạng, thì mình sẽ chọn sự chắc chắn. Vậy nếu sự chắc chắn với sự quan trọng – sự chắc chắn. Sự chắc chắn so với sự kết nối/ sự yêu thương – sự chắc chắn. Vậy thì sau một hồi so sánh, Nhu cầu tiên quyết của bạn chính là: Sự chắc chắn.
Làm tương tự cho Nhu cầu tiên quyết thứ 2.
Trong khoảnh khắc đưa ra các quyết định quan trọng của cuộc đời mình, người đưa ra quyết định dựa trên nhu cầu chắc chắn sẽ có các quyết định khác về sự nghiệp, tình yêu, đầu tư và cuộc sống khác với những người thích sự Đa dạng.
Thậm chí ngay khi Nhu cầu tiên quyết đầu tiên của chúng ta giống nhau, điều đó cũng không có nghĩa chúng ta sẽ đưa ra quyết định giống nhau hoàn toàn. Vì chúng ta có sự khác biệt về “ngưỡng” – mức độ chịu đựng của mỗi người.
Nếu đặt mỗi nhu cầu là 100% thì chúng ta sẽ có thang đo với các điểm mà ở đó chúng ta thoải mái là chính mình nhất. Mỗi nấc thang nhu cầu sẽ có sự khác biệt trong hành vi khác nhau.
Những người có 60% nhu cầu về Sự chắc chắn thì họ sẽ rất thích đi đến những quán quen, nghe những bài nhạc cũ và thích công việc ổn định.
Trong khi những người có 75% nhu cầu về Sự chắc chắn thì thích mỗi ngày của mình sẽ có kế hoạch cụ thể, thích làm những việc mà mình kiểm soát được chất lượng.
Với những người có 90% nhu cầu về Sự chắc chắn – họ rất muốn kiểm soát được mọi khía cạnh của cuộc sống, chứng OCD – rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường là biểu hiện rõ ràng nhất. Cũng vì quá chắc chắn với những kế hoạch của mình, họ thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc đương đầu với những thay đổi bất ngờ đến từ cuộc sống.
3 YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI (Resourceful or Unresourceful ?)
Mỗi hành động của chúng ta đều được sinh ra để đáp ứng một nhu cầu nào đó của mình. Tuy nhiên, cái gì “quá” cũng sẽ không tốt. Việc chiều theo những nhu cầu sẽ dẫn đến những tiêu cực.
Để xác định đó là hành vi tiêu cực hay tích cực, hãy thử hỏi mình 3 câu sau:
1. Hành vi đó từ đâu mà có?
- Những hành vi xuất phát từ bên trong là những hành vi bạn chịu trách nhiệm với chúng về các hành động cũng như góc nhìn của bạn
- Những hành vi xuất phát từ môi trường bên ngoài là những hành vi cần có sự hỗ trợ/ tham gia/ kiểm soát của người khác để thực hiện
2. Hành vi này có bền vững hay không?
- Nếu tất cả mọi người có hành động giống hệt nhau thì thế giới này còn là một nơi đáng để sống hay không?
3. Tác động của hành vi tới hệ sinh thái như thế nào?
- Hành vi đó có tốt cho bạn, tốt cho xã hội và nhân loại hay không?
Hành vi tích cực là hành vi vượt qua 3 câu hỏi trên.
Điều cần nhớ đó chính là mỗi hành vi sẽ vẫn phụ thuộc vào bối cảnh. Cho nên sẽ có một số hành vi – bạn có thể thấy nó là tích cực, thế nhưng nếu đặt nó vào một bối cảnh khác – nó sẽ có thể trở thành một hành vi tiêu cực. Ví dụ: Việc dọn dẹp là một hành vi tốt để bạn có thể đáp ứng nhu cầu về sự chắc chắn của mình. Nhưng nếu bạn quá ám ảnh với việc dọn dẹp thì bạn sẽ không thể rời khỏi nhà được.
Mỗi nhu cầu đều có 2 hướng tác động đến hành vi. Chúng tạo nên hành động tiêu cực hoặc tích cực như sau:
NHU CẦU VỀ TINH THẦN
Chúng ta chỉ đạt được hai nhu cầu cuối cùng: nhu cầu phát triển và nhu cầu đóng góp khi mà chúng ta phát triển những hành vi tích cực để đáp ứng bốn nhu cầu trên cùng.
Chính vì thế, hai nấc nhu cầu cuối cùng này cũng khó hơn hẳn những cái phía trên.
Để thực sự học và phát triển cần chúng ta từ bỏ những thói quen/ lối suy nghĩ cũ trong “bộ nhớ” của mình để đón nhận những hành vi mới. Khi đó, chúng ta sẽ có thể khai phóng được những tiềm năng của mình, hiểu được chuyện gì mình làm được và không làm được, biết chọn chuyện vừa sức mình để làm.
Nhu cầu cuối cùng cũng chính là đích đến của cuộc đời viên mãn và hạnh phúc. Đó là khoảnh khắc chúng ta được cống hiến hết sức mình – biến những hành động của mình để trở thành “phao cứu sinh” cho cuộc đời người khác.
Lịch sử của con người (và bất cứ sinh vật nào) đã chứng minh rằng: những ai học được cách cộng tác và thích nghi tốt mới là người sống sót sau cùng.
Charles Darwin
Câu nói này nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc cộng tác, cùng nhau đóng góp để xây dựng một cộng đồng, một xã hội tích cực. Vì xét về bản chất, chúng ta đều mưu cầu được giúp đỡ cho người khác chỉ để được cảm nhận niềm hạnh phúc của sự cho đi.
Nếu bạn giúp đủ người biến ước mơ thành sự thành thì giấc mơ của chúng ta cũng sẽ được biến thành sự thật.
Zig Ziglar
VẬY LÀM SAO ĐỂ GIÚP CHO MỘT NGƯỜI PHÁT TRIỂN?
Đây là một hỏi dễ trả lời, nhưng khó để thực hiện. Để giúp một người thay đổi và đi lên cần rất nhiều nỗ lực và công sức, tuy nhiên đó không phải là điều bất khả thi.
Trước khi muốn giúp một người nào đó, hãy dừng lại để tìm hiểu những nhu cầu nào có ảnh hưởng nhất đến hành vi của họ thông qua các nhu cầu số 1, 3 và 4.
Hãy kiểm tra và định vị:
1. Vùng an toàn của họ là ở đâu
2. Điều gì khiến họ trở nên đặc biệt
3. Chất lượng các mối quan hệ của họ
Thấu hiểu được ba nhu cầu này sẽ có thể giúp ta “thiết kế” lộ trình cho họ thoát khỏi vùng an toàn (Nhu cầu chắc chắn) để đặt chân đến Vùng đất của những điều mới lạ (Nhu cầu về sự đa dạng). Từ đó họ có thể “mở”, sẵn sàng học hỏi, tận dụng triệt để tiềm lực của bản thân và tạo nên những đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội.
Chia sẻ của anh Huỳnh Công Thắng – Sáng lập Lead The Change