MỞ ĐẦU

Đây là một buổi chia sẻ, chúng ta bằng vai vế nhau. Dù là diễn giả hay không, đến để nghe hay nói, đều là học hỏi lẫn nhau. Đến với buổi chia sẻ này, chị mong muốn sẽ được học thêm những điều hay từ mọi người nữa.

Chị bắt đầu bằng đề tài hết sức to lớn – chủ đề của buổi workshop hôm nay – Dream global Go global – được đánh giá là đề tài cực hot.
Nói đến Go global là mình đang mở trái tim và vòng tay mình ra, vì có rất nhiều dân tộc, màu da, nhiều ngôn ngữ, văn hoá. Khi ta chưa mở lòng mình ra được, là chưa thể nói chuyện được. Và chúng ta phải mở lòng với những người xung quanh mình trước, chứ không phải kiếm người nước ngoài để nói chuyện.
Vì có một số người tham dự không biết chị Phi Vân là ai, chị đã giới thiệu về mình trong 3 câu:
  • Chị đã có 1 thời gian sống và làm việc trên thế giới ở hơn 80 quốc gia.
  • Chị có cơ duyên làm cố vấn cho ban chính phủ Malaysia, Singapore và Saudi Arabia.
  • Chị là người rất thích nghệ thuât. Chị học vẽ, học làm phim và học đàn. Tuy không giỏi nhưng chị có được một cái nhìn rất khác về cách tiếp cận vấn đề.
Vì theo chị, sống trong thế kỉ 21 là ta đang bàn đến sự sáng tạo, chuyện gì cũng có thể xảy ra mà ta không ngờ tới. Để có thể hội nhập vào thế giới với những điều nằm ngoài sự tưởng tượng của mình, thì chúng ta phải học những kỹ năng nằm ngoài những kỹ năng chuyên môn của bản thân. Dù bạn học kỹ sư, công nghệ hay thực phẩm,… nếu bạn cứ chăm chăm vào những thứ mình học, bạn sẽ không thể nào sáng tạo được. Vì sự sáng tạo trong thế kỉ 21 là sự kết hợp đa ngành đa môn. Vì vậy chúng ta phải mở lòng ra để học những thứ dù không liên quan đến những gì mình học, nhưng giúp rất nhiều cho chúng ta rất nhiều về việc sáng tạo và bước ra khỏi những khuôn khổ sẵn có.

GÓC NHÌN CỦA CHỊ PHI VÂN VỀ THẾ GIỚI

NGƯỜI VIỆT NAM NÊN NHÌN NHƯ THẾ NÀO VỀ THẾ GIỚI

Anh Harry Shum, Chief of AI của Microsoft, là người chịu trách nhiệm tất cả dự án mới nhất về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, nói rằng: “We are only limited by our imagination” – Dù bạn có tưởng tượng như thế nào đi nữa, thì nó cũng chỉ nằm trong giới hạn, còn rất nhiều thứ nằm ngoài giới hạn mà bạn đang nghĩ nữa. Chỉ một câu nói đã tóm gọn được những gì chúng ta cần cho thế kỉ 21, để hội nhập vào thế giới.

Chúng ta được dạy bởi những khuôn khổ, rằng chúng ta phải nói như thế, ngồi trong lớp như thế, chép bài như thế, thi như thế. Đó chính là rào cản lớn nhất đối với người Việt Nam khi bước ra nước ngoài, học và hội nhập ở nước ngoài. Lần đầu ra nước ngoài, chị học ở Sydney. Chị đã gặp khủng hoảng và trở nên trầm cảm, vì mình không biết gì về thế giới. Chị không có kiến thức gì về lịch sử, địa lý, về con người và văn hoá xã hội, về âm nhạc hay nghệ thuật. Ta không giao tiếp được khi bước ra ngoài là điều khủng khiếp nhất. Khi mọi người nói chuyện với nhau, mình không có gì để nói. Mình không tự thoát ra được khuôn khổ và không tự học hỏi để có thể hoà nhập thế giới. Chị mong các bạn hãy suy nghĩ về nó nhiều hơn.

