Ngôn ngữ không ngừng biến đổi. Và đại dịch toàn cầu bùng nổ đã khiến những bạn trẻ gen Z nghĩ ra những ngôn từ mới mẻ, độc đáo và không kém phần đáng suy ngẫm để miêu tả dịch Corona và những ảnh hưởng của nó trên toàn thế giới.
Đầu tiên, mọi người nghĩ Miss Rona là mối đe dọa duy nhất đối với người già, nên một vài người trẻ bắt đầu gọi nó là Boomer Remover. Nhưng hóa ra những người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh, “vô tình” lan truyền virus, và trở nên yếu ớt. Và bất kì ai từ chối hay cưỡng chế những biện pháp phòng ngừa Corona được gọi là Covidiot. Còn gì nữa không nhỉ? Hãy cùng chúng mình khám phá trong bài viết dưới đây nhé.
1. Miss Rona/The Rona
Đây là từ chơi chữ của Corona, vì “Miss” tạm dịch ra tiếng Việt là “cô” mà. Một vài người thêm “Miss” vào để chỉ “nhân cách” của con virus này. Còn một vài người khác thì chỉ gọi “the Rona” như một cách ngụ ý đơn giản so với tên đầy đủ của nó.
Ở Việt Nam, những bài hát về “cô” Rona này cũng đang trở thành phương tiện tuyên truyền như “Ghen Cô Vy” hay thành một hình thức giải trí thể hiện mong muốn đại dịch chóng qua đi như “Lạy Cô” của anh chàng Tuấn Cry.
2. Post-Rona
“Post-Rona” có thể tạm hiểu là “sau dịch Rona”. Những ngày gần đây, không chỉ những bạn trẻ Mỹ mà các bạn ở Việt Nam cũng đã bắt đầu lên danh sách những việc “nhất định phải làm ngay” sau khi dịch Corona biến mất. Nhiều người đã chuẩn bị cuộc sống hậu đại dịch bằng cách sắm sửa quần áo, đặt chỗ nhà hàng và lên lịch cho những bữa ăn nửa buổi cùng với bạn bè. Nhưng với tình hình hiện nay thì rất khó để nói trước được điều gì, đặc biệt là số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng cao. Cùng với đó là tinh thần “có phần đi xuống” của một số người cũng cho thấy rằng đại dịch này thực sự đang làm mọi thứ trì trệ. Nhưng đó cũng chính là thử thách với mỗi người trẻ chúng ta khi phải nắm lấy “cơ hội” này mà bứt phá. Chúng ta vẫn nên giữ nếp sinh hoạt như thường ngày, làm quen dần với việc thực hiện nhiều thứ trong nhà hơn thôi để sau đại dịch chúng ta có thể “có một diện mạo mới”.
3. Covidiot
Covidiot chỉ những người không thực sự nhận thức được sự nghiêm trọng của đại dịch Corona, phớt lờ việc “cách ly xã hội”, và vẫn tiếp tục cuộc sống của họ như “bình thường”. Hoặc nó cũng ám chỉ những người đổ xô đi mua sắm, “đầu cơ tích trữ” và lan truyền thông tin sai lệch về virus này.
Mới chính thức xuất hiện trong từ điểm Oxford gần đây nhưng “Covidiot” đã trở thành từ khóa được tra cứu và sử dụng gần như nhiều nhất, đặc biệt là khi thông tin về những nhóm bạn trẻ Mỹ “tận dụng” kỳ nghỉ đông và tụ tập hàng nghìn người ở bờ biển Florida. Thật nguy hiểm phải không nào?
4. Coronacation
“Kỳ nghỉ lễ”, “Kì nghỉ hè sớm” hay “Tết Corona” có lẽ là những cụm từ đã trở nên vô cùng quen thuộc đối với những bạn học sinh, sinh viên trong những ngày này. Các trường học đã đóng cửa, các lớp học chuyển sang hình thức trực tuyến, hầu hết mọi thứ diễn ra ở nhà. Đây có vẻ như một kì “nghỉ đông” không thể lường trước được với các bạn trẻ. Nhiều bạn coi việc tự cách ly này như một “kì nghỉ Corona”, hay còn hiểu là kì nghỉ bởi vì virus Corona.
