Tất cả chúng ta đều mong muốn làm việc tốt hơn cùng nhau. Công nghệ đang là một trợ thủ đắc lực cho việc cải thiện khả năng cộng tác của con người. Thế nhưng – chỉ công cụ số thôi chưa đủ, thứ tạo ra khác biệt chính là cách suy nghĩ của chúng ta.
Có một sự thật là tốc độ phát triển của công nghệ đang vượt qua khả năng học cách sử dụng của con người. Làm sao chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách này? Vào năm 2014, nhóm nghiên cứu của Mark Bonchek – CEO của Shift Thinking) và Elisa Steele (CEO và chủ tịch của JIVE) đã tìm ra “nhân tố bí ẩn” giúp thúc đẩy sự hợp tác của các cá nhân trong công ty hay tổ chức.
Tổ chức nào cũng đều có một Bộ công cụ giúp cấu trúc, điều hành và quản lý đội nhóm như: bài trắc nghiệm tính cách cá nhân, bảng tích kỹ năng và vai trò của đội nhóm. Khi chúng ta đặt một nhóm cùng nhau, nhà tuyển dụng thường cân nhắc các yếu tố như: Nhân viên đó là người hướng nội hay hướng ngoại, chấp nhận hay e ngại rủi ro, phân tích hay trực giác. Các kỹ năng mà ứng viên có như: họ có chuyên môn trong lĩnh vực nào. Nếu đặt họ vào team thì họ sẽ đóng vai trò gì: Họ sẽ có thể làm gì để đóng góp cho mục tiêu chung của cả team.
Chúng ta thường xem “vai trò” như một định nghĩa của việc họ làm gì, ví dụ như nhà lãnh đạo thì lãnh đạo, nhà nghiên cứu hay nhà quản lý,… Khi bạn cần đưa ra quyết định, bạn liền gặp trưởng phòng, nếu bạn cần cập nhật tính hình, chẳng ngại ngần gõ cửa Quản lý dự án. Còn khi cần nghiên cứu gì đó, bạn sẽ đến gặp các nhà nghiên cứu.
Nhưng trong thị trường đầy biến động hiện nay, các công ty thông minh không nhất thiết phải sở hữu công nghệ vượt trội hơn đối thủ. Có rất nhiều công cụ giúp các nhà quản lý có thể kiểm tra và theo dõi việc các bạn trong team đang làm việc gì, có hiệu quả hay không. Nhưng lại không có công cụ nào giúp chúng ta có thể nhận biết họ nghĩ như thế nào. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cả một team suy nghĩ như thế nào sẽ quyết định thành bại của tổ chức.
Cho nên thay vì giao “vai trò” làm việc, hãy tìm hiểu thêm về cách suy nghĩ của họ. Bằng việc nắm bắt cách suy nghĩ của người khác, cũng như để mọi người biết cách suy nghĩ của bạn, mọi người sẽ đều được tiếp năng lượng, tương tác nhiều hơn, sáng tạo hơn và làm việc hiệu quả hơn.
Một khía cạnh của việc cộng tác chính là làm sao để đảm bảo mọi việc mà mọi người làm đều tương thích với nhau. Nhưng chúng ta thường hay bỏ sót một thước đo cũng quan trọng không kém đó chính là làm sao để mọi người có chung cách suy nghĩ.
PHONG CÁCH SUY NGHĨ CỦA BẠN LÀ GÌ?
Tương tự như phong cách thời trang, mỗi người trong chúng ta sẽ có một phong cách riêng trong cách suy nghĩ. Điều đó phụ thuộc vào 2 yếu tố: sự tập trung và định hướng của bạn.
Làm sao để đánh giá hay biết được team của bạn đang suy nghĩ như thế nào?
Đây là “bảo bối” giúp bạn tự đánh giá cách suy nghĩ của mình và khả năng ảnh hưởng của bạn tới người khác bao gồm 3 bước đơn giản:
1. BẠN DÀNH SỰ TẬP TRUNG CỦA MÌNH CHO ĐIỀU GÌ?
Bạn thường thấy mình để tâm nhất vào điều gì: ý tưởng, quy trình, hành động hay các mối quan hệ? Ví dụ mới sáng sớm thức dậy, bạn liền nghĩ đến việc gì: Công việc cần hoàn thành, người bạn cần gặp hay vấn đề bạn cần giải quyết trong ngày?