BA CÂU CHUYỆN MÀ CHỊ PHI VÂN TIẾP CẬN THẾ GIỚI:

1. Chị đến Velo, Hà Lan – nơi đầu tư nghiên cứu khoa học kĩ thuật lớn và tạo ra nhiều phát minh nhất thế giới, gồm cả những thứ mới nhất, về công nghệ thực phẩm hay thiết bị bay không người lái,… Họ còn in nhà ở bằng máy in 3D. Điều này cho thấy thế giới đã cách mình quá xa, và nếu chúng ta không tự mình tìm hiểu và hoà nhập vào thế giới đó thì ta sẽ bị bỏ lại ở phía sau. Đừng ngồi 1 chỗ và mong rằng sẽ có một ai đó thay đổi cho mình. Chỉ có bạn quyết định làm chuyện đó cho bản thân mình và tìm ra những cách khác nhau để hội nhập.
2. Tại đây, chị gặp một nhóm startup năm thứ 2 đại học, phát minh ra thiết bị không người lái hình dáng con ong, giúp người nông dân thực hiện việc thụ phấn được đều và sản lượng cao, qua việc quản trị nó bằng máy vi tính. Và họ đạt được giải thưởng châu Âu dù tuổi còn rất trẻ.
3. Chị gặp 1 bạn ở Đan Mạch, nghe bạn thuyết trình về The Grow Room, bạn sử dụng thiết kế, không gian và chất liệu thân thiện với môi trường để trồng rau, và đồng thời cũng làm đẹp cho không gian. Đặc biệt hơn khi bạn chỉ mới 23 tuổi.
Chúng ta nói về thế giới, nói về một giấc mơ Việt Nam vươn ra thế giới, nhưng chúng ta đang ở đâu? Khi đặt mục tiêu vươn ra thế giới: “Tôi muốn làm việc trong một tập đoàn đa quốc gia.”, “Tôi muốn startup một công ty Việt Nam mang tầm thế giới.”…

BA CÂU HỎI CHỊ PHI VÂN MUỐN CÁC BẠN TÌM RA ĐÁP ÁN CHO CHÍNH MÌNH

1. CÂU HỎI ĐẦU TIÊN: “Hiện giờ, bạn đang ở đâu, so với thế giới, bạn cách thế giới bao xa, về hiểu biết, về cập nhật, về kỹ năng,… để hoà nhập?” Tại sao lại đặt ra như vậy? Vì chúng ta phải hết sức chân thành nhận thấy mình đang ở đâu, để ta có thể biết ta cần làm gì để hoà nhập.
  • Labour efficiency, hiệu suất lao động, đóng góp của người dân vào GDP quốc gia, Việt Nam chỉ có 5.400$, trong khi đó cao nhất là một người Ireland 136.000$, gấp 25 lần chúng ta. Cùng một người, cùng khoảng thời gian nhưng hiệu suất lao động của họ cao hơn chúng ta rất nhiều. VÍ dụ gần hơn, một người Singapore làm việc hiệu suất gấp 18 lần một người Việt Nam. Như vậy, đóng góp của chúng ta vào GDP quốc gia kém dù làm việc rất vất vả.
  • Education quality, chất lượng giáo dục của 140 nước trên thế giới: Trong khi Singapore đứng thứ 3, Việt Nam lại đứng thứ 78, thua lào ở vị trí 62.
  • Global citizenship index: những người trẻ tham gia và đóng góp vào sự phát triển của thế giới như thế nào, về môi trường, nhân quyền, phát triển kinh tế – xã hội, theo bảng màu đánh giá từng nước với ba cấp độ, nước ta chỉ mới bắt đầu tham gia và đứng ở cấp độ thứ ba, vị trí còn rất mờ nhạt trên trường thế giới.
2. CÂU HỎI THỨ HAI: “Các bạn đinh vị xem bạn mong muốn điều gì, mong muốn mình sẽ đi đâu?”
Các bạn tham dự đều muốn đến mở mang đầu óc, muốn tổ chức của mình và bản thân phát triển hơn; hướng ra go global và học từ các bạn trẻ; muốn có thêm động lực và hướng đi để take knowledge from the world.

