Nếu biết trước khoảng thời gian mình rời xa thế giới này, bạn sẽ làm gì?
– Nuối tiếc, hoang mang, bình tĩnh và lên cả một “bucket list” …
Nếu biết mình chỉ còn sống được 1 NGÀY thì sao?
-Tiếc nuối, vội vã sống trọn từng khoảnh khắc…
Vậy, nếu chỉ còn 0 NGÀY để sống, liệu bạn còn cơ hội để hối hận?
Nhà cửa, tài sản, sự nghiệp – tất cả đều bỏ lại sau lưng khi ta trút hơi thở cuối cùng. Lúc này, mọi thứ bỗng chốc thu nhỏ lại bằng một bài điếu văn – nơi người ta nhìn ta nhìn đời như một thước phim thu chậm, cho ta biết dấu chân mình đã in đậm đến mức nào trên cõi đời, cho ta nhìn sâu vào những gì ta đã làm, và cho ta nghe những gì chân thành nhất. Ca từ bi thương lời ca tụng có thể làm nên một điếu văn hay nhưng lại kém cái “thật”. Đừng biến điếu văn của chính bản thân mình thành một bài văn mẫu mà hãy để từng ngôn từ trong đó đứng lên và tỏa sáng theo cách mà bạn đã sống trong từng khoảnh khắc trong cuộc đời này!
Không ai khác, người đầu tiên cảm ơn bạn phải là chính bạn. Chúng ta của những năm thanh xuân bận rộn đến quên mình. Thế giới phẳng mở ra nhiều cơ hội cho mỗi cá thể được thể hiện, được cống hiến, đồng thời mang lại những đêm “deadline mất ngủ”, sự cố quá đến quá cố hay cả vạn áp lực vô hình xung quanh. Mãi là con chuột trên đường đua không hồi kết, liệu đó có đáng để phí chữ “sống” của bạn? Tắt hết tín hiệu liên lạc, xách xe chạy trốn khỏi thế gian – Con đường giải thoát điển hình mà ai cũng nghĩ tới nhưng có đủ bền lâu? Giải thoát không phải là trốn tránh, mà đó là khi bạn đủ dũng khí đứng lên để sống cuộc đời của riêng mình, sống hết khả năng và trọn vẹn từng khoảnh khắc. Mải mê sống vì công việc, vì người khác, rồi ai sẽ sống vì “bạn”? Sống làm sao để cuộc đời không chỉ là những chuỗi ngày chấm công tẻ nhạt. Sống thế nào để khi nằm xuống nụ cười mãn nguyện sẽ nở trên môi thay vì tiếng thở dài “Ước gì…”. Không có sống thử, chỉ có sống “thiệt”, cớ sao không ăn món mình thích, lấy người mình yêu, làm điều mình muốn?
Tiếp theo, nếu yêu thương khởi nguồn cho sự sống thì hãy để dấu yêu kết thúc cuộc đời bạn thay vì dấu chấm. Ngày bé, chắc hẳn ai cũng ước mình lớn thật nhanh để thỏa sức tung hoành, làm điều mình thích hay đủ gan để không “sợ” cây chổi lông gà của mẹ nữa. Khi đã đủ đầy với hai chữ “một mình” trên cung đường xê dịch, ta lại thèm lắm một điểm tựa cho riêng mình. Đừng viện cớ “bận” nhằm chắp vá khoảng thời gian với người mình yêu, chỉ cần bạn muốn là có thể làm được. Còn gì ngon hơn khi được chung tay nấu bữa cơm với mẹ, mặc dù ta chỉ “phá” là chính. Còn gì “chill” hơn khi sáng cuối tuần ngồi cà phê vỉa hè với bố, tán gẫu đủ thứ trên đời. Có niềm vui nào đong đếm nổi con mắt sáng ngời, đôi chân thoăn thoắt của con khi được ta đón lúc tan trường. Đáng tiếc nhất là khi nhìn lại, mình đã bỏ lỡ cơ hội yêu và được yêu một cách đúng nghĩa và trong sáng. Bao lâu cho một cuộc điện thoại về nhà? Bao xu cho một bó hoa tặng người thương mà không cần phải là dịp gì mới tặng? Những điều đó không bắt bạn phải căng não như viết luận, cũng không nhiều chữ số như mấy món hàng hiệu. Dành thời gian nhiều hơn cho những người ta yêu để bồi đắp phù sa cho sự trù phú của lẽ sống, để không hối tiếc khi nói lời chia tay không muộn màng…
Cuối cùng, hãy kết thúc điếu văn của bạn bằng lời tri ân từ cuộc đời. Tiếc chi cho một lời tha thứ (forgive ai rảnh tìm kiếm ngữ nghĩa của nó sẽ thấy hay vô cùng), rảnh đâu mà lo sợ mồm miệng nhân gian, ngại gì mà không mời nỗi sợ của bạn uống tách trà, chào hỏi nhau? Cứ là mình, chân thành tử tế với mọi người, làm điều tốt đẹp, giúp đỡ người yếu thế ắt hẳn hình ảnh của bạn sẽ mãi trường tồn trong tiềm thức và trái tim của họ. Điếu văn của bạn không phải là cuộc thi xem ai gào khóc to hơn. Mà đó là cả sự thiêng liêng, trân trọng mà người ở lại dành cho bạn. Khi cái chết thể xác ập đến, ta có thể dõng dạc với vị thần chết kia rằng: Tôi đã sống một cuộc đời như thế đấy, không hối hận và sẵn sàng làm giàu ý nghĩa cho những cuộc đời tiếp nối phía sau..
Bài viết của anh Huỳnh Công Thắng – Sáng lập của Lead The Change