“Tôi vẫn phải học mặc dù nó là ‘kỳ nghỉ Corona’”
“Bạn có muốn ‘quẩy’ trên Zoom trong ‘kì nghỉ Corona’ này không?”
Chúng ta thắc mắc liệu đây có phải “kỳ nghỉ” thật sự không nhỉ?
5. Quarantine and Chill
Những tín đồ của Netflix chắc hẳn sẽ đoán được nguồn gốc của từ lóng này. Hẳn là mọi người không thể thoát khỏi “ám ảnh” với “Netflix & Chill” nữa vì một trong những điều được khuyên nhiều nhất trong đợt cách ly tại gia này là “cày” Netflix. Nhiều người cũng đã bắt đầu đăng những bức ảnh của bản thân trong trạng thái “thư giãn” khi tự cách ly.
“Hôm nay tôi sẽ lại cách ly và nghỉ ngơi, có thể là nằm ở phòng khách vào lúc 3 giờ chiều và ‘mò’ vào bếp lúc 4 giờ.” – Bạn có thấy “hình bóng” của mình trong câu nói này không nào?
6. Boomer Remover
Trong một vài tuần gần đây, một vài người trẻ đã gọi virus Corona là “boomer remover”, ngụ ý quan điểm của họ rằng chỉ những người già mới có thể mất hoặc bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi virus này. Nhưng trên thực tế đã chứng minh thì ngày càng có nhiều người trẻ trong độ tuổi 25-35 bị nhiễm, một phần là do ý thức chủ quan nêu trên. Và cũng vừa mới đây thôi, thông tin về một chú hổ tên là Nadie ở tâm dịch New York cũng được xác định dương tính SARS-coV2 cũng đem lại không ít lo lắng khi giờ đây, ngay cả loài họ nhà mèo này cũng bị lây nhiễm.
Hashtag “Boomer Remover” đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Twitter nhưng nhận lại những sự phản đối gay gắt, đặc biệt là khi một bộ phận người trẻ gọi đó “chỉ là một trò đùa”. Đây là một “memes” thể hiện sự thiếu trách nhiệm và thờ ơ đáng lên án của nhiều người trẻ và cần chấn chỉnh lại. Sau tất cả thì “Corona không chỉ là vấn về với ‘ông bà’, mà nó là vấn đề của CHÚNG TA”.
7. Corona Bae
Corona Bae hay còn được biết đến là “quarantine bae”. Từ này ám chỉ người mà bạn bắt đầu hẹn hò “ảo” (hoặc bạn tự thấy mình thu hút với họ trong khi thực tế là không thấy họ hấp dẫn chút nào hết^^) trong thời gian tự cách ly. Nói cách khác, đây là từ chỉ người mà bạn chỉ cảm thấy thu hút khi bạn tự cách ly trong một thời gian quá lâu. Cũng có thể bởi vì thời gian cách ly khiến bạn “rảnh” hơn, suy nghĩ nhiều hơn về các mối quan hệ và “đâm ra” thích ai đó^^
KẾT: Trên đây chỉ là một vài từ lóng phổ biến nhất trong danh sách những từ được giới trẻ “phát minh” ở thời điểm này. Tuy rằng thú vị nhưng nó lại phản ánh rõ nét thực tế. Có thể nói, đại dịch Corona đem lại những sự chuyển biến lớn trên nhiều mặt trận, đặc biệt là ở khía cạnh sự nhận thức và ý thức hành động của mỗi cá nhân. “Nhờ” có Corona mà xã hội được “phân hóa” một cách rõ ràng và phản ánh đúng bản chất hơn. Dù là cơ hội hay thách thức thì điều quan trọng nhất tất cả mọi người cần và phải làm trong thời điểm cam go này là tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp được các nhà chức trách đưa ra cũng như tự bảo vệ mình là chính. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi bước chân ra khỏi nhà vào thời điểm này bạn nhé. Chúng ta hãy cùng nhau giữ an toàn và quyết tâm chiến thắng đại dịch!