CƠ HỘI

Thế giới rất xa, và rộng lớn, vậy chúng ta có cơ hội không? Cơ hội vươn ra thế giới, đối với chị là bao la. Vấn đề là, từng người trong chúng ta phải hiểu, chúng ta muốn nắm bắt những cơ hội gì.
  1. Làm thuê: làm thuê thì những kỹ năng bạn cần sẽ khác với khi bạn muốn làm chủ. Vì cách làm và cách chuẩn bị khác nhau. Bạn hãy hỏi mình “Tôi bước ra thế giới với tư cách nào?” Ví dụ có một bạn, làm thuê 5 năm cho một công ty đa quốc gia, bạn không có cơ hội, vì cơ hội giành cho những người có kinh nghiệm hơn và ở những quốc gia khác. GM (General Manager), MD (Managing Director), là những chức vụ quản trị cấp cao mà chúng ta vẫn còn nhập khẩu, như Ấn Độ, Phillipines, Singapore, Malaysia hay South Korea. Người Việt Nam chúng ta hầu hết chỉ dừng lại ở Quản trị tầm trung, có người vươn lên được vị trí cao cấp nhưng rất hiếm. Vậy làm sao bạn có thể vươn ra thế giới khi làm thuê? Các tập đoàn nước ngoài đều có chiến lược nhân sự dài hạn, cơ hội luôn có ở đó, nhưng bạn phải xác định tôi sẽ đi làm thuê, và vạch ra rõ ràng những việc bạn cần làm, để vươn ra thế giới.
  2. Freelancer: Hiện nay chuyển động lớn nhất trên thế giới về lao động là về chuyển động freelance, vì chúng ta có thể làm việc rất dễ dàng. Một dự án không thể có một người làm, mà cần có sự đóng góp của nhiều người từ nhiều nghề nghiệp khác nhau. Chúng ta cần tìm co-founder cùng chí hướng để lập thành team, từ công nghệ, marketing, chiến lược cho đến bán hàng. Góc nhìn càng đa văn hoá càng tạo nên sự sáng tạo cho team. Theo thống kê ở UK, cuối năm 2020 sẽ có 40% lao động là freelance, tại Ấn Độ, hiện có 5 triệu người chỉ làm freelance. Vậy, “Tôi làm freelancer tôi có thể đóng góp được cho thế giới không?” – Hoàn toàn có thể, vấn đề là nghề nghiệp của bạn, chuyên môn của bạn ra sao, bạn có update về ngành nghề của mình chưa, bạn có biết cách làm việc với đội ngũ quốc tế tốt không, tiếng anh bạn tốt không. Tiếng anh với chị không phải là ngôn ngữ, mà là kỹ năng sinh tồn.
  3. Startup: Những người nuôi nấng, đầu tư cho các startup, họ cần gì ở một startup? Người Canada hiện có chính sách thu hút nhân tài bằng việc: đưa ra mức startup để đầu tư và có thẻ xanh ở Canada với mức giá cực kì thấp. Thay vào đó, họ yêu cầu trong 3 năm, bạn phải khiến sản phẩm vươn ra 3 thị trường thế giới. Bạn phải bắt đầu nghĩ về thị trường trong nước, thử nghiệm, launch, hiệu chỉnh, rồi lại ra thế giới, tìm khách hàng, kí hợp đồng, chỉ trong vòng 3 năm. Áp lực là rất lớn.
