Thành thực mà nói thì câu hỏi “cuối tuần đi đâu?” cũng khó trả lời như kiểu “hôm nay ăn gì?”. Sài Gòn không nhiều sân chơi nhưng gần đây đã xuất hiện vô số các lớp học giải tỏa căng thẳng sẵn sàng chào đón các bạn trẻ đến tham dự.
Thế giới đánh thức tiềm năng nghệ thuật
1/ Học vẽ
Nhiều lớp học vẽ, học nhảy múa, học nhạc ra đời để phục vụ nhu cầu của người trẻ. Chi phí cho một buổi học vẽ thư giãn có giá 300.000 – 400.000 đồng chắc chắn không thể giúp ai đó thành họa sĩ nhưng ở đó sẽ dư thú vị và thừa mới mẻ để đổi gió cho một cuối tuần.
Người đi học không cần phải mang theo gì, mọi dụng cụ đã được chuẩn bị sẵn, ai đến với những lớp học này cũng sẽ có một bức tranh đẹp mang về sau 3 tiếng “múa cọ” dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các họa sĩ trẻ. Lúc đó, cảm giác của người tham gia chính là sự hưng phấn, muốn khám phá nhiều hơn về những khả năng tiềm ẩn của bản thân.
Học viên khi tham gia lớp học sẽ được hướng dẫn cách pha màu, những bước cơ bản để hoàn thiện một tác phẩm, từ đó sẽ có những sáng tạo của riêng mình chứ không nhất thiết phải giống hình mẫu. Lớp học cũng là sân chơi, giúp “người chơi” tự tin với bản thân, chứ không đơn thuần “đến đây chỉ để vẽ”.
2/ Học múa
Cũng tương tự học vẽ, những năm gần đây tại Việt Nam, bộ môn múa, nhất là múa cổ trang đã thu hút lượng lớn học viên, các lớp đào tạo bộ môn này liên tục được mở ra tạo điều kiện giúp nhiều người trẻ có thêm không gian để giải tỏa căng thẳng, áp lực sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng. Những động tác múa không chỉ mang đến những giây phút hoàn toàn thư giãn tâm trí mà còn giúp kích thích khả năng kết nối mạnh mẽ với cảm giác của cơ thể.
Khi tập múa bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự cứng ngắc của cơ thể trước đây dần dần biến mất, thay vào đó là sự mềm dẻo, lôi cuốn. Các bạn trẻ đã từng trải nghiệm những lớp học này cho biết khi múa, họ được thư giãn hoàn toàn, được sống trong từng giai điệu, được điều khiển nhịp thở nên tinh thần rất thoải mái.
Nghệ thuật – Không gian để giải tỏa áp lực
Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều điều phiền muộn và lo âu, thế nên mỗi nét vẽ, nốt nhạc hay điệu múa cũng đều có thể trở thành câu thần chú khiến ta mỉm cười, và làm với đi những căng thẳng.
Chất chứa trong mỗi vũ khúc, bức họa là câu chuyện của một nhân vật, là tình cảm của tác giả, của người biểu diễn, có đôi khi nhẹ nhàng mơ màng, cũng có đôi khi mạnh mẽ quyết đoán. Cũng vì lẽ đó mà nhiều bạn trẻ tìm đến bộ môn những nghệ thuật để thả hồn vào đó, bỏ lại những khó khăn, áp lực của thực tại phía sau.
Kết
Trong cuộc sống hiện đại như ngày nay, biết một chút về các năng khiếu nghệ thuật cũng là một điều thú vị. Đôi khi bản thân sẽ thấy yêu đời và trẻ trung hơn rất nhiều. Tuy nhiên không ít người còn e ngại, vì nghĩ mình không có năng khiếu, hay không khơi dậy được nguồn cảm hứng về nghệ thuật. Nhưng đừng lo, nghệ thuật là không biên giới và lý do tìm đến nó của mỗi người đều rất khác nhau. Vậy nên hãy cứ mạnh dạn thử sức cùng bộ môn mình yêu thích nhé.