Hãy để mình được tự do lựa chọn và cảm nhận nó giống như việc khi bạn chọn xem tivi hay đọc sách, bạn sẽ tìm đến phim hành động, tình cảm lãng mạn, sặc mùi drama hay bí ẩn?
2. BẠN THƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG SUY NGHĨ CỦA MÌNH THEO HƯỚNG NÀO?
Bước tiếp theo là thử quan sát xem bạn có khuynh thích nhìn một bức tranh lớn hay quan sát từng chi tiết trên đó. Một gợi ý giúp bạn có thể xác định nó bằng cách thử nhìn trong các cuộc họp, điều gì khiến bạn “khó chịu” nhất: việc đào quá sâu vào một vấn đề hay việc không được cung cấp số liệu cụ thể?
Hai yếu tố này bổ sung cho tính cách, kỹ năng và vai trò của người đó. Ví dụ cùng là Quản lý dự án: Sếp của bạn sẽ chú trọng vào quy trình, trong khi sếp của đứa bạn của bạn lại tập trung vào yếu tố con người nhiều hơn.
3. “SỰ TẬP TRUNG” GIAO VỚI “ĐỊNH HƯỚNG” SẼ RA PHONG CÁCH SUY NGHĨ TRONG LÚC LÀM VIỆC CỦA BẠN
Phong cách suy nghĩ của mỗi cá nhân trong đời sống hằng ngày sẽ ảnh hưởng đến cách họ suy nghĩ trong công việc.
– Explorer (Người khai phá): Sáng tạo, tối tạo, chiều cũng tạo – luôn tìm kiếm những ý tưởng táo bạo hơn
– Expert (Người đào sâu): Đã làm là phải làm như các “chuyên gia” – đạt được mục tiêu và biết được gốc rễ vấn đề
– Planner (Người lên kế hoạch): Làm gì cũng phải có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, bước 1, bước 2, bước 3 là gì để mọi việc được vận hành trơn tru
– Optimizer (Người tối ưu hóa): Làm gì cũng được miễn hiệu quả và năng suất cao là được
– Energizer (Người tiếp lửa): Lan tỏa và truyền năng lượng thúc đẩy người khác hành động
– Producer (Người sản xuất): Tự cung, tự cấp, tự làm mọi thứ để ra được “sản phẩm” cuối cùng
– Connector (Người kết nối): Cái tên sao, suy nghĩ vậy, luôn muốn gắn kết mọi người, muốn mọi người sát lại gần nhau hơn nữa
– Coach (Người khai vấn): Thích nói chuyện kiểu một đối một để giúp người kia phát triển hết tiềm năng
Trong môi trường kinh doanh thay đổi mỗi ngày, chúng ta cần phải tìm ra cách để kết nối và giao tiếp tốt hơn với nhau. Chúng ta được sinh ra để làm việc cùng nhau, thách thức đặt ra là làm sao để hợp tác với nhau một cách hiệu quả nhất? Câu trả lời nằm ở mức độ thấu hiểu cách suy nghĩ của bạn về chính mình, về đồng nghiệp và về tổ chức như thế nào.
HIỂU ĐƯỢC CÁC PHONG CÁCH SUY NGHĨ SẼ GIÚP BẠN:
1. Lý giải được 1000 câu hỏi tại sao có nhiều công việc đối với bạn cực kỳ nhàm chán, và định vị “khu vực” mình cần cải thiện để hoàn thành công việc tốt hơn.
2. Giúp mình, giúp người – để cùng nhau nhận ra sự khác biệt trong phong cách suy nghĩ, chấp nhận và phối hợp ăn ý với nhau hơn, bớt những căng thẳng không đáng có trong các cuộc họp chỉ vì suy nghĩ khác biệt.
Với các Sếp thì biết được phong cách suy nghĩ của nhân viên thì sẽ đặt đúng người – đúng việc – đúng chỗ. Dự án đang cần một người nhìn chuẩn hóa quy trình, thì Sếp sẽ không chọn người khai phá (Explorer) rồi! Cho nó vào rồi nó đưa ý tưởng không rồi sao nữa…
Với các bạn nhân viên, thì biết được cách suy nghĩ của Sếp, của Đồng nghiệp và của mình sẽ giúp lựa chọn công việc và văn hóa phù hợp với mình hơn.