  4. Doanh nghiệp: Bạn có công ty và bạn muốn trở thành một doanh nghiệp trên thế giới? Cơ hội là rất lớn, khi kinh doanh những sản phẩm và dịch vụ mang tính bản địa cao. Vì trong những thế kỉ trước, thị trường mass market – làm một sản phẩm, bán cho 7 tỉ người trên thế giới. Nhưng sự chuyển động mới của thị trường đã phân cấp: người ta muốn nhìn thấy những trải nghiệm, những sản phẩm, con người mang tính bản địa, mang tính cá nhân hoá. Có những người thích con người Việt Nam, thích những câu chuyện đằng sau sản phẩm của Việt Nam. Ví dụ như họ thích trái dừa của Việt Nam, họ sẽ muốn biết ai làm ra gáo dừa, câu chuyện của những người này là gì, gia đình họ ra sao, cảm xúc họ thế nào. Tính bản địa càng cao thì càng được ưa chuộng bởi thị trường thế giới. Nếu bạn là một doanh nghiệp Việt Nam và muốn đi ra thế giới, bạn hãy trở thành một người hết sức Việt Nam. Nếu bàn về sự hiện đại, đẹp, xịn, chúng ta làm không lại các nước đã phát triển. Nhưng nếu về bản địa, sản phẩm cũng có lúc lỗi, câu chuyện có hơi vụng về, thì chúng ta, những con người Việt Nam, hoàn toàn làm được, nhưng phải dưới góc gương chân thật, không được tỏ vẻ. Doanh nghiệp Việt Nam muốn đi ra thế giới, bạn phải đi ngược trở vào, đảm bảo rằng mình Việt Nam nhất, mình nói câu chuyện Việt Nam nhất, dùng ngôn ngữ Việt Nam nhất, để kể câu chuyện về Việt Nam, mình sẽ thành công.
Cơ hội là vô tận. Bạn có thể làm thuê, freelance, startup, hay nuôi lớn doanh nghiệp của mình để vươn ra thế giới. Bạn không quyết định được thì bạn không thể đi được. Bạn phải quyết định, trước khi đi tiếp, vì cách làm là hoàn toàn khác nhau.
3. CÂU HỎI THỨ BA: “Bạn đã biết mình sẽ đi đâu, bạn đã biết mình muốn đến đâu, nhưng bạn phải đi làm sao, làm cái gì?”
Đọc sách: sách là con đường ngắn nhất để bạn bước ra khỏi thế giới này. Chị đã từng thiếu kiến thức xã hội, thiếu đi sự giao tiếp với con người trên thế giới. Vào phòng họp chị có thể bàn về những vấn đề chuyên môn, nhưng ra khỏi phòng họp thì lại không biết nói gì. Những kiến thức về Việt Nam, về văn hoá xã hội Việt Nam, các bạn đều phải biết để lấy làm nguồn tư liệu nói chuyện với bạn bè quốc tế. Mọi người đều quý những giá trị Việt Nam, họ tò mò về văn hoá chúng ta, nhà văn nào nổi tiếng, âm nhạc nghệ thuật như thế nào. Và mình có thể trả lời họ được hay không? Đừng bắt đầu bằng việc tìm hiểu thế giới, hãy để những thông tin rất Việt Nam trở thành nguồn vốn đầu tiên bạn cần có, để kể cho thế giới nghe.
  • Cập nhật kiến thức, khoa học công nghệ trên thế giới đang diễn ra như thế nào. Hiện nay toàn bộ những kiến thức, kỹ năng mà bạn cần từ những trường đại học danh tiếng nhất, đều miễn phí trên mạng. Chị chia sẻ một trong những platform cung cấp tất cả những thông tin cần có, tên là class-central.com. Ở đó tóm tắt mọi platform học miễn phí từ các đại học hàng đầu trên thế giới, chỉ cần một trang web này là đủ dùng cho các bạn.

“When you change the way you see the world, you change the world you see.” – Harry Shum, Microsoft’s AI Chief.

Thế giới đó, lớn nhỏ bao nhiêu, có thể với tới được hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào bước đi tiếp theo của chính bạn. Đừng bao giờ phàn nàn hay đổ thừa ai. Bạn ngồi đó và đổ thừa cho hệ thống giáo dục Việt Nam, tại sao tôi không được học những trường danh tiếng nhất, tại sao tôi không đc may mắn như người khác. Nếu chúng ta muốn đổ lỗi cho số phận chúng ta sẽ có 1001 cách. Nhưng sẽ chẳng có gì xảy ra khi bạn cứ ngồi đó và đổ lỗi.

Q&A

1. Những việc chị đã làm để vượt khỏi sự trầm cảm khi đi du học?
– Chị may mắn khi sinh ra trong một gia đình khó khăn. Nên khi đi học, chị bắt buộc phải đi làm để hỗ trợ cho bản thân. Thời gian chị khóc và trầm cảm rất ít. Sáng 7h chị vào học, chiều 6h ra khỏi trường, 8h vào ca làm, 2h sáng ra ca, 6h dậy và lại tiếp tục học lúc 7h. Chị có rất ít thời gian để đổ thừa cho số phận, chị vươt qua giai đoạn này khá dễ dàng. Chị nhận ra khó khăn cũng có cái hay của nó.
2. “Trước khi mình gia nhập thế giới, mình phải quay về Việt Nam.” Bạn rất bất ngờ vì quan điểm này khác với những thông điệp trong các buổi workshop bạn đã đi. Chân dung Việt Nam khi gia nhập thị trường thế giới sẽ như thế nào?
– Khi bạn đi ra thế giới, thấy người nước ngoài họ khinh thường Việt Nam, bạn sẽ có khuynh hướng từ chối mình là người Việt Nam, vì những tiếng tăm xấu mà một số người Việt gây ra. Trên hành trình của bạn chắc chắn sẽ gặp phải, và đây là điều các bạn cần tránh. Vì khi bạn càng nói dối rằng bạn không phải là người Việt Nam, bạn sẽ càng không có gì để kể cho mọi người nghe. Lỗi lầm lớn nhất của một con người là từ chối nguồn gốc của chính mình.
– Hãy vững tin và nói rằng mình là người Việt Nam, chuyện xã hội Việt Nam như thế nào hãy để nó phai mờ bởi chính con người của bạn, sự cư xử của bạn, kiến thức của bạn khi tương tác với bạn bè thế giới. Chị muốn người ta nhìn vào một người Việt Nam và thay đổi suy nghĩ về đất nước Việt Nam. Một quốc gia được đánh giá qua sự tương tác của một con người thuộc quốc gia đó. Bạn muốn mọi người đánh giá tốt và nhìn nhận đúng về Việt Nam, hãy cư xử tốt và tự hào mình là người Việt Nam, từng con người mới là quan trọng. Hãy tìm hiểu về văn hoá âm nhạc truyền thống của Việt Nam là gì, không cần phải hiểu sâu, bạn chỉ cần hiểu đủ để kể một câu chuyện cho người ta nghe.
– Người ta quý nhau bởi giá trị mà từng con người mang vác trên mình, chứ không phải bạn mang lại cho họ giá trị gì. Những người càng ở vị trí cao, họ sẽ càng không quan tâm bạn mang đồng hồ gì, xe nào, họ đơn giản và quý trọng những giá trị hết sức mộc mạc của một con người. Bạn chỉ cần hiểu về những giá trị hết sức căn bản đó về con người Việt Nam. Đến nước nào, bạn đọc về nước đó, tìm hiểu mọi thứ về nơi đó. Trên mỗi bước đường mà mình đi, mình đi đến đâu mình học đến đó, chứ không phải ở nhà tìm hiểu hết rồi mới đi.
– Nông nghiệp, thủ công, thuỷ sản, ẩm thực: chính là những ngành chính mà Việt Nam có thế mạnh. Vậy ta hãy đi từ thế mạnh của mình. Vấn đề là bạn có nghĩ đủ xa chưa? Vì chúng ta ít nguồn lực, nên thường là làm ngày nào biết ngày đó. Khi trước những dự án chị làm đều có mô hình ít nhất 10 năm. Đó là cách tư duy của những doanh nghiệp ở nước ngoài. Bên cạnh chuyện ngắn ngày để tồn tại, mình còn phải nghĩ chuyện xa.
3. Bạn rất thích nghệ thuật, vậy làm cách nào để cải thiện mắt nhìn của mình?
– Khi chị lớn, có thời gian và nguồn lực tiếp cận nghệ thuật, tất cả những nơi chị đã đi qua, chị đều đến bảo tàng nghệ thuật và học khoá nghệ thuật ngắn hạn, như là vẽ tranh, hoặc học làm phim, để bổ sung kiến thức cho bản thân mình. Chị nghĩ nghệ thuật là một trong những môn ở Việt Nam rất cần xúc tiến và xây dựng thêm. Hiện nay trên thế giới, sự cải tiến phải có yếu tố nghệ thuật trong đó.
– Về trí tuệ nhân tạo, machine learning, mình có thể dạy cho máy móc những điều mình muốn. AI test gần đây nhất của Microsoft, robot chỉ nhận ra những điều xấu khi nhìn vào một bức tranh. Tâm lý học, phylosophy, triết lý học là những thứ Việt Nam còn thiếu mà mình cần học vì chúng là rất cần thiết trong tương lai.
4. Có rất nhiều con đường khác nhau để go global, nhưng những nền tảng, những bước đi đầu tiên là giống nhau. Là người có cái nhìn tổng quát, theo chị những viên gạch nào mình cần xây dựng đầu tiên?
– Dù bạn đang học ngành gì, hãy thật xuất sắc với thứ mình đang học, đừng phân tâm. Trong thế giới mà mọi người làm việc với nhau bằng dự án, họ cần những cá nhân trong team phải thật giỏi chuyên môn của mình. Hãy thật cập nhật những báo cáo mới nhất bằng tiếng anh của nước ngoài. Lại nói về kỹ năng sinh tồn, là ngoại ngữ. Không có nó bạn không thể cập nhật hết kiến thức, phải chờ người khác ngồi dịch. Hãy tập trung trong 6 tháng tới để học tiếng anh, lấy đó làm kênh tiếp cận giữa mình và những kiến thức mới nhất của thế giới. Hãy mở rộng thế giới của mình, không phải là những câu chuyện đánh nhau, những câu chuyện linh tinh không đầu không đuôi. Hãy thay đổi thế giới quan bằng cách học về Việt Nam, về văn hoá xã hội, về nghệ thuật lịch sử. Bạn biết gì về thế giới? AEC – bạn biết gì về cộng đồng kinh tế ASEAN 10 nước này? Bạn có biết chuyển động lao động giữa các nước ASEAN này là miễn phí không? Bạn tìm hiểu gì về những nước này để có thể qua đó làm việc?
– Cơ hội là không thiếu, nếu mình thật sự bỏ qua những thứ tủn mủn, những chuyện không đâu hàng ngày, mà tập trung vào những kiến thức xã hội, mình sẽ khác đi. Sự khác biệt đó nằm ở chọn lựa của chính bạn, hãy tập trung xây dựng năng lực cho chính bản thân bạn. Bạn làm thuê, startup hay freelance cũng được, nhưng bạn đã định vị xem mình cần chuẩn bị những gì chưa?
5. Freelancer và Startup có mâu thuẫn với nhau không? Chị muốn làm gì cho nền giáo dục của Việt Nam?
– Chị nghĩ đối với một thế kỉ mọi người nói về kinh tế sáng tạo, nó chỉ có thể bắt đầu bằng một thế hệ sáng tạo. Ở giai đoạn này, chúng ta, đã trễ rồi. Thế hệ sáng tạo, được giáo dục về tư duy sáng tạo cho các bé 3-4 tuổi, thì mới có thể thay đổi được đất nước trong 20 năm nữa.
– Freelance và startup: muốn startup bạn phải đủ liều, phải biết một năm tới bạn hết tiền vì startup bạn thất bại, bạn chấp nhận thì hãy làm. Trong khi làm startup bạn cứ làm freelance để kiếm tiền, không sao cả.
6. Xuất khẩu nông sản vào thị trường Mỹ: muốn go global phải bản địa hoá. Nhưng khi khai thác làm content cho sản phẩm, thương hiệu của Việt Nam chưa đc nhiều người biết đến. Chị có thể cho lời khuyên khi thương hiệu Việt Nam chưa có chỗ đứng?
– Ở Malaysia, Singapore, chương trình hỗ trợ của họ rất tốt và chi tiết. Chị khuyên: hãy quên chuyện thương hiệu quốc gia của mình sẽ đi đến đâu. Hãy nói câu chuyện của người Việt Nam chúng ta. Cacao Marou được nằm trong cửa hàng bán chocolate ở 1 tỉnh rất nhỏ Đức. Quay lại bản thân mình, tập trung vào những thứ mình cần làm. Dù là sản phẩm là gì, cách bạn xây dựng sản phẩm, xây dựng thương hiệu đều là giống nhau. Hãy chỉ tập trung đúng vào thứ mình cần làm, đừng trông chờ vào sự hỗ trợ của ai cả, đó chỉ là một phần bonus, giữ tinh thần không có cũng không sao. Hãy giữ tinh thần đó, và nên nhớ: startup là collaboration, chúng ta thiếu gì thì tìm co-founder có năng lực đó để hợp tác.
7. Cách giúp các bạn trẻ duy trì ngọn lửa và niềm đam mê, vượt qua trăn trở
– Trên đời này có những người sinh ra, bằng mọi giá phải làm được những thứ mình muốn làm, không cần ai thúc đẩy, họ vẫn làm. Và cũng có những người sinh ra, họ không muốn làm, dù có đưa ra nhiều công cụ và cách thức đến đâu, họ vẫn không làm.
– Về sự kiên định, bạn còn trẻ, bạn hoang mang không biết mình làm có đúng không. Đây là chuyện hết sức hiển nhiên. Khi đó, bạn hãy tìm những người có trải nghiệm, hướng dẫn mình, để mình yên lòng đi tiếp trên con đường mình đã chọn. Chẳng có ai dạy được ai trên đời cả, vì kiến thức trên thế giới và mọi thứ đang cập nhật và diễn ra quá nhanh. Chưa chắc chị am hiểu một số vấn đề như các bạn. Chị chỉ có sự trải nghiệm và vấp ngã các bạn chưa có và những giọt nước mắt các bạn chưa lăn. Các bạn phải tự dạy bản thân mình và đừng trông chờ có ai truyền động lực cho bạn. Chỉ có bạn mà thôi. Đừng bao giờ đến với một người và mong chờ họ có thể chỉ dạy cho mình mọi công cụ để mình thành công. 7 tỷ con người là 7 tỷ hành trình khác nhau và 7 tỷ hoàn cảnh khác nhau. Không ai hiểu bạn bằng chính mình, vẫn có những bí mật trong bạn, và nó là chìa khoá để bạn bước tiếp.

UEH Connected tin rằng bạn đã nhận được vô số những điều bổ ích mà trước giờ mình chưa nhận ra qua những workshop ngày hôm nay đúng không? UEH Connected vô cùng vinh dự khi được chị Phi Vân nhận lời tham dự chia sẻ với các bạn. Mong rằng những giá trị mà chị mang đến trong buổi workshop sẽ thật hữu ích cho các bạn trong tương lai.

Share this post with your friends

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Liên hệ